Chiếu cói Thủy Tú - Nét đẹp văn hóa làng nghề của thành phố biển Nha Trang
Thủy Tú một thời thịnh vượng …
Thủy Tú là một làng nghề giàu truyền thống thuộc xã Vĩnh Thái – thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Từ bao đời nay, đa phần cư dân Thủy Tú lấy nghề trồng cói, dệt chiếu làm nghề mưu sinh chính. Đã có thời chiếu Thủy Tú nổi danh, khiến người Thủy Tú được “mở mày, mở mặt”, được tự hào về cái nghề chân truyền mà ông cha tạo dựng. Khách thập phương, nhất là khách ở các tỉnh thành phía Nam mỗi khi có dịp đến Nha Trang lại ghé thăm Thủy Tú và không quên mua cho gia đình hoặc bạn bè một vài đôi chiếu cói … Vì lẽ đó, trồng cói, dệt chiếu không chỉ đơn thuần được người Thủy Tú coi như một nghề mưu sinh, mà hơn thế, đó còn là nghề làm nên nét đẹp văn hóa của vùng đất cửa sông, ven biển ở thành phố du lịch Nha Trang.
Nghề trồng cói, dệt chiếu có ở nhiều nơi trên đất nước ta. Có thể nói, nơi các vùng cửa sông ven biển ở đâu đất trũng lầy, nhiễm phèn, ngập mặn nặng thì ở đó cư dân thường trồng cói và dệt chiếu. Tuy nhiên, làm cho làng nghề nổi danh, sản phẩm chiếu cói trở thành một thương hiệu mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của cả một vùng miền thì không phải nơi nào cũng có được. Nếu người dân cả nước từng biết đến vùng chiếu cói nổi tiếng Nga Sơn của xứ Thanh (Thanh Hóa) đã đi vào ca dao, tục ngữ “chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng - Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”, thì ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, làng chiếu cói Thủy Tú của Nha Trang – Khánh Hòa ít nhiều cũng đã khẳng định được tên tuổi của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ở Nha Trang có nhiều làng trồng cói, dệt chiếu (làng Đồng Nhơn, xã Vĩnh Trung; Phước Hải xã Vĩnh Thạnh …) nhưng người ta gọi chung cho chiếu Nha Trang là chiếu Thủy Tú. Yếu tố tạo ra sự khác biệt và làm nên danh tiếng của chiếu Thủy Tú không nằm ở khâu kỹ thuật dệt cầu kỳ, hay cách trang trí tạo mẫu hoa văn theo kiểu “thiên hình vạn dạng” “rồng bay phượng múa”, mà cốt yếu chính là ở khâu lựa cói, pha màu nhuộm và cách người thợ giàu tâm huyết thổi hồn vào chiếu … Cụ bà Huỳnh Thị Ngữ 85 tuổi, với hơn 70 năm làm nghề, khi chuyện trò với chúng tôi đã dãi bày: “Nhà tui cũng giống như nhiều gia đình trong làng bao đời nay làm nghề, sống chết với nghề … cũng có lúc vui, lúc buồn nhưng từ chiếu mà bầy tui yên ổn. Thời thế thay đổi nhưng con cháu vẫn giữ đất trồng cói và làm chiếu…chiếc chiếu đẹp - bền, cói phải có chất lượng tốt, sợi chiếu phải bóng , đều tăm tắp, hoa văn phải sống động, phải luôn giữ được màu tươi rói như khi mới làm…mà muốn vậy người thợ phải chăm chút nghề, phải để tâm, để trí vào thì chiếc chiếu mới có hồn được…”
Đất làng Thủy Tú nằm ở cửa con sông Cái, đổ ra vịnh Nha Trang. Vùng đất lầp trũng, có độ phèn cao và quanh năm nhiễm mặn đặc biệt thích hợp cho cây cói phát triển. Những năm 70-80 của thế kỉ trước, khi làng nghề thịnh vượng về Thủy Tú nhìn ra cánh đồng rộng cả trăm ha, chỉ thấy bạt ngàn một màu xanh của cói. Những than ruộng “nước chè hai” (ruộng nhiễm phèn, màu nước lờ lờ như màu nước chè), theo kinh nghiệm của các cụ trong làng được coi là ruộng cho loại cói tốt nhất. Mỗi năm, cói cho hai vụ, người ta thu hoạch khi cói đã bắt đầu trổ hoa (vừa đủ độ: không non nhưng cũng chẳng quá già). Phơi cói và pha sợi tưởng chừng như là công đoạn đơn giản nhất của nghề làm chiếu. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Để giữ được độ dài, bền của cói, người Thủy Tú hết sức chú trọng đến khâu này. Cói cắt xong được phơi qua nắng cho se, sau đó pha thành sợi và phơi khô ngay ở bờ ruộng. Trước khi dệt, người ta đem cói ra nhuộm. Ở làng, gia đình nào làm nghề cũng có thể nhuộm, nhưng chất lượng màu nhuộm lại tùy thuộc vào công nghệ nhuộm của mỗi gia đình. Màu nhuộm và cách thức nhuộm đôi khi được coi như bí quyết của làng nghề và mỗi gia đình. Theo tục lệ, mọi bí quyết về nghề đều do người phụ nữ nắm giữ và họ thường chỉ truyền lại cho con gái (có lẽ đây là yếu tố mang dấu ấn của văn hóa người Chăm?!!!). Làm chiếu là nghề thu hút số đông lao động ở nhiều lứa tuổi: người già, trẻ nhỏ lúc rảnh rỗi thì se sợi, phụ giúp chuyển khuôn, các cô gái thì chăm lo việc dệt … Vào thời vụ, lúc thương lái từ các nơi đổ về thu gom chiếu, cả làng từ sáng tới khuya bận rộn, tấp nập, đông vui như có hội. Trong làng, ngoài đồng mọi nẻo đường, ngõ xóm đâu đâu cũng ngập tràn, giăng mắc muôn sắc màu của cói và chiếu…
Nguy cơ mất đi một làng nghề
Những năm gần đây, bước vào thời kì mở cửa, do tác động của nhiều yếu tố, làng nghề Thủy Tú đã không còn giữ vị thế và sự sầm uất như xưa. Nghề chiếu cói ở Thủy Tú đang ngày càng xuống dốc và mai một. Quá trình đô thị hóa, gắn với thời buổi “tấc đất tấc vàng” đang lấy dần đi của Thủy Tú những than ruộng màu mỡ nhất. Nếu trước đây, Thủy Tú có khoảng trên 100 ha. Thủa làng nghề còn ăn nên làm ra, cả làng nhộn nhịp khung rệt, Giờ đây số hộ dệt cứ ngày một vắng dần. Hiện tại Thủy Tú chỉ có khoảng ba bốn chục hộ làm nghề nhưng chỉ để duy trì làng nghề, số hộ này thường vẫn phải nhập cói từ nơi khác về mà chủ yếu là từ Vĩnh Long. Sức ép từ sản phẩm chiếu nhựa, chiếu trúc của Thái Lan, Trung quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến cói Thủy Tú mất dần chỗ đứng trên thị trường. Hơn nữa, nghề làm chiếu có thu nhập thấp cũng khiến cho nhiều người dân Thủy Tú không còn mặn mà, thiết tha với nghề. Nhiều người đã bỏ nghề truyền thống để tìm đến một nghề khác có thu nhập cao hơn…Hiện nay, giá bán mỗi đôi chiếu trên thị trường vào khoảng 60 ngàn đồng/đôi (loại chiếu 1,2m) và 80 ngànđồng/đôi (loại chiếu 1,6m). Tuy nhiên, để có một chiếc chiếu phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó ở khâu dệt luôn phải có hai người. Một cặp thợ giỏi mỗi ngày dệt được từ hai đến ba đôi chiếu, trừ mọi chi phí nhân công dệt chiếu cho mỗi lao động chỉ được khoảng 20-30 ngàn đồng, đó là số tiền tương đối thấp so với mức thu nhập của lao động phổ thông. Qua tìm hiểu cho thấy: hơn 80% số thanh niên ở Thủy Tú không còn thiết tha với cái nghề truyền thống mà cha ông họ để lại: số thợ giỏi nghề ở lớp trẻ trong làng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay…Sự mai một của làng nghề là điều thấy rõ. Điều đáng suy nghĩ hơn là nguy cơ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mất đi một làng nghề nổi danh, du khách mất đi một điểm đến hấp dẫn đang dần trở thành hiện thực.
Đứng trên cánh đồng Thủy Tú, thỉnh thoảng lại bắt gặp từng đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ đất biến cánh đồng trồng cói ngày nào thành mặt bằng xây dựng. Đi sâu vào từng hộ gia đình không khí nhộn nhịp, tấp nập một thủa của làng nghề không còn nữa…Lại thấy nối tiếc và buồn cho tương lai của chiếu cói Thủy Tú…Bắt gặp một nhóm khách Tây đang say sưa ghi chép và chụp hình bên khung dệt, thỉnh thoảng còn có người hóa thân thành thợ dệt chiếu…chợt nghĩ tại sao Nha Trang-Khánh Hòa lại không quy hoạch, xây dựng và quảng bá cho làng nghề chiếu cói Thủy Tú, biến Thủy Tú thành một địa danh du lịch làng nghề hấp dẫn? Nếu được như vậy, chắc chắn du lịch Nha Trang sẽ có thêm một sản phẩm phù hợp với xu hướng du lịch sinh thái – du lịch làng nghề đang thu hút sự quan tâm đông đảo của khách thập phương, nhất là du khách đến từ các nước phương Tây!. Tôi đem suy nghĩ này tâm sự với chủ nhiệm HTX Vĩnh Thái, ông chân thành bộc bạch “Nếu nghề này mai một và mất đi thì thật tiếc, vì đây không chỉ là nghề truyền thống từ bao đời mà cha ông chúng tôi đã dày công tạo dựng. Nét đẹp văn hóa từ nghề chiếu cói đã được đúc kết từ hơn trăm năm nay, để mất nó là có tội, là đau lắm. Hơn nữa, không có chiếu cói nhiều gia đình Thủy Tú cũng không biết tìm việc gì mà sinh sống đây…Trồng cói, dệt chiếu đã quen nếp, quen tay rồi, làm nghề khác sẽ thấy khó khăn hơn đấy”. Được hỏi: Chính quyền và lãnh đạo HTX không có giải pháp nào cho chiếu Thủy Tú đứng vững và phát triển hay sao? Ông trầm giọng: “ Lãnh đạo, chính quyền và HTX cũng đang tiến hành kế hoạch dồn điền, đổi thửa để khôi phục lại một số diện tích trồng cói với mục tiêu trước mắt là cố gắng có được khoảng 10 đến 20 ha đất chuyên canh trồng cói, tạm đủ giải quyết nguyên liệu cho khoảng 150 hộ dân duy trì làm nghề. Chúng tôi cũng có kế hoạch khuyến khích một số thanh niên có hòan cảnh phù hợp theo học nghề để trở thành thợ giỏi. Tuy nhiên phải thú thực rằng để vực dậy được làng nghề, điều quan trọng là phải có sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành chức năng ở cấp cao hơn, vì dù sao đất làng chúng tôi cũng thuộc thành phố Nha Trang quản lý, cho nên vấn đề duy trì làng nghề phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch chung của Tỉnh và Thành phố…Nghe nói cách đây mấy năm trên thành phố, trên tỉnh cũng đã có dự án quy hoạch xây dựng Thủy Tú thành một làng nghề phục vụ cho du lịch, dân chúng tôi mừng lắm, nhưng chờ mãi có thấy gì đâu…”.
Hướng đi nào cho làng nghề chiếu cói Thủy Tú?
Câu hỏi được đặt ra là “có nên giữ lại làng nghề chiếu cói Thủy Tú hay chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở đây để Thủy Tú phát triển sang một loại hình mới? Và nếu duy trì làng nghề thì định hướng phát triển như thế nào?”- Đây là câu hỏi mà lời giải đáp cho nó không hề đơn giản, nhất là vấn đề tìm ra giải pháp hữu hiệu để cho chiếu cói Thủy Tú phát triển.
Thủy Tú tuy là một làng ở vùng ngoại ô nhưng trong xu thế mở rộng tương lai đó sẽ là địa bàn nằm ngay trong lòng thành phố. Nếu vùng cói Thủy Tú được gây dựng lại, nghề chiếu ở Thủy Tú tiếp tục phát triển thì lợi ích kinh tế, văn hóa du lịch sẽ là không nhỏ. Hãy tưởng tượng, sau những chuyến du khảo lên rừng, xuống biển du khách lại được đến với Thủy Tú thả hồn vào cánh đồng cói bạt ngàn, được sống với không khí nhộn nhịp và bình yên của làng nghề hẳn có nhiều điều thú vị lắm, đó sẽ là một nét riêng hấp dẫn du khách đến với Nha Trang, làm cho Nha Trang càng trở nên thi vị và giàu sắc thái văn hóa hơn. Thực trạng, một trong những điểm yếu của du lịch Nha Trang mà người ta hay nói đến chính là Nha Trang đang rất thiếu các sản phẩm du lịch giàu bản sắc văn hóa truyền thống, văn hóa tinh thần. Nếu giữ lại và làm cho làng nghề Thủy Tú phát triển, bên cạnh lợi ích về môi sinh, môi trường cái lợi lớn về kinh tế, chính trị - xã hội cũng sẽ là điều mà Nha Trang thu hút được, Vì lẽ vậy, việc giữ lại và xây dựng Thủy Tú thành một làng nghề du lịch là cần thiết. Đó cũng là việc làm đáp ứng được sự mong mỏi của đông đảo cư dân Thủy Tú nói riêng và cư dân của nhiều làng nghề ở Nha Trang nói chung. Để Thủy Tú phát triển, vấn đề không chỉ đơn giản nằm ở sự nỗ lực cố gắng của chính quyền và HTX Vĩnh Thái, mà điều quan trọng lơn cả chính là ở kế hoạch chỉ đạo của thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa. Trước mắt, vì tất cả những ý nghĩa vừa nêu trên, Nha Trang – Khánh Hòa cần có một quy hoạch cụ thể xây dựng làng nghề Thủy Tú nằm trong tổng thể quy hoạch chung của thành phố. Phải xây dựng một đề án quy hoạch vùng chuyên canh trồng cói đồng thời có chính sách hỗ trợ nghề để người dân Thủy Tú yên tâm và sống được bằng nghề truyền thống của làng, trong đó việc bán các sản phẩm, việc thu hút nguồn lợi kinh tế từ các tuor du lịch làng nghề phải hết sức được chú trọng. Muốn làm được điều này, cần phải có ngay những biện pháp tích cực nhằm chấm dứt việc xây dựng công trình, nhà ở, bán đất tràn lan theo kiểu mạnh ai nấy lo dẫn đến nguy cơ phá vỡ môi trường, cảnh quan của Thủy Tú.
Hy vọng một ngày không xa, trở lại Thủy Tú chúng ta sẽ thấy lại hình ảnh sầm uất, sống động của làng nghề. Để nét mặt của những người bao đời làm nghề chiếu cói Thủy Tú không phải đăm chiêu, thay vào đó là nụ cười, là niềm tự hào hạnh phúc của những người đang góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo dựng thêm sắc thái cho thành phố du lịch biển Nha Trang.