Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 10/08/2006 22:08 (GMT+7)

Chúng tôi cố gắng xây dựng một trường đại học hoa tiêu

Ý tưởng cơ bản

Như ai cũng biết, giáo dục của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt ĐH càng là nơi có nhiều vấn đề hơn cả. Ai cũng thấy cần có sự thay đổi lớn, vừa để đáp ứng kịp những yêu cầu bức bách của phát triển hiện nay, vừa vì tương lai lâu dài của dân tộc. Trong một lần làm việc với Chính phủ giữa năm 2004, một số anh em chúng tôi có đề nghị và được Thủ tướng đồng ý cho thành lập một trường ĐH có tính chất “hoa tiêu”, có thể sẽ cùng một số trường ĐH khác theo hướng đó góp phần thay đổi tình hình chung của giáo dục ĐH ở nước ta. Chúng tôi gọi là ĐH hoa tiêu, có ý rằng muốn thay đổi tình hình hiện nay, rất khó dựa trên những trường ĐH đã có từ lâu nay, “nâng cấp” lên mà thay đổi được.

Bởi vì những điều chúng ta muốn thay đổi là thuộc về những gì cơ bản, nền tảng, chứ không phải là chi tiết, mà những trường đã có thì về nề nếp, về tổ chức, về “truyền thống”, về nhân sự..., và quan trọng nhất là về điều mà chúng tôi muốn gọi là triết lý giáo dục, thì đã thành nếp gấp quá lâu và quá sâu, quá nặng nề, rất khó chuyển động.

Cần có một số trường được tổ chức hoàn toàn mới, theo quan niệm mới, thay đổi tận gốc, để từ đó dần dần tác động đến tình hình chung. Ý tưởng đó của chúng tôi được Thủ tướng ủng hộ, và tháng 8-2004 Văn phòng Thủ tướng đã có thông báo ý kiến đồng ý cho Quảng Nam xây dựng một trường ĐH theo ý tưởng đó, “làm mẫu, để tiếp tục mở những trường khác sau này khi có nhu cầu”. Đến tháng 4-2006 vừa qua, Chính phủ đã chính thức đồng ý. Trường ĐH Phan Châu Trinh đã ra đời như vậy.

Một triết lý giáo dục mới

Trong thâm tâm tôi lo nhất hai điều: đó là sức ép của đồng tiền và sức ép của cơ chế. Phải thật kiên định phương hướng cơ bản, đồng thời phải rất linh hoạt, khéo léo tìm được những bước đi thích hợp. Sợ nhất là hai sức ép nói trên, nếu mình không thật kiên định và thật khéo léo, thì đến một lúc nào đó sẽ có thể làm cho mình đi chệch hướng mà không hay. Đây quả thật là thử thách lớn.

Đương nhiên cần những thay đổi toàn diện, từ quan niệm và cách thực hiện tuyển sinh, cho đến chương trình giáo dục, tổ chức giáo dục..., song chúng tôi cho rằng quan trọng nhất là thay đổi về phương pháp dạy và học. Chương trình có hay và mới đến mấy, tuyển được một đầu vào giỏi đến mấy... mà cách dạy và học vẫn như cũ, theo quan niệm cũ thì kết quả cũng sẽ chẳng đi đến đâu.

Phương pháp dạy và học nói trên chính là điều mà chúng tôi gọi là triết lý giáo dục. Tất nhiên, người ta đến trường là để có kiến thức, kiến thức là quan trọng, nhưng như chúng ta đều biết kiến thức thì vô tận và kiến thức của nhân loại ngày nay đang được nhân lên với một gia tốc rất nhanh, không có cách gì biết được hết, và thật ra cũng chẳng cần biết cho hết mọi kiến thức làm gì.

Điều quan trọng là trên cơ sở một số kiến thức cơ bản nào đó, con người học được cách suy nghĩ, độc lập suy nghĩ, tự mình đi tìm ra kiến thức mới, tự mình đi tìm ra lẽ phải, chân lý và hành động theo những gì chính mình tìm ra được và tin tưởng.

Con người ta tự học suốt đời chính là theo ý nghĩa đó. Và cách đào tạo đó chính là đào tạo ra những con người thật sự tự do, cho một xã hội tự do, là lý tưởng của chúng ta... Chúng tôi sẽ làm mọi việc để cố gắng thực hiện cho được sự thay đổi quan trọng nhất này. Tất nhiên phải đi từng bước nhỏ, từ cái nhỏ đến cái lớn, có những bước đi thích hợp, kiên định mục tiêu thay đổi nhưng bước đi cụ thể phải rất khéo léo, linh hoạt.

Điều quan trọng là cần thấm nhuần mục tiêu này trong mọi công việc, mọi khâu, mọi hoạt động của trường... Ví dụ như khâu tuyển sinh. Chúng tôi quan niệm một trường gọi là chất lượng cao không phải là chỉ tuyển cho kỳ được những học sinh giỏi nhất vào trường của mình. Thực tế cũng chẳng có như thế để cho mình tuyển.

Trường chất lượng cao là trường mà ở đó những học sinh được coi là bình thường, qua học ở đấy, tự khám phá ra được, tự giải phóng được tiềm năng của mình, trở thành người giỏi ở đời, một con người dám và biết độc lập suy nghĩ, có ý chí và biết sáng tạo. Vì vậy ở khâu tuyển sinh, chúng tôi có thể căn cứ phần nào trên điểm thi nhưng không lấy đó làm chuẩn duy nhất, mà còn có thể có những cách khác nữa để thăm dò, phát hiện tiềm năng của học sinh, như cho làm thử một khóa luận (essay), phỏng vấn...

Về chương trình cũng vậy. Hiện nay, không khó tìm được những chương trình tiên tiến của các ĐH tiên tiến trên thế giới để tham khảo, vận dụng. Vấn đề là chương trình phải được xây dựng theo một quan niệm giáo dục tiên tiến.

Mô hình Trường đại học tư thục Phan Châu Trinh
Mô hình Trường đại học tư thục Phan Châu Trinh
Chẳng hạn chúng tôi sẽ rất coi trọng những nền tảng về xã hội nhân văn, cho cả những sinh viên sẽ đi sâu vào các ngành khoa học tự nhiên. Ở các nước tiên tiến, bây giờ người ta thường chủtrương có hai năm học đầu tiên gọi là G.E. (general education), tức giáo dục tổng quát hay giáo dục kiến thức nền, trước khi đi sâu vào chuyên ngành. Chúng tôi sẽ đi theo con đường đó... Và, như đãnói, quan trọng nhất là phương pháp dạy và học.

Sẽ cố gắng tối đa loại trừ phương pháp học nhồi sọ, bị động, thầy đọc trò chép, học thuộc lòng... như vẫn phổ biến ở các ĐH hiện nay. Giờ lên lớp sẽ giảm đi rất nhiều. Sẽ tạo điều kiện tối đa cho người học tự đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi, rồi thảo luận, tranh luận, tranh cãi, rèn luyện óc phê phán, rèn luyện cái tôi muốn gọi là “đức hoài nghi”, nghi đã rồi mới tin. Muốn vậy phải thay đổi ở rất nhiều khâu, trong đó quan trọng nhất là người thầy. Đây là khó khăn lớn. Chúng tôi đang cố gắng tập trung gỡ ra ở khâu này...

Giải quyết vấn đề cơ sở tài chính vật chất của trường

Chúng tôi chọn mô hình trường tư thục là để có được một cơ chế tương đối thông thoáng, thuận lợi cho những thay đổi mong muốn thực hiện. Song, ngay từ đầu, chúng tôi xác định đây không phải là chỗ kinh doanh làm giàu bằng giáo dục, như đã xảy ra ở một số nơi lâu nay.

Trường sẽ từng bước cố gắng đi dần đến chỗ tự trang trải, thăng bằng được thu chi và sinh lợi, nhưng sinh lợi là để đầu tư trở lại vào phát triển trường, chứ không phải để chia nhau làm giàu.

Hiện đã có một số nhà doanh nghiệp, tâm đắc với sự nghiệp giáo dục, với yêu cầu cấp bách cải cách giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH, tâm đắc với phương hướng của Trường Phan Châu Trinh, cùng nhau đầu tư vào trường, theo mô hình một công ty cổ phần. Chúng tôi cũng xây dựng một quĩ gọi là Quĩ phát triển giáo dục Phan Châu Trinh, tiếp nhận những tài trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước mong muốn giúp đỡ mô hình hoa tiêu của Trường Phan Châu Trinh hoạt động và phát triển thành công.

Mặt khác, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất tích cực của tỉnh Quảng Nam và thị xã Hội An. Lãnh đạo ở đây khẳng định quan điểm coi Trường Phan Châu Trinh tuy theo mô hình tư thục, nhưng không phải là của một nhóm tư nhân đến đây kinh doanh giáo dục kiếm lời, mà là nằm trong sự nghiệp giáo dục và văn hóa của tỉnh, của thị xã. Vì vậy họ đã cấp cho chúng tôi 100 hecta đất ở vị trí rất đẹp để xây dựng trường và đang có một số chủ trương, cơ chế giúp trường chúng tôi.

Về học phí

Học phí hẳn sẽ phải cao. Chúng tôi thấy không thể duy ý chí mà nói rằng có thể làm giáo dục chất lượng cao với học phí quá thấp. Phải có được thầy giỏi, được trả lương một cách xứng đáng. Phải có trang thiết bị tốt. Phải có những điều kiện sinh hoạt và học tập tốt cho sinh viên. Học phí cao cần đi đôi với một cơ chế học bổng tốt. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng cơ chế này. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần nghiên cứu một chế độ cho vay để đi học, như ở nhiều nước người ta vẫn làm lâu nay. Có thể thử thí điểm ở một vài nơi, một vài tỉnh trước chăng?

* Theo tính toán, khóa đầu tiên dự kiến sẽ tuyển 10 lớp với số lượng khoảng 300 sinh viên. Một số ngành đầu tiên mà ĐH Phan Châu Trinh sẽ chiêu sinh là ngoại ngữ (Anh, Nhật, Trung, Pháp), khoa học xã hội và nhân văn (dân tộc học, truyền thông, văn học - báo chí, du lịch), công nghệ thông tin (ngành Internet - phối hợp với Trường ĐH Aix - Marseille II, Pháp), kinh tế (ngân hàng - tài chính), kiến trúc xây dựng - qui hoạch và công nghệ sinh học - môi trường.

* Tháng 9-2006, ĐH tư thục Phan Châu Trinh sẽ chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên tại cơ sở đầu tiên đóng ở số 2 Trần Hưng Đạo, thị xã Hội An. Trong tương lai, ĐH Phan Châu Trinh sẽ xây dựng tại khu đất rộng 100ha thuộc xã Cẩm Thanh, cách đô thị cổ Hội An chừng 4km. Theo thiết kế, diện tích dùng để xây dựng giảng đường, thư viện, phòng nghiên cứu, thí nghiệm, ký túc xá chiếm không quá 20%. Diện tích 80% còn lại được dành cho công viên cây xanh, hồ nước, vườn tượng, sân vận động...

* Ban sáng lập ĐH Phan Châu Trinh gồm: GS Hoàng Tụy, GS Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Văn Hạnh (chuyên gia hàng đầu về vật lý hạt nhân), TS ngữ văn Phan Ngọc Thu, GS Lê Văn Cường (giám đốc nghiên cứu - Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp ở Paris), TS Ngô Như Bình (ĐH Harvard, Mỹ), thạc sĩ Trần Đức Cảnh (chuyên gia kinh tế thế giới - đầu tư và phát triển tại TP Lawrence, bang Massachusetts, Mỹ), TS Nguyễn Ngọc Quang (phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam), doanh nghiệp Đỗ Xuân Diện và nhà văn Nguyên Ngọc (trưởng ban sáng lập).

Nguồn: tuoitre.com.vn

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.