Câu đối - thú vui trí tuệ
Câu đối thể hiện được tính cách, lối sống của chính tác giả. Cao Bá Quát, thiên tài về câu đối đã viết:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đề thủ bái mai hoa”.
(Kết bạn mười năm cầu kiếm cổ. Cúi đầu trọn kiếp lạy hoa mai). Hoa mai tượng trưng cho sự thanh cao “khí phách xung hàn”, chịu đựng rét buốt qua suốt mùa đông, để rồi bừng nở về mùa xuân. Con người ấy, câu đối ấy, thật đáng khả kính!
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương khẩu khí cũng chẳng thua gì nam giới. Trời mưa, sân trơn, lỡ bước trượt chân ngã. Mọi người cười rộ lên. Bà đọc ngay:
“Giơ tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài!”
Đoàn Thị Điểm, một nữ sĩ tài hoa, Vua cho bà đóng giả làm người bán quán rượu bên đường. Sứ Tàu đi qua, đọc câu đối trêu nghẹo, vẻ ngạo mạn:
“An Nam nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh”
(An Nam một tấc đất không biết bao người cày). ý chỉ nước ta đất hẹp, người đông, nhưng nghĩa bóng chê bà lẳng lơ và còn ngầm ý châm biếm sâu hơn. Bà đáp trả liền:
“Bắc Quốc vạn đại phu giai đo thử đồ xuất”
(Nước Tàu muôn ngàn vị đại phu thẩy đều từ chỗ ấy mà ra. Các sứ giả bị bẽ mặt, sượng sùng nhưng không khỏi khâm phục người đàn bà bán hàng nước Nam tài giỏi!
Nói về câu đối, phải kể đến cụ Nguyễn Khuyến thường gọi là Tam nguyên Yên Đổ (nay thuộc Vị Hạ, Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam ). Tương truyền hồi còn nhỏ, đi học, bạn cụ chạm vào ngực cô gái. Cô ta réo ông tổ mấy đời mà chửi. Để gỡ thế bí cho bạn, cụ đọc luôn:
“Con cháu nâng niu đôi oản bụt,
Ông cha lừng lẫy chín phương trời”.
Nghe vậy, cô gái cũng nguôi dần, bạn cũng đỡ thẹn.
Viên quan võ tên là Long, đỗ Phó bảng về võ nghệ, đã chột mắt nhưng tính lại huyênh hoang vẻ “ta đây”. Hắn mở tiệc mừng: thăng quan, tiến chức, cụ Tam nguyên tặng hai câu:
“Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại,
Triều đình tỏ mặt, anh hùng chỉ có một ngươi thôi”
“Dồn hai mắt lại”, “chỉ có một người” tả đúng bảng Long, một cách rất thâm thuý!
Tết đến, xuân sang cụ làm cho anh hàng thịt hai câu đối:
“Tứ thời bát tiết canh chung thuỷ
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang”
Vế trên có “bát tiết canh”, vế dưới có “đôi bồ dục” hai món ăn khoái khẩu, nghĩ theo kiểu “làm nghề nào ăn nghề đó”. Nào ngờ ý của câu lại khác: Bốn mùa tám tiết đổi thay qua đi rồi trở lại; Cây liễu trên bờ, cỏ bồ trên gò, cũng muốn trang điểm xinh tươi.
Có lần anh hàng xóm ở Vị Hạ bưng khay trầu đặt trên bàn, khoanh tay lại, kính cẩn, miệng khẩn khoản: “Cháu kiếm một cơi trầu sang biếu cụ, để xin đôi câu đối thờ ông!”. Cụ viết lại đúng như thỉnh cầu, trở thành câu đối thờ:
“Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ
Xin đôi cấu đối để thờ ông”
Đất nước ta có kho tàng ca dao, tục ngữ, truyện dân gian… và có cả kho tàng câu đối. Câu đối phong phú, đa dạng và đầy ắp chất trí tuệ, càng đọc, càng ngẫm lại càng thích thú, khâm phục biết bao!
Nguồn: Dân tộc và Thời đại, số 99/2007