“Cây sáng kiến” Đặng Phạm Đức Hậu
Hậu sinh năm 1972, là con út trong một gia đình 7 anh em; quê cha ở Phụng Hiệp, mẹ ở Nha Trang nhưng gia đình của anh lại lập nghiệp tại Cần Thơ từ trước giải phóng. Ký ức tuổi thơ của anh gắn liền với những ngày tháng tảo tần cùng gánh rau xanh lúc đầu chợ, khi cuối chợ của mẹ; những đêm cha phải thức trắng chạy xe ôm chở khách và hình ảnh của chị Hai oằn vai gánh nước mướn, chắt chiu từng đồng nuôi các em ăn học. Tuy đã cố gắng hết sức nhưng trong 7 anh em, chỉ có hai chị của Hậu được vào đại học, 5 người còn lại, trong đó có Hậu phải rời ghế nhà trường khi vừa tốt nghiệp lớp 9 để lao động phụ tiếp gia đình. Hậu đã trải qua các nghề: bán vé số, đóng gạch mướn, rồi làm thợ nướng bánh mì... Đến đầu năm 1993, chị Tư của Hậu (lúc này là kế toán của XN LHDHG) báo có đợt tuyển công nhân, Hậu đăng ký dự phỏng vấn và trở thành công nhân của XN LHDHG từ đó.
Ban đầu, Hậu làm công nhân đóng gói. Nhiệm vụ hàng ngày của anh là cho thuốc viên thành phẩm vào bao bì và tra nút hoặc đóng bao để xuất xưởng (thời gian này XN còn sử dụng đóng nút bằng thủ công), nên không biết bao lần những ngón tay Hậu tươm máu. Biết điểm yếu của mình là chưa có kinh nghiệm, không có tay nghề, thiếu kiến thức về dược nên Hậu thường xuyên tham gia các lớp học nâng cao tay nghề do xí nghiệp tổ chức để nhận biết những tên thuốc, những mặt hàng đang làm. Phải gần một năm, anh mới vượt qua được sự bỡ ngỡ và say mê với công việc.
Hậu cưới vợ, chính là cô bạn hàng xóm, hết lòng quan tâm, thương yêu anh - Lý Thị Tốt. Khoảng thời gian này, gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Lương công nhân của Hậu không đủ trang trải chi phí trong gia đình, khi ấy đứa con đầu lòng ra đời, vợ anh lại nghỉ làm ở Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thới Bình để theo học lớp cử nhân ngoại ngữ. Hậu phải nỗ lực rất nhiều và xen kẽ giữa những ca làm đêm, làm ngày, Hậu phấn đấu tiếp tục theo học lớp bổ túc văn hóa để tốt nghiệp lớp 12. Nhắc lại những ngày tháng cơ cực đó, chị Tốt tâm sự: “Lúc đó, ban ngày tôi đi bán bảo hiểm, nhận làm dịch vụ giấy tờ nhà, đất..., ban đêm đi học. Tôi động viên anh Hậu tranh thủ thời gian học thêm bổ túc văn hóa. Nhìn ảnh quay như con thoi giữa công việc và học hành, thấy thương vô cùng”. Được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, năm 2001, vợ chồng anh Hậu mua được 60m2 đất, cất một căn nhà nhỏ trong hẻm 233, đường Nguyễn Văn Cừ, gần nơi anh làm việc.
Từ một công nhân đóng gói, chỉ sau 2 năm, Hậu điều khiển máy rồi trở thành Trưởng dây chuyền máy ép vỉ khi chưa qua bất kỳ một lớp học nào về cơ khí . Kiến thức anh tích lũy được từ kinh nghiệm thực tế và học hỏi đồng nghiệp. Mỗi khi tan ca, Hậu xin phép quản đốc ở lại xưởng, rồi lân la vào phòng chạy máy quan sát từng thao tác của người điều khiển, ghi nhớ từng bộ phận hoạt động của máy. Nhờ sự tận tình giúp đỡ của các trưởng máy, chỉ sau 3 tháng, Hậu đã mạnh dạn xin được đứng máy thực tập. Sự khéo léo và tinh tế của Hậu trong các thao tác đã giúp anh lấy được lòng tin của tổ trưởng và quản đốc. Cuối năm 1994, Hậu chính thức là công nhân đứng máy trong dây chuyền ép vỉ. Và không bao lâu sau, anh trở thành Trưởng dây chuyền. Bài học vỡ lòng của đồng nghiệp dặn dò lúc mới chập chững vào nghề đã trở thành hiện thực: “Muốn chinh phục cái máy phải biết “yêu” máy”.
Gần 10 năm gắn bó với máy ép vỉ, Hậu nhiều lần đưa ra những ý tưởng, những sáng kiến cải tiến để nâng cao năng suất làm việc. Vì thế , anh còn được mọi người gọi là “Cây sáng kiến”. Để có danh hiệu này, Hậu cũng nhiều lần phải trả giá cho những sáng tạo của mình. Chẳng hạn như lần vừa chuyển sang đứng máy, nhìn thấy những công nhân làm ở khâu xoa thuốc vào vỉ phải chật vật vì các viên thuốc thiếu độ trơn, thao tác chậm, anh đã dùng bột trơn bôi vào thuốc. Kết quả là thuốc xoa vào vỉ nhanh hơn, dễ hơn nhưng khi đưa vào khuôn ép thì độ kết dính không cao. Lần đó, không những cả dây chuyền 5-6 công nhân phải ngưng việc để khắc phục bằng cách dùng vải the lau sạch tất cả số thuốc được bôi bột trơn để thực hiện lại như từ đầu mà xí nghiệp cũng bị tổn thất một phần nguyên liệu.
Từ sau lần rút kinh nghiệm nghiêm khắc đó, Hậu liên tiếp thành công trong những ý tưởng, sáng kiến của mình. Năm 1996, anh được Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) của xí nghiệp công nhận “Sáng kiến cải tiến phương pháp vệ sinh làm lạnh của máy ép vỉ”. Sáng kiến này nảy sinh trong một lần chiếc máy ép vỉ của anh “trở chứng”, nước giải nhiệt bị rò rỉ làm cho môi trường sản xuất ẩm thấp, mất vệ sinh. Hậu đã tự ra chợ trời, tìm mua những vật dụng cần thiết rồi mày mò khắc phục sự cố. Hay một sáng kiến khác: Tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất. Công đoạn sản xuất của Hậu chủ yếu tiếp xúc với các vật liệt nhôm và PVC (là hai thành phần làm nên vỉ thuốc) mà nguyên liệu PVC phải nhập từ nước ngoài hoặc đặt mua ở TPHCM giá đắt. Qua những lần ép vỉ, Hậu nhận thấy trong quá trình sử dụng, phần PVC thừa bị bỏ làm phế liệu quá nhiều, rất lãng phí. Tìm hiểu kỹ, Hậu được biết do xí nghiệp nhập PVC khổ lớn hơn nhiều so với diện tích của các vỉ thuốc cần sản xuất, nên mới có phần thừa bị bỏ làm phế liệu. Hậu đã mạnh dạn đề xuất và được Ban Giám đốc chấp thuận nhập PVC loại khổ nhỏ hơn, tiết kiệm một khoản tiền lớn trong chi phí sản xuất cho xí nghiệp.
Năm 2005 này, Hậu vừa hoàn thành báo cáo trình Hội đồng KHCN của Công ty CPDHG xem xét. Đó là ý tưởng thay thế bộ phận cam làm bằng mủ (thay vì bằng sắt như hiện nay) của máy ép vỉ để hạn chế sự bào mòn trong quá trình tiếp xúc với cam dĩa khi thải phế liệu ra ngoài. Mục tiêu mà Hậu tự đặt ra cho mình: Mỗi năm phấn đấu có một ý tưởng hoặc một sáng kiến cải tiến được áp dụng trên thực tế. Khi được hỏi vì sao lại có nhiều sáng kiến đến thế, Hậu nói: “Không say mê và yêu thích công việc thì khó có được sáng tạo. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của mình xuất phát từ những trăn trở tìm kiếm những giải pháp làm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm. Từ trăn trở mình hình thành ý tưởng và vận dụng kinh nghiệm trong sản xuất để có được những giải pháp hữu hiệu”.
Nhận xét về Đặng Phạm Phúc Hậu, Quản đốc Diệp Bích Hương nói: “Giao một dây chuyền sản xuất cho Hậu quản lý chúng tôi rất an tâm. Hậu biết sắp xếp công việc hợp lý để đạt năng suất cao; biết xử lý các sự cố bất thường, đặc biệt là các sự cố liên quan đến thiết bị, máy móc. Anh là một người thợ chăm chỉ, có tay nghề, tiết kiệm được thời gian, nguyên liệu, tránh được lỗi kỹ thuật dẫn đến sản phẩm khiếm khuyết. Vì vậy, từ năm 2000 đến năm 2003, Hậu liên tục đạt danh hiệu Thợ giỏi”. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, phụ trách công đoàn công ty, cho biết thêm: Ngoài danh hiệu “Thợ giỏi”, nhiều năm liền Hậu được nhận Bằng khen của UBND TP, Giấy khen của Sở Y tế. Mới đây, trong đợt kỷ niệm sinh nhật 31 năm của C.ty CPDHG, Hậu vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, được tập thể tín nhiệm nhưng Hậu vẫn còn điều băn khoăn. Anh tâm sự: “Mình vẫn còn mục tiêu chưa thực hiện, đó là theo học lớp chuyên ngành về cơ khí, sửa chữa máy móc. Trước đây, điều này chỉ dừng lại ở mơ ước nhưng hiện nay, khi cơm áo không còn là nỗi lo thường trực, mình cũng có thể chủ động sắp xếp được công việc ở công ty thì việc biến ước mơ thành hiện thực chỉ còn là vấn đề thời gian. Nói thật, mình không muốn chỉ chinh phục những cái máy bằng kinh nghiệm và sự đam mê. Mình đã quyết tâm phải chinh phục nó bằng kiến thức, sự hiểu biết thực thụ và “tình yêu” của mình qua học tập, đào tạo!”.
Giờ đây, căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm sâu trên đường Nguyễn Văn Cừ của anh Hậu càng thêm ấm cúng bởi tiếng cười của 2 đứa con nhỏ. Bà xã của anh Hậu hiện là Trưởng phòng Hành chính Trường THPT Châu Văn Liêm. Còn Hậu, những gì anh đã và đang nỗ lực thực hiện không chỉ minh chứng cho sự phấn đấu không mệt mỏi, vượt khó suốt 13 năm qua của một thanh niên cầu tiến mà còn là tấm gương về tính năng động, sáng tạo của lực lượng công nhân thời công nghiệp hóa.
Nguồn: baocantho.com.vn 17/9/2005