Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/10/2006 23:17 (GMT+7)

Chuyện chưa biết về tiểu đoàn 56 "Tây Tiến"

Tiểu đoàn đã tiêu diệt một đại đội địch, phá hủy một xe tăng, một xe ủi đất và tiêu diệt 30 tên địch. Trong kháng chiến chống Pháp, trường quân chính Hà Nội đã mở một khóa học mang tên Vũ Công Định, người đại đội trưởng của tiểu đoàn 56 đã anh dũng hy sinh ở Giảng Võ. Liệt sĩ Nguyễn Phúc Lai của đại đội 4, tiểu đoàn 56 được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân và được thành phố Hà Nội chọn đặt tên cho đoạn phố từ phố đê La Thành đến hồ cá Đống Đa.

Tiểu đoàn 56 là tiểu đoàn quân chủ lực đầu tiên của tỉnh Hà Đông, ra đời và đóng quân ở thị xã Hà Đông từ ngày 23-8-1945. Người chỉ huy đầu tiên của tiểu đoàn 56 là đồng chí Lê Trọng Tấn, sau này là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng tham mưu trưởng quân đội ta. Theo hồi ức của Thiếu tướng Lê Thanh là chính trị viên của tiểu đoàn thế hệ đầu tiên, thì ngay sau ngày giành chính quyền ở Hà Đông (ngày 23-8-1945), đơn vị giải phóng quân được xây dựng dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn. Đơn vị này gồm anh em tự vệ, thanh niên cứu quốc của thị xã Hà Đông và các vùng lân cận đã tham gia vào cuộc biểu tình giành chính quyền ngày 21-8-1945 ở Hà Đông, trong đó có cả những anh em tự vệ ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa và một số xã ở huyện Thanh Oai, Hoài Đức v.v.. Tham gia đơn vị này còn có một số ít anh em “Bảo an binh” giác ngộ cách mạng và tình nguyện ở lại với quân giải phóng. Lúc đầu còn gọi là “Giải phóng quân” sau là “Vệ quốc đoàn”, sang năm 1946 có sự chấn chỉnh tổ chức biên chế thì Bộ tổng tham mưu đặt phiên hiệu là tiểu đoàn 56, thuộc trung đoàn 13, chiến khu 2.

Từ những ngày tháng đầu của Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945), quân giải phóng Hà Đông đã có một đại đội đóng ở đồn điền Xuân Thủy, rồi được lệnh “Nam tiến”. Trước ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tiểu đoàn 56 có 5 đại đội triển khai trên một diện rộng ôm lấy Hà Nội: Đại đội 1 đóng ở Chèm; đại đội 3 đóng ở Đại Mỗ; đại đội 4 và tiểu đoàn bộ ở Trại bảo an binh cũ; đại đội 2 đóng ở Tó Hữu và đại đội 5 đóng ở Văn Quán. Đêm nổ súng (19-12-1946), đã có ba đại đội triển khai chiến đấu ở phía nam Hà Nội. Ngày 21-12-1946, hai đại đội còn lại cùng tiểu đoàn bộ do đồng chí tiểu đoàn trưởng Nguyễn Anh Đệ và chính trị viên Lê Thanh ra chiến đấu ở Ô Cầu Dền. Trận đánh ghi nhớ vào đêm 24-12-1946, tiểu đoàn 56 đã tổ chức một đơn vị thọc sâu nhằm thu hút và phân tán lực lượng địch không cho chúng tập trung ở khu phố cổ Hà Nội. Tiểu đoàn đã tiến công thu hút hỏa lực địch để một bộ phận đại đội 2 thọc sâu vào chợ Hôm. Đại đội này dưới sự chỉ huy của đồng chí Vũ Công Định (nhà ở số 78 phố Quang Trung, thị xã Hà Đông) và chính trị viên Lê Chí Thực (quê ở thôn Hà Trì, phường Hà Cầu) chỉ huy. Đại đội này đã quần nhau với địch 3 ngày từ 24 đến 26-12-1946. Sau đó, tiểu đoàn được lệnh chuyển các đơn vị lên chiến đấu ở tuyến Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ. Tại đây có trận đánh mà lịch sử Thủ đô Hà Nội kháng chiến (1945-1954) ghi là trận Giảng Võ. Đồng chí Vương Thừa Vũ-chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội ngày ấy-cũng đã nói đến trận đánh này. Trận chiến đấu kiên cường này của cán bộ, chiến sĩ đại đội 2 đã để lại niềm kính phục trong toàn mặt trận, hai đồng chí chỉ huy đại đội đã hy sinh anh dũng.

Sau cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, tiểu đoàn được lệnh đi “Tây tiến”, hai đại đội được biên chế về đội hình chiến đấu của Trung đoàn 148 (trung đoàn Sơn La). Các đại đội còn lại về trực thuộc mặt trận Liên khu 10, sau là những đơn vị của trung đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312. Trải qua các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, các đơn vị đều lập công xuất sắc.

Thiếu tướng Nguyễn Trí Anh là một cán bộ trẻ của tiểu đoàn đã chiến đấu 56 ngày đêm ở thị xã Hà Đông. Sau đó ông được điều về Trung đoàn Sơn La cùng hai đại đội của tiểu đoàn 56. Ông là người có vinh dự được tham gia trận đánh đầu tiên ở Điện Biên Phủ. Kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Trí Anh không về xuôi mà lại nhận một nhiệm vụ đặc biệt là chỉ huy một tiểu đoàn ngược biên giới sang Phông Sa Lỳ ở Thượng Lào để giúp bạn xây dựng chính quyền, đoàn thể trong các bộ tộc Lào làm căn cứ địa cho cách mạng Lào. Đến cuối năm 1954, khi quân ta đã hoàn thành tiếp quản Thủ đô thì tiểu đoàn của Nguyễn Trí Anh cũng lên đường trở về nước.

Tiểu đoàn 56 đã tham gia vào cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, đã Nam tiến, đã Tây tiến, đã làm nhiệm vụ quốc tế và góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Hằng năm, các cụ cựu chiến binh tiểu đoàn 56 vẫn họp mặt trong một tình cảm sâu sắc thương nhớ hàng trăm đồng đội đã nằm lại trên các chiến trường xưa. Vừa qua tại thôn Kim Bài, huyện Thanh Oai (Hà Tây), đồng chí Trần Quân Lập-người chỉ huy tiểu đoàn 56 ngày cách mạng thành công-đã tổ chức làm “lễ cưới vàng” với chị Hải. Anh chị đã đi một chặng đường chiến đấu 50 năm đầy hạnh phúc và rất nhiều kỷ niệm. Tới dự ngày vui có nhiều tướng lĩnh nguyên là cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn 56, trong đó có một vị linh mục đã 95 tuổi và một nhà sư 84 tuổi đến dự. Linh mục 95 tuổi đó là cụ Bùi Hách, nguyên là quân khí viên của tiểu đoàn 56, khi về hưu, cụ đã nhận nhiệm vụ coi sóc một nhà thờ ở Thanh Oai, Hà Đông. Cụ chưa phải là đảng viên nhưng một lòng theo Đảng hơn một nửa thế kỷ nay. Còn nhà sư là cụ Đưỡng, 84 tuổi, nguyên cán bộ của tiểu đoàn 56 đã chiến đấu ở các chiến trường, sau cụ về ở số nhà 95 Lý Nam Đế và cụ đã vào chùa Thiên Trù ở Chùa Hương để tu. Hai cán bộ cũ của tiểu đoàn 56 đứng bên cạnh người chỉ huy của mình năm xưa, tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa như âm vang trong những tiếng súng của một thời chiến tranh, một thời hòa bình.

Nguồn: Sự kiện và Nhân chứng, 26/09/2006

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.
Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.