Thứ sáu, 02/10/2009 22:05 (GMT+7)
Chiếc ấn ngà đóng vào Hòa ước Giáp Thân (15-3-1874) nhường Nam kỳ cho Pháp
Ngày 31 tháng 8 năm 1873, sứ bộ xuống tàu Mần Thỏa vào Sài Gòn. Ngày 2 tháng 9, các sứ thần đến chào xã giao Thống đốc Nam kỳ Dupré và chuyển đạt ý chỉ của vua Tự Đức. Dupré tìm mọi cách ngăn cản, phá bỏ ý định sang Pháp của sứ bộ Việt Nam. Y tuyên bố có đủ thẩm quyền giải quyết mọi việc, đề nghị sứ bộ cư trú tại công quán Sài Gòn và bắt đầu thảo luận, giải quyết tranh chấp việc Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, từ ngày mồng 8 tháng 9 năm 1873. Cuộc thương lượng giữa hai bên Pháp – Việt chưa có kết quả thì sự biến Dupuis ở Hà Nội đến hồi gay cấn, trầm trọng. Vua Tự Đức chỉ thị cho sứ bộ đang ở Sài Gòn khiếu nại, yêu cầu Thống đốc Dupré can thiệp vụ việc Dupuis. Viên tướng chỉ đạo quân xâm lược không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, bèn ra lệnh cho đại úy F.Garnier đem quân xuống tàu ra Bắc (ngày 11 tháng 10 năm 1873). Đến Hà Nội, Garnier tìm cách liên hệ, cấu kết với bọn côn đồ Dupuis và giáo sĩ Puginier, tìm mọi cách khiêu khích, hạ nhục vị khâm mạng đại thần đang nắm quyền trấn giữ miền Bắc, danh tướng Nguyễn Tri Phương.
Ngày 20 tháng 11 năm 1873, F.Garnier chỉ huy đánh úp thành Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Nguyễn Tri Phương bị thương tuyệt thực đến ngày 10 tháng 12 thì chết. Ngay ngày hôm sau F.Garnier và một số quân nhân Pháp bị giết tại trận Cầu Giấy để phục thù. Biến cố dồn dập ngoài sự tiên liệu khiến Dupré hết sức lo ngại chiến tranh bùng nổ tại Bắc kỳ trái với chỉ thị của Chính phủ Paris . Rất tiếc triều đình Huế quá nhu nhược không nắm rõ tình hình nên đi từ sách lược chủ hòa đến chủ bại. Sau các cuộc thương lượng của phó sứ Nguyễn Văn Tường tại Huế, tại Hà Nội ngày 15 tháng 3 năm 1874 khâm sứ Lê Tuấn chấp nhận ký “hiệp ước hòa bình và liên minh”, dưới sự áp đặt của Dupré tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Nam kỳ. Hiệp ước này gồm 22 điều khoản, điều thứ 5 chính thức công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn miền Nam . Hiệp ước chưa ráo mực, 3 giờ sáng 17-3-1874, Chánh sứ Lê Tuấn chết tại công quán Sài Gòn. Ngày 6-4-1874, chuẩn đô đốc Krantz sang thay Dupré đã cho tàu Montcalm chở quan tài của Lê Tuấn cùng với sứ đoàn Việt trở về Huế. Theo sử sách của triều Nguyễn thì Lê Tuấn chết vì bệnh hầu tì. Tuy nhiên sử gia Trần Văn Giàu cho biết Lê Tuấn sau khi ký hòa ước vì quá uất hận nên uống thuốc độc tự vẫn. (Chống xâm lăng – Lịch sử Việt Nam từ 1858 – 1898). Nếu thông tin này đúng sự thật thì Lê Tuấn cũng như Phan Thanh Giản trước đó đã nâng chén thuốc độc tự kết liễu đời mình để tạ tội với nhân dân, đất nước. Một trăm ba mươi bốn năm trôi qua, công tội của người xưa đã có sử sách ghi chép, bình luận. Nay chúng tôi may mắn còn giữ được chiếc ấn cổ của vị Toàn quyền đại thần Lê Tuấn do vua Tự Đức ban cấp khi vào bệ từ nhiệm vụ đi sứ chuộc đất Nam kỳ. Nhưng cuối cùng đành nhắm mắt ký tên, đóng ấn vào Hòa ước Giáp Tuất (15-3-1874) đem cả sáu tỉnh miền Nam cho giặc Pháp. Người sau kẻ trước cùng mang tâm sự u uất đắng cay: Cũng tưởng một lời yên bốn cõi Nào hay ba tỉnh lại chầu ba. (Phan Thanh Giản) Ấn: Làm bằng ngà voi, hình chữ nhật, bề dài 10,5 cm, rộng 7 cm, từ nuốm đến thân ấn cao 3,5 cm. Mặt trên, bên phải khắc: Tự Đức nhị thập lục niên (năm thứ 26 triều vua Tự Đức, 1873 ). Bên trái khắc: Nhuận lục nguyệt cát nhật tạo (làm vào ngày tốt tháng sáu nhuận). Mặt dưới ấn khắc 6 chữ triện: Khâm sứ đại thần quan phòng (ấn của vị quan lớn được vua phái đi giao thiệp với nước ngoài). |