Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 29/01/2008 23:57 (GMT+7)

Chữ tâm, chữ tài của một nhà khoa học

Nhìn mái tóc bạc phơ của thầy tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ Tự thán của thi hào Nguyễn Du:

Sinh vị thành danh, thân dĩ suy.

Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy.

(Sống chửa nên danh đã yếu gầy/ Phơ phơ tóc bạc gió chiều bay)

Hai câu thơ mà Tiến sĩ Hà Huy Khoái trích đăng trong bài báo “Tóc bạc, lòng son” tặng thầy Hoàng Tụy nhân dịp thầy thượng thọ Tám mươi. Tuy nhiên, mái tóc bạc của thầy đã có từ tuổi thanh niên mà nay Người vẫn còn đầy tâm huyết và trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà. Thời trẻ, khi công tác tại Chiến khu Việt Bắc, khi ở Khu học xá Nam Ninh, thầy Tụy vừa nghiên cứu toán học vừa giảng dạy; năm 28 tuổi đã soạn sách giáo khoa toán phổ thông.

Năm 1969, hơn một tháng trước khi Hồ chủ tịch qua đời, giáo sư Hoàng Tụy vinh dự đại diện cho Hội Toán học và Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được gặp Hồ chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau buổi làm việc bàn về các biện pháp cải tiến một số dịch vụ trong thành phố lúc bấy giờ, khi bắt tay ra về, Hồ chủ tịch căn dặn ông hãy cố gắng áp dụng vận trù học. Suốt gần 40 năm qua, giáo sư Hoàng Tụy không bao giờ quên được hình ảnh vị Chủ tịch nước cho đến những ngày cuối cùng trong đời vẫn còn quan tâm thiết tha tới việc ứng dụng các phương pháp khoa học vào những vấn đề cụ thể phục vụ đời sống của dân. Tuy vậy, đến hôm nay ông vẫn chưa hết day dứt vì sự thể câu chuyện sau đó đã không có sự tiếp tục xứng đáng. Nếu trước đây gần 40 năm, trong hoàn cảnh chiến tranh, Việt Nam vẫn đi đầu ở Đông Nam Á về giáo dục, y tế và một số lĩnh vực khoa học (trong đó có vận trù học và lý thuyết tối ưu) thì ngày nay chúng ta không còn giữ được vị trí đó, thậm chí có mặt đã tụt hậu so với họ và có xu hướng ngày càng tụt hậu xa hơn. Đã đến lúc không còn chỗ để thụt lùi hơn nữa. Tình hình phát triển của khoa học - kỹ thật ngày nay, xu thế toàn cầu hoá và cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt đang đặt ra cho chúng ta một sự lựa chọn khắc nhiệt: hiệu quả, tối ưu hoặc là sa sút, lụn bại.

Lý thuyết tối ưu là một ngành toán học đang phát triển mạnh và ngày càng có nhiều ứng dụng quan trọng trong mọi lĩnh vự khoa học - công nghệ và quản lý hiện đại. Phải ghi nhận rằng những nghiên cứu về hệ thống và tối ưu từ những năm 1960 của nhóm giáo sư Hoàng Tụy đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng một cách nhìn thực tế và một cách tiếp cận khoa học đối với các vấn đề kinh tế - xã hội nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, ra khỏi cuộc khủng hoảng. Bài toán Quy hoạch lõm mà giáo sư Hoàng Tụy bắt đầu nghiên cứu vào năm 1964, xuất phát từ sự suy ngẫm trên các vấn đề giao thông vận tải hồi ấy, ở một đất nước kinh tế lạc hậu lại đang có chiến tranh, không ngờ đã có ứng dụng trong nhiều vấn đề kinh tế, kỹ thuật hiện đại. Mười hai năm sau, trong Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Quy hoạch toán học ở Budapest, năm 1976, mấy bạn đồng nghiệp người Nhật ở hãng NEC đã thông báo cho biết họ gặp bài toán ấy trong ngành công nghiệp của hãng và nhờ dựa vào các ý tưởng trong công trình của giáo sư Hoàng Tụy mà xử lý được vấn đề. Ngày nay Quy hoạch lõm có nhiều ứng dụng và đã trở thành bài toán cơ bản của lý thuyết tối ưu toàn cục tất định. Song song với nó và ít nhiều nhờ sự kích thích của lý thuyết này, nhiều phương pháp tối ưu toàn cục phi tất định cũng đã ra đời.

Ngay từ năm 1999, trước năm 2000 – Năm Toán học Quốc tế, giáo sư Hoàng Tụy đã có bài báo: “Tối ưu trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế và đời sống”trong đó ông trăn trở trước sự tụt hậu ngày càng xa về một số lĩnh vực khoa học và giáo dục của nước ta trong xu thế toàn cầu hoá, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong bài báo đó ông viết: Các thành tựu kinh tế của ta trong mười năm qua tuy rất đáng khích lệ nhưng thật ra chưa dựa vào những nhân tố bảo đảm sự tăng trưởng bền vững mà còn chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn lực tài nguyên có xu hướng cạn kiệt dần.Nếu ta không sớm nhận thức được điều đó để nhanh chóng cải tiến quản lý, phát huy nội lực bằng cách khai thác tối ưu các tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng trí tuệ mà đặc điểm là càng khai thác càng phát triển, thì sự tụt hậu khó tránh khỏi”.

Lần này gặp chúng tôi, thầy lại trăn trở: Trong chiến tranh, chúng ta đã chăm lo cho khoa học, giáo dục bao nhiêu thì ngày nay, vì sao trong hoà bình, đổi mới và hội nhập, chúng ta lại lơ là để mặc cho khoa học, giáo dục tụt hậu.

Với nỗi niềm trăn trở ấy, mấy chục năm qua, giáo sư Hoàng Tụy đã hoạt động không mệt mỏi trên các diễn đàn, trên báo chí nhằm góp phần chấn hưng nền Giáo dục - Đào tạo nước nhà. Thầy đã cùng với 24 vị giáo sư, tiến sĩ, trong đó có bảy vị là giáo sư Quốc tế – Những người đứng đầu trong khoa học và giáo dục, cùng thảo kiến nghị về chấn hưng, cải cách và hiện đại hoá nền Giáo dục - Đào tạo Việt Nam trình lên Chính phủ vào tháng 7 năm 2004.

Đến thăm giáo sư Hoàng Tụy lần này, tôi vẫn cảm nhận thấy bầu nhiệt huyết của thầy không hề vơi cạn. Thầy sôi nổi nói đến cuốn sách mới của Nhà xuất bản Tri thức: “Vấn đề Giáo dục - Đào tạo: Triết lý và những giải pháp”. Tôi hỏi: Thầy và các đồng nghiệp đóng góp ý kiến nhiều thế mà ngành Giáo dục - Đào tạo của ta chưa chuyển biến là mấy, thầy có cảm thấy buồn nản không? Giáo sư Hoàng Tụy cười buồn: “ Buồn thì buồn thật nhưng không hề nản. Chẳng hạn chúng tôi đã góp ý suốt 15 năm về chuyện thi cử vô lối, cấp nào cũng thi, mà chất lượng thì xuống cấp, tình trạng học thêm dạy thêm tràn lan, nặng nề, tốn kém.Đến nay tình hình mới hơi chuyển biến. Chúng tôi đã góp ý hàng chục năm về việc đào tạo tiến sĩ, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư kém chất lượng không gắn học hàm học vị với chức danh và nhiệm vụ thực tế. Tình trạng các trường đại học không gắn với nghiên cứu khoa học, sách giáo khoa thay đổi hằng năm mà vẫn không đạt yêu cầu… hầu hết vẫn trì trệ nhưng không thể không chấn hưng ngành Giáo dục - Đào tạo. Đặc biệt là vào năm 2008, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên có chương trình tư vấn, phản biện, giám định đối với việc cải cách Giáo dục - Đào tạo và nâng cao chất lượng Khoa học - Công nghệ của đất nước, GS Hoàng Tụy mong muốn sẽ cùng với các nhà Khoa học trong và ngoài nước đóng góp hiệu quả hơn nữa vào sự nghiệp chấn hưng nền Giáo dục nước nhà.

Chia tay với thầy, tôi thầm nghĩ GS Hoàng Tụy xứng đáng với lời ca ngợi của học trò: Thầy tuy tóc bạc mà vẫn giữ tấm lòng son đối với Tổ quốc và nhân dân.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.