Chất lượng thép xây dựng và một số kiến nghị
1. Tình hình chất lượng vật liệu thép ở thị trường
- Các nguồn thép chính hiệu:Có chất lượng khá ổn định, phần lớn (xấp xỉ 95 – 97%) đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Lượng từ 3 – 5% không đạt chất lượng do cường độ thấp hoặc do kích cỡ thiếu (thép âm nhiều).
- Các nguồn thép giả hiệuhoặc thép trà trộn không rõ nguồn gốc trong năm vừa qua không thấy xuất hiện (trên các mẫu thép thí nghiệm đều có hiệu của hãng SX).
2. Tình hình sử dụng vật liệu thép ở các công trình xây dựng:
- Qua các thí nghiệm kiểm tra và đánh giá chất lượng thép trong thời gian gần đây cho thấy: việc kiểm tra nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng đã đi vào nền nếp hơn. Vật liệu đầu vào hầu hết được tư vấn giám sát (TVGS) và chủ đầu tư kiểm soát chất lượng, việc lấy mẫu và thí nghiệm kiểm tra chất lượng đã được nhiều bên chứng kiến (Công trình Xây dựng cầu Vĩnh Tuy; cầu Thanh Trì; Dự án đầu tư XD mở rộng đường Láng – Hoà Lạc, khu đô thị mới Nam Thăng Long; DA đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình; Cung thi đấu điền kinh trong nhà Hà Nội; Nhà máy bia Habeco Vĩnh Phúc; DA 239/05 – BQP).
- Tình hình chất lượng thép qua thống kê từ kết quả thí nghiệm:
Nhận xét so với các năm trước đây: chất lượng khá hơn. Công tác giám sát thi công xây dựng, kiểm tra nghiệm thu đã tăng cường hơn và đi vào nề nếp hơn so với trước đây.
Xấp xỉ 95 – 97% vật liệu thép thí nghiẹm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định;
Xấp xỉ 3 – 5% vật liệu thép thí nghiệm có cường độ không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.
3. Tình hình hiểu biết vật liệu thép của đội ngũ kỹ thuật ở các công trình xây dựng
Còn nhiều cán bộ kỹ thuật chưa hiểu biết về các mác thép, về tiêu chuẩn sản phẩm thép, về yêu cầu kỹ thuật vật liệu, về yêu cầu lấy mẫu để kiểm tra chất lượng. Còn nhiều cán bộ thiết kế chưa biết các mác thép cốt theo tiêu chuẩn Việt Nam (Mác CI, CII, CIII), mà chỉ quen với các mác thép theo tiêu chuẩn Liên Xô trước đây là mác AI, AII, AIII, vì vậy trong các bản vẽ kỹ thuật chỉ thấy chỉ định mác thép theo GOST. Đây là một vấn đề gây khó khăn cho các bên nhà thầu, TVGS, chủ đầu tư trong một số công trình xây dựng trong quá trình kiểm tra nghiệm thu chất lượng.
4. Một vài kiến nghị
Qua công tác tư vấn giám sát xây dựng, công tác thí nghiệm kiểm tra và đánh giá chất lượng thép phục vụ cho các công trình xây dựng, chúng tôi có một kiến nghị, đề nghị như sau:
- Đề nghị Cục Giám định Nhà nước về chất lwongj công trình xây dựng - Bộ Xây dựng có các thông báo cho các nhà thiết kế bám sát các tiêu chuẩn khi làm công tác thiết kế kỹ thuật. Đặc biệt là thay vì chỉ định thép mác AI, AII, AIII nên tính toán thiết kế để chỉ định mác thép theo TCVN 1651 – 85, gồm 03 mác tương ứng chất lượng là mác CI, CII, CIII và các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành khác.
- Hiện nay đã ban hành bộ tiêu chuẩn mới về thép cốt bê tông có hiệu lực từ 17 – 4 – 2008, đó là TCVN 1651-1:1: 2008 (Thép cốt bê tông – Thép thanh tròn trơn); TCVN - 2:2008 (Thép cốt bê tông - Thép thanh vằn); TCVN 1651-3:2008 (Thép cốt bê tông - Lưới thép hàn). Nhưng đồng thời (cùng ngày 17 - 4 - 2008) cũng ra quyết định huỷ bỏ các tiêu chuẩn cũ về thép cốt bê tông TCVN 1651 - 1985, TCVN 6285 - 1997. Điều này thực sự đã gây lúng túng cho các bên chủ đầu tư, TVGS và các bên khác liên quan đến việc kiểm tra nghiệm thu chất lượng sản phẩm thép cốt bê tông nói riêng và hạng mục, công trình nói chung bởi lẽ trong giai đoạn chuyển đổi tiêu chuẩn này thì các công trình theo thiết kế trước đây (sử dụng tiêu chuẩn cũ) thì phải kiểm tra nghiệm thu theo tiêu chuẩn mới hay là theo tiêu chuẩn cũ? Câu hỏi này chưua được giải đáp.