Cây ngô
Đó là một cây thảo lớn, cao 2 - 3m. Thân thẳng, không phân nhánh, các đốt ở gốc mang rễ. Lá hình dải, dài 30 - 40cm, có bẹ, hai mặt nháp, mép có lông dạng mi, gân giữa nổi rõ.
Cụm hoa đực mọc ở ngọn thân thành chùy, bông nhỏ mang hai hoa, hoa có 3 nhị. Cụm hoa cái mọc ở kẽ lá thành bông hình trụ, bông nhỏ mang một hoa, hoa có vòi nhụy rất dài.
Quả cứng, bóng, màu vàng, đôi khi nâu hoặc tím, xếp thành nhiều dãy trên trục (sau thành bắp ngô), vòi tồn tại rất dài và mảnh (chính là râu ngô).
Mùa hoa quả: tháng 6 - 8.
Công dụng và cách dùng
Bộ phận dùng làm thuốc của ngô là râu ngô (chủ yếu), ruột bấc ở thân và hạt.
Theo kinh nghiệm dân gian, các bộ phận của cây ngô được dùng trong những trường hợp sau:
- Chữa cao huyết áp: Bắp ngô luộc lấy nước, uống hàng ngày, mỗi lần vài bát, ngày 2 - 3 lần. Uống liền 2 - 3 tháng đến khi huyết áp trở lại bình thường.
- Chữa phù thũng, đái đỏ: Râu ngô (40g) hoặc ruột bấc cây ngô (150g). Tất cả băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa viêm thận, viêm bàng quang: Râu ngô (100g), rau má (50g), ý dĩ (50g), mã đề (50g), sài đất (40g). Sắc uống ngày một thang.
- Chữa đái tháo đường: Hạt ngô tẩm nước, ủ cho mọc mầm. Lấy mầm sấy khô, tán bột, ngày uống 20 - 30g với nước sắc đọt khoai lang đỏ. Hoặc ăn chè ngô non nấu với củ mài và ăn rau khoai lang đỏ nấu canh hàng ngày.
Nguồn: KH&ĐS chuyên đề, số 2, 26/1/2007, tr 31