Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học Công nghệ VN - Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng:
“Công nghệ” chôn lấp rác đe dọa sức khỏe người dân
- Ông có thể đánh giá tình hình rác thải hiện nay tại các đô thị Việt Nam?
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng:Rác thải là vấn đề của toàn cầu. Người ta tính tại các đô thị ở VN, bình quân một người mỗi ngày thải ra 1 kg rác. Các vấn đề ở VN đang mắc phải, thứ nhất là người dân chưa được hướng dẫn để phân loại rác tại nhà. Ở các nước, bao giờ trong một gia đình cũng có 3 thùng chứa 3 loại rác khác nhau: chất rắn, nylon và hữu cơ. Việc phân loại ngay từ từng hộ gia đình sẽ giúp việc thu gom, xử lý rác rất đơn giản.
Thứ hai là chi phí thu gom, vận chuyển rác của VN rất thấp. Mỗi hộ gia đình chỉ đóng góp 15 đến 20 ngàn đồng một tháng là rất thấp, mà lại tính bình quân trên đầu hộ là không đúng mà lẽ ra phải tính bình quân trên đầu người. Tuy nhiên, khoản đóng góp này cộng với việc hàng năm nhà nước phải chi ra nhiều nghìn tỉ đồng cũng chỉ đủ cho việc thu gom và chở rác đến bãi.
Vấn đề thứ ba là mỗi đô thị ở VN có cách thức tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác khác nhau. Qui trình không được chuẩn hóa, thiếu chặt chẽ cho nên gây ô nhiễm rất cao.
Ví dụ: Đầu tiên không được để rác tồn đọng ở một địa điểm quá lâu, khiến ruồi muỗi, nước rỉ rác gây ô nhiễm thứ cấp. Thứ hai: không được vận chuyển rác quá xa, không để xảy ra tình hình có bãi rác trung gian như hiện nay. Thứ ba: khi đến bãi rác rồi thì phải phun chế phẩm hoặc hóa chất diệt ruồi muỗi, côn trùng, giảm nước rác.
- Theo ông, hiện công nghệ xử lý rác tại VN có những vấn đề gì cần lưu tâm?
- Điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là hầu hết các đô thị ở VN đều đang xử lý rác bằng “công nghệ” chôn lấp. Ở VN hiện có 2 hình thức chôn lấp: thứ nhất chôn lấp thủ công – tức là đào một cái hố lớn, đổ rác xuống đó rồi chôn. Cách này khiến ruồi muỗi, côn trùng đổ đến, sinh sôi nảy nở, nước rác tràn ngập gây mùi hôi thối, ô nhiễm rất lớn.
Hình thức chôn lấp thứ 2 có khá hơn là rác được ép lại, sau đó chôn lấp theo các ô có thứ tự. Nhưng cả hai trường hợp này, xét cho cùng chỉ là vấn đề chôn lấp. Về lâu dài thì vẫn ô nhiễm, nước rác vẫn rỉ ra gây ô nhiễm các mạch nước ngầm và chảy lênh láng trên bề mặt; côn trùng, ruồi muỗi vẫn rất nhiều và mùi hôi thối xung quanh các bãi rác là rất lớn, đấy chính là nguyên nhân gây bệnh lâu dài, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Vì vậy, gần đây người dân ở nhiều đô thị phản ứng không cho phép làm nhà máy rác, không cho phép làm bãi đổ rác, thậm chí không cho đổ rác.
- Vừa qua, báo chí có nhắc nhiều đến khu công nghệ xử lý rác ở Đa Phước, TPHCM của ông David Dương. Ông đánh giá thế nào về hình thức xử lý rác ông David Dương đang áp dụng?
- Đây là một nhà máy có thể nói là dẫn đầu về qui mô, về đầu tư tài chính và diện tích thậm chí về mặt doanh số, nhưng về vấn đề công nghệ tôi nghĩ cần phải xem xét lại. Suy cho cùng thì những gì ông David Dương đang làm vẫn là dùng biện pháp chôn lấp. Dùng biện pháp chôn lấp sẽ dẫn đến các tác hại:
Thứ nhất: Rác khi đến bãi không xử lý ngay để gây ra ô nhiễm tại chỗ gọi là ô nhiễm thứ cấp, kéo theo ruồi muỗi, côn trùng, vi khuẩn có cơ hội phát tán. Thứ hai: Mùi hôi thối, nước thải, mê tan và khí dộc sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Thứ 3. Nước rỉ rác từ hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, dần sẽ tạo thành một lượng nước rỉ rác khổng lồ hàng ngàn khối, có chứa kim loại nặng, có asen, có nhiều hóa chất độc hại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nước rỉ rác này sẽ tràn trên bề mặt, ngấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây bệnh tật, đặc biệt là bệnh đường hô hấp và tiêu hóa, ngoài da. Nếu gặp mưa, tác hại sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Bây giờ chúng ta có thể chưa thấy rõ lắm tác hại, nhưng trong 10 – 15 năm sau chắc chắn sẽ gây hậu quả rất lớn. Theo tôi, chúng ta cần phải yêu cầu ông David Dương chuyển hướng sang công nghệ xử lý khác và chính phủ cần phải quyết định dừng lại toàn bộ các các dự án chôn lấp rác, kể cả các dự án có nguồn vốn ODA.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng - nguyên thứ trưởng Bộ KH-CN trong buổi tư vấn cho chính quyền Sa Đéc, Đồng Tháp về công nghệ xử lý rác
- Để tốt cho môi trường, theo ông cần áp dụng những công nghệ xử lý rác như thế nào?
- Xu thế chung của thế giới hiện nay là nhiệt hóa và coi rác là nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm cho xã hội như khí biogas, hạt nhựa, phân bón, gạch, dầu DO và nhiệt lượng phát điện
Hiện một số địa phương có nhà máy xử lý rác được đầu tư lớn, từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ, song rất tiếc là công nghệ và chất lượng công nghệ xử lý không tốt, dẫn đến việc là tiền chi thì rất nhiều, nhưng nhiều nơi vẫn chôn lấp, nhà máy chỉ vận hành một thời gian là hỏng.
Chúng tôi đã chứng kiến một nhà máy ở Hải Dương, được đầu tư nhiều triệu USD nhưng tỉ lệ chôn lấp lên đến 70%. Và vấn đề là: chúng ta vẫn chưa có những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật, chưa quản lý tốt và chưa có chế tài trong việc xử lý rác.
Theo tôi, vấn đề xử lý rác hiện nay cần phải có một chính sách thống nhất, một cách làm tốt nhất là nên xã hội hóa việc xử lý rác. Nhà nước qui hoạch vị trí, giao đất xử lý rác, thẩm định chất lượng công nghệ phù hợp và đặc biệt là ban hành chi phí giá xử lý rác cho các vùng khác nhau. Có chính sách cho vay vốn từ quĩ môi trường hoặc từ ngân hàng với hỗ trợ lai suất và cuối cùng là hỗ trợ nghiên cứu chế tạo công nghệ theo tiêu chuẩn VN.
Để làm việc đó, tôi nghĩ việc xử lý rác phải hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp. Tỉ lệ chôn lấp không được quá 15%.
- Hiện ở VN có những công nghệ xử lý rác như thế nào, theo ông biết?
- Trong quá trình đi khảo sát nhiều nơi thì tôi thấy có những công nghệ cần được khuyến khích như của Công ty Ba An (Phủ Lý, Hà Nam), Viston (Uông Bí, Quảng Ninh), Nhiệt Đồng Tâm (xử lý rác công nghiệp 48 tấn/ngày tại Hà Nội, 100 tấn/ngày tại Thủ Dầu Một, Bình Dương), Sặt ở Hải Dương và Hợp tác xã nhựa và bao bì Phương Nam TPHCM (xử lý 600 tấn/ngày ở Đà Nẵng),… có công nghệ tốt có thể xử lý rác bằng phương pháp nhiệt hóa tại VN.
Ở các đô thị cũng có thể áp dụng thêm công nghệ của Sanyo (Nhật, sản xuất tại Thái Lan) với hình thức đốt rác tự cháy với công suất 10 - 15 tấn/ngày để làm giảm ô nhiễm thứ cấp.
Một loại công nghệ nữa là của Công ty Thủy lực của Bộ Xây dựng ở Đồng Văn, Hà Nam. Công nghệ này cũng ko phải là công nghệ đốt mà là cracking ngược dầu mỏ. Rác đến sẽ được xử lý thành biogas, viên năng lượng (cracking từ nylon), từ đây có thể dùng làm phân hoặc sử dụng để đốt lò hoặc chạy máy phát điện.
Rác tập kết không cần phân loại và sẽ được phun chế phẩm BM để không có ruồi muỗi, rác trở nên khô ráo nên không có nước rỉ rác và cuối cùng là đốt trong buồng đốt thứ cấp và sơ cấp, cuối cùng còn lại 7-8% tro. Số tro này có thể chôn lấp. Như vậy tỉ lệ chôn lấp chỉ còn 7-8% mà là tro sạch và nhiệt độ đốt trên 1.100 độ C thì không có dioxin độc hại.
- Xin cảm ơn ông