Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 05/10/2009 16:27 (GMT+7)

Chứng thận tinh bất túc trong Đông y

1. Nguyên nhân sinh bệnh

Chứng thận tinh bất túc nguyên nhân là do tiên thiên bất túc, hậu thiên nuôi dưỡng không đủ hoặc do lao thương quá độ dẫn đến thận tinh suy tổn, tuỷ hải rỗng không, đối với trẻ em thì phát dục chậm, đối với người lớn thì chưa già đã yếu, chân tay mềm yếu mà sinh ra bệnh.

Chứng thận tinh bất túc thường gặp trong các bệnh như: Giải lư, Ngũ trì, Ngũ nhuyễn, Nuy chứng, Huyễn vựng, Hư lao, Dương nuy, Bất dựng,…

2. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân thường chóng mặt ù tai, lưng gối yếu mỏi, dương nuy, không thụ thai, đối với trẻ em thì phát dục chậm, chậm lớn, trí khôn kém, khớp xương mềm yếu, thóp mụ lâu không kín, đối với người lớn thì chóng già yếu, hai chân yếu mỏi, đi lại khó khăn, tinh thần đần độn, đi đứng chậm chạp, mạch tế vô lực…

3. Biện chứng

Chứng thận tinh bất túc thường ở mỗi người, mỗi lứa tuổi có khác nhau, đối với trẻ em thì phát dục kém, thể lực và trí lực chậm phát triển, thể trạng bao giờ cũng kém hơn lứa tuổi nhi đồng. Đối với người lớn thì già trước tuổi, tinh lực không dẻo dai, trí nhớ giảm sút, răng tóc rụng sớm, chức năng sinh lý bạc nhược. Thận tinh là vật chất cơ bản để duy trì sự sinh trưởng phát dục, giữ gìn giống nòi và mọi hoạt động sinh lý bình thường của tạng phủ, nuôi dưỡng toàn thân. Thận tinh còn hoá ra khí, sinh ra huyết, vì vậy khi gặp chứng thận tinh bất túc là do thận tinh hư suy dẫn đến khí huyết đều hư. Trên lâm sàng sắc mặt không tươi, trắng nhợt, mệt mỏi, đoản hơi, tay chân yếu, tự ra mồ hôi, mạch tế nhược…

4. Phân biệt chẩn đoán

Cần phân biệt chẩn đoán chứng thận âm hư với chứng thận tinh bất túc, cả hai chứng đều thuộc hư chứng, tinh thuộc âm, chứng thận tinh bất túc thường phụ thuộc vào chứng thận âm hư. Về nguyên nhân và cơ chế bệnh của hai chứng gần giống nhau nhưng cũng có chỗ khác nhau, chứng thận âm hư hàm nghĩa rộng hơn chứng thận tinh bất túc. - Chứng thận tinh bất túc chỉ là một lý do của chứng thận âm hư. Chứng thận tinh bất túc là chỉ biểu hiện khí bất túc, còn chứng thận hư thì ngoài biểu hiện của thận tinh hư suy mà còn xuất hiện chứng hoả vượng.

Còn chứng thận tinh bất túc là do tiên thiên phú bẩm không đủ, hậu thiên nuôi dưỡng không được chu đáo. Hoặc do mất huyết tổn thương tân dịch, làm cho âm tinh suy tổn. Hoặc do tình dục quá độ mà thận tinh cạn kiệt. Sách Linh khu nói: “Nhập phòng quá độ thì hại thận, thận tinh suy nhược hoặc rỗng không thì người bệnh thường đau đầu, ù tai, tai điếc, chóng mặt. Do thận chủ sinh tuỷ, khi thận tinh hư suy thì liệt dương, tình dục giảm sút, không thụ thai.

Đối với trẻ em tinh giúp cho trẻ phát dục, tinh suy thì sự phát dục của trẻ chậm, có khi sinh ra chứng ngũ trì, ngũ nhuyễn. Chứng thận âm hư ngoài những nguyên nhân nói ở trên còn có nguyên nhân là do ôn bệnh nhập vào hạ tiêu làm cho tân dịch của thận và can bị tổn thương, hoặc do phế âm bất túc, cả hai chứng đều thuộc hư chứng, nhưng chứng thận tinh bất túc là do tinh khí suy tổn, còn chứng thận âm hư là bắt nguồn từ âm hư hoả vượng đó là những lý do để phân biệt giữa hai chứng.

5. Phương pháp điều trị

5.1. Do thận tinh bất túc xuất hiện chứng thóp mụ không kín (giải lô)

Nguyên nhân bệnh:Sách Ấu ấu tập thành viết: “Thận chủ não tuỷ, thận suy thì não tuỷ bất túc dẫn đến thóp mụ không kín”. Do tiên thiên bất túc, hoặc hậu thiên bị ốm đau thể lực yếu, thận tinh bất túc, tuỷ hải không đầy đủ mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng lâm sàng:Thóp mụ lõm xuống rộng không kín, đầu và trán nổi nhiều gân xanh, trẻ tin thần đần độn mắt nhìn không sáng, sắc mặt trắng nhợt.

Phương pháp điều trị:Bổ thận ích thuỷ, ích khí dưỡng huyết.

Bài thuốc thường dùng:Bổ thận địa hoàng hoàn.

Thục địa          16g

Ngưu tất          8g

Đan bì             8g

Trạch tả           8g

Sơn thù            10g

Phục linh         8g

Hoài sơn          12g

Lộc nhung       16g

Ngày một thang sắc uống, hoặc tán bột làm viên hoàn mật, mỗi viên 4g.

Ngày uống 2 lần mỗi lần uống 1 viên.

5.2. Do thận tinh bất túc mà trẻ em sinh ra chứng ngũ trì ngũ nhuyễn.

Nguyên nhân bệnh:Sách Y tôn kim giám viết: “Chứng ngũ trì ở trẻ em, phần nhiều do khí huyết của cha mẹ hư yếu, làm cho tiên thiên của đứa trẻ không đầy đủ, trẻ em sinh ra gân xương mềm yếu, đi lại khó khăn, răng mọc chậm, ngồi không vững, đều do thận bất túc”. Do tiên thiên bất túc, khi sinh ra nuôi dưỡng không được chu đáo, thận tinh không đầy đủ, khí huyết hư yếu mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng lâm sàng:Tuy tháng tuổi đã đủ nhưng răng không mọc, không đi được, thóp mụ không kín, trí tuệ không phát triển, gầy còm…

Phương pháp điều trị:Bổ thận tinh, ích khí dưỡng huyết.

Bài thuốc thường dùng:Lục vị địa hoàng hoàn gia vị.

Thục địa          16g

Đan bì             12g

Sơn thù            10g

Trạch tả           12g

Hoài sơn          12g

Phục linh         12g

Tuỳ theo chứng trạng mà gia các vị cho phù hợp, ngày một thang sắc uống.

5.3. Do thận tinh bất túc sinh ra chứng nuy

Nguyên nhân bệnh:Trương Cảnh Nhạc nói: “Nguyên khí tổn thương thì tinh hư không tới khắp được, huyết hư không doanh dưỡng được”. Do phòng lao quá độ, hoặc do bệnh tật lâu ngày tinh khí suy hao, can thận hư tổn mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng lâm sàng:Khi chân yếu, dần dần liệt, lưng và cột sống mềm yếu, hay chóng mặt, di tinh, có trường hợp bệnh nhân sinh ra chứng đái dầm.

Phương pháp điều trị:Bổ ích can thận.

Bài thuốc thường dùng:Hổ tiềm hoàn.

Quy bản          16g

Thục địa          12g

Hoàng bá         12g

Bạch thược      8g

Tri mẫu            12g

Toả dương      12g

Hổ cốt             16g

Trần bì             12g

Tán bột mịn, làm viên mật, mỗi viên 4g, ngày uống 3 lần mỗi lần 2 viên với nước đun sôi để ấm, tuỳ theo chứng có thể gia vị để đạt hiệu quả cao hơn.

5.4. Do thận tinh bất túc xuất hiện chứng huyễn vựng

Nguyên nhân bệnh:Sách Linh khu viết: “Tuỷ hải bất túc đầu óc quay cuồng, tai ù, chân yếu, mắt kém, người mệt mỏi”. Bệnh có thể do tiên thiên bất túc, do người tuổi cao già yếu khí suy, hoặc do tình dục phóng túng dẫn đến lao thương thận tinh bất túc, tuỷ hải rỗng không cả trên và dưới đều hư.

Triệu chứng lâm sàng:bệnh nhân thường chóng mặt, tinh thần mệt mỏi, uỷ mị, hay quên, lưng gối mềm yếu, tai ù, điếc, mạch huyền tế.

Phương pháp điều trị:Bổ thận ích tinh.

Bài thuốc thường dùng:Tả quy hoàn.

Thục địa          16g

Ngưu tất          8g

Hoài sơn          12g

Thỏ ty tử         12g

Câu kỷ tử        12g

Lộc giác giao   12g

Sơn thù            8g

Quy bản giao   12g

Ngày 1 thang sắc uống, hoặc làm viên mật, mỗi viên 4g, ngày uống 3 lần mỗi lần uống 2 viên với nước đun sôi để ấm. Tuỳ chứng và sức khoẻ bệnh nhân có thể gia vị để đạt hiệu quả cao hơn.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.