Chiếc máy nhỏ, khả năng ứng dụng cao
Ngay từ năm học thứ ba, Quang và Hùng đã ấp ủ mơ ước được ứng dụng những gì được học để thử nghiệm chế tạo một chiếc máy sản xuất nho nhỏ. Và với đề tài "Nghiên cứu, chế tạo máy làm mì - miến ứng dụng trong thực tế" ước mơ ấy đã thành hiện thực.
Xuất phát từ thực tế trên thị trường hiện nay nhu cầu sử dụng miến, mì ngày càng nhiều nhưng các loại máy sản xuất còn gặp rất nhiều hạn chế như: máy móc đơn giản, thủ công, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội và cần rất nhiều nhân công, phụ thuộc vào thời tiết, hiệu quả kinh tế chưa cao... Quang và Hùng đã nảy sinh ý tưởng thực hiện đề tài trên làm nghiên cứu khoa học của mình.
Quang và Hùng cho biết, nghiên cứu của hai bạn đều phải tuân theo tuần tự các bước làm mì truyền thống (nguyên liệu - ngâm - xay thành bột - hấp chín - sấy khô - cắt thành sợi - sản phẩm), nhưng điểm khác biệt là với loại máy đang có trên thị trường các bước trên được làm riêng biệt. Các công đoạn tuy có sự hỗ trợ của máy móc nhưng vẫn mang tính nhỏ lẻ, thủ công, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tay nghề, kinh nghiệm của công nhân. Hơn nữa độ an toàn thực phẩm chưa cao do các bước làm tách rời, phải đem phơi ngoài trời.
Còn với chiếc máy mới do hai bạn chế tạo, các khâu trên được thiết kế thành một dây chuyền khép kín, khắc phục được các nhược điểm trên. Ðể chứng minh cho tôi hiểu, Hùng giải thích thêm về nguyên lý hoạt động của máy.
Tuy nhiên, khác với những mô tả tưởng chừng như có vẻ đơn giản, hành trình để nghiên cứu ra chiếc máy chế tạo mì - miến thật gian nan. Không biết bao nhiêu lần xuống cơ sở chế biến mì - miến xin được thực tập để tìm hiểu nhưng Quang và Hùng đều bị từ chối. "Có lẽ do chưa tin tưởng nên họ ngại bọn mình muốn tìm hiểu bí quyết nghề" - Quang tâm sự.
Rất may, hai bạn đã gặp được ông chủ của cơ sở chế tạo bún miến Hưng Thành Ðô tận tình giúp đỡ trong quá trình khảo sát, nghiên cứu. Càng đi sâu tìm hiểu, Quang và Hùng càng say mê ý tưởng của mình. Nhưng với khả năng tài chính còn hạn hẹp, số tiền hàng triệu đồng để làm ra một chiếc máy đối với hai bạn quả thật không phải chuyện dễ. Do đó, hai bạn vừa làm vừa suy nghĩ tạo ra một chiếc máy thật tiết kiệm, phù hợp với túi tiền (khoảng bảy triệu đồng).
Ðể tiết kiệm chi phí, 90% các thiết bị máy móc đều do Quang và Hùng tự tay làm lấy. "Nhà mình như cái xưởng cơ khí" - Quang cười vui khi nhớ lại quá trình chế tạo máy của hai bạn. Hầu hết các vựa ve chai ở Biên Hòa đều quen mặt hai chàng sinh viên này. Khó khăn nhất là trong quá trình chế tạo phải tính toán thật kỹ các thông số kỹ thuật như dung tích nồi hơi, sức bền thân nồi, sức bền hệ thống ống trong nồi, áp suất nồi hơi, nhiệt độ, năng lượng dùng để sấy khô...
Tất cả đều phải được tính toán kỹ lưỡng và thận trọng vì điều này ảnh hưởng tới độ an toàn của thiết bị. Một sai sót nhỏ trong hàng trăm phép tính cũng có thể dẫn đến sự cố không hay. Tính toán là một chuyện, nhưng để áp dụng vào thực tế rất khó, vì đòi hỏi các thiết bị phải phù hợp và đồng bộ với nhau. Do đó, từ con số trên công thức, hai bạn phải thử nghiệm rất nhiều lần trong khi chế tạo.
Quang cho biết: "Phải mất ba tháng để bọn mình nghiên cứu chỉnh sửa các thiết bị cho đồng bộ. Thời gian hoàn thành công trình mất đúng nửa năm". Hùng cũng cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu chế tạo, hai bạn đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của Ban Giám hiệu và các thầy cô trong trường, đặc biệt là sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Vũ Quỳnh giúp các bạn thêm tự tin. Ðây chỉ là công trình nghiên cứu nhỏ nhưng điều quan trọng là ý tưởng này có khả năng ứng dụng cao trong thực tế.
Hiện cơ sở sản xuất bún miến Hưng Thành Ðô tin tưởng hợp tác với hai bạn trên phương diện kỹ thuật để mở rộng sản xuất, với mong muốn có chiếc máy chế tạo mì - miến mới thay thế những chiếc máy thủ công. Tuy nhiên, Quang và Hùng vẫn chưa cảm thấy hài lòng với công trình này. Hai bạn muốn sau khi tốt nghiệp ra trường dành nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu chuyên sâu và cải tiến thêm tính năng và nâng cao năng suất, độ bền cho chiếc máy của mình.
Mong ước của Quang và Hùng là một ngày nào đó công trình nghiên cứu này có mặt ở các cơ sở sản xuất mì, bún, miến; tăng giá trị sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động .