Chùa Khmer trong đời sống văn hoá của đồng bào Khmer Sóc Trăng
Trong chùa thường xuyên diễn ra các lễ hội Phật giáo như lễ Phật đản, lễ Nhập hạ, lễ Dâng y, lễ Kết giới, lễ An vị tượng Phật… và một số lễ hội nông nghiệp như lễ vào năm mới Chol Chnam Thmay còn gọi là lễ chịu tuổi của con người Khmer trong đó có các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí thể hiện phong tục tập quán, lối sống, cảm nghĩ, thái độ, sự sáng tạo và khiếu thẩm mỹ của người Khmer; Sống động, hấp dẫn nhất là các hoạt động thả đèn gió, thả diều, thả đèn nước… Ở lễ hội Ok om bok còn có hội đua ghe ngo trên sông là một ngày hội biểu dương sức mạnh của người Khmer miền sông nước.
Từ xưa, chùa luôn là một ngôi trường dạy chữ cho con em trong phum sóc, đặc biệt vào thời Mỹ - nguỵ, bất chấp sự cấm đoán của nhà cầm quyền, chùa vẫn tiếp nhận và dạy nhân dân chữ Khmer để bảo vệ tiếng nói, chữ viết và các truyền thống văn hoá Khmer. Ngoài việc dạy chữ Khmer, chùa còn dạy chữ Pali, dạy các nghề phổ thông cho nhân dân. Chùa cũng là nơi che dấu cán bộ cách mạng và giữ nhiều hiện vật quí giá như một bảo tàng lịch sử.
Mỗi ngôi chùa Khmer đều có tên riêng, ngoài ra còn có tên phụ như chùa Wathseraytecho Mahatup vì có nhiều dơi về ở nên có tên là chùa Dơi, chùa Salon vì trang trí bằng các loại chén kiểu được gọi là chùa Chén Kiểu, chùa Bửu Sơn có nhiều tượng bằng đất sét gọi là chùa Sét… và đều là những quần thể kiến trúc đẹp mắt, trang nghiêm có giá trị lịch sử văn hoá to lớn.
Trong tất cả các ngôi chùa Khmer, chùa Kh’ leang là ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, kiến trúc giống hệt các chùa Khmer bên đất bạn Campuchia. Chùa toạ lạc ở số 71, đường Mậu Thân, khóm 5, phường 6, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Lúc đầu vào năm 1533, chùa được dựng bằng gốc, lợp lá, sau này đã xây lại bằng gạch ngói và có kiến trúc hiện giờ là nhờ lần trùng tu cách đây 80 năm. Chùa nằm trong một khuôn viên rộng tới 3.825 mét vuông, có rào quanh, cổng cao với hàng tháp nhỏ đa tầng, hai bên cổng là đôi rắn thần Naga bảy đầu. Hàng rào cũng trang trí đẹp gồm những bánh xe luân hồi, hoa sen và hoa cúc. Nổi bật nhất ở chùa Kh’ leang là ngôi chính điện Sala được dựng năm 1918, diện tích 800 mét vuông. Đây là một dãy nhà sàn bằng gỗ cách mặt đất một mét, nhiều bậc tam cấp, và có một cửa chính hướng về phía đông. Chính điện được dựng bằng sáu hàng cột gồm 60 cây cột trụ gỗ lim khắc hình tượng chim thần hoặc tiên nữ trong tư thế hai tay đỡ mái vòm, mái điện gồm ba cấp, mỗi cấp chia ba nếp, bốn góc mái uốn cong hình ngọn lửa, trên cùng là một tháp nhọn. Vách tường và trần có những bức bích hoạ về cuộc đời Đức Phật từ khi Ngài giáng trần cho tới khi khai minh và nhập Niết Bàn. Giữa điện là tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 6,8 mét đúc năm 1916. Đây là nhà hội của sư sãi và tín đồ Phật tử, là nơi tổ chức những sinh hoạt nghi lễ cổ truyền của nhân dân. Chùa Kh’ leang còn có tháp đựng tro cốt, lò thiêu xác, nhà khách, trường học dạy chữ Khmer. Hiện nay, chùa còn lưu giữ một bản sao thư tịch cổ về nguồn gốc địa danh Sóc Trăng và lịch sử xây dựng chùa.
Ở đồng bằng sông Cửu Long có chừng 400 ngôi chùa Khmer, thì đã có tới 90 ngôi chùa ở Sóc Trăng, và đẹp nhất là chùa Wathseraytecho Mahatup còn gọi là chùa Dơi, toạ lạc ở số 73 B đường Lê Hồng Phong, phương 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Được gọi như vậy vì trong khuôn viên rộng 2000 mét vuông của chùa sinh sống đàn dơi quạ đông tới cả triệu con, là loại dơi to nặng gần 1,5 kg, sải cánh 1,5 mét, đã tụ tập ở chùa từ cách đây 200 năm, hàng ngày từ sáu giờ chiều chúng bay đi kiếm ăn đến 3 giờ sáng hôm sau lại quay về đậu trên những ngọn cây cao trong vườn chùa. Điều đặc biệt là chúng chưa bao giờ ăn quả trong chùa và gây phá hoại trong chùa, như thể đây chính là một nơi đất lành muôn thuở. Chùa Dơi được dựng vào năm 1569. Mái chùa gồm hai lớp ngói sặc sỡ, đầu hồi bốn góc trạm trổ hình rắn thần Naga và trên cùng là một ngọn tháp nhọn. Chùa được đỡ bằng nhiều cây cột, điêu khắc tượng tiên nữ Kemnar. Bao quanh tường còn có những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật. Chùa cũng có nhiều bộ kinh luận viết trên lá thốt nốt. Trong chính điện có một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá nguyên khối tọa trên toà sen cao hai mét. Vào ngày 15 - 8 - 2007, do trong lễ nhập hạ Phật tử đốt đèn cầy quá lửa nên đã làm cháy chính điện, làm hư nhiều đồ song đã được phục hồi. Du khách đến chùa Dơi trước tiên là để lên điện Phật thắp hương, tham quan các bảo vật quí với hàng ngàn tượng Phật và tứ linh nặn từ đất sét sau đó ra vườn để ngắm đàn dơi và hít thở bầu không khí trong lành của chùa.
Chùa Muni Sakor Domomphil còn gọi là chùa Xẻo Me dựng từ năm 1675. Hàng năm, chùa tổ chức nhiều lễ hội Khmer như lễ vào năm mới Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Don Ta, lễ cốm đẹp Ok om bok, lễ cúng trăng. Mùng một tết Chol Chnam Thmay, các vị sư đọc kinh cầu an tiễn đưa các vị tiên thành của năm cũ về trời và rước các vị tiên thánh của năm mới tới phù hộ cho bà con phum sóc. Mùng hai tết, nhà chùa làm lễ tắm Phật, các vị sư sãi cũng thanh sạch và cho nhân dân tham gia. Suốt đêm, chùa cầu siêu cho người quá cố, sau đó tổ chức hội để nhân dân nấu những món ăn ngon tại chùa, múa lăm vông, hát rô băm, du kê…. Đặc biệt là có hội đua ghe ngo sôi nổi, thu hút hàng triệu người coi.