Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam
Thời Nguyễn
Chủ quyền lịch sử là một trong những cơ sở xác thực mà Nhà nước Việt Nam hiện nay căn cứ để xác định chủ quyền biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Việc phát hiện hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trước khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước đã được ghi chép trong nhiều nguồn thư tịch.
Đồng bộ tiến hành quản lý, khai thác, cắm mốc, đo vẽ bản đồ được tiến hành vào các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị…
Nói cách khác, những công việc thuộc về trách nhiệm và quyền hạn phạm vi quản lý hành chính cấp nhà nước đã được minh chứng bằng nhiều sử liệu chính thống như: Sách Đại Nam thực lục chép: “Năm 1815, vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc thủy trình”.
Năm 1834, vua Minh Mạng cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng thủy quận hơn 20 người ra Hoàng Sa để đo vẽ bản đồ.
Châu bản - tức tấu trình, chỉ dụ có bút phê của hoàng đế - riêng hai triều Minh Mạng, Thiệu Trị hiện còn 11 văn bản.
Trách nhiệm xử sự của quốc gia đã đặt chủ quyền trên đảo được thể hiện trong bản tấu của Thủ ngữ Đà Nẵng về việc cứu hộ thuyền buôn của tài phú Pháp Ê - đoa bị nạn do vướng phải đá ngầm ở Hoàng Sa hai bản tấu đề ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng 11 (1830).
Tờ tấu của bộ Công ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị 7 (1842) cho thấy việc tuần tra định kỳ và liên tục của quân đội: “hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại…”.
Đại Nam nhất thống toàn đồ còn lưu lại đến nay được thực hiện khoảng năm 1840 vẽ rõ hai quần đảo xa bờ và tiêu danh Hoàng Sa - Vạn lý Trường Sa. Địa đồ này là kết quả của nhiều lần, nhiều năm thăm dò và đo đạc. Cụ thể là vào năm 1836, chuẩn y lời tấu của bộ Công, vua Minh Mạng sai xuất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa cắm mốc, đo đạc và vẽ bản đồ, Đại Nam thực lục (chính biên, quyển 165, kỷ thứ 2) chép: “Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào. Khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất do đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng là vào tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình” ( Bản tin Nhà xuất bản Giáo dục - 2007, tập bốn, tr 867). Lời tâu của bộ Công trên đây cho thấy sự chỉ đạo rất cụ thể và chi tiết đối với đoàn công tác phụ trách đo vẽ địa đồ khu vực Hoàng Sa - Trường Sa, ngoài việc xác định vị trí địa lý, các yêu cầu khác liên quan đến những yếu tố khoa học như địa mạo, hải văn, hải trình… của Hoàng Sa - Trường Sa cũng được đặt ra.
Đại Nam nhất thống chí (1882) quyển 6, tỉnh Quảng Ngãi, mục sơn xuyên cũng chép rõ về “Hoàng Sa đảo”, đoạn trích sau đây thể hiện rõ vị trí địa lý và cả hải trình: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ghe ra khơi thuận gió thì ba, bốn ngày đến phía đông đảo này gần Quỳnh Châu thuộc phủ Hải Nam nước Tàu” ( Bản dịch xuất bản tại Sài Gòn - 1964).
Trong rất nhiều cứ liệu khẳng định chủ quyền lịch sử của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo, các cứ liệu tiêu biểu nêu trên trích lục từ ba nguồn: chính sử, địa chí, bản đồ, ba nguồn này đều là phương tiện công bố chính quy mang tính pháp lý của vương triều Nguyễn. Đó là những bằng chứng về việc xác lập và thực thi chủ quyền của nước Đại Nam trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Từ thời Pháp đến Việt Nam cộng hòa
Theo cam kết trong hiệp ước Giáp Thân (6 - 6 - 1884), Pháp đại diện quyền lợi của nước Đại Nam trong quan hệ đối ngoại, trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Trên tinh thần hiệp ước đã nêu, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Đại Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những nơi mà trước đây vương triều Nguyễn đã xác lập bằng sự chiếm hữu công khai, liên tục và hòa bình.
Các pháo hạm của Pháp thường xuyên tiến hành tuần tiễu trong vùng biển Đông và Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với việc đưa hải quân đến trú đóng, nhiều hoạt động thám sát, khảo cứu, xây dựng… trên hai quần đảo được Chính phủ Pháp lần lượt thực hiện.
Những hoạt động thực thi chủ quyền ngày càng được củng cố qua những văn bản pháp quy hoặc các tuyên bố của những người có thẩm quyền, chức trách cao nhất của quốc gia.
Ngày 3 - 3 - 1925, Thượng thư bộ binh Namtriều Thân Trọng Huề tái khẳng định Hoàng Sa là của Đại Nam .
Ngày 12 - 12 - 1933 thống đốc Nam Kỳ M. J. Krantheimer ký nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa.
Chỉ dụ số 10, ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại 13 (1938) về việc chuyển đổi hành chính đảo Hoàng Sa do Nam triều quốc ngữ công báo công bố, toàn văn như sau: “ Chiếu chỉ các cù lao Hoàng Sa (Archipel des lles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam - Ngãi; đến đời đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam - Ngãi.
Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên Đại diện chính phủ Nam Triều ủy phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan đại diện chính phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận lợi hơn. Dụ (Độc khoản): trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des lles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy.
Khâm thử”
(Công báo, số 8, năm 1938)
Trên cơ sở đồng thuận với chủ trương của Nam Triều, ngày 5 - 6 - 1938, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hàong Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Đồng thời, cho dựng bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa, với dòng chữ:
“République Francaise = Empire d’Annam - Archipel des Paracels 1816 - lle de Pattle 1938”.
(Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938).
Bia chủ quyền này đã lấy năm 1816 làm mốc thời gian chiến hữu chính thức, dựa theo một sự kiện được phép trong Đại Nam thực lục: “ Năm Bính Tý, Gia Long thứ 15 (1816), tháng 3, sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”.
(Chính biên, kỷ thứ nhất, quyển 52).
Sau thế chiến thứ 2, Pháp lại phái chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa, xây dựng lại trạm khí tượng trên đảo và chống các hành động lấn chiếm của Trung Quốc.
Tháng 4 năm 1956, Pháp rút quân khỏi Đông Dương, quân đội Việt Nam cộng hòa chỉ kịp thời thay thế quân Pháp tại nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo phía Đông bị quân đội Trung Quốc thừa cơ chiếm cứ. Đài Loan cũng thừa cơ chiếm đảo Ba Bình ở Trường Sa.
Trước tình hình chiếm đóng trái phép của quân đội Trung Quốc và Đài Loan, ngày 1 - 6 - 1956, ngoại trưởng Việt Nam cộng hòa Vũ Văn Mậu tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về quản lý hành chính, sắc lệnh ngày 22 - 10 - 1956 đặt quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy, sắc lệnh ngày 13 - 7 - 1961 lập quần đảo Hoàng Sa thành xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.
Ngày 13 - 7 - 1971, tại hội nghị ASPAC (Manille), ngoại trưởng Việt Nam cộng hòa Trần Văn Lắm, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ ngày 17 đến 20 - 1 - 1974, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự tấn công và chiếm đóng trái phép hòn đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Trong trận hải chiến này hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo Ngụy Văn Thàn cùng hơn 50 binh sĩ đã hy sinh.
Đại diện Chính phủ Việt Nam cộng hòa lại Liên hiệp quốc gửi công hàm đến chủ tịch Hội đồng Bản an và tổng thư ký Liên hiệp quốc, thông báo hành động xâm lược của Trung Quốc tại Hoàng Sa.
Ngày 14 - 2 - 1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam cộng hòa công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa (White paper on the Hoang Sa (Paracel) an Truong Sa (Spratly) Islands - Republic of Vietnam - Sai Gon 1975).
Từ hiệp ước Pháp - Nam (1884) đến năm 1975, Việt Nam trải qua nhiều thể chế chính trị, tuy nhiên, chính thể cầm quyền nào cũng quyết tâm bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa làm chủ trên biển Đông, vì sự toàn vẹn lãnh thổ, vì quyền lợi và nghĩa vụ của mình, người Việt Nam đã bỏ nhiều sức lực và hy sinh xương máu để bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nền tảng chứng cứ bất minh của Trung Quốc về Tây Sa và Nam Sa
Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng tên Tây Sa, quần đảo Trường Sa bằng tên Nam Sa và biển Đông là Nam Hải.
Để dẫn dắt và thuyết phục dư luận, Trung Quốc dựng lên những chứng cớ về chủ quyền lịch sử đối với Nam Hải, trong đó có Tây Sa và Trường Sa. Thiên Tân Đại công báo số ra ngày 10 - 8 - 1933 đăng thiên bút ký của đề đốc hải quân Lý Chuẩn, qua ghi chép của Lý Chuẩn thì vào năm 1909, ông ta và đoàn tùy tùng đã đến Tây Sa, đã đo vẽ và đặt tên cho 16 đảo, sự tùy hứng trong ngày của Lý Chuẩn đã gây lộn xộn cho việc đặt tên sau này, nên hầu hết các tên gọi trong dịp này không được sử dụng.
Từ năm 1910 đến 1946 các bài viết về sự thám sát hoặc nghiên cứu lịch sử địa lý Tây Sa của nhiều tác giả đăng trên các báo phần lớn sai sự thật về tên gọi, về tọa độ địa lý. Để chứng tỏ rằng người Trung Quốc đã sớm phát hiện các đảo Tây Sa, họ gắn cho chúng hệ thống tên gọi bằng Hán văn. Tuy nhiên, hệ tọa độ địa lý thì không thể nghĩ ra được nên phải theo sự đo đạc của các nhà hàng hải phương Tây, sự gán ghép này khiến các “điều tra, báo cáo” suốt mấy mươi năm cứ sai lệch lung tung. Sau thế chiến thứ nhất, do được sự đầu hàng của quân Nhật ở Paracel Islands và Spratly Islands, các nghiên cứu sai lệch trước đó mới được sửa chữa.
Vấn đề chủ quyền lịch sử Nam Hải được đặt làm trọng tâm từ sau khi Trung Quốc thống nhất (1949). Các bài báo và công trình nghiên cứu bắt đầu đề cập đến lịch sử khai phát. Bài viết của Chu Khiết trên Quang Minh nhật bảo (7 - 6 - 1956) cho rằng người Trung Quốc phát hiện Tây Sa và Nam Sa từ thời nhà Minh. Hơn hai tháng sau, trong bài viết trên Nam Phương Nhật báo (13 - 8 - 1956) Mạch Uẩn Du cho rằng người Trung Quốc phát hiện hai quần đảo này từ thời Tống. Tình hình nghiên cứu cứ chạy đua mãi về ngược dòng thời gian, đến năm 1980, bộ Ngoại giao Trung Quốc “chốt” lại việc phát hiện Tây Sa, Nam Sa vào thời Tam Quốc.
Văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 30 - 1 - 1980 cho rằng người Trung Quốc đã phát hiện và khai phá Tây Sa, Nam Sa từ hàng ngàn năm trước. Chủ quyền lịch sử được văn kiện này chứng minh bằng nhiều nguồn tài liệu lịch sử, qua những sách như: Nam Châu dị vật chí, Phù Nam truyện (Tam Quốc), Mộng Lương lục, Vũ Kinh tổng yếu (Tống), Đảo di chí lược, Nguyên sử (Nguyên), Đông Tây dương khảo (Minh), Hải quốc văn kiến lục (Thanh),…
Những trích đoạn trong các sách nêu trên và kể cả trong hơn 100 tựa sách mà học giới Trung Quốc đã dẫn dụng, thật ra chỉ là những đoạn ngắt ngang. Ngoài việc trích đoạn không hoàn chỉnh, các cứ liệu mô tả sai vị trí với nhiều tên gọi thay đổi liên tục, một số cứ liệu chỉ đơn thuần ghi nhận sự trông thấy của người đi biển khách quan. Cứ liệu này cho thấy không có sự xác lập chủ quyền nào của người Trung Quốc đối với Tây Sa, Nam Sa.
Mặt khác, những bộ sử chính thống của các triều đại, các sách địa chí toàn quốc như Minh nhất thống chí, các sách địa phương chí ở nơi giáp giới nhưu Quảng Đông thông chí, Quỳnh châu phủ chí, hoặc các địa đồ tỉnh Quảng Đông, địa đồ phủ Quỳnh Châu (Hải Nam…) lại không ghi nhận các quần đảo Tây Sa và Nam Sa.
Do ý đồ hợp thức chủ quyền Nam Hải trên cơ sở chủ quyền lịch sử, chính phủ Trung Quốc tổ chức nghiên cứu rất bài bản với quy mô rộng lớn, tuy nhiên, vì cứ liệu không rõ ràng nên học giới Trung Quốc chỉ biết dựa vào tài lý luận và suy diễn. Công trình nghiên cứu tuy có nhiều, càng về sau càng dày dặn, nhưng trong đó chứa đầy luận điệu nguỵ biện và tất nhiên là sự mâu thuẫn ngày càng chồng chất.
Tây Sa và Nam Sa danh bất chính
Với nguồn sử liệu mơ hồ chồng chéo, học giới Trung Quốc tỏ ra lúng túng khi nối kết lịch sử với hiện tại. Nếu lấy tên gọi đã từng xuất hiện trong sử sách để định danh cho Tây Sa và Nam Sa thì không biết phải dùng tên gọi của thời nào, triều đại nào hoặc sách nào để làm chuẩn. Bởi vì mỗi thời, mỗi triều đại, mỗi sách - nếu có sự mô tả về các đảo Nam Hải - lại mang những tên gọi khác nhau.
Thí dụ như Nam Sa vào thời Tống gọi là Thạch Đường (trong sách Tống hội yếu tập cảo quyển 197) hoặc gọi là Vạn Lý Thạch Đường (trong Chư Phiên chí); đời Nguyên gọi Vạn Lý Thạch Đường (trong Đảo di chí lược); đời Minh gọi nhiều tên như Vạn Lý Thạch Đường Dư, Vạn Lý Trường Sa, Vạn Lý Trường Đê, Trường Sa…. đời Thanh gọi Thiên Lý Thạch Đường, Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, Vạn Lý Trường Sa…
Luận văn của Lâm Kim Chi, chuyên viên sở nghiên cứu Nam Dương đại học Hạ Môn, in trong Nam Hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập (1981), cho thấy trong 50 đơn vị tư liệu mà có đến 37 cách gọi tên khác nhaud dể chỉ định lẫn lộn Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Mặt khác, khi đem bài viết của Lâm Kim Chi so chiếu với bài viết của Cúc Kế Võ, giảng viên khoa địa lý địa học Sư phạm Nam Kinh, in trong Nam Hải chư đảo địa danh luận văn tuyển (1987) thì thấy có nhiều sai lệch hoặc khác biệt, mặc dù hai nhà cùng khai thác chung một nguồn sử liệu.
Một trường hợp khác là, khi nghiên cứu để tìm sự mạch lạc với sử sách cho Tây Sa, đông đảo học giả Trung Quốc cứ bảo Thất Châu Dương là tên gọi hồi đời Thanh đối với Tây Sa, việc suy luận và chứng minh tốn bao nhiêu giấy mực suốt 70 năm. Đến năm 1979, nhà lịch sử địa lý học hàng đầu Trung Quốc là Đàm Kỳ Tương công khai phát biểu: “Trong hơn 70 năm qua, do bị ảnh hưởng bởi Hạ - Chi - Thời (Richard Louis) qua sách Trung Quốc khôn dư tường chí, các nhà Hán học ngoại quốc như P. Pelliot, Đăng Điền Phong Bát, các nhà sử địa học trong nước như Phùng Thừa Quân, Hướng Đạt và vô số các bài báo, luận văn trước và sau giải phóng (1949) khi đề cập đến lịch sử Nam Hải chư đảo đã dựa vào thuyết của Richard Louis mà tạo ra vô số lập luận. Trên thực tế, chúng tuyệt đối rơi vào sai lầm, địa danh Thất Châu Dương mà Phí Tín (đời Minh) và Richard Louis nói đến không thể ứng vào vị trí Tây Sa quần đảo….” (Thất Châu Dương khảo, 1979). Trên cơ sở khoa học khách quan, Đàm Kỳ Tương chứng minh Thất Châu Dương là nhóm đảo cách đảo Hải Nam 50 km về phía đông.
Tư liệu của gần 2.000 năm từ Đông Hán đến cuối Thanh và các luận văn, nghiên cứu trong gần 80 năm (1909 - 1983) không đem đến những kết quả mà chính giới và học giới Trung Quốc mong muốn, sử liệu không thể hiện chủ quyền Tây Sa, Nam sa, sự gắn kết tên gọi xưa nay cho mạch lạc cũng không làm được. Sự trái khoáy này đã dẫn đến tình trạng học giới đi một đàng, chính giới đi một nẻo. Việc đặt tên cho các đảo vì vậy phải làm mới hoàn toàn và ba lần công bố là ba lần sai lệch và số lượng tăng dần.
Tháng 1 - 1935 “Thủy lục địa đồ thẩm tra uỷ viên hội hội san” công bố bảng tên gọi đối chiếu Hoa - Anh, với nhóm Tây Sa 28 tên, nhóm Đoàn Sa/ Nam sa 10 tên. Hầu hết đều lấy tên Anh ngữ làm chuẩn để phiên âm hoặc chuyển nghĩa Hán văn, như Bom bay reef thì gọi là Bàng - Tỉ than, Money island thì gọi là Tiền Tài đảo.
Tháng 12 - 1947, bộ Nội chính công bố lại một bảng tên gọi mới, với quần đảo Tây Sa 34 tên đảo và nhóm; Nam Sa 103 tên đảo và nhóm. Lần này một ít tên gọi lấy nguồn từ sử sách như Tuyên Đức, Tấn Khanh… hay Bombay reef lại gọi là Bồng Bột than, Money island gọi là Kim Ngân đảo.
Ngày 24 - 4 - 1983, Tân Hoa Xã công bố bảng địa danh tiêu chuẩn của đảo Nam Hải do Quốc vụ viện phê chuẩn, lần công bố này huỷ bỏ hầu hết các tên gọi trước đây được phiên âm hoặc chuyển nghĩa từ tên gọi có nguồn gốc phương Tây, thay vào đó các tên thuần Hán.
Đối với xứ sở là nơi xuất phát thuyết chính danh, việc đặt tên gọi tuỳ tiện, thay đổi nhiều lần và cuối cùng không thấy tên gọi Tây Sa, Nam Sa có liên hệ gì với quá khứ là điều đáng phải suy xét.
Trung Quốc có thể dùng sức mạnh quân sự hoặc đòn phép chính trị để áp đảo láng giềng mà cát cứ Tây sa, Nam Sa, nhưng để có sự chính danh, thì chính giới và học giới Trung Quốc mãi mãi không có được.