Choáng với những sáng chế của “nhà khoa học” chỉ học hết lớp 8
Những sáng chế đầu tay
Vào một đêm cuối tháng 9.2013, ngay tại nhà Chương, tôi được nghe kể: “Em là con kế út trong một gia đình có đến 10 anh em, chuyên làm nông ở xứ rau Đơn Dương. Năm học xong lớp 8, em phải nghỉ học để phụ giúp gia đình từ chuyện ra đồng lúc mặt trời chưa nhú đến chuyện làm thuê, cuốc mướn, nhặt ve chai… Năm 2003, em lập gia đình. Ngày vợ em trở dạ, nhà không có lấp một cắc bạc. Gõ cửa nhiều nhà hàng xóm để mượn tiền đưa vợ đi sinh ở bệnh viện. Những năm ấy, hàng xóm ai ai cũng khó khăn.
Cuối cùng cũng xoay được một khoản tiền ít ỏi đủ trang trải vé xe cho vài người và ứng tiền viện phí… Đưa vợ lên Bệnh viện Lâm Đồng (ở Đà Lạt, cách Đơn Dương chưa đến 50km), rồi Chương quay về nhà ngay lập tức để lao vào làm thuê cho các chủ vườn rau kiếm tiền trả nợ và nuôi vợ đẻ. Ngày hôm sau, anh nhận công phun thuốc trừ sâu cho một chủ vườn rau gần nhà. “Em vừa phun thuốc trừ sâu vừa nghĩ: Sao không thể cải tiến cái vòi phun để vừa đỡ độc hại và vừa lợi công lao động? Sau hai ngày đêm nghĩ suy đến nát óc, đến ngày thứ ba, em bắt tay vào việc cải tiến theo những gì đã nghĩ trong đầu…” - Chương kể.
Thật bất ngờ, sản phẩm “nông cụ” đầu tay ấy đã thành công ngoài mong đợi: Hôm sau, mang bình xịt thuốc trừ sâu ra đồng với cái vòi tự chế “dài thòng”, Chương khiến cho nhiều người nông dân đang làm rau ở quanh đó ngỡ ngàng vì cánh đồng rau cần từ 7 – 8 tiếng đồng hồ để phun thuốc thì Chương chỉ làm trong khoảng thời gian tính ra không đến 2 tiếng đồng hồ. Ngày đi làm thuê, tối về lại nghĩ nghĩ suy suy, vẽ vẽ viết viết, cuối cùng thì sản phẩm bình phun thuốc trừ sâu “thương hiệu” Nguyễn Hồng Chương cũng đã được hoàn chỉnh (đến giờ, đây là sản phẩm cải tiến chung của cả vùng rau Đơn Dương và Lâm Đồng).
Tôi nhìn quanh mấy bức tường: Đủ các loại giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận… từ địa phương đến trung ương, từ tổ chức đoàn thể đến tổ chức khoa học chuyên ngành. “Nhưng sáng chế đầu tiên của Chương được công nhận là gì?” – tôi lên tiếng. Chương đáp: “Sau cái bình phun thuốc trừ sâu cải tiến năm 2004, em có làm nhiều thứ lắm. Trong những thứ đó, chiếc máy gieo hạt chân không là tốn công sức nhất!”. Theo lời Chương, dạo đó khoảng năm 2005, trong một lần đến vườn ươm giống rau để mua cây giống, anh phát hiện trong vườn ươm có rất nhiều lao động làm ở khâu ươm và tất cả các công đoạn đều được làm thủ công: Làm tơi đất, vô bịch nilon, bỏ xoi lỗ bỏ từng hạt giống rau vào bịch…
Chương đặt câu hỏi cho mình: “Có cách nào hay hơn không?”. Rồi, anh nghĩ đến những chiếc vòng xoay đóng chai, những dây chuyền đóng bao… Ngay đêm ấy, ý nghĩ chế tạo một “cỗ máy” gieo hạt giống túc trực trong đầu anh. Sau đó, suốt cả mấy tháng trời vừa quan sát hoạt động của một số loại máy móc mà anh cho là có thể bắt chước được, anh vừa viết vừa vẽ, vừa tìm nguyên vật liệu… Nhưng cái vướng mắc lớn nhất chính là khoản tiền lớn để mua vật tư. “Năm ấy, tính hết mọi thứ, em cần khoảng 40 triệu đồng. Đó là một khoản tiền quá lớn đối với em lúc bấy giờ. Nghĩ nát óc mà chẳng thấy khoản nào khả dĩ, em đành mở miệng nhờ người anh ruột cầm sổ đỏ vay ngân hàng…” – Nguyễn Hồng Chương nhớ lại.
Có được tiền, Nguyễn Hồng Chương bắt tay ngay vào việc chế tạo máy với tinh thần khẩn trương nhất. Chương kể tiếp: “Cuối cùng rồi chiếc máy gieo hạt chân không ấy cũng được hoàn thành. Ngày đưa máy ra “trình làng” và cũng dịp Chương báo cáo công trình với huyện Đơn Dương. Tính ra, máy gieo hạt giống chân không của Nguyễn Hồng Chương thay thế được 12 lao động so với làm thủ công như trước đây.
Năm 2008, sản phẩm máy nông nghiệp “gieo hạt giống rau chân không” này của Nguyễn Hồng Chương được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Điển hình sáng tạo trẻ Việt Nam”; tiếp đến là được Trung ương Đoàn tặng bằng chứng nhận đạt giải thưởng Lương Định Của (cũng trong năm 2008). Từ 2008 đến nay, sản phẩm này của Chương còn có mặt ở mọt số nước trên thế giới, nhất là các nước Đông Nam Á. “Năm nào cũng phải xuất khẩu 1 - 2 lô hàng ra nước ngoài, mỗi lô từ 8 đến 12 máy. Làm không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, nhất là với thị trường nước ngoài” – Chương nói.
Không dừng ở đó, từ 2008 đến nay, Chương cùng với các anh em trong nhà tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra khá nhiều những máy móc có lợi cho nông dân, nhất là nông dân vùng rau, như máy dồn đất vào vỉ xốp, máy đóng đất vào chậu để trồng hoa, máy đẩy vỉ xốp, máy nghiền đất, máy đóng giá thể vào chậu, máy cắt ghép cây giống nông nghiệp… Trong đó, nhờ chiếc máy dồn đất vào vỉ xốp, cuối năm 2008, Nguyễn Hồng Chương được mời làm đại diện cho thanh niên Lâm Đồng tham dự đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần thứ nhất do Trung ương Đoàn tổ chức.
Chính chiếc máy “đẩy vỉ xốp” được chế tạo hồi tháng 3.2011 đang làm cho giới nghiên cứu và chế tạo máy nông nghiệp quốc tế vô cùng kinh ngạc về “nguyên lý hoạt động”. Chương bảo: “Em nào có biết gì về khoa học chế tạo máy móc đâu. Bởi vậy, trong các hội nghị chuyên môn, họ bảo em “trình bày nguyên lý hoạt động”, trình bày “nguyên lý vận hành”…, em chịu thua. Nhưng đến khi đưa máy vào thực tế, em “thuyết trình” theo cách hiểu và cách làm của em, nhiều nhà khoa học tỏ ra ngạc nhiên vô cùng”.
Người nông dân yêu nhạc và yêu sáng chế
Ngoài tài năng sáng chế, Chương còn có năng khiếu chơi nhạc. Điều bất ngờ là từ nhỏ đến lớn Chương chưa một lần cắp sách đến trường học nhạc nào cả nhưng anh có thể là “con ma” của không chỉ cây guitare mà còn của nhiều nhạc cụ khác như organ, saxophon, bộ gõ… “Cũng nhờ vào cái gen và nhờ ở bố em đấy. Bố em là một nhạc công chơi nhạc cho nhiều nơi, và với con cái, đứa nào bố cũng truyền dạy các ngón đàn, không nhiều thì ít…” – Chương nói. Trong nhà xưởng khá rộng của Chương, ở gian sau, anh dành hẳn một căn phòng khá rộng để chơi nhạc. “Mấy năm gần đây có đồng ra đồng vào, dại gì mà không… chơi hả anh!” – giọng Chương nghe có vẻ “bụi bặm” nhưng rất có lý. Chương rủ tôi ra phía sau để tham quan: Quả thực, không kém gì so với giàn nhạc chuyên nghiệp.
Chương nói: “Nhạc công ở đây là mấy anh em nhà em thôi! Mấy anh em nhà em, người nào cũng biết ít nhất là một loại nhạc cụ. Làm mệt, anh em “ráp” vô, nghỉ xả hơi bằng âm nhạc, còn gì bằng, phải không anh?”, rồi tiếp: “Anh biết không, cái đầu của em cứ luôn nghĩ đến chuyện máy móc nên nhiều lúc căng như dây đàn vậy! Có đêm, nghĩ miết mà không xong chuyện, em ra phòng phía sau cầm cây guitare điện lướt “thô” (không amply) vài đường, thư giãn tí, khỏe ra ngay, và cũng… “thông minh” hẳn lên. Lại vào phòng, nghĩ suy, viết vẽ… Sáng mai ra đưa vào ứng dụng thực tế”.
Nguyễn Hồng Chương nhiều năm liền được bầu chọn là nông dân điển hình tiên tiến cấp tỉnh; là điển hình tiên tiến của phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng năm 2011. Ngoài chứng nhận “Điển hình sáng tạo Việt Nam” của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn năm 2008, Nguyễn Hồng Chương vào năm 2009 được công nhận là “Tài năng trẻ Việt Nam” của Trung ương Đoàn, và năm 2012 được Bộ Khoa học và công nghệ tặng bằng khen; cùng đó là đạt giải nhất hội thi sáng tạo và khoa học tỉnh Lâm Đồng năm 2011. |