Chàng trai giàu ý tưởng
Bút sử dụng mực khô
Một lần, cầm cây bút máy học trò ngắm nghía, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Thạch Lam chợt phát hiện ra vô số điều bất lợi của sản phẩm học đường này. Dùng mực nước chóng hết mực, lại phải dùng đúng loại mực đã dùng trước đó, khi nạp thì hay dơ bẩn. Bực mình nhất là ngăn chứa mực nằm trong vỏ kim loại thật khó mà biết được khi nào mực hết hay còn. Trẻ con ít để ý nhiều bữa đang viết, hết mực như chơi.
Tại sao người ta không dùng vỏ bút trong để dễ quan sát? Tại sao không dùng mực khô cho tiện lợi hơn? Những câu hỏi tại sao đã khiến Lam bật lên ý tưởng sử dụng nguyên lý van trong lĩnh vực cấp nước để... đưa vào việc cấp mực khô. Phần đầu ngòi bút vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng phần ruột bút thì được Lam thiết kế chi tiết với các modun: khoang đưa nước từ bên ngoài vào, khoang mực khô, màng bán thấm có tác dụng như van một chiều và màng lọc. Mực khi hòa tan sẽ đạt trạng thái bão hòa nên luôn có chất lượng ổn định.
Đây là giải pháp đầu tiên có tính chất quy củ của Lam sau rất nhiều lần tìm tòi, và hướng anh vào con đường sáng tạo chuyên nghiệp hơn.
Bút mực khô đã mang đến cho Lam giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2003 và bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Hiện anh đang tìm kiếm cơ sở sản xuất để chuyển giao loại bút độc đáo này.
Cấy lúa thẳng lưng
Khi về quê ở Hà Nam , Nguyễn Thạch Lam vẫn hay để ý đến những người dân làng còng lưng cấy lúa trên đồng. Hình ảnh bán lưng cho trời, bán mặt cho đất ấy luôn ám ảnh anh. Có lần, anh chàng thử cấy. Tư thế còng lưng mỏi vô cùng. Người nông dân vất vả quá, có cách gì để họ đổi tư thế, thoải mái hơn không, trong khi các loại máy cấy chưa thể phổ biến ở Việt Nam vì điều kiện địa hình và cả tài chính? Câu hỏi này khiến Lam suy nghĩ nhiều lần. Cho tới một hôm, tình cờ phát hiện ra những tay gỗ nối dài có tác dụng hạn chế tai nạn của công nhân trong lĩnh vực công nghiệp được chiếu trên ti-vi, Lam liên tưởng: Tại sao người nông dân lại không thể sử dụng những chiếc tay nối dài hơn để cải thiện điều kiện làm việc?
Ý tưởng về một loại dụng cụ cấy lúa (tay cấy) xuất hiện. Lam thiết kế một cái phao trượt trên đó có khay đựng mạ. Khay này được nối với một cái cán dài khoảng 1m. Bộ phận tay cấy dài khoảng 0,6-0,8m, đầu dưới có kẹp, đầu còn lại có thanh gạt, kẹp hoạt động tương tự như hệ thống phanh ở xe hai bánh. Khi bóp phanh, thanh gạt sẽ kéo dây cáp làm cho kẹp đóng lại giữ mạ, người điều khiển chỉ việc dừng và đẩy tay cấy xuống. Khi mạ đã cắm sâu thì nhả phanh gạt, kẹp trở lại vị trí ban đầu.
Một tay đẩy phao có khay đựng mạ, một tay bấm nhả phanh, người nông dân có thể lao động với tư thế thoải mái hơn trên cánh đồng của mình. Thạch Lam cho biết ngoài phương án mỗi lần tay cấy chỉ cấy được một nhóm mạ, với nguyên lý này, anh còn thiết kế một tấm kẹp cho phép trong một thao tác có thể cấy được từ 4-6 khóm mạ. Giải pháp này, anh muốn dành tặng cho những người nông dân và họ có thể tự thiết kế để làm tay cấy.
Bệnh tò mò đã ăn vào máu
Gặp người viết, Nguyễn Thạch Lam xách theo trong chiếc cặp lỉnh kỉnh những cối cắt, dao, hành củ tỏi… Hỏi anh chưa vợ sao... đảm đang như bà nội trợ vậy, Lam cười hiền lành: "Mang theo để biểu diễn cho nhà báo xem ấy mà". Thì ra, ngoài hai giải pháp được đăng ký bảo hộ độc quyền và chuyển giao miễn phí cho cộng đồng, Lam còn có hai sáng tạo khác khá hấp dẫn là cối cắt và dao lưỡng dụng.
Cối cắt của Lam gọt rất gọn những thực phẩm làm bếp như củ hành, tỏi, miếng nào cũng xinh xinh như bàn tay đảm đang của người nội trợ. Lam cho biết anh làm sản phẩm này sau khi xem xong chương trình cối cắt công nghiệp trên ti-vi và nghĩ đến chuyện cối cắt dùng làm bếp.
Còn loại dao lưỡng dụng, thực ra, nó chỉ là bất cứ cây dao bình thường nào, chỉ việc gán thêm một sản phẩm ý tưởng của Lam, ấy là tấm chắn trong suốt bằng mi ca. Tấm chắn này có hai đầu kẹp dùng để kẹp vào trên lưỡi dao, mỗi đầu kẹp có hai thanh kẹp để điều chỉnh mức độ dày, mỏng. Khi gọt, loại dao này cho phép người làm nhìn rõ được phần nào đã gọt rồi, phần nào chưa để tránh..
Ngoài công việc anh là thiết kế hạ tầng ở công ty, Lam thường hay thích đi lang thang tìm tòi những sản phẩm mới ở chợ, siêu thị. Anh cũng là khách hàng thường xuyên của Trung tâm Thông tin Khoa học công nghệ TP Hồ Chí Minh, vì thường phải đi “tra” thông tin xem ý tưởng của mình có bị đụng hàng không.
Công và của bỏ ra cho những lần đi thực nghiệm và chế tạo thử sản phẩm không phải là ít. Thế nhưng niềm say mê sáng tạo vẫn luôn hấp dẫn anh mỗi ngày. Lam nói: "Tính tò mò đã ăn vào máu của mình rồi, và nó như một nhu cầu của cuộc sống, cũng như hít thở vậy. Vậy nên, mỗi lần gặp cái gì mình cũng hay để ý, tự hỏi. Nếu có gì chưa vừa ý là hay tìm cách giải quyết. Trước hết, sáng tạo là một cách giải tỏa nhu cầu tìm hiểu của bản thân, sau, nếu thiết thực thì đem đến cho cộng đồng, và nếu được thì thương mại hóa. Chàng trai có “bệnh” tò mò cho biết hiện nay anh đang tập trung cải tiến một số mặt hàng tiêu dùng và sẽ tiếp tục bật mí những ý tưởng giải pháp mới nay mai thôi.
Nguồn: nhandan.com.vn 20/09/2005