Cơ chế gây tổn thương cho người của virus Ebola
Dịch virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của một loại bệnh trên người có tỷ lệ tử vong cao đến 90%. Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu vào năm 1976. Virus gây bệnh này có hàng loạt biến thể.
Dịch Ebola thường xuất hiện từ những ngôi làng hẻo lánh ở Trung và Tây Phi, gần rừng mưa nhiệt đới. Virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người sau đó lan ra trong cộng đồng theo hình thức từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết loài dơi quạ ăn trái (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của Ebola. Ngoài ra khỉ đột, vượn, lợn... cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi.
Virus ảnh hưởng đến cơ thể người như thế nào
Lây nhiễm virus Ebola có thể tác động đến toàn thân. Điều này có nghĩa rằng virus sẽ tấn công tất cả các cơ quan và mô của cơ thể con người, ngoại trừ xương và cơ xương. Sốt xuất huyết Ebola biểu hiện ở tình trạng đông tụ máu và xuất huyết. Các nhà khoa học hiện chưa tìm ra cơ chế chính xác khi virus tấn công tế bào, nhưng nó được mặc nhiên công nhận rằng một nhân tố cho phép virus thực hiện điều này đó là chúng giải phóng loại protein làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch.
Virus Ebola tấn công các mô liên kết có tốc độ sinh sôi nhanh chóng ở collagen. Collagen là một loại protein được tìm thấy trong các mô liên kết, có chức năng kết nối các mô trong cơ thể lại với nhau và về cơ bản sẽ bị tác động dưới sự xâm nhập của virus.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus Ebola sẽ tạo ra các cục máu đông nhỏ, hình thành trong dòng máu của bệnh nhân, khiến máu lưu thông chậm lại. Các cục máu đông đòng thời gây tắc mạch máu, tạo ra đốm nhỏ trên da và phát triển lớn dần theo tiến trình mắc bệnh. Bên cạnh đó, các cục máu đông sẽ ngăn cản quá trình cung cấp máu đến nhiều cơ quan như phổi, não, thận, ruột, mô...
Tình trạng xuất huyết tự phát sau đó xuất hiện từ các lỗ cơ thể và vết thương trên da (những nơi có vết tiêm hoặc tổn thương). Bệnh nhân có thể tử vong do mất máu quá nhiều hoặc do duy thận và sốc.
Một người bình thường có thể nhiễm Ebola nếu tiếp xúc qua đường máu hoặc chất dịch cơ thể với người hoặc động vật nhiễm virus này. Con người có nguy cơ mắc Ebola sau khi chăm sóc, chôn cất người từng mắc bệnh, hoặc tiếp xúc với virus nếu chạm vào kim kiêm hoặc các bề mặt.
Theo các chuyên gia, hiện chưa có vaccine hay phác đồ điều trị căn bệnh này.
Triệu chứng của người nhiễm virus Ebola
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ hai đến 21 ngày. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, suy nhược cơ thể, đau cơ, đau đầu, đau họng dễ bị nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường.
Tuy nhiên sau đó, người nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng xuất hiện biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy, phát ban và suy giảm chức năng gan thận. Các triệu chứng xuất huyết bao gồm xuất huyết nội và ngoại như nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu từ màng nhầy. Ebola là một trong ít nhất 30 loại virus gây ra các dạng triệu chứng này, hay còn được gọi là hội chứng bệnh sốt xuất huyết do virus.
Các bệnh có triệu chứng tương tự với Ebola là tiêu chảy, sốt rét, viêm gan, viêm màng não hay bệnh thương hàn. Kiểm tra máu và mô có thể giúp chẩn đoán chính xác người nhiễm Ebola.
Khả năng lan truyền dịch
Những ca mắc bệnh Ebola nguy hiểm nhất hiện mới được phát hiện ở châu Phi. Theo giới chuyên gia, dịch Ebola có thể truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác theo đường di chuyển của con người. Do đó, nó có thể dễ dàng lan truyền đến Mỹ nếu một ai đó nhiễm bệnh đến quốc gia này bằng máy bay.
Tuy nhiên, các biện pháp bảo đảm an toàn có thể ngăn chặn người mắc bệnh đến sân bay. Sau quá trình huấn luyện, tổ bay cũng có thể nhận biết triệu chứng nhiễm Ebola của hành khách và thông báo cách ly những người có thể bị nhiễm dịch.
Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi hồi đầu năm và lan truyền khắp khu vực châu Phi. Nó đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia và các tổ chức y tế hàng đầu báo động. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 31/7 cho biết kể từ tháng 3 đã có 1.323 ca mắc Ebola và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tỷ lệ tử vong khoảng 55%.
Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho biết tình trạng hiện tại ở Guinea, Liberia và Sierra Leone chỉ diễn biến tồi tệ hơn và cảnh báo hiện không có chiến lược tổng thể nào để giải quyết sự bùng phát của dịch Ebola.