Chi vi xử lý Việt Nam: Khó vì "người nhà" chuộng ngoại
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chia sẻ với Đất Việt như vậy trước thành công của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (ICDREC). Đó là vào văm 2010, ICDREC thiết kế thành công Chip VN1632 và đến năm 2014 là chip vi mạch SG8V1.
Hiện chip SG8V1 đã ứng dụng vào hơn 30 sản phẩm thương mại, như: giám sát hành trình ô tô, xe máy, khóa container, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ, tự động hóa hệ thống chiếu sáng công cộng… Góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, bởi để sản phẩm thâm nhập và làm chủ được ở thị trường trong nước không phải chuyện đơn giản.
Nếu không có thị trường...
Những thành công bước đầu của các nhà khoa học ICDREC đã được ghi nhận, song để bước tiếp theo sản phẩm có thể đi vào sản xuất ở quy mô công nghiệp vẫn còn một bước dài.
"Vấn đề hiện nay là sản phẩm phải sản xuất trên quy mô công nghiệp. Để làm được điều đó cần phải có thêm sự đầu tư của TPHCM, Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn, sau đó là sự quan tâm của các DN.
"Đầu tư một nhà máy vi mạch rất tốn kém, nếu như không có thị trường, sản phẩm không thể sản xuất ở quy mô công nghiệp thì chắc chắn nhà máy không thể sản xuất bình thường được, thậm chí có thể phá sản", Bộ trưởng Nguyễn Quân nhìn nhận.
"Nhưng đúng là không dễ để các DN trong nước sử dụng sản phẩm. Hiện nay thực tế rất khó khăn vì các DN trong nước chưa có lòng tin đối với sản phẩm của Việt Nam. Họ thích sản phẩm nhập ngoại, độ tin cậy cao hơn", Bộ trưởng Quân thẳng thắn nói.
Bộ sẽ đeo bám đến cùng
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện Bộ KHCN đang giao ICDREC triển khai dự án sản xuất chip và hệ thống RSID với tổng vốn đầu tư ban đầu 124 tỷ đồng.
"Đây có thể xem là dự án lớn nhất trong lịch sử ngành KHCN cho chương trình vi mạch, đặc biệt là dành cho ĐH QG TPHCM. Cho nên toàn bộ nội dung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa được Bộ KHCN hỗ trợ", Bộ trưởng Quân nói.
Mới đây trong hội nghị thương mại hóa Chip Việt ông cũng đã đề nghị DN trong nước ưu tiên các sản phẩm của Việt Nam.
"Nếu chúng ta làm được điều đó thì công nghiệp vi mạch Việt Nam sẽ có cơ hội đuổi kịp các nước có ngành vi mạch phát triển trên thế giới. Tôi rất muốn có phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với sản phẩm vi mạch. Tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước cho nên Bộ KHCN sẽ hỗ trợ cho đến khi ra được sản phẩm cuối cùng", ông Quân cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, chip là một phân tử quan trọng trong nền kinh tế, là biểu tượng của năng suất lao động cao nhất. Vi mạch cộng với phần mềm nhúng sẽ thành bộ “não” trong tất cả trang thiết bị hiện đại. Vì thế, việc xây dựng ngành công nghiệp vi mạch sẽ tạo động lực đi đầu để công nghiệp hóa đất nước.
Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tỉ con chip các loại. Đây là cơ sở để TP HCM đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch với mong muốn trở thành ngành kinh tế chủ lực.
"Để có thể đạt được những gì như mong muốn Bộ, các nhà khoa học và TPHCM vẫn còn rất nhiều việc phải làm", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.