Có một nước Mĩ khác (Sự nghèo khó ở Hoa Kỳ)
Dĩ nhiên, nếu số liệu của cuốn sách ngày nay đã cũ. Nhưng với “những con số của sự lăng nhục”, theo cách nói của Harrington, người đọc sẽ thấy hai nước Mĩ trong quá khứ hiện ra một cách sống động như thế nào. Giống như người ta xem lại những tấm ảnh xưa, khi đọc những mô tả của Harrington và hiểu tâm trạng của tác giả cùng dân chúng thời đó, người đọc sẽ cảm nhận được nhiều điều. Nếu so sánh với các thời kỳ sau này, hoặc so sánh với nước Mĩ thời đó với các nước hiện thời, cái hơn cái kém sẽ một lần nữa thúc bách tư duy người đọc, làm cho bất cứ ai nếu nghiêm túc đọc cuốn sách sẽ khó có thể không day dứt.
Số liệu cũ, dữ liệu cũ và hiện tượng cũng đã cũ. Nhưng tính chính xác và tính chọn lọc của chúng lại được đặt trong bối cảnh mới với những nhận thức mới. Đó là lí do thứ nhất khiến cuốn sách vẫn được tái bản và được đón nhận ở nhiều nước trên thế giới.
Với Harrington, số liệu không phải chỉ là số liệu. “Xin bạn đọc hãy quên đi trò chơi con số”, Harrington nói như vậy ở cuối cuốn sách. Con số và những dữ liệu thực tế dẫu sao cũng mới chỉ là “thông tin cấp một”. Cái ẩn sau những con số và dữ liệu mới đáng quan tâm hơn. Và ở điểm này, Harrington không hề cũ, thậm chí tính gay gắt, triệt để và sâu sắc của cuốn sách ngày nay vẫn là mẫu mực cho mọi nghiên cứu xã hội. Vấn đề Harrington đặt ra đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự của nó, nếu không muốn nói là cấp thiết hơn, do khoảng cách giàu nghèo trên thế giới ngày nay đã nhiều lần gay gắt hơn thời Harrington. Vấn đề đặt ra gay gắt, nhưng không chỉ có thế, khi phân tích và lí giải các hiện tương, Harrington đã không né tránh mà trực diện đi thẳng vào bản chất của vấn đề - nguyên nhân tình trạng nghèo khó, theo ông, nằm ở tính xã hội của nó, điều mà không phải nghiên cứu nào về đói nghèo cũng có thể đạt tới. Đây là lí do khiến cuốn sách được coi là mẫu mực cho những nghiên cứu xã hội học và bản thân tác giả trở thành một nhà xã hội học điển hình.
Harrington viết: “Nước Mĩ dường như bị rơi vào một nghịch lý. Sự nghèo khó của nó không quá đến mức chết người, bởi có rất nhiều người đang hưởng thụ một mức sống khá, nên dường như có sự lãnh đạm và mù mờ đối với cảnh nghèo. Thậm chí vẫn có những người phủ nhận sự tồn tại của văn hoá nghèo khó... Lương tâm của những người sống trong sung túc là vật hiến tế của sự giàu có; còn cuộc sống của người nghèo lại là vật hiến tế của sự cùng khổ về tinh thần và thể chất... Khi ấy vấn đề, ở tầm vĩ mô, là cách nhìn nhận. Một quốc gia thịnh vượng phải nhìn thấu được qua bức tường của sự giàu có để thấy được ở mặt trái của nó còn có những công dân khác biệt... Nghịch lý chủ yếu của nhà nước phúc lợi là ở chỗ nó được xây dựng không phải cho những người khốn khổ cần đến nó mà cho những người hoàn toàn có khả năng tự lo liệu cho chính bản thân họ. Chừng nào ảo tưởng còn tồn tại và người nghèo vẫn còn tự do trôi nổi vui vẻ với trợ cấp thất nghiệp, thì chừng đó cái nước Mĩ khác này vẫn tiếp tục không hề hấn gì. Người ta phải hiểu rằng, sự thực là điều trái ngược hoàn toàn. Người nghèo bị nhà nước phúc lợi bỏ quên hơn bất cứ một nhóm dân nào ở Mĩ (Chương 9, người trích nhấn mạnh thêm).
Về định hướng loại trừ nghèo khó, Harrington viết: “Một ai đó có thể giải thích hiện tượng nghèo khó theo ngôn ngữ đạo đức, quy kết đói nghèo là do lỗi của người nghèo. Những người Mĩ khác là những người có mức sống dưới sự lựa chọn đạo đức, tức là những người bị chìm sâu trong nghèo khó lại không thể nói gì về sự lựa chọn tự do của họ. Vấn đề ở đây là không nên chuẩn bị cho họ những khu nhà giam của nhà nước. Đúng hơn, xã hội phải giúp họ trước khi họ có thể tự giúp mình... Điều cần thiết là nếu muốn nghèo khó bị thủ tiêu thì phải có một cuộc đấu tranh chính trị, một sự tái cấu trúc hệ thống các đảng phái để có thể có một lựa chọn rõ ràng, một tâm thức mới về lí tưởng xã hội (Chương 9).
Dễ dàng nhận ra cách tiếp cận của Harrington có nhiều điểm hợp lý và triệt để. Những đoạn tương tự như vừa trích có thể bắt gặp rất nhiều trong cuốn sách của ông. Như nhiều người đánh giá, ngoài tính xác thực của dữ kiện, số liệu và hiện tượng, ngoài tính gay gắt của một vấn đề xã hội to lớn đã được đặt ra, cũng như ngoài việc chỉ ra nguyên nhân đích thực cần phải giải quyết tận bản chất của vấn đề, cuốn sách của Harrington còn thu hút ở lập luận và văn phong hấp dẫn, sắc bén của một nhà văn thông minh và tài ba. Tất cả tài liệu tham khảo dẫn ra trong bài này, kể cả tài liệu của Nga, đều viết với tinh thần ngưỡng mộ và ca ngợi cuốn sách của ông. Thậm chí, với cuốn sách này, có tác giả còn gọi ông là “người xã hội chủ nghĩa cuối cùng” (1).
Xin trân trọng giới thiệu Michael Harrington và tác phẩm nổi tiếng của ông với bạn đọc.
____________
* Lược trích bài giới thiệu cuốn sách nêu trên của PGS. TS. Hồ Sĩ Quý - Viện Trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội.
(1) Xem: Gary Dorrien. Michael Harrington: Socialist to the End. www.america.ru.