Chùa Một Cột dựng từ thời nào?
“Văn bia trong chùa dựng năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, do Tì khưu Lê Tất Đạt soạn có đoạn ghi: Nước Việt ta xưa trong thành Long Biên có cái hồ hình vuông... Năm Hàm Thông đời Đường (nước ta trong thời gian này bị nhà Đường đô hộ) dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây một toà lầu ngọc, trong đó đặt tượng Quan Âm để thờ cúng. Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng. Khi vua Lý Thái Tổ chưa có hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm vua nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm với lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn cho dựng thêm một ngôi chùa ở bên phải chùa Một Cột là Diên Hựu để mở rộng việc thờ cúng, làm sáng rõ sự tôn sùng... Trải qua ba bốn đời vua nối tiếp nhau dựa trên cơ sở cũ, sửa sang thêm và đều hưởng phúc lành như cát sông Hằng”. Từ trên cơ sở đó, sách này kết luận:
“Như vậy, chùa Một Cột khởi thuỷ xây dựng từ thời thuộc Đường, trên một trụ đá ở giữa hồ nước. Đến triều Lý đã cho tu sửa lại ở chỗ cũ. Vua Lý Thái Tông đến đó cầu nguyện, có được hoàng tử nối ngôi, đã đặt tên cho chùa là Diên Hựu (phúc lành dài lâu)”.
Với lòng tự tôn dân tộc, độc giả hẳn hoài nghi điều này và có sự phản ứng, còn chúng tôi thấy đó là điều sai lầm. Nhưng để cải chính lại luận điểm sai lầm trên thì không phải đơn giản, vì đó là Văn bia của cố nhân. Cho nên, chúng tôi đã dành thời gian lục tìm các tư liệu có liên quan đến chùa Một Cột, kể cả tư liệu về nước ta thời kỳ thuộc Đường do Cao Biền làm thái thú, và truyền thuyết về sự tích “bất hảo” của nhân vật này: y có phép phù thuỷ, cưỡi diều đi trên mây, nhìn vị trí “long mạch” của nước ta, rồi cho chôn trụ đồng để trụ yểm... Trên cơ sở đó nhằm khẳng định chùa Một Cột xây dựng vào thời nhà Lý. Đó là tiêu chí của bài khảo cứu này, với những cứ liệu sau đây:
* Đại Việt Sử ký toàn thưghi: Kỷ Sửu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 6 (1049) mùa đông tháng 10 dựng chùa Diên Hựu... Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Bà Quan tâm ngồi trên toà sen, đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi. Có người cho đó là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, bằng cách dựng cột đá ở giữa ao, làm toà sen trên cột như vua đã thấy trong mộng, cho các nhà sư đi lượn vòng quanh tụng kinh cho nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu).
* Nguyễn Đăng Thục dẫn sách La Thành cổ tích dân vịnhcủa tiến sĩ Trần Bá Lãm (1788) cho chúng ta biết thêm về lịch sử chùa Một Cột như sau: Chùa ở tại xã Nhất Trụ, huyện Vĩnh Thuận. Thời xưa đất ấy hoang bỏ, chưa có xóm trại. Cao Biền khi sang đô hộ An Nam, bảo đất ấy là chỗ sườn rồng chạy, sai đóng cột đồng vào đấy để cắt đứt long mạch của nước ta. Về sau dân đến ở đông đúc, thành xóm làng gọi là xã Một Cột (cột đồng D.Đ.M.S)... Vua Lý Thái Tông tuổi đã cao, mà chưa có người nối nghiệp, đêm nằm mộng thấy đến thôn Một Cột, gặp Phật Quan Âm Bồ Tát gọi vua bảo: ...Đất này rất linh, cột đồng làm thương tổn đến long mạch đã lâu rồi, nên kịp huỷ đi thì vận nước lại lâu thêm mấy đời nữa, bằng không thì hết rồi đấy. Nói xong, Đức Phật vời vua lên đài vàng, ẵm tiên đồng ban cho. Tỉnh mộng, vua sai xây chùa ở phái Tây làng để thờ Quan Âm Bồ Tát, đổi niên hiệu thành Diên Hựu, huỷ bỏ đồng trụ âm phủ, năm sau sinh hạ Hoàng tử.
* Chúng tôi đã đến thăm chùa Một Cột (2002) và trao đổi với nhà sư trụ trì của chùa Thích Tâm Kiên, ông nói: Lời của nhà chùa truyền lại, chùa Một Cột xây dựng từ thời nhà Lý, ở giữa một cái hồ nước hình vuông.
Biểu tượng của chùa Một Cột
Chùa Một Cột cho đến nay đã có gần một ngàn năm và trải qua nhiều đợt trùng tu tôn tạo, song chỉ thay đổi phần cấu trúc quần thể hoành tráng của hành lang ở bên ngoài, còn cái tinh thần cốt lõi của ngôn chùa, kể từ nhà Lý cho đến nay vẫn là chùa Một Cột (Nhất trụ). Hình tượng một bông sen mọc lên giữa một hồ nước trong xanh hình vuông – chính cái đặc biệt đó của ngôi chùa đã khiến các nhà nghiên cứu văn hoá ngày nay nảy ra nhiều ý nghĩa khác nhau.
Nguyễn Đăng Thục, đã liên tưởng chùa Một Cột với hình tượng Linga Yôni (hình ảnh kết hợp âm dương của Ấn Độ giáo và ChămPa). Trong cuốn Lịch sử tư tưởng Việt Namông viết: Chùa Một Cột là một công trình hợp sang rất thần tình, vì nó đã hoá trang linh phù Linga – Yôni của Chiêm Thành: Hình tượng một bông sen xuất hiện giữa đầm nước, trên cái cuống bằng đá đồ sộ, đội một ngôi điện nhỏ mái cong, nhắc nhở dân chúng cái hình ảnh ngôi nhà sàn cao cẳng của Văn minh Đông Sơn.
Không những hình tượng bông sen, mà ngay kiểu kiến trúc bằng gỗ nhỏ của ngôi chùa có hình đao rồng trên một chiếc cột, cũng gây sự chú ý cho các nhà nghiên cứu đi tìm nguồn gốc của chùa Một Cột qua hình ảnh của những ngôi nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn. Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ đưa ra ý kiến cho rằng: Chùa Một Cột mang hình bông sen nhô lên giữa hồ nước là một sáng tạo về nghệ thuật kiến trúc, trên cơ sở phát huy kiểu nhà mái tròn khắc ở mặt trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Nhà dân tộc học Nguyễn Khắc Tụng (1978) lại chứng minh chùa Một Cột có nguồn gốc từ miếu thờ thần cây Hương. Và theo TS. Ngô Văn Doanh thì chùa Một Cột cấu trúc ở thời Lý là một đàn tràng Mađala Phật giáo có những chức năng thần bí:
- Là một kiến trúc đánh dấu nơi Đức Phật Quan Âm làm phúc (mách bảo phá đồng trụ âm phủ của Cao Biền, ban con trai cho nhà vua).
- Là nơi linh thiêng thờ Phật Quan Âm.
- Vật phá âm khí đồng trụ của Cao Biền.
- Nơi làm lễ cầu trường thọ cho nhà vua và các nghi lễ Phật giáo khác.
* Về đặc điểm cấu trúc chùa Một Cột, trên mái ở bốn góc đều dựa theo hình “đao rồng” trên nhà sàn của trống đồng Đông Sơn. Đó là tính dân tộc trong bản sắc văn hoá Việt cổ.
Tóm lại, tính biểu tượng mang bản sắc dân tộc, thì qua những ý kiến vừa trích của các tác giả nói về biểu tượng của chùa Một Cột. Trong đó các ý kiến cần được chú ý, đó là ý kiến của Nguyễn Đăng Thục coi chùa Một Cột là biểu tượng Linga Yôni (vì rằng ở Ấn Độ Linga Yôni được hoá thân thành thần Siva), hoặc GS Chu Quang Trứ đưa ra ý kiến cho rằng: Chùa Một Cột mang hình bông sen nhô lên giữa hồ nước là một sáng tạo về nghệ thuật kiến trúc, trên cơ sở phát huy kiểu nhà mái tròn khắc ở mặt trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ và ý kiến của GS Nguyễn Khắc Tụng coi hình ảnh chùa Một Cột có nguồn gốc từ miếu thờ thần cây Hương. Thần cây Hương nghe nói tưởng nó xa xôi, nhưng chúng tôi coi miếu Cây hương cũng như miếu Trò Trám là biểu tượng của vật “thiêng” Nõ Nường, mà vật thiêng Nõ Nường thì hoá thành Thần Đồng Cổ của Đại Việt, như Linga của Ấn Độ đã thành thần Siva.
Về nhân vật Cao Biền
Theo chuyện dân gian Hà Nội, Cao Biền trong thời kỳ làm Thái thú ở nước ta, đóng ở thành Long Biên, y có phép phù thủy, thường cưỡi diều bay lên mây, nhìn thấy đường rồng chạy ra Hồ Tây. Cho nên y cho đóng trụ đồng để yểm.
Theo Lê Trần Minh, trong các thời nhiệm chức của các quan đô hộ xứ phương Bắc thì có Cao Biền (đến La Thành năm 866) là kẻ mưu mô và thâm hiểm hơn cả. Là một thầy phong thuỷ, Cao Biền đã đi thăm thú nhiều nơi. Sách cũ ghi rằng từ Châu Hoan (Thanh Hoá) trở ra trên đất ta, Cao Biền đã phát hiện 632 huyện chính (huyệt Phát Đế) và 1517 huyệt bàng (huyệt Phát Quan), rồi vâng lệnh vua Đường, Cao Biền đã cố công yểm những huyệt đó, hòng triệt tận gốc hiền tài của nước ta. Việc làm đó của Cao Biền hẳn đã khiến cho không ít “nho sĩ” của ta lưu tâm để ý và quyết tâm lần tìm theo dấu để triệt phá.
Nhận xét
* Qua hình ảnh biểu tượng của chùa Một Cột (miếu Câu Hương) mang bản sắc văn hoá Đại Việt, và hình đao rồng trên mái ngôi chùa là dựa theo kiểu hình mái cong trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ...
* Qua ba cứ liệu, trong đó 2 cứ liệu trong sử sách đó là Đại Việt Sử ký toàn thưvà sách La Thành cổ tích dân vịnhcủa Tiến sĩ Trần Bá Lãm và cứ liệu thứ 3 lời lưu truyền tại chùa - đều nói chùa Một Cột xây dựng từ đời Lý.
* Nước ta thời thuộc Đường với Thái thú cai trị, trong đó tiêu biểu là Cao Biền y đã chôn trụ đồng để yểm các huyệt của ta thì đúng hơn, song người ta nhầm lẫn mà nói “xây toà lầu ngọc, trên một cột trụ giữa hồ, trong đó thờ Phật Bà Quan Âm”.
* Điều sai lầm này không riêng gì ở chùa Một Cột, chúng tôi để ý một số nơi và thấy nhiều ngôi chùa của ta đều có tư tưởng “vọng ngoại” này.
Tại chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, trong một lần Hội âm nhạc Hà Nội về tham quan, sư thầy Thích Đức Tuyên trụ trì chùa giới thiệu, tượng bộ xương trong khám sau chùa là Thuyết Công Hoà Thượng người Trung Quốc, sau khi Ngài đi thuyết giáo từ Sài Gòn ra, rồi viên tịch lại chùa vào thế kỷ XVII. Đó là hiện tượng xảy ra ở những ngôi chùa lớn, không chỉ thế, ngay cả ở ngôi miếu nhỏ như, miếu thờ Nõ Nường ở Tứ Xã Phú Thọ cũng thế. Ngôi miếu này có tên tục là bà Đụ Đị tên nôm là Nõ Nường (sinh thực khí) và tên chữ là Ngô Thị Thanh Thanh. Ở đó người ta cũng coi bà Ngô Thị Thanh Thanh là con ông Ngô Quang Điện người Trung Quốc. Chúng tôi lên nghiên cứu Trò Trám (1994) đề nghị Ban quản lí Di tích bỏ cái quan hệ hão huyền, thấy người sang bắt quàng làm họ với nước ngoài đi và họ đã bỏ.
Nếu kể ra thì rất nhiều nơi như thế, đó là do, từ Đại Việt Sử kí toàn thưphần Ngoại kỉcũng cho Lạc Long Quân và Âu Cơ là có dòng dõi với Đế Minh Trung Quốc.
Tóm lại, phải chăng do người Việt tự ti, cho nên đã lấy cái uy linh cao đạo của nước lớn đặt vào trong chùa của mình cho nó ra oai. Trong khi đó lại bỏ quên đi một nền văn hoá do Tổ tiên chúng ta tạo dựng nên, chỉ tính từ thời Đông Sơn, đó là thạp Đào Thịnh, Thần Đồng Cổ Ngọc Lũ, Hoàng Hạ... Ngoài ra, kinh đô bao giờ cũng có vật linh.
Chùa Một Cột là vật linh “hèm” bảo vệ kinh đô Thăng Long, đồng nghĩa với Cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, chùa Một Cột ở Hoa Lư, song khi xây xong kinh đô Thăng Long thì chưa có bản thiết kế, cho nên vua Lý Thái Tổ lấy đền Bạch Mã làm vật linh tạm thời. Đến năm 1049 đời vua Lý Thái Tông, bản thiết kế về chùa Một Cột vật linh bảo vệ Thăng Long, do nhà sư Thiên Tuệ chấp bút mới xong, trình lên nhà vua và được chấp thuận. Còn chuyện nhà vua nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm dắt lên toà sen là huyền thoại, người ta thêm vào cho ly kì của một vật linh.
Còn nói chùa Một Cột xây dựng từ thế kỷ VIII đời nhà Đường là không đúng. Vào thời điểm đó, ở vùng hồ ấy thái thú Cao Biền cho chôn đồng trụ để yểm long mạch của ta thì đúng hơn. Trần Bá Lãm trong La thành cổ tích dân vịnhcũng dẫn lại lời của Đức Phật nói: “Đất này rất linh, cột đồng làm thương tổn đến long mạch đã lâu rồi, nên kịp huỷ đi thì vận nước lại lâu thêm mấy đời nữa, bằng không thì hết rồi đấy”.
Như vậy chùa Một Cột được xây dựng vào đời nhà Lý, chứ không phải đời nhà Đường.
Điều này cần có một cuộc Hội thảo để làm sáng tỏ và khẳng định vấn đề.
Nguồn: Văn hiến Việt Nam , số 9, 2006