Chào hay hỏi trong văn hoá Việt
1. Mở đầu
- Người Việt Nam chúng ta vốn coi trọng lời chào - nghi thức lời nói lịch sự mở đầu mọi cuộc hội thoại, bắt đầu của mọi mối quan hệ giao tiếp, thậm chí quyết định đến sự tồn tại hay phát triển của những mối quan hệ đó
“Năng mưa thì giếng năng đầy
Năng liếc năng sắc, năng chào năng quen”(cd)
Bất cứ người Việt Nam nào cũng thấm nhuần triết lí ứng xử của ông cha qua câu tục ngữ : “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
- Là sản phẩm của nền văn hoá Việt, lời chào thể hiện rõ nét bản sắc của nền văn hoá sản sinh ra nó. Chúng ta có thể phần nào thấy rõ hơn điều đó, khi đi vào tìm hiểu, trả lời cho câu hỏi: Người Việt chào hay hỏi?
2. Nội dung
2.1. Một thực tế trong đời sống:
Chúng ta đều thấy người Việt ít khi dùng lời chào trực tiếp - hành vi ngôn ngữ (HVNN) chào có từ “chào” là một động từ ngữ vi (ĐTNV) - động từ mà khi nói cũng là khi người ta thực hiện luôn hành động đó. Ngược lại, đại đa số các trường hợp cần thể hiện hành vi chào, người Việt chúng ta thường biểu đạt bằng HVNN gián tiếp - nghĩa là thông qua một hành vi ở lờikhác để đạt được hiệu lực ở lời“chào”. Thông thường, nó được thay thế bằng các hành vi ở lời khác nhau: mời, hỏi, khen, chúc, thông báo, xác nhận, biểu lộ cảm xúc, trong đó, hành vi hỏichiếm mộ tỷ lệ đáng kể.
Khảo sát sơ lược qua 300 mẫu lời chào trong giao tiếp tiếng Việt, chỉ có 33 mẫu hành vi chào trực tiếp, chiếm 11%. Còn trong 520 hành vi chào gặp mặt, có tới 340 hành vi chào gián tiếp bằng hành vi hỏi, chiếm 65,4%.
Trong tiếng Việt, từ chào thường đi đôi với hỏi thành một từ ghép khái quát: chào hỏi mà trong thực tế sử dụng nhiều khi người ta lại dùng rút gọn để chỉ còn một trong hai yếu tố: hỏitương đương với chào.
- Con không chào cụ à? (a)
- Nó có hỏigì tôi đâu! (b)
Trường hợp của phát ngôn (b) trên, trong lời trách, hỏichính là được dùng thay cho chào.
Phải chăng, đó cũng là tình trạng của một số từ ghép hợp nghĩa trong sinh ngữ tiếng Việt, được dùng rút gọn, còn lại một yếu tố, thường là yếu tố sau, có thể là có nghĩa cổ hơn trong hai từ đồng nghĩa (cộ - xe cộ) hoặc có nghĩa chủ yếu hơn, quan trọng hơn (vá - may vá - ăn nói, chơi - ăn chơi, biết - hiểu biết, mừng - vui mừng, mời - chào mời…).
Cùng ý nghĩa như vậy, bài hát của trẻ em hiện nay có câu: “Khi đi, em hỏi. Khi về em chào” là có ý cho rằng có sự tương đương giữa chào và hỏi- cũng là những lời chào- nghi thức lời nói lịch sự.
Có thể khẳng định mà không sợ võ đoán rằng HVNN chào trong tiếng Việt chính là hành vi chào hỏi, và trong hơn 65% chính là HVNN hỏi.
Rõ ràng phải có những lý do ngoài ngôn ngữ, thuộc về hoàn cảnh giao tiếp rộng và hẹp, mang đặc trưng văn hoá dân tộc quy định hướng chuyển đôi thay thế HVNN chào bằng biến thể này, hoặc thậm chí là có thể đặt vấn đề trong tiếng Việt bản địa, có từ “chào” như một động từ ngữ vi không?
2.2. Chiến lược lịch sự dương tính của văn hoá Việt với lời chào hỏi trong tiếng Việt
Văn hoá Việt thuộc về loại hình văn hoá nông nghiệp điển hình, với mô hình nông dân - nông nghiệp - nông thônmà Gs. Trần Quốc Vượng khái quát. Nền văn hoá này có những đặc trưng nổi bật xuất phát từ lối ứng xử của tộc người - chủ thể văn hoá - với những điều kiện tự nhiên - xã hội, đặc biệt là nghề nghiệp - phương thức sản xuất, lao động của họ. Đó là tính cộng đồng, tính trọng tìnhđến duy tình thể hiện trong văn hoá giao tiếp thành những đặc trưng: nhiệt tình ở thái độ giao tiếp,lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xửtrong quan hệ giao tiếp, trọng danh dựđối với chủ thể giao tiếp và đối tượng giao tiếp, cách thức giao tiếpmềm mỏng, tế nhị, linh hoạt, uyển chuyển với một hệ thống nghi thức lời nóivô cùng phong phú, trong đó có lời chào.
Do sự chi phối của tính cộng đồng và tính trọng tình, việc tạo lập và thắt chặt quan hệ giữa các NVGT được đưa thành mục đích hàng đầu của mọi cuộc giao tiếp, thậm chí lớn hơn cả mục đích giao tiếp trực tiếp.
Vì vậy chiến lược lịch sự dương tính (chiến lược chú ý đến mục đích chung, tình thân hữu, hướng tới thắt chặt quan hệ người nói ↔ người nghe, thuộc hành động giữ thể diện theo nguyên tắc Brown và Levinson) chiếm ưu tiên trong chiếc lược lịch sử giao tiếp của văn hoá Việt.
Có lẽ vì thế mà trong HVNN chào với nội dung: Xác nhận việc A nhận ra B; A bày tỏ lịch sự với B (A, B là nhân vật giao tiếp), người Việt chúng ta đã muốn thể hiện nhiều hơn thế: A tỏ lịch sự với B bằng cách tỏ ra:
a) A hiểu biết rõ về B (hoặc muốn biết, quan tâm đến B) → để thông cảm, khoan dung, tế nhị với B
b) A có tình cảm với B (đã có hoặc muốn có)
c) A tôn trọng B (thăm dò, tìm hiểu B, để có thể tôn vinh thể diện tích cực của B, tránh làm tổn thương thể diện tiêu cực của B).
Để hiện thực hoá những điều mong muốn ngoài nội dung chàonói trên, A chỉ có thể tìm cách dễ dàng nhất là thoát ra ngoài nghi thức chàovới khuôn hình khô cứng, phổ quát, khách quan mờ nhạt để tìm đến những câu hỏi đầy cá tính chủ quan, sinh động giúp A thể hiện tình cảm với B và thắt chặt thêm quan hệ A-B.
a) Anh đã khoẻ hẳn chưa mà đã đi làm? Để đấy, em giúp anh.
- Mới ép tóc hả? Trông trẻ trung, hợp với mày đấy.
- Cháu con mẹ T à? Cháu học lớp mấy rồi?
b) Bà. Bà có nhớ cháu không?
- Khiếp. Sao dạo này mày xanh thế?
- Con đã về đấy à? Có mệt không?
- Mẹ nấu cơm à?
c) - Cháu mấy tuổi rồi? Đã đi học chưa mà chững chạc như người lớn vậy?
- Bạn cũng về Hải Phòng à? Nhà ở phố nào?
- Ông hồi này có đỡ hơn không ạ?
- Bác đi đâu đấy ạ?
Những câu hỏi như thế này có thể trở thành hành vi xâm phạm tự do cá nhân, vi phạm phương châm về lượng và chất trong nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice, có thể bị coi là tò mò, thóc mách vào lĩnh vực riêng tư, là bất lịch sự trong một nền văn hoá trọng chiến lược lịch sử âm tính như văn hoá phương Tây.
Tuy nhiên đặt trong hệ thống văn hoá Việt Nam , nền văn hoá coi trọng lịch sự dương tính thì những câu hỏithay chàonhư thế được coi là lịch sự, hợp chuẩn mực xã hội – văn hoá. Nó phù hợp với cách cảm, cách nghĩa, cách ứng xử và khát vọng sống hoà hợp tình cảm, đoàn kết cộng đồng của người Việt.
Kết quả nghiên cứu “Lời chào của người Thái ở Việt Nam ” của Cầm Bạch Thiêm đã khẳng định rằng: không có HVNN chào trực tiếp trong tiếng Thái. Là một dân tộc, một ngôn ngữ có nguồn gốc họ hàng với dân tộc và ngôn ngữ Thái, hình thành trên cơ sở kết hợp giữa Môn Khơme và Tày Thái (theo GS Phạm Đức Dương), phải chăng trong tiếng Việt và văn hoá Việt cũng có điểm tươn đồng này? Có thể nêu giả thuyết rằng: trong tiếng Việt truyền thống - ngôn ngữ bản địa - chưa có động từ “chào” với tư cách một động từ ngữ vi mà chỉ có HVNN chàođược thể hiện bằng nhiều hình thức HVNN ở lời khác, nổi bật là hành vi hỏi với những ý nghĩa dụng học như đã phân tích ở trên.
3 - Kết luận
3.1 - “Chào” là một trong những nghi thức lời nói không thể thiếu được trong hoạt động lời nói, thể hiện phép lịch sự và trình độ văn hoá của con người. Lời chào góp phần tạo lập, củng cố, duy trì phát triển mối quan hệ liên cá nhân trong và sau hội thoại.
3.2 - Là một hành vi ngôn ngữ, cũng như mọi hành động khác của con người, hành vi “chào” vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính đặc ngữ, bởi chịu sự chi phối sâu sắc của văn hoá dân tộc. Chiến lược lịch sự dương tính mang dấu ấn rõ rệt của nền văn hoá đậm tính cộng đồng nông nghiệp, duy tinh, có thể thấy rõ qua xu hướng hiện thực hoá thành vi ngôn ngữ “ chào” bằng HVNN “ hỏi”.
3.3 - So sánh với tiếng Thái - một ngôn ngữ cùng cội nguồn, chúng ta có thêm căn cứ để khẳng định nguồn gốc Đông Nam Á của tiếng Việt cũng như dân tộc Việt, có thể đột phá từ hành trình “Đi tìm nguồn gốc từ “chào” trong tiếng Việt”.
3.4- Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, không đơn giản chỉ là dịch những mẫu câu chào của ngôn ngữ nước đó ra tiếng Việt để bắt học thuộc lòng một cách máy móc, mà phải giúp họ có thể làm chủ được mọi tình huống giao tiếp, với việc chọn đúng từ xưng hô, chào bằng cách hỏi đúng người, đúng việc, đúng hoàn cảnh… mà nhất là thể hiện đúng nội dung tâm lí văn hoá dân tộc, xuất phát từ sự am hiểu nền tảng văn hoá dân tộc đã sản sinh ra ngôn ngữ và mọi hiện tượng của ngôn ngữ đó.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Hữu Châu - Bùi Minh Toán - Đại cương ngôn ngữ học, tập II, NXB GD, 1993.
2. Nguyễn Thiện Giáp - Dụng học Việt ngữ, NXB ĐHQG, H, 1999. H, 2002.
4. Trần Quốc Vượng - Cơ sở văn hoá ViệtNam , NXB GD, H, 1999. H, 2004.
5. Cầm Bạch Thiêm - Lời chào của người Thái ở ViệtNam , Luận văn Thạc sĩ khoa học nhân văn, ĐHSP, H, 2002.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 4 (126), 2006