Chữ Hán chữ Nôm với thế hệ trẻ
Để gánh vác được nhiệm vụ này, trước hết thế hệ trẻ cần phải tiếp xúc với văn hoá Hán Nôm, và trong số họ, cần có những người đi sâu tìm hiểu học tập để có thể thừa hưởng và truyền bá những giá trị tinh thần từ kho tàng văn hoá Hán Nôm. Từ hàng mấy thập kỉ nay, ở cấp quốc gia đã lập ra Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi tập trung tư liệu Hán Nôm và đội ngũ những cán bộ nghiên cứu di sản Hán Nôm dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong hệ thống đào tạo đại học, tại một số trường đại học lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế cũng đã thành lập các bộ môn Hán Nôm, đào tạo cán bộ am hiểu Hán Nôm cho các ngành nghiên cứu ngữ văn, lịch sử và văn hoá, du lịch, v.v. Đó là những cố gắng đáng kể trong việc đào tạo nhân tài để kế thừa và phát huy văn hoá Hán Nôm, mặc dù trong đó cũng còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện hơn, mà tại đây chúng ta tạm thời không thảo luận thêm. Điều mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là vấn đề làm sao để giới trẻ không đến nỗi quên lãng di sản văn hoá Hán Nôm của dân tộc.
Mấy năm gần đây, một số nhà khoa học và sư phạm đã nêu vấn đề cần đưa môn chữ Hán vào nhà trường phổ thông trung học. Giáo sư toán học Nguyễn Cảnh Toàn dưới nhan đề Chữ Nho với văn hoá Việt Nam ( Tạp chí Hán Nôm, 2003, s.4) đã cảnh báo rằng “vấn đề không dạy chữ Nho ở trường phổ thông không phải là chuyện nhỏ mà là chuyện to cần phải giải quyết”. Với sự trải nghiệm sâu sắc của bản thân trong hoạt động khoa học và giáo dục, ông nêu bật vai trò cực kỳ quan trọng của chữ Hán với âm Hán Việt trong quá trình xây dựng thuật ngữ khoa học Việt Nam nói riêng và trong việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt nói chung. Giáo sư văn học Nguyễn Đình Chú cũng lên tiếng kêu gọi Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông( Tạp chí Hán Nôm,2005, s.2). Bài viết của GS. Nguyễn Đình Chú đề cập khá toàn diện mọi khía cạnh về cái hay và cái dở của chữ Hán so với cái hay và cái dở của chữ Quốc ngữ (theo kiểu “chữ Tây ABC”), không chỉ đặt trong truyền thống văn hoá Việt Nam, mà còn đặt trong bối cảnh khu vực với các nước trước đây vốn là “đồng văn” chữ Hán với nước ta, để đi đến kiến nghị cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông. Hưởng ứng lời kêu gọi của GS. Nguyễn Đình Chú, PGS. Hoàng Minh Tường, nhà sử học, cũng trình bày những Suy nghĩ về lợi ích của việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay( Tạp chí Hán Nôm, 2005. s.3). Theo ông, dạy chữ Hán cho lớp trẻ ngày nay là cần thiết, xét từ ba phương diện: Một là, “nắm vững chữ Hán khiến cho việc hiểu và sử dụng tiếng Việt được thuận lợi hơn”. Hai là, “nắm vững văn hoá Hán là cơ sở quan trọng để hiểu rõ văn hoá truyền thống Việt Nam ”. Ba là, “dạy chữ Hán góp phần không nhỏ trong việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cho thanh niên từ khi còn ít tuổi”.
Quả là chữ Hán (chữ Nho) đã đi vào nền tảng văn hiến Việt Nam và để lại dấu ấn đậm nét trong văn hoá cổ truyền người Việt. Bởi vậy mà mặc dù chưa hẳn là hoàn toàn thoả đáng, song khi bàn về sự cần thiết phải đưa chữ Hán “trở lại” dạy ở nhà trường phổ thông, mọi người thường đem đối chiếu chỗ được chỗ mất của chữ Quốc ngữ so với chữ Hán. Chữ Quốc ngữ là văn tự dùng cho tiếng Việt, còn chữ Hán là văn tự dùng cho tiếng Hán. Đáng lẽ ra phải đối chiếu so bì chữ Quốc ngữ với chữ Nôm mới phải, vì đây mới đúng là hai thứ văn tự của riêng tiếng Việt, mà sự lựa chọn lịch sử khiến chữ Nôm đã phải dần dần nhường hẳn vị trí đáng lẽ phải có của mình cho chữ Quốc ngữ. Sự lựa chọn này hầu như không mang tính pháp lệnh, mà là một sự khẳng định của cộng đồng dân tộc theo xu hướng tiến hoá của xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Và ngày nay, dẫu thế nào mặc lòng, dù yêu quý chữ Nôm đến đâu đi nữa, cũng không một ai có ý muốn “lật lại lịch sử”, đòi khôi phục vị trí của chữ Nôm thay vì chữ Quốc ngữ. Không thay cho chữ Quốc ngữ, nhưng ít nhiều biết đến chữ Nôm và chữ Hán (chữ Hán – Nôm) lại là một đòi hỏi thực sự đối với việc hoàn thiện vốn liếng văn hoá tối thiểu cho thế hệ trẻ ngày nay. Ngôn ngữ và cùng với nó là văn tự, không đơn thuần chỉ là phương tiện truyền tin, mà còn là phương tiện thể hiện và chuyển tải văn hoá, đặc biệt là chuyển tài văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác của dân tộc. Bởi vậy, trong vốn kiến thức của thế hệ ngày nay và mai sau mà hoàn toàn cắt đứt với văn hoá truyền thống, trước hết là cắt đứt với cái phương tiện chuyển tải nền văn hoá ấy, thì tất yếu sẽ là một sự khiếm khuyết đáng kể. Thế nhưng không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều phải trang bị đầy đủ như nhau về những kiến thức ngôn ngữ và chữ viết truyền thống như vậy. Ở mức tối thiểu, đối với các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, thì nhu cầu cần phải biết ít nhiều về “chữ Hán – Nôm” theo tôi nghĩ, là nhằm tới mấy mục đích như sau:
Một là, để học sinh biết được rằng văn hoá thành văn của dân tộc ta trong quá khứ mà ngày nay chúng ta đang kế thừa là được hình thành bằng chữ Hán và chữ Nôm. Không biết đến điều này, và ở mức độ nào đó không giải thích được điều này, thì phải chăng có thể coi là đã đạt trình độ văn hoá của một người tốt nghiệp Trung học phổ thông? Tôi đã từng thử hỏi một số các em sinh viên ngành ngoại ngữ, và cảm thấy hụt hẫng khi nhận ra rằng không phải em nào cũng biết là Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáobằng chữ Hán và Nguyễn Du viết Truyện Kiềubằng chữ Nôm. Tôi đánh phải viết ra hai chữ Hán “bách” là trăm”, “lâm” rà “rừng” và ghép lại thành chữ Nôm đọc là Trăm. Rồi giảng tiếp: “Chữ đầu tiên trong câu đầu tiên của Truyện Kiềulà Nguyễn Du viết với chữ Trămnhư thế”. Bấy giờ các em tỏ vẻ thích thú lắm. Trên khắp đất nước ta, đâu đâu cũng có những đình chùa miếu mạo, những di tích văn hoá lịch sử, và ở đó bao giờ cũng còn lưu lại những hoành phi câu đối, những tấm bia và biển gỗ, viết bằng chữ Hán và cả chữ Nôm. Đó chính là một trong những giá trị văn hoá truyền thống mà tổ tiên để lại, mà ngay từ tấm bé, ngay trong cuộc sống hàng ngày các em vẫn thường xuyên tiếp xúc. Không được đi học đã đành, nhưng được học đến hết bậc trung học phổ thông mà không nhận ra được dăm ba chữ Hán chữ Nôm ở đó, thì quả là một thiệt thòi cho các em trong việc thụ hưởng văn hoá cổ truyền của dân tộc. Trong khi đó thì khách du lịch quốc tế, nhất là những người trong khu vực “đồng văn chữ Hán”, dù chưa học qua đại học, cũng tỏ ra thích thú với những di sản văn tự đó của chúng ta, và theo GS. Cao Xuân Hạo thì họ “đều kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử” của đất nước mình (Cao Xuân Hạo 2001. Tiếng Việt. Văn Việt. Người Việt. TP. HCM: Trẻ, tr. 105).
Hai là, đúng như nhiều vị đã nêu, trong tiếng Việt hiện chứa một phân lượng không nhỏ các từ ngữ Hán Việt (bao nhiêu phần trăm thì chưa có nghiên cứu đáng tin cậy). Trong số đó, có những từ là mượn thẳng từ Hán ngữ (trung đại và hiện đại), có những từ là do ta tự tạo trên cơ sở những ngữ tố Hán Việt đã mượn sẵn (chủ yếu là từ Hán ngữ trung đại). Những từ ngữ như vậy, nếu là người Nhật Bản thì họ vẫn viết thẳng các chữ Hán tương ứng vào văn tự của họ, rồi giữ lấy nghĩa mà đọc theo âm tiếng Nhật (âm độc) hoặc đọc theo âm tiếng Nhật (huấn độc). Còn ở ta, chữ Quốc ngữ đã “thủ tiêu” chữ Hán và chuyển tất cả thành chữ “kiểu Tây ABC”, nên dù có đọc theo âm Hán Việt, thì cũng khó lòng nhận ra đó là những từ Hán Việt, và trong nhiều trường hợp, dẫn đến sự lầm lẫn đáng tiếc. Cái biện pháp liên tưởng theo ngữ tố có thể giúp đỡ được phần nào cho sự phân biệt và giải nghĩa các từ Hán Việt. Song trong nhiều trường hợp, nếu không dựa vào mặt chữ Hán thực sự, thì cũng khó bề xoay xở. Có một thầy giáo thuộc lớp người “mù chữ Nho” (chữ dùng của GS Nguyễn Cảnh Toàn) đã giảng rằng ngữ tố “nhân” có mặt trong một loạt từ Hán Việt như: “Nhân dân”, “nhân đạo”, và cả “nhân nghĩa”, “nhân ái” v.v. Thực ra, với chữ Hán thì đây là hai ngữ tố và hai chữ “nhân” khác nhau: “Nhân” trong “nhân đạo”, “nhân dân” và “nhân” trong “nhân nghĩ”", “nhân ái”. Quả là ở đây có điều hơi tế nhị, vì dẫu sao thì cả hai chữ “nhân” này đều thuộc về “con người”. Song, mới đây thôi, trên Truyền hình Hà Nội (8-2007) ở chương trình Đuổi hình bắt chữ, có một chuyện thú vị: Người tham gia trò chơi là một kỹ sư trẻ tâm sự rằng: Vào những dịp đầu Xuân, người ta hay đi xin chữ Nho, nhiều người thích chữ “Lộc”, chữ “Phúc” v.v., riêng anh thì khi nào cũng chỉ xin một chữ “Thành”, vì anh thích sự “thành thực”, “thành tâm”, “thành ý” và từ đó mà có thể “thành đạt”, “thành công”. Phải nói là một tâm sự đáng được chia sẻ. Chỉ có điều ở đây không phải chỉ có một chữ “thành”, mà có hai chữ (ngữ tố) “thành” khác nghĩa nhau, chúng chỉ là đồng âm ngẫu nhiên mà thôi: “thành” trong “thành thực”, “thành tâm” và “thành” trong “thành đạt”, “thành công”. Lại như một cuốn từ điển Hán Việt loại bỏ túi nọ, các soạn giả đã giáng “trữ tình” là “chất chứa tình cảm”, có lẽ là cũng theo phép liên tưởng (dựa theo âm Hán Việt) mà cho rằng “trữ” (nghĩa gốc là “phát ra, phô ra”) trong “trữ tình” với “trữ” (nghĩa gốc là “chứa, giữ lại”) trong “dự trữ, “trữ lượng”, “tích trữ” là một. Thực ra, “trữ tình” là một thuận ngữ của khoa văn học, có nghĩa là “thể hiện tình cảm nội tâm ra ngoài”, mà giảng ngược lại là “chất chứa tình cảm trong long” thì thật là tai hại! Thiết tưởng trong những trường hợp như trên, nếu biết chút ít “chữ Nho” thì sẽ có căn cứ để ăn nói được dễ dàng hơn, hiểu biết sẽ thấu đáo hơn.
Với các em học sinh bậc học phổ thông, việc cho các em tiếp xúc với một ít tri thức Hán Nôm và trang bị được chút ít vốn liếng chữ Hán chữ Nôm có lẽ cũng chỉ nên đặt ra trong hai mục đích khiêm tốn nói trên mà thôi. Ở bậc học này, không nên đặt ra những yêu cầu quá cao xa, mà ngay ở đại học hiện nay cũng chưa đạt tới. Để thuyết minh cho sự cần thiết phải dạy chữ Hán cho học sinh, một số vị đã tôn vinh chữ Hán (hoặc chữ kiểu Hán) lên thành thứ chữ của loài người trong tương lai, là thứ chữ mà nhớ nó, các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã trở thành “những con rồng châu Á”, và lấy làm tiếc là Việt Nam ta đã bỏ phí trong bao nhiêu năm không dạy chữ Hán. Quả là có một số học giả nước ngoài đã nói đến những ý tưởng như vậy qua một vài thí nghiệm và so sánh có phần đơn giản. Ý tưởng này dẫu sao vẫn chưa phải là định luận, đáng để “tham khảo” chứ chưa nên vội răm rắp tuân theo, càng không nên nâng nó lên “một tầm cao mới” trên đất nước Việt Nam ta, trong khi tự mình chưa tham gia nghiên cứu gì thêm. GS. Cao Xuân Hạo cũng như bản thân tôi đều nhận thấy rằng: cơ cấu ngữ âm của tiếng Việt (cũng như tiếng Hán) là một ngôn ngữ “đơn lập – âm tiết tính” (khác biệt hẳn với các ngôn ngữ “biến hình – âm tố tính” ở châu Âu), và đó chính là một cơ cấu ngữ âm và hình thái khá thích hợp với văn tự “biểu âm biểu ý” như kiểu chữ Hán và chữ Nôm ở ta. Một trong những lý do để chữ Hán có thể trường tồn mà không bị thay thế bởi chữ ghi âm ABC là nhớ ở đặc trưng loại hình ngôn ngữ phù hợp với đặc trưng loại hình văn tự (bên cạnh đó, và đặc biệt là khả năng liên thôngcủa chữ Hán theo chiều dài lịch sử và theo chiều rộng địa lý của đất nước Trung Hoa). Đây là chỗ mà chúng tôi sẵn sàng chia sẻ quan điểm với GS. Cao Xuân Hạo và nhiều học giả hiện nay ở Trung Quốc. Tuy nhiên, số phận của chữ viết, ở một mức độ khá lớn, là phụ thuộc vào số phận của dân tộc, đặc biệt là trong quan hệ tiếp xúc văn hoá với các dân tộc khác. Việt Nam chúng ta sẽ không có chữ Nôm nếu không tiếp xúc với văn minh Trung Hoa, và sẽ không có chữ Quốc ngữ nếu không tiếp xúc với văn minh châu Âu. Vả lại, về nguyên tắc, không một ngôn ngữ nào trên thế giới là không có thể áp dụng một thứ văn tự ghi âm theo kiểu ABC, cho dù mức độ phù hợp có thể khác nhau và do đó mà mức độ khó khăn hay thuận lợi trong tạo chữ và dùng chữ cũng có thể khác nhau.
Nhân đây cũng phải nó rằng người Hán, người Nhật sở dĩ không lựa chọn lối chữ thuần ghi âm “kiểu Tây ABC” như ta, không phải người ta muốn làm mà không làm được. Khi tôi đến Tokyo, một học giả Nhật Bản trong lúc trò chuyện đã nói với tôi rằng văn tự Nhật Bản đang dùng là một thành tựu ngữ văn của họ và không cần đến một sự lựa chọn nào khác, mặc dù ở bậc học phổ thông, học sinh vẫn được trang bị kỹ năng phiên viết chữ Nhật theo “tự mẫu Rô-ma” (Romaji), tức chữ cái ABC. Tại Singapore, một học giả gốc Hoa (người Hoa chiếm 3/4 cư dân nước này) cũng cho tôi biết rằng, ở nước họ đã từng thảo luận khá kĩ về vấn đề lựa chọn ngôn ngữ và văn tự quốc gia, và cuối cùng, sự lựa chọn đúng đắn của đất nước Sư tử với bốn thành phần cư dân chính là Hoa, Ấn độ, Mã Lai, Anh là lấy tiếng Anh chữ Anh làm ngôn ngữ và chữ viết quốc gia. Trong đó, mỗi dân tộc đều có thể sử dụng ngôn ngữ và văn tự truyền thống của mình trong giáo dục phổ thông bên cạnh Anh văn. Người Hàn Quốc thì rất đỗi tự hào với chữ Ngạn (Hangul) ghi âm do chính tổ tiên họ tạo ra từ thế kỷ XV. Vào thời hiện đại, có lúc họ đã định bỏ hẳn chữ Hán, nhưng rồi sau đó lại tiếp tục dùng khi cần thiết, và cũng như Nhật Bản, có quy định một danh sách chữ Hán tối thiểu dùng trong nhà trường. Thực tế là có khá nhiều các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc trước đây đã có chữ viết truyền thống (như người Choang có chữ vuông Choang tương tự chữ Nôm của ta) mà hiện nay họ cũng đã chế tác ra và sử dụng phổ biến văn tự “kiểu Tây’ ABC trong cộng đồng của họ. Ở Trung Hoa đại lục, chính sách văn tự của chính phủ Trung Quốc là vẫn duy trì sử dụng chữ Hán giản thể như là văn tự chính thức, song cũng chấp nhận sử dụng chữ Hán phồn thể và phương án phiên âm chữ Hán theo mẫu tự ABC trong những trường hợp cần thiết. Như vậy, thực tế cho thấy các nước đều không tuyệt đối hoá một thứ chữ nào, mà tuỳ theo điều kiện cụ thể của đất nước họ mà lựa chọn những chính sách ngữ văn thích hợp cho mình.
Trở lại với vấn đề chữ Hán ở nước ta, thiết tưởng cũng không nên đặt lên vai chữ Hán quá nhiều “trọng trách”. Với các em học sinh trung học, chỉ nên cho các em làm quen với chữ Hán và chữ Nôm nhằm hướng tới hai mục đích như chúng tôi đã trình bày ở trên. Với những mục đích khiêm tốn như vậy, có lẽ vấn đề không phải là “cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông” mà là “cần cho các em học sinh phổ thông làm quenvới chữ Hán và chữ Nôm”. Xin được thuyết minh rõ hơn về cách tiếp cận này như sau:
Một là, không có chuyện “khôi phục” việc dạy và học chữ Nho ở nhà trường phổ thông với nghĩa là phải đưa trở lại “môn học” chữ Nho như trước kia vào chương trình phổ thông hiện nay, và liên quan với đó là không phải đào tạo gío viên riêng, soạn chương trình và sách giáo khoa riêng cho “môn học” này. Chỉ nên bằng nhiều cách khác nhau, cố gắng “lồng” chữ Hán với âm Hán Việt (tức chữ Nho ở ta) và chữ Nôm vào chương trình và sách giáo khoa của hai môn tiếng Việt và Văn học mà thôi. Có chăng là cần phải trang bị kỹ hơn tri thức Hán Nôm và huấn luyện thêm về phương pháp giảng dạy chữ Hán chữ Nôm cho thầy cô giáo khi họ còn là sinh viên các khoa Ngữ văn ở trường Đại học và ngay cả khi họ đã đứng lớp ở nhà trường phổ thông. Đây là công việc dành cho các chuyên gia tiếng Việt và Văn học “không mù chữ Hán chữ Nôm” mà đồng thời am hiểu tiếng Việt và văn học trung đại Việt Nam .
Hai là, chúng tôi muốn đề cập đến không những là chữ Nho, mà ở một mức độ nào đó là cả chữ Nôm nữa. Như trên đã nói, chữ Hán và chữ Nôm đều có vai trò quan trọng trong sự hình thành nền văn hoá thành văn của Việt Nam trong quá khứ, do đó hoàn toàn quên lãng và cắt đứt mối liên hệ với hai loại chữ này làm một sự hụt hẫng lớn trong tố chất văn hoá của học sinh phổ thông hiện nay. Không thể coi là hoàn hảo khi một học sinh đọc thuộc lòng câu Trăm năm trong cõi người tamà không biết cụ Nguyễn Du đã viết câu đó bằng thứ chữ gì, vì lẽ sách giáo khoa không cho biết và thầy cô cũng không dạy (hoặc giả gần đây có nhắc đến, thì cũng chỉ là một vài câu viết suông và giảng suông thôi), chứ chưa có ý định cho các em trực tiếp nhìn thấy mặt chữ. Thật ra, từ hiểu biết một ít chữ Hán, sẽ dễ dàng tiến sang nắm biết được chút ít chữ Nôm, bởi vì trong các văn bản chữ Nôm ở thời kỳ hoàn thiện, có đến khoảng hơn 3/5 số chữ là dùng nguyên chữ Hán để ghi từ Hán Việt, gần 1/5 số chữ khác là dùng chữ Hán để ghi âm các từ Việt, và hơn 1/5 số chứ còn lại mới đích thức là chữ Nôm tự tạo khác biệt hẳn với chữ Hán. Mà những chữ Nôm này cũng là được cấu tạo từ các thành tố vốn là chữ Hán. Bởi vậy, giới thiệu cho học sinh biết và nắm hiểu được một số chữ Nôm bên cạnh chữ Hán không hề là thêm một gánh nặng cho các em, mà là cần thiết và có khả năng gây thêm hứng thú cho các em học sinh, khiến các em phần nào cảm thấy sự sáng tạo của tiền bối trong quá trình vay mượn chữ Hán để làm giàu cho ngôn ngữ và cả chữ viết của dân tộc.
Ba là, cần cho học sinh phổ thông làm quen với chữ Hán và chữ Nôm, nghĩa là trước hết chỉ cốt làm sao cho học sinh được tiếp xúc với mặt chữ Hán và chữ Nôm thông qua các phần học và phần tập trong các môn tiếng Việt và Văn học, rồi dần dần trên cơ sở đó học sinh sẽ tự tích luỹ được một ít vốn liếng về thứ chữ này trước khi ra trường. Việc tiếp xúc làm quen với chữ Hán và chữ Nôm có thể thực hiện một cách đa dạng. Các biện pháp chính có thể như sau: (a) Với các bài văn thơ trong văn học cổ Việt Nam , cố gắng in cả phần nguyên văn chữ Hán (và chữ Nôm) cùng với phần phiên âm Hán Việt và phần chữ Quốc ngữ. Làm như vậy, học sinh nhìn vào sách thì biết ngay là mình đang tiếp xúc với chữ của người xưa, trên chính tác phẩm mà mình đang học. Đồng thời, thầy cô có thể lợi dụng nguyên văn chữ Hán chữ Nôm đó để giải nghĩa một số từ Hán Việt và từ Nôm trong bản dịch hoặc bản chuyển tự Quốc ngữ. (b) Trong phần giải nghĩa từ ngữ cũng như phần bài tập về từ ngữ Hán Việt, cần sử dụng các chữ Hán (cả trong sách giáo khoa và cả khi viết lên bảng), nhất là những chữ đồng âm nhưng hình chữ và nghĩa chữ khác nhau, để giải nghĩa các từ có chứa các chữ Hán đó. Như trường hợp mấy chữ “nhân”, mấy chữ “thành”, mấy chữ “trữ”, v.v. mà phần nào đã nói ở trên. Xin được lưu ý là: chữ Hán mà người xưa dùng thường là chữ phồn thể (sự phân biệt phần thể và giản thể không phải đến ngày nay mới có), nhất là khi dùng vào chữ Nôm. Bởi vậy, chúng ta sẽ cho các em kế thừa truyền thống viết chữ, đọc chữ (theo âm Hán Việt) và hiểu nghĩa chữ Hán như đã từng như vậy ở tiền bối. Đây là những gì thuộc về văn hoá cổ truyền của Việt Nam , chứ không phải nhằm tới nắm biết thêm một ngoại ngữ (và ngoại văn) nào.
Bốn là, với cách tiếp cận này sẽ không đặt nặng yêu cầu học sin phải ghi nhớ cụ thể từng chữ một, và cũng không cần có bài tập, bài kiểm tra riêng về chữ Hán và chữ Nôm, mà có thể “lồng” vào các bài tập, bài kiểm tra trong môn tiếng Việt và Văn học. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tuỳ tiện, mà cần có sự nghiên cứu xem có gì liên quan cần khai thác trong chương trình các môn tiếng Việt và Văn học để có thể đưa chữ Hán và chữ Nôm vào đó theo phương pháp “tích hợp” sao cho hiệu quả. Mặc dù suốt hai cấp học không nhất thiết phải ấn định số lượng chữ mà mõi em học sinh nhất thiết phải thuộc, nhưng để các em học sinh ở từng lớp từng cấp học làm quen với những chữ nào và bao nhiêu chữ là vừa, đều cần phải có sự nghiên cứu và quy định cụ thể. Chúng tôi nghĩ rằng, hết THCS mà cho các em biết được (chứ không nhất thiết phải thuộc lòng hết) khoảng 700 chữ, và hết THPT biết thêm 500 chữ nữa là vừa (khoảng 1000 chữ Hán và 200 chữ Nôm). Danh sách các chữ này có thể lập thành bảng đặt vào phụ lục trong sách giáo khoa Tiếng Việt (theo từng năm và theo từng cấp học). Với chừng ấy chữ được học qua, thì cũng chưa thể nói là đã đủ để các em “sáng mắt sáng lòng” đối với chữ Hán chữ Nôm, song dẫu sao cũng không còn “mù tịt và vô cảm” nữa. Hy vọng, với cách làm này, trong số các em học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, sẽ có một số em tìm thấy hứng thú với chữ Hán và chữ Nôm, và từ đó những em này sẽ tự mình tìm tòi học hỏi thêm về sau, hoặc ở cấp học cao hơn, hoặc ở các phương tiện thông tin hiện đại (qua máy tính chẳng hạn). Hiện nay, trên cơ sở các chữ Nôm đã được các chuyên gia Việt Nam và quốc tế cấp mã Unicod, nhiều chuyên gia Hán Nôm và Tin học đã bước đầu thực hiện việc đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính. Như vậy, chữ Nôm đã có điều kiện để xích gần lại với thế hệ trẻ rồi.
Năm là, hoạt động tiếp xúc và làm quen với chữ Hán và chữ Nôm như vậy có thể bắt đầu từ cấp THCS đến hết THPT (từ lớp 6 đến lớp 12), và không phân biệt đối với học sinh thuộc chuyên ban nào. Không nên bắt đầu từ tiểu học, vì ở bậc học này các em cần tập trung học viết và đọc chữ Quốc ngữ cho đúng và cho thành thạo. Không phân biệt chuyên ban, vì hoạt động này là nhằm tới những mục đích tối thiểu như đã nêu ở trên, nó cần thiết cho tất cả các em, dù sau này các em tiếp tuc học lên theo ngành học nào cũng vậy. Để trở thành chuyên gia về Ngôn ngữ, về Văn học hay về Sử học, v.v thì các em còn phải tiếp tục học chữ Hán chữ Nôm một cách bài bản và chu đáo hơn ở bậc đại học và sau đại học. Còn như để trở thành một nhà nghiên cứu về Toán, Lý, Hoá, Sinh, v.v nếu không có điều kiện học thêm, thì với những gì nắm biết được từ thời học sinh phổ thông, các nhà khoa học tương lai sẽ không mấy bỡ ngỡ khi tiếp xúc với các thuật ngữ khoa học tiếng Việt, vốn rất ưa dùng các ngữ tố Hán để tạo thành, như giáo sư toán học Nguyễn Cảnh Toàn đã từng khẳng định.
Ngoài ra, các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt có lẽ nên nghĩ đến chuyện phụ chú các chữ Hán bên cạnh các mục từ vốn là từ Hán Việt, làm như vậy sẽ góp phần bổ cứu được chỗ mà chữ Quốc ngữ đã “xoá nhoà” trên mặt giấy dấu ấn biểu nghĩa của chữ hán. Đây là ý tưởng mà từ đầu thế kỷ XX, học giả Phạm Quỳnh đã từng nói tới: “Tiếng An Nam ta đến nửa phần là mượn chữ Tàu, nếu những chữ Tàu đó không có mặt chữ ra đấy, thì không biết đâu mà dò được nữ, rồi cái từ - nguyên nó mỗi ngày một mờ ám đi, thành ra hiểu lầm dùng bậy cả. Xin trả lời rằng sự bất-tiện đó có thật, nhưng không lấy gì làm nguy-cấp cho lắm. Bây giờ chỉ nên làm lấy một quyển Từ-điển cho hoàn-bị, bao nhiêu những chữ mượn của Tàu biên rõ ra chữ Hán ở bên cạnh, rồi cắt nghĩa cho rõ-ràng, thế là đủ. Tiếng Pháp kia cũng đến nửa phần gốc ở tiếng La-tinh mà ra, ngày nay người Pháp cò cần gì phải biết tiếng La-tinh mới hiểu, đã có từ-điển biên rõ gốc-tích từng chữ” (Nam Phong, s. 122, 10-1927, tr. 338). Điều thú vị là hầu hết các bộ từ điển tiếng Việt được biên soạn vào thời kì đầu, ngay sau khi chữ Quốc ngữ được hoàn thiện và ổn định, như Từ điển Việt – La (1772 – 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine, Nam Việt Dương hiệp tự vị (1838) của J.L. Taberd, Đại Nam quốc âm tự vị (1895 – 1896) của Huỳnh Tịnh Của, Từ điển Việt – Pháp (1898) của J.F.M. Génibrel, v.v. trong đó, bên cạnh chữ Quốc ngữ các mục từ đơn đều ghi kèm chữ Nôm và chữ Hán. Sang thế kỷ XX, như đã biết, chữ Hán chữ Nôm đã không được các soạn giả và nhà in coi trọng, liền bị gạt ra khỏi từ điển tiếng Việt - để cho giản tiện, dù họ có thừa nhận hay không thừa nhận sự ích lợi của chúng.