Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 12/08/2010 21:27 (GMT+7)

Chính sách đối với người Hoa trong quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc

Trong khi đó, đưa ra những chính sách và biện pháp thiết thực giải quyết thoả đáng các vấn đề về quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội của Hoa kiều và người Hoa còn tồn tại từ thời Dân quốc nhằm củng cố niềm tin của họ đối với chính quyền mới, từ đó, hưởng ứng và tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, kể từ nửa đầu những năm 60 của thế kỷ XX, cuộc “Cách mạng văn hoá” mang đậm tư tưởng cực tả đã nổ ra và kéo dài trong suốt 10 năm, đã làm cho nền kinh tế của nước này rơi xuống bờ vực của sự sa sút và những thành quả của chính sách Kiều vụ vừa đạt được bị tàn phá nặng nề, quyền lợi của Hoa kiều và người Hoa chịu tổn thất nghiêm trọng, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia có người Hoa sinh sống rơi vào tình trạng bế tắc. Chỉ đến khi quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới được cải thiện và đường lối cải cách mở cửa của Trung Quốc được tiến hành từ năm 1978, chính sách Kiều vụ đã thay đổi về căn bản Quan hệ giữa người Hoa, Hoa kiều với Trung Quốc được coi trọng, quyền lợi về mọi mặt của người Hoa và Hoa kiều được đảm bảo, đem lại niềm tin vững chắc trong cộng đồng người Hoa, Hoa kiều ở trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy quan hệ liên kết, hợp tác trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội giữa họ với Trung Quốc ngày càng chặt chẽ, tạo đà cho Trung Quốc ngày càng phát triển và giàu mạnh. Để tìm hiểu sự thành công này, cần đi sâu làm rõ sự đổi mới trong chính sách người Hoa của Trung Quốc từ sau cải cách mở cửa đến nay.

I. Vài nét về chính sách người Hoa của Trung Quốc trước cải cách mở cửa (1978)

Kể từ khi thành lập nước đến trước cải cách mở cửa, Trung Quốc đứng trước nhiều biến cố chính trị phức tạp. Trên thế giới hình thành cục diện hai cực; mâu thuẫn Trung-Xô tạo thành sự chia rẽ trong phe XHXN hiện diện trên trường quốc tế của một số quốc gia Đông Nam Á mới giành được độc lập đã làm cho cục diện chính trị thế giới thay đổi sâu sắc. Ở trong nước, mặc dù Trung Quốc bước vào thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, song, trong nội bộ ban lãnh đạo nước này còn tiềm ẩn những luồng tư tưởng đối lập nhau. Sự đối lập này đã đưa tới kết quả hình thành một chế độ tập quyền cao độ về chính trị trong quá trình cách mạng dân chủ mới và một thể chế kinh tế thống nhất tập trung trong quá trình cải tạo XHCN và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Thời kỳ này, mục tiêu của chính sách và công tác Kiều vụ tập trung vào vấn đề người Hoa và Hoa kiều ở trong nước. Tuy nhiên, nội dung hoạt động của công tác Kiều vụ nhất thiết phải tuyệt đối tuân theo tư tưởng chỉ đạo của ban lãnh đạo Trung Quốc. Về chính sách đối với người Hoa và Hoa kiều ở nước ngoài đều phụ thuộc vào sự thay đổi của phương châm, chính sách ngoại giao của Chính phủ Trung Quốc để điều chỉnh

Năm 1958, để giảm bớt những rắc rối trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á xuất phát từ “vấn đề người Hoa”, Chính phủ Trung Quốc đã lập kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận Hoa kiều không muốn ở lại hoặc trở thành cư dân của các nước họ đang cư trú. Trung Quốc đã nêu ra chính sách “Ba tốt”, nghĩa là: Hoa kiều tự nguyện gia nhập quốc tịch nước sở tại, rất tốt; Hoa kiều tự nguyện giữ quốc tịch Trung Quốc cũng rất tốt; Hoa kiều đồng ý về nước tham gia xây dựng tổ quốc cũng tốt 1,cùng với nhiệm vụ là “động viên các yếu tố tích cực của gia quyến Hoa kiều, Hoa kiều và học sinh Hoa kiều về nước để nhanh chóng xây dựng CNXH” 2. Chính sách đối với Hoa kiều và gia quyến Hoa kiều về nước cũng được xác định theo phương châm, một là “nhất nhị đồng phân, thích đáng chiếu cố” nghĩa là xuất phát từ lợi ích căn bản của 600 triệu người lúc đó, Hoa kiều và gia quyến về nước cũng giống như nhân dân cả nước, đều phải tham gia cách mạng và xây dựng CNXH, song căn cứ vào đặc điểm khác nhau về các mối liên hệ giữa Hoa kiều, gia quyến Hoa kiều với nước ngoài; tập quán lao động và tập quán sinh hoạt đang được hình thành để có sự chăm sóc, giúp đỡ thích đáng, hai là “tùng đồng xuất phát, dĩ đồng hoá dị”, nghĩa là chính sách kiều vụ phải phải phục tùng chính sách chung của nhà nước, lợi ích cục bộ của Hoa kiều và gia quyến Hoa kiều phải phục tùng lợi ích XHCN chung của nhân dân, với nhiệm vụ căn bản là tiến hành giáo dục cải tạo đối với Hoa kiều và thân nhân của họ 3nhằm xoá bỏ sự đặc thù của Hoa kiều cũng như thân nhân của họ sau khi về nước. Sau khi Quốc Vụ viện Trung Quốc ban bố chỉ thị “Về tiếp đãi và sắp xếp cho Hoa kiều trở về Tổ quốc” ngày 2-2-1959, các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và các huyện, thị trấn đã lần lượt thành lập các uỷ ban tiếp đãi và sắp xếp cho Hoa kiều về nước. Từ năm 1960-1961, Phúc Kiến đã sắp xếp cho 31000 người Hoa ở Inđônêxia về nước. Còn Quảng Đông sắp xếp cho 54000 người. Từ năm 1964-1966, hai tỉnh này còn tiếp tục sắp xếp cho gần 20000 người Hoa ở Inđônêxia, Mianma và Ấn Độ. Sau năm 1960, chính quyền các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam đã xây dựng và mở ra 30 nông trường quốc doanh để Hoa kiều an cư, lập nghiệp ổn định. Ở công xã nhân dân Hoà Thuận thuộc huyện Đằng Sung tỉnh Vân Nam, Hoa kiều và gia quyến của họ đã tích cực khai hoang được hơn 3000 mẫu đất để trồng trọt, làm cho sản lượng lương thực năm 1964 ở đây tăng gấp 5 lần so với trước khi Trung Quốc giải phóng, giải quyết được vấn đề lương thực 4. Đồng thời, Trung Quốc không chỉ mở các trường học bổ túc văn hoá cho con em người Hoa ở Nam Ninh, Côn Minh và Vũ Hán, mà còn xây dựng hơn 100 trường tiều học ở nông trường Hoa kiều và mở trường đại học Hoa kiều ở Tuyền Châu, Phúc Kiến. Tính đến năm 1964, ở Trung Quốc đã có 39000 học sinh, trong đó, có hơn 10000 tốt nghiệp các trường đại học và học viện, và có hơn 20000 học sinh tốt nghiệp trung học có việc làm 5.

Từ năm 1966-1969, cuộc “Cách mạng văn hoá” nổ ra hết sức quyết liệt. Dưới tư tưởng chỉ đạo sai lầm “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”, công tác kiều vụ bị phê phán là”đường lối Kiều vụ của giai cấp tư sản” cần phải đấu tranh. Cán bộ từ Trung ương đến đại phương không còn coi trọng đặc tính riêng biệt của người Hoa, Hoa kiều và Kiều quyến, họ nhấn mạnh “dĩ đồng hoá dị” (lấy sự giống nhau để thay đổi sự khác nhau) một cách phiến diện, không thừa nhận mối liên hệ đặc biệt giữa người Hoa hải ngoại với những Hoa kiều và kiều quyến. Cuộc đấu tranh giai cấp này đã làm cho chính sách Kiều vụ của Trung Quốc bị xâm phạm và can thiệp nghiêm trọng, công tác Kiều vụ bị đình chỉ, các cơ sở bị giải tán, gây thiệt hại nặng nề đến quyền lợi vật chất và tinh thần của đông đảo Hoa kiều và gia quyến hồi hương, kể cả họ hàng và thân tộc của họ ở trong nước. Sau những năm 70 của thế kỷ XX, nhằm tránh thảm hoạ của cuộc Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc đã làm cho một số dân di cư mới tăng rất nhanh, đặc biệt là những người ở khu vực ven biển Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông. Tính từ giữa những năm 70 trở đi, đã có khoảng trên 2,5 triệu người Hoa ở Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Đài Loan đến định cư ở nước ngoài 6. Hậu quả của cuộc di dân liên tiếp cũng như sự sứt mẻ trong quan hệ giữa Trung Quốc với người Hoa hải ngoại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong nhiều năm sau này.

II. Chính sách đối với người Hoa trong cải cách mở cửa

1. Sự đổi mới chính sách đối với người Hoa từ 1978 đến cuối thế kỷ XX

Sau chiến tranh lạnh, hoà bình và phát triển đã trở thành nhu cầu của thời đại. Trước trào lưu tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ đang diễn ra sôi động như vũ bão và những xu hướng kinh tế mới có lợi cho sự phát triển của các nước trên thế giới đang mở ra triển vọng to lớn cho sự liên kết, hoà nhập, hoà bình và phát triển mà điển hình là xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh đang được hình thành và phổ biến rộng rãi trên toàn cầu, đã tác động mạnh mẽ đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc, buộc họ phải có cái nhìn tỉnh táo, sáng suốt và tinh thần “thực sự cầu thị” để nhận định chính xác về tình hình trong nước và trên quốc tế, nhanh chóng đề ra chính sách điều chỉnh kinh tế và chính sách Kiều vụ đúng đắn, khách quan, thúc đẩy cải thiện quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia trên thế giới và quan hệ với Hoa kiều, người Hoa ở trong nước và ngoài nước, đưa kinh tế-xã hội Trung Quốc ngày càng phát triển ổn định, đời sống của nhân dân kể cả Hoa kiều, người Hoa và Kiều quyến ở trong nước không ngừng tăng lên. Tháng 12-1978, Hội nghị toàn thể lần thứ ba khoá XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chủ trương tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, chuyển trọng tâm công tác vào lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, đưa ra chính sách thu hút nguồn vốn và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng người Hoa và Hoa kiều hải ngoại, chủ trương này đã làm cho công tác Kiều vụ của Trung Quốc về cơ bản có sự chuyển hướng tích cực. Từ những năm 80 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành sửa sai, xây dựng và điều chỉnh chính sách Kiều vụ có lợi cho sự sinh tồn và phát triển của người Hoa, Hoa kiều ở trong và ngoài nước. Đồng thời, nới lỏng việc hạn chế người Hoa xuất nhập cảnh, phê chuẩn cho rất nhiều người xuất ngoại với lý do đoàn tụ gia đình, thân nhân và cho phép lưu học sinh ra nước ngoài. Từ năm 1979-1985, có 350.000 người Trung Quốc ở Đại lục được phép ra nước ngoài 7, đồng thời, đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp khuyến khích và ưu đãi nhà đầu tư người Hoa hải ngoại mở rộng đầu tư, thương mại tại Trung Quốc đóng góp vào công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội của nước này.

Từ năm 1984, Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh một số nội dung chủ yếu của chính sách Kiều vụ như sau: (1) Tán thành và khuyến khích người Hoa nhập quốc tịch nước cư trú, không thừa nhận hai quốc tịch. (2) Nhấn mạnh công dân sau khi gia nhập quốc tịch nước cư trú được hưởng toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng. (3) Không coi việc khuyến khích người Hoa gia nhập quốc tịch là hành vi bắt buộc, đồng thời Chính phủ Trung Quốc ra sức bảo vệ quyền lợi hợp pháp thực sự và chịu trách nhiệm đối với người muốn giữ quốc tịch Trung Quốc. (4) Đối với vấn đề người Hoa ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đặc biệt chú ý và trân trọng đến tính nhạy cảm, tính nguyên tắc trong chính sách đối với người Hoa của Chính phủ các quốc gia này. Việc điều chỉnh chính sách này là sự thừa nhận và khẳng định về vấn đề người Hoa của Chính phủ Trung Quốc, đã giải toả được mối lo ngại, thiếu tin tưởng của các nước Đông Nam Á.

Cùng với việc điều chỉnh chính sách đối với người Hoa hải ngoại, Chính phủ Trung Quốc cũng đề ra những biện pháp thiết thực và vụ thể như: xây dựng và khôi phục các cơ quan phụ trách về vấn đề Kiều vụ nhằm thực hiện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hoa kiều và người Hoa có quốc tịch nước ngoài, đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, động viên người Hoa tự nguyện nhập quốc tịch Trung Quốc để phát triển kinh doanh thương mại và mở rộng giao lưu hợp tác cho Tổ quốc. Đồng thời, đưa ra những chính sách, biện pháp bảo vệ mọi quyền lợi hợp pháp của Hoa kiều về nước và Kiều quyến góp phần thúc đẩy phát triển đầu mối liên hệ chặt chẽ với hải ngoại.

Sự đổi mới chính sách người Hoa của Trung Quốc đã tạo ra sự tin tưởng khá cao trong cộng đồng người Hoa và Hoa kiều ở trong nước và hải ngoại. Họ đã có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc kể từ sau cải cách mở cửa. Từ 4 đặc khu kinh tế được thành lập ở Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải, Hạ Môn gần kề với các khu vực Hồng Kông-Ma Cao và các quốc gia Đông Nam Á, nơi có đại bộ phận người Hoa sinh sống. Đến nay, đã có rất nhiều thương nhân người Hoa hải ngoại đến Trung Quốc mở rộng hoạt động đầu tư, thương mại, đóng góp cho công cuộc xây dựng cộng nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước này. Chỉ trong 28 năm kể từ cải cách mở cửa đến cuối năm 2005, Trung Quốc đã thu hút được nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài là 622,4 tỷ USD, trong đó vốn của người Hoa hải ngoại và người Trung Hoa ở Hồng Kông-Ma Cao và Đài Loan là 417 tỷ USD, chiếm 67% toàn bộ đầu tư của nước ngoài tại Trung Quốc 8.

Ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế, người Hoa, Hoa kiều hải ngoại còn có nhiều công lao trong việc phát triển sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Riêng tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp của người Hoa hải ngoại và Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan tại đây đã quyên góp và xây dựng sự nghiệp công ích của tỉnh này khoản tiền tới 40 tỷ NDT. Để ủng hộ cho việc xây dựng Cung thể thao Bắc Kinh chào đón Thế vận hội năm 2008, người Hoa hải ngoại đã quyên góp 1 tỷ NDT. Đặc biệt là sau khi xảy ra trận động đất nặng nề ở Tứ Xuyên, đông đảo người Hoa, Hoa kiều đã tích cực quyên góp để khắc phục thảm hoạ này. Chỉ riêng hai tập đoàn Cali và Tập đoàn Ích Hải Cali đã quyên góp hơn 150 triệu NDT, Tập đoàn chất dẻo Đài Loan đã quyên góp 1 triệu USD, Tập đoàn Phú Sĩ Khang quyên góp 60 triệu NDT 9.

Nhìn chung, từ năm 1978 đến cuối thế kỷ XX, cơ cấu và chính sách Kiều vụ của Trung Quốc đã từng bước được khôi phục, đổi mới về cơ bản. Hệ thống pháp lý cũng như các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người Hoa, Hoa kiều đã được xác lập và thực thi rộng rãi, đem lại sự bảo đảm về quyền lợi chính trị, kinh tế và văn hoá-xã hội của người Hoa và Hoa kiều trong nước và hải ngoại, đồng thời cũng làm cho địa vị và vai trò của người Hoa ngày càng được nâng cao.

2. Sự tiến triển của chính sách đối với người Hoa đầu thế kỷ XXI

Nhận thức được vai trò quan trọng của người Hoa, Hoa kiều ở trong và ngoài nước đối với việc cải thiện mối quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Trung Quốc với các quốc gia trên thế giới cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là những cống hiến cho việc kết nối hoà hợp dân tộc giữa người Hoa hải ngoại với các thực thể Trung Hoa Đại lục, Hồng Kông-Ma Cao và Đài Loan. Do đó, trong mối quan hệ chính trị-ngoại giao và kinh tế giữa Trung Quốc với các quốc gia có người Hoa sinh sống và các thực thể Trung Hoa như Hồng Kông-Ma Cao và Đài Loan ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập, vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chính sách, biện pháp có hiệu quả và phù hợp với tình hình mới nhằm huy động hơn nữa sức mạnh của người Hoa, Hoa kiều trong và ngoài nước phục vụ cho lợi ích của đất nước họ.

a) Đối với người Hoa hải ngoại

Chính sách của Trung Quốc hiện nay là cố gắng thu hút một lượng lớn tầng lớp nhân tài có chuyên môn cao ở nước ngoài về nước lập nghiệp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá đất nước. Do đó, chính sách này được tập trung vào các mặt sau:

1) Thực sự coi trọng việc bảo vệ quyền lợi đầu tư trong nước của người Hoa hải ngoại. Các địa phương, các ngành hữu quan đã chú trọng việc cải thiện môi trường và phạm vi đầu tư, cùng với việc thu hút thương nhân người Hoa, còn chủ động giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư, tích cực giải quyết những sự việc mà thương nhân người Hoa khiếu kiện.

Thời gian gần đây, các ngành hữu quan của Chính phủ đã xác lập và ban bố “Biện pháp tạm thời xử lý hài hoà vụ án kinh tế liên quan đến kiều bào người Hoa”, xây dựng chế độ thông báo tình hình xử lý vụ án kinh tế có liên quan đến người Hoa. Đồng thời, thành lập đoàn cố vấn dịch vụ pháp luật cho doanh nghiệp có vốn người Hoa. Một số địa phương còn để ra những quy định văn kiện pháp luật bảo vệ quyền lợi đầu tư của người Hoa, thành lập cơ chế điều phối công tắc Kiều vụ do lãnh đạo nhà nước và ngành hữu quan quản lý để điều phối công tác Kiều vụ do lãnh đạo nhà nước và ngành hữu quan phụ trách quản lý để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, rắc rối quan trọng có liên quan đến thương nhân người Hoa.

2) Tăng cường thu hút người Hoa hải ngoại, lưu học sinh và nhân viên về nước lập nghiệp, duy trì phương châm “giúp đỡ lưu học sinh, khuyến khích họ về nước, làm tốt công tác thu hút nhân tài cao cấp có kế hoạch, có trọng điểm”.

Thời gian qua, Trung Quốc đã xác lập kế hoạch trợ cấp kinh phí chuyên môn cho lực lượng có kỹ năng và trí thức giỏi, bao gồm những kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và lưu học sinh xuất sắc trở về nước (Trung Quốc gọi là các nhân tài ưu tú) và các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp kỹ thuật cao. Đồng thời, tìm kiếm các kênh thu hút nguồn vốn ở trong nước để giúp cho những nhân tài giải quyết khó khăn về công việc và gia đình như xin ngân sách tài trợ, vay của ngân hàng, xin quỹ đầu tư cho lập nghiệp…Đặc biệt, họ còn đề ra chính sách và chế độ ưu đãi cho con em Hoa kiều học ở đại học và trung học chuyên nghiệp ở trong nước bình đẳng như học sinh Hồng Kông-Mao Cao và Đài Loan.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đề xuất những biện pháp cụ thể như thành lập các loại quỹ hỗ trợ cho lưu học sinh người Hoa đạt trình độ cao về nước, được đông đảo người Hoa, Hoa kiều ở nước ngoài tin tưởng và ủng hộ. Vào cuối năm 2006, đã có 250.000 lưu học sinh về nước lập nghiệp 10. Năm 2007, 16 ngành chức năng của Quốc vụ viện Trung Quốc còn ban bố “ý kiến về xây dựng con đường xanh trong công tác nhân tài lưu học hải ngoại về nước”, trong đó đã yêu cầu: Dự án khoa học kỹ thuật quan trọng và Quỹ chuyên môn như: Quỹ khoa học tự nhiên, Dự án 863, Dự án 973 phải phân chia bình đẳng cho những lưu học sinh đạt trình độ cao, nhất là phải trợ giúp kinh phí chuyên môn cho những người xây dựng doanh nghiệp kỹ thuật cao, sẽ được hưởng chế độ ưu đãi của loại doanh nghiệp này.

b) Đối với người Hoa, Hoa kiều ở trong nước

Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16 (11-2002), Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến tình hình đời sống và quyền lợi của người Hoa và thân nhân của họ ở trong Uỷ ban Thường vụ Bộ chính trị và Hội nghị toàn thể Quốc vụ viện, ở Hội nghị chuyên đề trực tiếp nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác Kiều vụ và đưa ra ý kiến chỉ đạo. Năm 2006, Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu toàn quốc đã tiến hành rà soát việc thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi Hoa kiều và Kiều quyến về nước, đồng thời đã đưa ra nhiều ý kiến.

Đặc biệt, vào tháng 8-2006, sau khi đoàn công tác đứng đầu là Uỷ viên Quốc vụ Đường Gia Triền đến tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc để khảo sát, điều tra một loạt vấn đề phát sinh ở các nông trường có phần lớn người Hoa, Quốc vụ viện đã thành lập tiểu tổ công tác “cải cách” bao gồm lãnh đặo của Uỷ ban cải cách và phát triển, cán bộ của 18 Bộ, ngành và chính quyền hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Trên cơ sở điều tra nghiên cứu, đã đưa ra ý kiến cần phải đẩy mạnh cải cách và phát triển các nông trường này và đến tháng 2-1007, Quốc vụ viện đã triệu tập Hội nghị công tác của 7 tỉnh (đại khu) nhằm triển khai công tác cải cách và phát triển một cách toàn diện.

Hiện nay, việc thực hiện chủ yếu được dựa trên nguyên tắc: Thực hiện tại chỗ, phân loại chỉ đạo, ổn định trước mắt, nhìn về lâu dài, coi trọng như nhau, chăm sóc thích đáng, Trung ương ủng hộ địa phương phụ trách.Biện pháp cụ thể được thể hiện trong một số mặt sau:

(1) Thực hiện cải cách thể chế lãnh đạo và thể chế kinh doanh, xoá bỏ chức năng công tác xã hội và giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa nông trường và người lao động. Trong đó, về thể chế lãnh đạo, xác định rõ nông trường người Hoa dưới sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, địa phương hướng dẫn nông trường cải cách theo đặc điểm riêng có của họ. Chẳng hạn như: nông trường có thể xây dựng thành thị trấn, thành lập khu vực tự quản lý, chuyển sang doanh nghiệp sản xuất hoặc thành lậpn tổ chức kinh tế hợp tác. Về thể chế kinh doanh, yêu cầu phải ổn định quyền hạn đất đai nhận khoán, kéo dài thời hạn khoán, xác định chi phí khoán hợp lý. Đồng thời, cho phép con cái của người nhận khoán được tiếp tục nhận khoán sau khi đã về hưu. Đối với chức năng xã hội như y tế, giáo dục, pháp luật…mà nông trường đảm nhiệm trước đây sẽ bãi bỏ. Từ năm 2007, hàng năm nhà nước sẽ cấp kinh phí trợ giúp. Về quan hệ lao động, xác định rõ biện pháp xử lý việc nợ kéo dài tiền công của người lao động và có quy định về bồi thường thiệt hại kinh tế cũng như việc tiếp nối quan hệ bảo hiểm cho người lao động.

(2) Thu hút người Hoa hải ngoại và lưu học sinh và nhân viên về nước lập nghiệp, nhất quán duy trì phương châm “giúp đỡ lưu học sinh, khuyến khích về nước, làm tốt công tác thu hút nhân tài cao cấp có kế hoạch, có trọng điểm”. Trong đó, có kế hoạch trợ cấp kinh phí chuyên môn cho nhân tài ưu tú về nước và chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp kỹ thuật cao. Đồng thời, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn trong nước như nhà nước tài trợ, ngân hàng cho vay, đầu tư cho việc lập nghiệp…giúp cho nhân viên và lưu học sinh giải quyết khó khăn về công việc và gia đình. Đặc biệt, có chính sách và chế độ ưu đãi đối với con em Hoa kiều học đại học và trung học chuyên nghiệp ở trong nước bình đẳng như người Hồng Kông-Ma Cao và Đài Loan.

Về biện pháp, Trung Quốc đã đề ra phương hướng giúp đỡ các nông trường người Hoa tăng nhanh tốc độ cải cách và phát triển. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11, đã đưa ra những chính sách đầu tư vào xây dựng cơ bản, khai thác các nguồn vốn và nguồn chi của chính quyền địa phương cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của nông trường, ưu tiên các dự án an toàn nước sạch, xây dựng đường sá, hệ thống khí đốt và sự nghiệp công cộng ở nông thôn. Đồng thời, thực hiện miễn giảm chi phí đất khoán, bồi thường thích đáng cho nông dân chuyển đổi đất đai hoặc cho vay với lãi suất thấp nhằm phát triển kinh tế gia đình của công nhân viên nông trường. Đặc biệt, năm 2006, Quốc vụ viện đã áp dụng phương thức tổng hợp thanh khoản, phân loại xử lý, đã miễn giảm 66, 76% nợ của nông trường người Hoa 11.

Nhằm thúc đẩy phát triển lập nghiệp và tạo việc làm, nhà nước đã có chính sách mở rộng việc bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp hay triển khai các dịch vụ tìm việc làm miễn phí cho con em người Hoa, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Năm 2007, nhà nước đã cấp 51,42 triệu NDT để trợ giúp lần đầu cho nông trường 12. Những chính sách này đã và đang góp phần thay đổi lại bộ mặt của nông trường, giúp cho nông trường tiếp tục phát triển. Hơn nữa, quyền lợi vê chính trị, kih tế, văn hoá-xã hội của người Hoa phần nào được bảo đảm hơn trước, sẽ làm cho họ thêm tin tưởng vào chính sách của nhà nước, càng tích cực đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước.

III. Nhận xét chung

Kể từ năm 1978, Chính phủ Trung Quốc với sự chuyển biến sâu sắc về tư duy phát triển trong thời kỳ mới, đã phát động thực hiện công cuộc cải cách mở cửa hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế. Trung Quốc đã đề ra chính sách thu hút nguồn vốn, thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại của nước ngoài, đồng thời, khuyến khích doanh các nghiệp, tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là thương nhân người Hoa, Hoa kiều hải ngoại đầu tư vào Trung Quốc. Nhằm thúc đẩy tốc độ và phạm vi đầu tư, Trung Quốc đã nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi các chính sách, luật pháp và quy chếe đầu tư phù hợp. Đặc biệt, đã chú trọng đến hệ thống văn bản mang tính pháp luật bảo vệ quyền loại của người Hoa, Hoa kiều và thân nhân của họ. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp và tập đoàn xuyên quốc gia của người Hoa, Hoa kiều trên thế giới ngày càng tin tưởng vào chính sách mở cửa của Trung Quốc. Do đó từ khi cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc không chỉ tiếp nhận được một khối lượng vốn đầu tư dòi dào của rất nhiều doanh nghiệp và tập đoàn xuyên quốc gia của ngưòi Hoa, Hoa kiều trên thế giới chuyển tới, mà hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn người Hoa tại Trung Quốc cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ và đạt được hiệu quả cao, góp phần rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Trung Quốc.

Trước những hiệu quả rõ rệt trong việc thu hút tiềm lực người Hoa ở trong và ngoài nước, từ đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tiếp tục triển khai chính sách người Hoa với mục tiêu lớn hơn. Họ không chỉ nêu ra phương châm phải nắm vững tình hình, tìm hiểu tấm lý và bảo vệ lợi ích người Hoa, Hoa kiều và gia quyến nhằm phát huy hơn nữa tiềm lực của họ, đặc biệt là các doanh nghiệp và tập đoàn người Hoa hải ngoại cho sự phát triển của Trung Quốc, mà còn hướng tới việc giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho lớp người Hoa mới. Bên cạnh việc bảo đảm cung cấp giáo trình, mời giáo viên giỏi hay xây dựng mạng lưới giáo dục Hoa văn cho con em người Hoa ở trong nước, Chính phủ đã ban bố một loạt chính sách, pháp luật về thu hút nhân tài, xây dựng kho dữ liệu thông tin thành lập quỹ thu hút tri thức và hệ thống phục vụ cho lưu học sinh về nước trong các khu vực kỹ thuật công nghệ cao, nhằm mục đích khai thác và thu hút có hiệu quả tối ưu nguồn nhân lực người Hoa có kiến thức tiên tiến và lành nghề ở hải ngoại. Mục tiêu quan trọng hơn cả là tiến tới thành lập một “mặt trận thống nhất yêu nước góp phần tăng cường “lực hướng tâm” và sự đồng cảm của người Hoa, Hoa kiều đối với Tổ quốc, đồng thời, thông qua mối liên kết giữa người Hoa với Đài Loan để dẫn dắt Đài Loan hoà nhập với Tổ quốc.

Có thể thấy rằng, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, giữ gìn sự đoàn kết và hoà hợp dân tộc, từ những năm đầu thập kỷ mới, chính sách Kiều vụ của Trung Quốc đã và đang được tiến hành một cách có kế hoạch với nội dung khá hoàn chỉnh. Điều này không chỉ làm cho đông đảo người Hoa, Hoa kiều trong và ngoài nước càng tin tưởng vào Trung Quốc trong việc làm hoà dịu hơn nữa “vấn đề người Hoa” mà còn làm cho mối quan hệ về cội nguồn dân tộc cũng như quan hệ hợp tác kinh tế giữa người Hoa, Hoa kiều với Trung Quốc ngày càng gắn bó và phát triển.

Chú thích

(1), (7). Trung Quốc Thổ (2001): Quan hệ giữa Hoa kiều, người Hoa và Trung Quốc, Nxb Giáo dục cao đẳng Quảng Đông, tr. 262, tr. 283

(2). Phương châm, nhiệm vụ của công tác Kiều vụ năm 1959, Báo Kiều vụ, số 12 năm 1958

(3), (5). Viên Quần: Sự nhảy vọt về tư tưởng xã hội chủ nghĩa hình thành trong công tác kiều vụ, số 4 năm 1958.

(4). Công tác Kiều vụ Vân Nam , Báo Kiều vụ, số 1 năm 1964

(8). Trang Quốc Thổ: Mấy điều suy nghĩ về hoạt động di dân quốc tế của người Hoa gần 20 năm qua, Nghiên cứu lịch sử người Hoa, Hoa kiều, số 2-1997, tr. 1-7…

(9). Xem xét tình hình cơ bản, xu thế mới và gợi ý về đầu tư của doanh nghiệp người Hoa đối với Trung Quốc, http://wabei.com/new./200710/75967.html

(10). Nhìn nhận sự đóng góp xây dựng đất nước của người Hoa, Hoa kiều trong đầu tư như thế nào, http://www.oi186.com/2008/news/17830.html

(11), (12). Đường Gia Triền, Báo cáo về công tác Kiều vụ, ngày 28-6-2007 http://www.ems.npc.gov.cn:87/cerviet/PagePreviewServiet?sitaid=1&nodeid=1482&articdei=367912&type=1

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.