Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí thức ngành y
Hồ Chí Minh - sức lôi cuốn và niềm tin
Sau ngày Độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên rất nhiều nhân sĩ, trí thức phục vụ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc.
Giáo sư Hồ Đắc Di sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, được đào tạo và làm việc ở thủ đô nước Pháp, rồi về nước làm việc dưới chế độ cũ được cảm hoá bởi tấm gương hy sinh, đạo đức trong sáng, cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi ở Pháp, sinh viên Hồ Đắc Di đã rất ngưỡng mộ và khâm phục lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngày 2/9/1945, nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, được biết đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông rất vui mừng.
"Đối với riêng tôi, thân thế và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch gắn bó với cả sự thức tỉnh về ý thức dân tộc trong buổi đầu, với cả sự lựa chọn con đường đi về sau này, với cả niềm tin vững chắc vào tương lai của đất nước”.
GS. Hồ Đắc Di đã được Hồ Chủ tịch và Chính phủ tín nhiệm giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng trong ngành giáo dục và y tế, có 32 năm là Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội.
Kể từ khi được gặp Bác Hồ ở Paris (1919) đến khi Bác mất (1969), người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã nói:
"Càng sống lâu, càng suy ngẫm, càng hiểu sâu biết rộng, càng nhìn thấu kim cổ Đông Tây, ta càng thấy rõ Bác Hồ của chúng ta quả là bậc vĩ nhân của các vĩ nhân. Theo tôi, Người là một Einstein về mặt đạo đức. Lời nói nào của chúng ta có sâu xa đẹp đẽ đến đâu chăng nữa, cũng không thể nào nói lên đầy đủ tầm vóc của Người. Có lẽ chính lịch sử mới đủ sức nói lên tầm vóc đó. Điều kỳ diệu của Bác Hồ là Người là bậc thánh nhân xuất chúng nhưng lại không xa rời nhân dân đại chúng, là nhân vật thần thoại truyền kỳ nhưng lại gần gũi biết bao đối với những con người bình thường, nhỏ bé và bất hạnh. Người có ảnh hưởng sâu xa đến tâm tư, tình cảm của mỗi chúng ta, trẻ cũng như già".
GS. Hồ Đắc Di là người hiểu thấu tư tưởng và thấm nhuần đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện ở chính cuộc đời ông: Giáo sư là một trí thức, có địa vị cao trong xã hội, song cuộc sống hàng ngày rất giản dị, cởi mở, nhân hậu vị tha, trọng đạo lý hơn lợi lộc, hưởng thụ. Giáo sư đã được Nhà nước tặng thưởng 8 huân chương cao quý, năm 1996 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật.
Giáo sư Tôn Thất Tùng là người chăm lo sức khỏe Hồ Chủ tịch ngay từ những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông kể: "Nhớ ngày đầu tiên ở Bắc Bộ phủ: một cụ già ăn mặc rất giản dị, gầy gò, trán cao, hai mắt sáng và toàn thân toát ra một sức hấp dẫn lạ thường. Ngay giờ phút ấy, tôi đã biết cuộc đời của tôi, tâm hồn và trí tuệ tôi đã đi theo Bác. Tôi vui sướng lắm".
Giáo sư viết: "Bác ơi, công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con".
Trong suốt cuộc đời mình, Giáo sư đã vinh dự được gần gũi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, tin cậy với niềm tin yêu đặc biệt và tình cảm gần gũi.
Ông viết: "Nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau như Bác Hồ đã tập hợp trí dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".
GS. Tôn Thất Tùng là Anh hùng Lao động (1962), được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1982) và năm 1996 đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật.
Hồ Chí Minh - một tình thương bao la
GS. Đỗ Xuân Hợp được Bác Hồ giao nhiệm vụ tổ chức cứu đói vào tháng 10 năm 1945:
- Hàng triệu người mình đang chết đói, hàng vạn người khác cũng đang lâm vào cảnh túng quẫn. Bác giao cho chú Hợp nhiệm vụ tổ chức cứu đói. Chú về cùng mọi người bắt tay vào việc, làm sao bớt đi được nhiều người chết đói, chết rét.
Bác ân cần dặn dò cách thức làm việc, cách thức vận động quyên góp và tổ chức lực lượng.
Thực hiện nhiệm vụ Bác giao, BS. Hợp mời nhiều vị thân sĩ trí thức tham gia công tác tại Hội Cứu đói. Ông cùng các hội viên đi đến nhiều gia đình ở các đường phố quyên góp tiền gạo ủng hộ đồng bào. Hội đã tổ chức những điểm nấu cháo để phát cho những người bị đói, hoặc cấp gạo, cấp tiền cho người quá túng bấn.
Năm 1946, BS. Hợp tháp tùng Bác Hồ đi thăm hỏi, động viên nhân dân Nam Định, Thái Bình đang đắp đê chống lụt. Nhân lúc nghỉ ở gần thị xã Nam Định, Bác đã ân cần hỏi thăm hoàn cảnh riêng của bác sĩ. Bác hỏi về các cụ thân sinh, về những người trong gia đình. Bác lấy kẹo trao cho BS. Hợp và dặn "Bốn cụ bốn cái, thím một cái và ba cháu ba cái nhé. BS Hợp cảm động đón nhận sự quan tâm rất ân cần của vị Chủ tịch nước.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình BS. Hợp và các trí thức Việt Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ tham gia kháng chiến đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Bác Hồ tuy ở xa nhưng Người vẫn theo dõi bước tiến bộ của những người trí thức mà Bác đã dìu dắt. Mùa thu năm 1952, trong dịp dự lớp chỉnh huấn do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, BS. Hợp may mắn được gặp vị lãnh tụ kính yêu. Bác nói: "Bác có phần thưởng cho chú Hợp đây!". BS. Hợp xúc động đưa hai tay đỡ lấy chiếc áo cánh bằng đũi, có thêu dòng chữ: "Nhân dân Bắc Kạn kính dâng Hồ Chủ tịch". Chiếc áo được cả gia đình BS. Hợp giữ gìn như một báu vật.
Với gần 60 năm theo nghề y, từ khi còn là y sĩ (1929), là bác sĩ (1944) và được Nhà nước ta phong hàm giáo sư năm 1955, GS. Đỗ Xuân Hợp là người có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc quân y và dân y, có công sáng lập và xây dựng ngành giải phẫu và hình thái học Việt Nam. Ông được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật (1996).
Giáo sư Trần Hữu Tước, năm 1946 là một thầy thuốc trẻ ở Paris, sau khi phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn ta tại Pháp, cảm mến Người, theo lời kêu gọi của Người, đã rời bỏ kinh đô nước Pháp, trở về nước. Ông đã được Bác Hồ quan tâm dìu dắt, chăm lo ân cần và thân tình.
Cuối năm 1949, do làm việc vất vả, đi lại nhiều và chưa quen khí hậu, sức khoẻ của bác sĩ Tước giảm sút nhiều. Bác viết thư ra lệnh cho ông phải nghỉ công tác.
Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình, Hà Nội. Ảnh: TL |
Năm 1951, sau mấy năm bị bệnh, ông chỉ còn 42kg, so với lúc về nước ông nặng 75kg. Lúc này ông mới rời Thanh Hoá đi tới An toàn khu.
Ông đến chào Bác. Vừa bước vào khoảng sân nhỏ, Bác đã nhanh nhẹn từ trong nhà đi ra. Bác bắt tay và ôm lấy ông. Với một giọng ấm áp, ân cần, Bác hỏi kỹ về bệnh tật rồi công tác, Bác dặn:
- Có điều kiện, chú nên ra nước ngoài chữa bệnh, rồi còn bao nhiêu công việc...
Một buổi chiều, một chiếc xe zeep nhỏ đến đón ông lên đường sang Trung Quốc. Chuẩn bị lên xe, ông nghe thấy có tiếng ngựa phi, nhịp nhàng đi tới... Ông nghẹn ngào cảm động. Bác Hồ đã đến tiễn.
Bác thấy ông gầy dô cả xương mà chỗ ngồi, chỗ tựa của cái ghế xe zeep rất cứng, Bác gọi lấy hai chiếc gối cỏ để chèn cho khỏi bị xóc khi đi đường trường, rồi thấy đầu có thể va vào khung sắt của mui xe, Bác lấy ngay mũ của Bác chụp lên đầu và lần nữa, Bác dặn chú ý!
Xe chuyển bánh, Bác đứng một lúc, vẫy tay, rồi Bác nhảy lên lưng ngựa và gò cương phi về phía trước, trong trùng điệp núi rừng Việt Bắc. Hình ảnh đẹp ấy ghi mãi trong ông suốt những năm về sau.
Năm sau, bình phục, ông trở lại Việt Bắc. Ông tiếp tục công việc chuyên môn tại Bệnh khoa Tai mũi họng ở Chiêm Hoá. Thỉnh thoảng ông nhận được quà Bác gửi cho, khi vài quả trứng, khi ít rau cải xoong mọc ở ngọn suối, gần nơi Bác ở.
Hoà bình lập lại năm 1954, GS. Trần Hữu Tước trở về Hà Nội, cùng với việc đảm đương nhiều nhiệm vụ quản lý, chuyên môn của ngành và tham gia các hoạt động xã hội. Giáo sư là thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ Bác Hồ và ở bên Bác lúc Bác sắp đi xa (2/9/1969). GS. Trần Hữu Tước là Anh hùng Lao động năm 1966 và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật năm 1996.
Đi thăm và chúc Tết các tầng lớp nhân dân là một trong các hoạt động biểu hiện sự quan tâm, gần gũi và tình cảm thân thương của Bác. Năm nào Bác cũng dành thời gian đến thăm và chúc Tết một, hai vị trí thức ngành y vào đêm giao thừa các năm: Tết Canh Tý (1960): GS. Đinh Văn Thắng; Tết Tân Sửu (1961): GS Hồ Đắc Di, GS. Tôn Thất Tùng; Tết Nhâm Dần (1962): GS. Đặng Văn Chung và Tết Quý Mão (1963): GS. Trần Hữu Tước. Gặp gỡ các vị giáo sư, Bác luôn gửi lời thăm và chúc tết tới các cán bộ đang làm việc tại các bệnh viện, các bệnh nhân còn ở lại bệnh viện.
Những kỷ niệm của các vị trí thức đầu ngành trong gần 65 năm ngành y tế phục vụ cách mạng thể hiện tính nhân văn của Bác Hồ với trí thức ngành y: Tin tưởng, quan tâm, ân cần chỉ bảo, sử dụng đúng khả năng, động viên kịp thời. Trí thức ngành y tế cả nước đã xứng đáng với sự quan tâm của Bác, không ngừng phấn đấu công tác, theo gương Bác Hồ làm tốt các nhiệm vụ được giao, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.