Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/06/2006 18:22 (GMT+7)

Chào mừng 81 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Về chiếc bánh mì và nửa chiếc bánh mì

Sẽ lặp lại một điều cũ rích nếu khẳng định vai trò quan trọng và sức mạnh khôn lường của báo chí hiện đại. Với phương tiện quảng bá, truyền tin theo công nghệ tối tân, chưa bao giờ báo chí mang tính đại chúng rộng rãi như ngày nay. Chưa bao giờ thông tin đến với đối tượng tiếp nhận nhanh, rộng và tác động mạnh mẽ như ngày nay. Báo chí từ khi ra đời vốn dĩ mang trong mình nó sức mạnh của nhân dân, đủ sức nâng thuyền và thừa sức lật thuyền. Báo chí phản ánh lương tri thời đại. Cộng thêm khoa học và công nghệ ngày nay, với trí tuệ, tài năng của những người cầm bút thế hệ mới, sức mạnh của báo chí thật ghê gớm. Sức mạnh càng to, vai trò càng lớn, trách nhiệm càng nặng.

Không có gì tệ hại hơn sự thật bị bóp méo

Các vị tiền bối đặt nền móng cho báo chí dường như đã nhìn thấy trước, bên cạnh sức mạnh và vai trò không ngừng tăng lên, báo chí thường xuyên ẩn chứa không ít bất cập và nhược điểm. Sức mạnh của báo chí thật ghê gớm, song không phải vạn năng, càng không phải không phạm sai lầm - chỉ Thượng đế mới chẳng bao giờ lầm lạc. Cách đây gần 4 thế kỷ, Théophraste de Renaudot, người sáng lập và chủ nhiệm tờ báo hằng ngày đầu tiên của nước Pháp, tờ La Gazette, viết: “Sử học là sự trần thuật những sự việc xảy ra. Báo chí chỉ phản ánh dư luận từ những sự việc ấy. Sử học buộc phải nói đúng sự thật. Báo chí được coi là đủ, nếu nó loại trừ lời dối trá”. Cùng thời, một nhà triết học Đức nói câu nay trở thành đầu miệng của mọi người: “Một nửa chiếc bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật”. Xin được thêm, câu nói của triết gia ấy còn có một vế nữa đi liền: “Không có gì tệ hại hơn một sự thật đã bị bóp méo ít nhiều”.

“Không phải sự thật” là gì, nếu không là “sai sự thật”? Phải chăng “sự thật bị bóp méo” chính là sự thật được thông tin phiến diện, nửa vời hoặc bị nói vống lên hoặc xén bớt đi, khiến cho chiếc bánh mì chỉ còn lại “một nửa”, trở thành “điều tệ hại”?

Tính chân thật

Một trong những yêu cầu cơ bản đối với báo chí là tính chân thực. Tôi tuyệt đối tin tưởng các nhà báo có lương tâm chẳng bao giờ tự mình đặt điều dối trá. Vả chăng đã có đạo đức báo chí, đã có luật pháp ngăn cản thậm chí trừng phạt khi cần. Làm nhà báo, ai chẳng mong nói lên sự thật. Song trình bày sự thật cũng có ba bảy đường, hơn thế, cả trăm ngàn đường. Có động cơ trong sáng khi tìm hiểu sự thật và nói lên sự thật là cần thiết song chưa đủ. Với phương pháp luận sai, nếu “trái tim nhầm để ở trên đầu”, nếu người làm báo do quá nhiệt tình, quá thương cảm mà bốc đồng đi đến tô đậm tiểu tiết hay thậm xưng ngôn từ, hoặc vì sức ép thời gian mà thông tin không đến nơi đến chốn, có nguy cơ dẫn đến sai lầm, làm cho “sự thật chỉ còn lại một nửa”, thậm chí “sự thật bị bóp méo ít nhiều”.

Nỗi đau của con người trước mất mát người thân bao giờ và bất kỳ tình huống nào cũng là nỗi đau cùng cực. Đối với gia đình người lâm nạn, không có thiên tai lớn hay thiên tai nhỏ. Nhưng đối với xã hội, với đất nước, cần bình tĩnh xem xét tai họa xảy ra mang tầm cỡ quốc gia hay có tính cục bộ, để rút bài học, tìm giải pháp thích hợp, khả thi. Bất cứ sự qua đời nào - cho dù chúng ta cố làm vơi bớt nỗi buồn bằng những từ ngữ nhẹ nhõm hơn như đi xa, giã biệt, lên đường...- cũng để lại cho người thân nỗi thương tiếc khôn cùng, đâu cũng như đâu. Với sự nhạy cảm chính trị, với trực giác nghề nghiệp, người làm báo biết nên làm đến đâu là vừa.

Bạn đọc bao giờ cũng tỉnh hơn nhà báo

Tôi suốt đời cầm bút, cũng có lần “phải vạ” vì trái tim trót để ở trên đầu, tôi hiểu những hạn chế và khó khăn của người có nhiệm vụ thông tin, bình luận, đặc biệt trước sức ép thời gian, trong bối cảnh chạy đua để báo mình, đài mình khỏi chậm chân so với các cơ quan khác. Tuy nhiên độc giả, bạn nghe đài bao giờ cũng tỉnh hơn chúng ta, và họ có thể phân vân khi tiếp nhận thông tin. Vẫn đội bóng ấy, vẫn mấy cầu thủ ấy, mấy trọng tài ấy hôm qua thắng trận, được tung hô lên tận mây xanh; hôm sau, phát hiện cá cược và hối lộ, thì vụ việc trở thành bê bối tầm cỡ quốc gia. Một dự án thủy lợi cấp huyện bị thất thoát, công trình kém chất lượng, đúng là đau xót thật; nếu chỉ nghe hoặc đọc lướt qua đầu đề các tin, bài, tưởng đất nước chao đảo đến nơi. Bế mạc Festival Huế, từ cố đô, một đồng nghiệp của tôi hùng hồn nhận định trước hàng chục triệu người xem truyền hình: “Festival Huế không chỉ mang tầm cỡ quốc gia mà mang tầm cỡ festival quốc tế”. Được vậy thật là niềm vui chung cho cả nước. Song đã đúng vậy chưa? Và nếu đúng, đã đến lúc vội vàng hô hoán?

Sực nhớ một “chuyện ngày xưa”, bản thân kẻ viết bài này là người trong cuộc. Thời đánh Mỹ, sau mỗi trận thắng của quân dân miền Nam, chúng tôi đua nhau tìm cho được những tính từ thật vang dội, thật ấn tượng, thật mới lạ để rút tít, xếp cỡ chữ to đưa lên đầu trang báo. Một vị tướng lĩnh đọc xong, cười tủm tỉm: “Đấy có thể mới là trận mở màn. Sau này thắng lớn nữa, các cậu lấy đâu ra tính từ?”. Bạn tôi chống chế: “Chữ nghĩa thánh hiền có bao giờ thiếu, thưa anh”. Lời biến báo thật thông minh, và không hẳn không có cơ sở. Tiếng mẹ của ta cũng như ngôn ngữ loài người có bao giờ cạn sức biểu cảm. Nhưng rốt cuộc vấn đề là ở chỗ: Với chiến thắng ấy, đã nên thông tin, bình luận mức ấy hay chưa?

Nguồn: nld.com.vn

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.