Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 01/03/2008 00:17 (GMT+7)

Câu chuyện đời người của một nhà Việt học

Ước nguyện của chúng tôi là một ngày không xa đi ngược hành trình tôi vừa đi: từ TP.HCM qua chiến khu D miền Đông Nam bộ, ngược khu V dọc Trường Sơn lên Việt Bắc, qua mỗi dòng sông rải một chút di cốt của Boudarel. Dọc lộ trình của Boudarel cách đây hơn nửa thế kỷ, hình hài của ông sẽ hòa nhập vào đất và nước Việt Nam .

"Buđa" - bạn bè Việt Nam cũng như các nhà Việt học thân quen vẫn thường gọi ông vắn tắt như vậy. Trong tiếng Pháp, hai tiếng "Buđa" rất gần "Bouddha", tức là Bụt. Cách gọi rất có ý nghĩa, vì nhớ tới "Buđa" trước tiên người ta hình dung ra nụ cười hiền từ của một con người cả đời mang một đam mê: Việt Nam, và say sưa, rộng lượng chia sẻ hiểu biết của mình về Việt Nam qua hàng loạt tác phẩm về đất nước Việt, con người Việt, lịch sử Việt.

Trước khi trở thành nhà Việt học, "Buđa" là một chiến sĩ dành trọn tuổi thanh niên cho cuộc kháng chiến của Việt Nam , và đến cuối đời đã phải "trả giá” cho sự dấn thân của mình.

Ông là một nhà sử học (luận án tiến sĩ của ông về Phan Bội Châu niên biểu được giáo sư Vĩnh Sính đánh giá là công phu và mẫu mực, một tác phẩm nổi tiếng khác mang tựa đề ngắn gọn: Giáp), một dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm VN ra tiếng Pháp (từ Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài… đến Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng), một nhà Việt học đa dạng…

Giảng sư Trường đại học Denis Diderot (Paris VII) từ năm 1967 đến khi về hưu (cuối năm 1991), Boudarel đã góp phần không nhỏ đào tạo một thế hệ những người nghiên cứu Việt học thuộc nhiều quốc tịch, đồng thời cung cấp cho phong trào quốc tế ủng hộ VN những thông tin và phân tích trung thực. Ông là người biên tập cuốn sách 600 trang tố cáo chế độ ngục tù của chính quyền Mỹ-Thiệu.

Sinh ngày 21-12-1926 trong một gia đình Công giáo, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Georges Boudarel tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Sang Đông Dương làm giáo sư triết học ở Trường trung học Pháp ngữ, sau một năm ở Nam Lào ông tới Sài Gòn năm 1949 dạy ở Trường Marie Curie. Tại đây, ông sinh hoạt với "nhóm mác-xít" tập hợp những người Pháp tiến bộ, qua đó bắt liên lạc với kháng chiến Việt Nam .

Năm 1950, ông ra bưng tham gia kháng chiến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phân công ông làm việc tại Đài phát thanh Nam bộ kháng chiến. Còn Tòa án quân sự Pháp thì kết án tử hình vắng mặt Georges Boudarel vì... "tội phản quốc". Đó tất nhiên không phải là quan điểm của Boudarel: chọn hàng ngũ kháng chiến Việt Nam để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, Boudarel trung thành với tiêu ngữ "Tự do - bình đẳng - bác ái" của Cách mạng Pháp 1789 cũng như với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa quốc tế.

Sự chọn lựa dũng cảm này còn thể hiện trong việc Boudarel chọn bí danh Việt Nam: Đại Đồng. Nghe thì rất ý vị, rất thế giới đại đồng, nhưng khốn nỗi ngay cả về sau này khi đã đọc trôi chảy các tác phẩm văn học Việt Nam, Boudarel vẫn "xung khắc" với thanh điệu tiếng Việt. Khi ông tự giới thiệu "Tôi tên là Đái Đồng" thì mọi cuộc khai hội đều biến thành những tràng cười bất tận. Cuối cùng, mọi người đều gọi "anh Bu-đa-rền" hay đơn giản hơn, thân mật hơn: "Buđa".

Năm 1951, Buđa được gửi ra Bắc. Sáu tháng trời đi bộ 2.000km, ông lên tới Việt Bắc, nhận nhiệm vụ giải thích cho tù binh Pháp và Âu Phi ở trại M113 về thực chất cuộc chiến tranh. 40 năm sau, vào lúc khối Đông Âu sụp đổ, những thế lực cực hữu Pháp đã xúi giục một số cựu tù binh Pháp (cả những người chưa hề đặt chân tới trại M113) vu cáo ông là "cai tù”, là "chính ủy", là "hung thần" trại tù M113, và đòi truy tố ông vì "tội ác chống nhân loại".

Sau mấy năm kiện tụng, tất nhiên tòa án Pháp đã bác bỏ những lời buộc tội vô lý này. Không những thế, tòa án hành chính đã buộc Bộ Giáo dục Pháp phải tính cả những năm vắng mặt của ông vào sổ thâm niên để trả hưu bổng. Nhưng đợt vu khống ồ ạt trên báo đài Pháp đã gây một chấn thương tinh thần lớn cho Buđa, khiến mấy năm sau ông hai lần đột quị, phải nằm bệnh viện trong hơn một năm trời trước khi chuyển sang nhà dưỡng lão sống những năm cuối đời, xa cách tủ sách và kho tư liệu quí hiếm mà ông đã tích lũy suốt đời. Buđa từ trần ngày 26-12-2003.

Niềm an ủi lớn là xung quanh Boudarel, đông đảo bạn bè Pháp, Việt, Mỹ, Đức... đã tập hợp, lập ra Hội những người bạn của Boudarel (mà chủ tịch là nhà toán học Laurent Schwartz, giải Fields, người bạn lớn của Việt Nam ) để bảo vệ ông, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho ông trong suốt 12 năm cuối đời. Hình hài của Buđa đã được hỏa thiêu. Bạn bè trong hội đã trao cho tôi nhiệm vụ gìn giữ bình tro đợi ngày thuận lợi để di cốt "Buđa" hòa nhập vào đất nước Việt Nam thân yêu.

Đi theo hành trình Buđa đã đi cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi mong mình còn đủ sức để đi như thế, một ngày không xa...

-----
(*) Dạy toán Trường đại học Denis Diderot - Paris VII.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.