Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/05/2013 22:25 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một thiên tài quân sự

1. Bối cảnh tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đồng thời là cội nguồn thiên tài quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, nhưng giặc Pháp phải mất gần 30 năm (1858 -1884) mới chiếm được nước ta. Việt Nam kể từ khi thực dân Pháp xâm lược đến những năm hai mươi của thế kỷ XX đã chứng kiến hơn 300 cuộc đấu tranh anh dũng chống đế quốc Pháp xâm lược của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Thất bại của phong trào Cần vương là sự chấm dứt thời kỳ đấu tranh chống ngoại xâm trong khuôn khổ hệ tư tưởng phong kiến.

Thất bại của khởi nghĩa Nguyễn Thái Học đã chứng minh giai cấp tư sản Việt Nam không đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử dân tộc.

Thất bại của phong trào Duy Tân do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, cùng với thất bại chủ trương của cụ Phan Chu Trinh, và thất bại của các phong trào yêu nước khác ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX không phải vì nhân dân ta thiếu tinh thần cách mạng, không phải vì các lãnh tụ của ta thiếu nhiệt huyết cách mạng, mà vì làm cách mạng mà như cụ Phan Bội Châu thì có khác chi đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau, còn làm cách mạng mà như cụ Phan Châu Trinh thì có khác chi kêu gọi kẻ thù rủ lòng thương đối với ta các phong trào yêu nước giai đoạn này đều không giành được thắng lợi, không phải vì nhân dân Việt Nam thiếu ý chí giành độc lập, mà còn thiếu tri thức làm nền tảng tư tưởng cho việc ra đời một đường lối cách mạng đúng đắn.

Bối cảnh Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như thế đã đòi hỏi bức bách dân tộc ta phải có  một con đường cách mạng đúng đắn và khoa học. Trong bối cảnh đó, thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Thế giới lúc này cũng đã có những biến đổi lớn: Chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Quốc tế cộng sản được thành lập; Các Đảng cộng sản đã lần lượt ra đời ở một số nước châu Âu và châu Á; Cách mạng phương Đông thức tỉnh;... Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX vì thế không còn là cuộc đấu tranh của một nước thuộc địa này chống sự xâm lược của một nước tư bản thực dân kia nữa, mà đã là cuộc đấu tranh của chung các dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản quốc tế.

Khoảng cuối 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh đến sống và hoạt động tại Pari, một trung tâm văn hóa, khoa học và chính trị của châu Âu. Ở đây, nhờ lăn lộn trong phong trào lao động Pháp, sát cánh với những người yêu nước Việt Nam và những người cách mạng từ các nước thuộc địa khác của Pháp, Nguyễn Tất Thành đã nhanh chóng gia nhập Đảng Xã hội Pháp, chính đảng duy nhất của Pháp bênh vực các dân tộc thuộc địa, rồi trở thành một chiến sỹ xã hội chủ nghĩa.

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc nhân danh những người Việt Nam yêu nước, gửi tới Hội nghị Vécxây (Hội nghị Hòa Bình) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho Việt Nam. Bản yêu sách không được chấp nhận, chính qua thực tiễn này Nguyễn Ái Quốc đã đi đến kết luận: Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân mình .

Kết thúc Đại hội Tua (30 - 12 - 1920), đánh dấu  bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc, đồng thời mở ra bước ngoặt mới cho bao thế hệ của người cách mạng Việt Nam : Từ người yêu nước thành người cộng sản.

Cách mạng Việt Nam trong những năm 1920 - 1930 đã xuất hiện nhiều hội, nhiều đảng yêu nước: Tân Việt Thanh niên đoàn tức Tâm tâm xã (1923 - 1925); Hội Phục Việt (1925); Đảng Thanh niên của Trần Huy Liệu (1926); Thanh niên Cao vọng Đảng của Nguyễn An Ninh (1926-1929); Tân Việt cách mạng Đảng (1926 - 1930); Việt Nam quốc dân Đảng (1925 - 1930); v.v… Nhìn chung, các hội và đảng yêu nước này có quyết tâm cứu nước, nhưng chưa nhận thức được xu thế phát triển  khách quan của thời đại sau Cách mạng tháng Mười Nga, nên các tổ chức yêu nước này đã không thể đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

Nguyễn Ái Quốc sáng lập “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Thông qua các bài giảng, bài nói tại các lớp đào luyện thanh, thiếu niên ưu tú của Việt Nam tại Trung Quốc từ 1925-1927 (được tập hợp thành tác phẩm Đường Kách mệnhxuất bản tại Trung Quốc năm 1927), Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có hệ thống và có tổ chức vào Việt Nam. Khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam được sáng lập năm 1930 đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước của dân tộc Việt Nam kéo dài gần 100 năm.

Ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, đặt chân lên khoảng 30 nước, trở thành một trong những nhà hoạt động chính trị đã đi đến nhiều nước nhất của thế giới. Người đã hoạt động sôi nổi trong phong trào công nhân và lao động một số nước tư bản trên thế giới, đến với nhân dân cần lao ở các nước thuộc địa và đã hiểu rõ được bản chất chung của chủ nghĩa đế quốc, màu sắc riêng của từng nước đế quốc; đã hiểu được trình độ phát triển của nhiều nước thuộc địa cùng cảnh ngộ với dân tộc Việt Nam. Người học tập, nghiên cứu các trào lưu tư tưởng, các thể chế chính trị trên thế giới, tìm đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin mà lựa chọn con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam là con đường cách mạng vô sản.

Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam, đến với bối cảnh quốc tế mới - Chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, xác lập sự thống trị trên phạm vi thế giới, chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù chung của tất cả các dân tộc thuộc địa;Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi (1917), “Thức tỉnh của các dân tộc châu Á”, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại;Quốc tế III được thành lập (1919), phong trào công nhân trong các nước tư bản chủ nghĩa và phong trào giải phóng của các nước thuộc địa càng có quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc –bằng sự khổ công rèn luyện với bộ óc phân tích tinh tường mà Người đã rút ra được những bài học kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam và cách mạng thế giới để đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Đồng thời với sự hiểu biết uyên thâm về nhiều lĩnh vực văn hóa Đông-Tây mà Người đã nâng dân tộc Việt Nam lên ngang tầm thời đại, để đến lượt dân tộc Việt Nam làm cho Người trở thành anh hùng giải phóng dân tộc nhân loại. Cũng đồng thời với lòng yêu thương con người rộng lớn mà Người đã trở thành tấm gương hy sinh cao nhất vì sự nghiệp giải phóng con người. Đó cũng là bối cảnh tạo nên thiên tài quân sự Hồ Chí Minh.

2. Thiên tài quân sự Hồ Chí Minh

Trước khi tiếp cận với Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến kết luận: Chủ nghĩa tư bản, đế quốc ở đâu cũng tàn bạo, độc ác, bất công; người lao động ở đâu cũng bị áp bức, bóc lột, đầy đọa, “ dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[1]; Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân mình .Đây là phát hiện quân sự thiên tài đầu tiên của Người.

Phát hiện thiên tài ấy là từ nhận thức về quan hệ áp bức dân tộc, Người đã đi tới nhận thức về quan hệ áp bức giai cấp, từ quyền của các dân tộc, Người đi đến quyền của con người, trước hết là của những người lao động. Từ xác định rõ kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, Người đã thấy được bạn đồng minh là nhân dân lao động ở các nước chính quốc và thuộc địa. Chính thế, khi đọc Luận cương của Lênin, Người đã mừng rỡ đến trào nước mắt, đã reo lên “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là con đường giải phóng của chúng ta!”. Chính Luận cương của Lênin đã giúp Người tìm ra con đường chân chính cứu nước, cứu dân.

 Khi Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho tổ chức những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Namđến Hội nghị Hòa bình ở Pháp (tháng 6 - 1919), Người đã là người Việt Nam đầu tiên giương cao đồng thời hai mục tiêu nước độc lập dân phải tự do. Mục tiêu quân sự chính trị đầu tiên này đã nhanh chóng giúp Người trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người Việt Nam cộng sản đầu tiên (1920) và trở thành một trong những lãnh tụ xuất sắc của Quốc tế Cộng sản (1924) là mục tiêu của đế quốc Pháp theo dõi tìm bắt để tiêu diệt.

Tháng 4/1921, trên tạp chí của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “Không người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương... Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”[2]. Như thế, từ rất sớm, mới ở độ tuổi 30 Người đã phát hiện ra sức mạnh của nhân dân, của dân tộcđể đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi mà tất cả các lãnh tụ của Việt Nam trước đó đều đã không làm được.

Trong tư tưởng quân sự của Người, cách mạng trước hết phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Người đã chỉ ra, muốn làm cách mệnh “trước hết phải làm cho dân chúng giác ngộ... phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân chúng hiểu”[3]. “Cách mệnh phải hiểu phong trào thế giới, phải bày sách lược cho dân... Vậy nên sức mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”[4].

Trong “Đường Kách mệnh” Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[5].

Khắc phục các nhược điểm của các Hội, các Đảng yêu nước của Việt Nam trước đó, đầu 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin “làm cốt”, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh và liên hệ mật thiết với quần chúng.

Quan điểm của Người về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thật giản dị “Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Xác định sức mạnh của Đảng là nhân dân Người quyết tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà chủ yếu còn là Đảng của dân tộc, Đảng của nhân dân Việt Nam. Suốt cuộc đời Người chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy mà Người căn dặn Đảng phải gìn giữa sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như gìn giữ con ngươi của mắt mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời, đồng thời là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta.

Quan điểm của Người về “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam” là sự phát triển học thuyết Mác-Lênin của Người về Đảng Cộng sản, nhờ nó mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân, với toàn dân tộc trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã qui tụ được mọi lực lượng và sức mạnh của toàn bộ giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam. Đó là một đặc điểm, đồng thời là ưu điểm của Đảng ta. Nhờ đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam và trở thành nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Điểm đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Người là cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức được thực hiện trên nền tảng liên minh công-nông.Từ 1924, Người cho rằng: “Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương: 1- Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng...”[6].

Người phê phán việc lấy ám sát cá nhân và bạo động non làm phương thức hành động. Người khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc “là sự nghiệp của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”[7].

Trong Cách mạng Tháng Tám cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và chống đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy nhân dân làm nguồn sức mạnh. Người nói: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[8].

Người luôn đánh giá rất cao vai trò của quần chúng nhân dân, coi sức mạnh vĩ đại và năng lực sáng tạo vô tận của quần chúng nhân dân là then chốt bảo đảm thắng lợi.

Thiên tài quân sự của Người là sự phát hiện, dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, trừ bọn tay sai bán nước, tất cả mọi giai tầng ở Việt Nam đều có khả năng tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. Người phân tích: “... dân tộc cách mạng thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”[9].

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Người khẳng định lực lượng cách mạng là bao gồm cả dân tộc. Trong phạm vi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà đối tượng cần đánh đổ trước hết là bọn đế quốc và đại địa chủ phong kiến tay sai, Người chủ trương tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị làm nô lệ trong một mặt trận dân tộc thống nhất nhằm huy động sức mạnh toàn dân. Sách lược vắn tắtcủa Đảng Cộng sản Việt Nam do Người soạn thảo chỉ rõ “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,.. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, chí ít là làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến) thì cần phải đánh đổ”[10].

Trong lực lượng toàn dân tộc, Người luôn nhắc nhở không được quên cốt lõi của nó là công - nông. Phải nhớ: “Công nông là gốc cách mệnh, học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư sản áp bức, song không cực khổ bằng công nông, ba hạng ấy chỉ là bầu bạn của cách mệnh, của công nông thôi”[11], và phải thực hiện theo đúng nguyên tắc: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp”[12].

Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ vì vấn đề dân tộc mà quên đi hoặc coi nhẹ vấn đề giai cấp, ngược lại, Người luôn tìm thấy mối quan hệ khăng khít giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Tuy nhiên, để có thể tập hợp lực lượng thì phải đoàn kết tất cả những người Việt Nam yêu nước để cùng đánh đổ kẻ thù chung của cả dân tộc, trong đó bộ phận trung tâm là công nhân, nông dân và khối liên minh công – nông do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính Đảng của mình.

Phát kiến vĩ đại bổ sung cho học thuyết Mác-Lênin của Người về quân sự là sức mạnh bảo đảm cho sự thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc còn phải là sức mạnh đoàn kết giữa nhân dân lao động của nước thuộc địa với chính quốc.

Người khẳng định sức sống và nọc độc của chủ nghĩa đế quốc tập trung ở các nước thuộc địa. Chính sự áp bức, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đế quốc đã tạo nên mâu thuẫn gay gắt giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân đế quốc. Người viết: “tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ công nhân rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó”[13]. “... nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các nước thuộc địa”[14].

Người khẳng định, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, cách mạng thuộc địa có tầm quan trọng đặc biệt. Nhân dân các dân tộc thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn. Chủ nghĩa dân tộc chân chính, chủ nghĩa yêu nước truyền thống là một động lực to lớn của cách mạng giải phóng dân tộc. Cho nên, phải “làm cho các dân tộc hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau để tạo cơ sở cho một liên minh phương Đông tương lai, làm một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”[15]; phải phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh quốc tế Cộng sản.

Trong khi yêu cầu Quốc Tế III và các đảng cộng sản quan tâm đến cách mạng thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định công cuộc giải phóng nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nổ lực tự giải phóng .Vận dụng công thức của C.Mác: “Sự giải phóng của giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân”, Người đi đến luận điểm: “Công cuộc giải phóng anh em (tức nhân dân thuộc địa), chỉ có thể thực hiện được bằng sự nổ lực của bản thân anh em”[16].

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao sức mạnh của một dân tộc vùng dậy chống đế quốc thực dân; chủ trương phát huy nổ lực chủ quan của dân tộc, tránh tư tưởng bị động, trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. Người nói: “Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời phải tự lực cánh sinh. Trông vào sức mình… Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[17].

Trong phong trào cộng sản quốc tế đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc. Quan điểm này vô hình dung đã làm giảm tính chủ động, sáng tạo của các phong trào cách mạng ở thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán và chỉ ra sai lầm của quan điểm đó. Theo Người, giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Đó là mối quan hệ bình đẳng chứ không phải là quan hệ lệ thuộc hay quan hệ chính - phụ. Năm 1925 Người viết, “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vời khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”[18].

Đây là điều quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới. Tư tưởng này là sự cụ thể hoá và chứng minh cho quan điểm của Lênin về sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản của các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản - con đỉa có hai vòi – công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa nhất định phải đoàn kết được với giai cấp công nhân và nhân dân lao động của các nước chính quốc.

Nhờ nó cùng với nhận thức đúng vai trò, vị trí chiến lược của cách mạng thuộc địa và sức mạnh dân tộc, Người cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước và giúp đỡ cách mạng vô sản ở chính quốc. Bởi vì “Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở thuộc địa”[19], và “Ngày mà hàng trăm nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể  giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[20].

Đây lại là một luận điểm sáng tạo nữa, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn; một cống hiến quan trọng vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã được thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong gần một thế kỷ qua chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Cùng với sự phân tích tinh tường, rút ra những bài học kinh nghiệm từ cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, luận điểm của Người “cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc như đôi cánh của một con chim”, đã giúp Người đi đến kết luận: “ Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[21]. Đây chính là sự lựa chọn duy nhất đúng con đường cách mạng của Việt Nam, đồng thời là sự phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới của Người– Người thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc bằng quan điểm cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới của Lênin, Người đã gắn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cách mạng vô sản, gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa, mang lại sự giải phóng triệt để cho con người Việt Nam.

Thiên tài quân sự lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tư tưởng bạo lực cách mạng của Người.Nếu Mác quan niệm: bạo lực là bà đỡ của mọi chính quyền cách mạng, vì giai cấp thống trị bóc lột không bao giờ tự giao chính quyền cho lực lượng cách mạng. Thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường cách mạng bạo lực bởi vì: Sự thống trị của thực dân đế quốc ở thuộc địa vô cùng hà khắc, không hề có một chút quyền tự do dân chủ nào, không có cơ sở nào cho thực hành đấu tranh không bạo lực; “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”[22], vì thế con đường để giành và giữ độc lập dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng bạo lực; Cách mạng giải phóng dân tộc là lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay cách mạng, nó phải được thực hiện bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Như ở Việt Nam là khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa.

Người viết: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp của cả dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền và bảo vệ chính quyền”[23]. Quán triệt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bạo lực cách mạng ở đây là bạo lực của quần chúng, nghĩa là toàn dân vùng dậy đánh đuổi quân xâm lược.

Tư tưởng bạo lực cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bạo lực nhân đạo và hoà bình

Bản Tuyên ngôn Độc lậpcủa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người soạn thảo và công bố là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của đồng bào Việt Nam trong các nhà tù, trong các trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên các máy chém, trên các chiến trường; Là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam; Là “tiếp nối bài thơ của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi... thể hiện truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập”[24]; Là kết quả của cuộc đấu tranh bất khuất vì độc lập của dân tộc Việt Nam, mà nếu mô tả nó thì “phải vẽ một thanh gươm và tô đậm một màu máu. Máu nhuộm đỏ ruộng nương nơi ta cầy cấy, máu nhuộm đỏ cầu ao nơi em ta giặt giũ hàng ngày, máu nhuộm đỏ mảnh sân nơi con ta nô đùa ngày bé. Dân tộc Việt Nam từ trong máu lửa mà đi lên, dân tộc ấy anh dũng biết nhường nào!”[25].

Ngay sau tuyên bố trịnh trọng với dân tộc và toàn thế giới về quyền bình đẳng thế giới của dân tộc, quyền mưu cầu tự do sung sướng của nhân dân và tuyên bố quyết tâm cao nhất của dân tộc Việt Nam để quyết giữ gìn độc lập tự do ấy, là những tuyên bố danh thép khác của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[26],  “Nước độc lập mà dân không tự do hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng có nghĩa lý gì”, “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Nam, Bắc là một nhà. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[27], “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”[28], “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, thì cũng phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”[29], “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá, thì chúng ta cũng phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”[30],.. đã khích lệ dân tộc Việt Nam đánh thắng các đế quốc to, hùng mạnh nhất thế giới và thời đại ở thế kỷ XX, giữ vững độc lập dân tộc và đang từng bước mang lại ngày càng nhiều các hạnh phúc to lớn cho nhân dân.

Nhưng Người luôn xuất phát từ tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người mà luôn tranh thủ mọi khả năng giành và giữ chính quyền ít đổ máu nhất. Người tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình, chủ động đàm phán, thương lượng, chấp nhận nhượng bộ có nguyên tắc. Việc tiến hành các hội nghị Việt - Pháp và ký các Hiệp định trong năm 1946, việc kiên trì yêu cầu đối phương thi hành Hiệp định Giơnevơ thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo và hoà bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người viết: “Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem cho Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp”.

Việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng. Chỉ khi không còn khả năng hoà hoãn, khi kẻ thù ngoan cố bám giữ lập trường thực dân, chỉ muốn giành thắng lợi bằng quân sự, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh mới kiên quyết phát động chiến tranh. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 1946của Người có đoạn: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[31].

Trong khi tiến hành chiến tranh, Người vẫn tìm mọi cách vãn hồi hoà bình. Trong kháng chiến chống đế quốc Pháp cũng như kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người đã nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân  hai nước này đề nghị đàm phán hoà bình để kết thúc chiến tranh.

Xuất phát từ tương quan lực lượng giữa ta và địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương khởi nghĩa toàn dân và phát động cuộc chiến tranh nhân dân. Người nói: “Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó thì không thể nào thắng lợi được”[32]. Toàn dân khởi nghĩa, toàn dân nổi dậy là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về về bạo lực cách mạng.

Trong chiến tranh, “quân sự là việc chủ chốt”, nhưng đồng thời kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị. “Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị, thắng lợi chính trị sẽ làm clo thắng lợi quân sự to lớn hơn”[33]. Đấu tranh ngoại giao cũng là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược nhằm thêm bạn bớt thù, phân hoá, cô lập kẻ thù, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế: “vừa đánh vừa đàm”, “đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ”[34]. Đấu tranh kinh tế là ra sức tăng sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế của ta, phá hoại kinh tế của địch. “Chiến tranh về mặt văn hoá hay tư tưởng so với những mặt khác cũng không kém phần quan trọng”[35]. Về kháng chiến trường kỳ, trong thời kỳ chống Pháp Người nói: “Địch muốn tốc chiến tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”[36]. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước Người ra Lời kêu gọi (17/7/1967): “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá, nhưng chúng ta nhất định phải đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hình thức của bạo lực cách mạng gồm cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, nhưng phải “tuỳ tình hình cụ thể mà quy định những hình thức cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị cho cách mạng”[37],..

Dù sử dụng hình thức bạo lực cách mạng nào, phương pháp biện pháp cách mạng bạo lực nào, đánh vào lúc nào, đánh ở đâu thì Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của nhân dân, sinh mạng của con người lên trên hết, trước hết. Tư tưởng bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh, trước hết thống nhất với yêu hòa bình và chủ nghĩa nhân đạo. Suốt cuộc đời, Người cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu cho mục tiêu cách mạng và hòa bình trong độc lập, tự do. Theo Người: “Dùng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu nước, cứu dân”[38]. Ngay khi phải dùng bạo lực cách mạng, chiến tranh cách mạng để chống lại chiến tranh xâm lược, Người vẫn muốn tránh chiến tranh, vẫn tìm mọi cách cứu vãn hòa bình. Người tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do”[39]. Khi chiến tranh đã xảy ra, Người vẫn đề nghị: “Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhân độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc”[40]. Chính lẽ đó, trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Người luôn viết thư kêu gọi các bên ngồi vào Hội nghị hòa bình để giải quyết chiến tranh bằng thương lượng.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quân sự phục vụ cho chính trị là một quan điểm cơ bản, đấu tranh chính trị và chiến tranh quân sự luôn gắn bó với nhau. Người khẳng định, mọi hoạt động quân sự phải đứng vững trên lập trường chính trị giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người chỉ rõ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[41]. Chính vì thế mà trong quân đội, từ đại đội trở lên đều phải có chính trị viên, chính ủy. Nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cao nhất, là nhân tố quyết định sự trưởng thành, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

Quan điểm “quân sự lấy chính trị làm gốc”, “quân sự phải phục tùng chính trị”, “chính trị phải đặt lợi ích của nhân dân và sinh mạng của con người lên trên hết, trước hết” là một nội dung cốt lõi của tư tưởng quân sự – bạo lực cách mạng- của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa chỉ đạo mọi lực lượng, mọi hoạt động quân sự của Đảng và nhân dân ta trong khởi nghĩa vũ trang và trong chiến tranh cách mạng. Đó là nhân tố quyết định làm nên những chiến thắng tuyệt vời của dân tộc ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, Hội nghị Pa-ri và nhất là Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.  Chiến thắng này đã không diễn ra cảnh người Việt tàn sát lẫn nhau như kẻ thù đã từng tuyên truyền. Trái lại, chiến thắng này đã bao gồm việc gìn giữ, bảo vệ tốt nhất tính mạng con người, tài sản của nhân dân, của đất nước. Đây là chiến công vĩ đại, tuyệt vời nhất của dân tộc, là chiến thắng của ý chí cách mạng tiến công, chiến thắng của đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, khoa học, nhân đạo, hòa bình đúng như nguyện ước của Bác Hồ.

ThS. Hoàng Ngọc Vĩnh, Khoa Lý luận chính trị


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 1, trang 266.

[2]. Hồ Chí Minh Toàn tập,Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 1, trang 28.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.267

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.267

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.267-268

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.468-469

[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.261-262

[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.192

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.266

[10]Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 3, tr.3

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.266

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.266

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.243

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.274

[15]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.124

[16]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.128

[17]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 6, tr.522

[18]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.298

[19]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.273

[20]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.36

[21]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 9, trang 314.

[22]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.96

[23]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 12, tr.304

[24]Xem Sổ tay tra cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Hải Phòng, 1999, trang 205.

[25]Ý của nhà văn Nguyễn Trung Thành trong bài “Việt Nam - Đường chúng ta đi”

[26]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 4 trang 161.

[27]Xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, trang 246; tập 12, trang 516.

[28]Xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, trang 480; tập 5, trang 767, tập 12, trang 516, 584.

[29]Xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, trang 508; Chỉ từ 1965 đến 1969 Người đã nhắc cụm từ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” khoảng 60 lần trong các Thư khen và các Lời kêu gọi (xem tập 11 và tập 12).

[30]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, trang 108.

[31]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, trang 480.

[32]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 4, tr.298

[33]Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb QĐND, Hà Nội, 1975, tr.148

[34]Võ Nguyên Giáp (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 1997, trang 205

[35]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội , 2002, tập 4, tr.319

[36]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.485

[37]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 12, tr.304

[38]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 4, trang 251.

[39]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 4, trang 473.

[40]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 5, trang 12.

[41]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 6, trang 318.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Lâm Đồng: Thăm, tặng quà các nhà khoa học trong tỉnh
Ngày 14/5, Liên hiệp Hội tỉnh (Liên hiệp Hội) và Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức đi thăm các tổ chức khoa học và công nghệ thành viên và các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhân kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
TSKH Phan Xuân Dũng: Sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân là điểm tựa để đội ngũ trí thức KH&CN cống hiến
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA là một trí thức dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp KH&CN, với nhiều dấu ấn đậm nét cho sự phát triển KH&CN nước nhà. Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, TSKH Phan Xuân Dũng đã có những chia sẻ cùng trang tin Vusta.vn về cuộc đời cống hiến cho KH&CN, những mong mỏi với đội ngũ trí thức KH&CN và sự phát triển của KH&CN nước nhà trong bối cảnh mới.
Khai thác những cơ hội mới trong việc ứng dụng công nghệ vào y tế
Trong hai ngày 09-10/5 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Diễn đàn quốc tế Y dược thông minh Việt Nam - Smart Health VietNam 2024 đã được tổ chức với chủ đề "Công nghệ chuyển đổi số ngành y tế". Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Ngọc Linh đã tham dự và có phát biểu tổng kết tại diễn đàn toàn thể sự kiện.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng: Chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua thách thức và có những phát triển bứt phá
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024). Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng đã tham dự và có bài phát biểu tham luận tại buổi lễ. Vusta.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Phan Xuân Dũng.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "KHCN và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia".
Sơn La: Đóng góp ý kiến 5 Dự thảo Luật
Trong các ngày 09-10/5 và 13/5/2024, Liên hiệp Hội tỉnh Sơn La đã tổ chức các Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến đối với 05 dự án Luật, gồm: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Bà Phạm Thị Hà – Chủ tịch Liên hiệp Hội Chủ trì các hội thảo.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng; Cần tin tưởng, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức để họ cống hiến
“Hà Nội cần tiếp tục tin tưởng hơn nữa, trao cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là cơ chế chính sách để họ đủ dũng khí, dám nói, dãm nghĩ, dám làm, dám hành động hơn nữa, điều này sẽ góp phần để đất nước, thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ đạt tầm cao mới…” đây là phát biểu của Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tại hội nghị.