Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 14/09/2006 00:04 (GMT+7)

Câu cầu khiến tường minh và câu cầu khiến nguyên cấp

1. Khái niệm

Câu cầu khiến (còn được gọi là câu mệnh lệnh hay câu khuyến lệnh) thuộc kiểu loại câu phân chia theo mục đích nói, có dấu hiệu hình thức riêng nhằm yêu cầu, nhắc nhở, khuyên nhủ người nghe nên hay phải thực hiện/không thực hiện một việc gì đó. Ví dụ:

(1) Tôi cấmanh không được hút thuốc lá.

(2) Không được hút thuốc lá.

(3) Tôi ra lệnhtất cả bỏ súng xuống.

(4) Tất cả bỏ súng xuống.

Xét về các thành phần tạo nên câu, có thể chia câu cầu khiến thành 2 loại: câu cầu khiến tường minh (kí hiệu: câu CKTM) và câu cầu khiến nguyên cấp (kí hiệu: CKNC).

- Câu cầu khiến tường minh là câu cầu khiến có sử dụng động từ cầu khiến để tường minh hoá hành vi cầu khiến (ví dụ 1 dùng động từ cấm, ví dụ 3 dùng động từ ra lệnh)

- Câu cầu khiến nguyên cấp là câu cầu khiến không sử dụng động từ cầu khiến (ví dụ 2, 4).

Một cách khác, có thể hiểu: câu CKTM là câu cầu khiến ở dạng đầy đủ, có chứa động từ cầu khiến. Câu CKNC là một dạng rút gọn của câu CKTM: chủ ngữ và động từ cầu khiến bị rút gọn, chỉ còn nội dung cầu khiến (ví dụ 2, 4).

Tuy nhiên, không phải câu nào sử dụng động từ cầu khiến cũng đều là câu CKTM. So sánh ví dụ (1) với các ví dụ dưới đây:

(1) Tôi cấmanh không được hút thuốc lá.

(5) Tôi đã cấmanh không được hút thuốc lá (sao anh vẫn hút).

(6) Tôi đã cấmanh ấy không được hút thuốc lá.

(7) Anh ấy cấmtôi không được hút thuốc lá.

Cả bốn câu trên đều sử dụng động từ cầu khiến cấm, nhưng chỉ ở câu (1), động từ cấm mới được dùng để biểu thị hành vi cấm, do đó, câu (1) là câu CKTM. Các câu (5), (6), (7) mặc dù có chứa động từ cấm, nhưng không được dùng để biểu thị hành vi cấm mà chỉ để kể lại việc “tôi đã cấm anh/ anh ấy không được hút thuốc lá” hay việc “anh ấy đã cấm tôi không được hút thuốc lá”. Đó là các câu kể chứ không phải câu cầu khiến.

Trước đây, ở Việt Nam, câu theo mục đích nói nói chung và câu cầu khiến nói riêng mới chỉ được nghiên cứu ở phương diện cấu tạo, trong trạng thái tĩnh. Khoảng chục năm lại đây (có thể tính từ những năm 1997-1998), dưới ánh sáng của ngữ dụng học (một chuyên ngành mới của ngôn ngữ học), cụ thể là của lý thuyết hành vi ngôn ngữ (một lý thuyết được coi là xương sống của ngữ dụng học mà người khởi xướng và xây dựng là nhà triết học người Anh J.L. Austin và người có công giới thiệu vào Việt Nam là các giáo sư Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân), các kiểu câu theo mục đích nói đã và đang được nghiên cứu theo hướng mới - hướng gắn câu với chức năng xã hội của chúng, cũng tức là gắn câu với hoàn cảnh, mục đích, và hiệu quả sử dụng. Theo hướng đó, bài viết này, muốn so sánh một cách khái quát câu CKTM với câu CKNC ở các phương diện sau:

- Khả năng biểu thị các hành vi cầu khiến.

- Hiệu lực cầu khiến.

- Mối quan hệ của chúng với phép lịch sự.

- Phạm vi sử dụng.

2. So sánh câu CKTM với câu CKNC

2.1. Về khả năng biểu thị các hành vi cầu khiến:

Lý thuyết hành vi ngôn ngữ cho rằng: khi chúng ta nói là chúng ta hành động - hành động bằng ngôn ngữ, chứ không phải bằng các hành động vật lý như: cầm, nắm, đọc, cuốc.... Chẳng hạn, khi ta nói : tôi xin thềthì ta đã thực hiện hành vi thề. Hành vi đó được thực hiện bằng cách nói ra câu Tôi xin thề.

Như vậy, dưới góc độ của lý thuyết hành vi ngôn ngữ, có thể hiểu câu cầu khiếnlà câu mà sau khi nói câu đó, người nói đã thực hiện hành vi cầu khiến.

Song cầu khiếnlà thuật ngữ được sử dùng để chỉ chung tất cả các hành vi có chung mục đích:

SP1 (người nói), muốn SP2 (người nghe) thực hiện / không thực hiện x trong tương lai.

Dựa vào số liệu thống kê, chúng tôi thấy tiếng Việt có 32 cụm từ có chung mục đích trên nên chúng đều được dùng để biểu thị hành vi cầu khiến. Đó là các động từ: yêu cầu, ra lệnh, hạ lệnh, lệnh, chỉ thị, đề nghị, kiến nghị, chỉ định, phân công, phải, cấm, nghiêm cấm, buộc, bắt, cấm chỉ, xin phép, can, bảo, cử, khuyên, mời, xin, cầu, cầu xin, cầu mong, năn nỉ, nài nỉ, nài xin, van, van nài, van xin, nhờ. Như vậy, hành vi cầu khiến là cách gọi chung, có tính khái quát, còn từng hành vi như: cấm, ra lệnh, yêu cầulà các hành vi cầu khiến cụ thể. Một cách khái quát, có thể nói câu CKTM và câu CKNC đều được dùng để biểu thị hành vi cầu khiến, nhưng khả năng biểu thị từng hành vi cầu khiến cụ thể của mỗi loại câu đó lại khác nhau. Cụ thể:

a) Câu CKTM: do sử dụng động từ cầu khiến nên hành vi cầu khiến mà nó biểu thị là hành vi cầu khiến cụ thể, không chung chung. Chẳng hạn:

- Câu CKTM chứa động từ ra lệnh, biểu thị hành vi ra lệnh:

(8) Tôi ra lệnhcho đồng chí phải rút quân ngay trong đêm nay.

- Câu CKTM chứa động từ yêu cầu, biểu thị hành vi yêu cầu:

(9) Yêu cầucác anh cho xem giấy phép lái xe.

- Câu CKTM chứa động từ khuyên, biểu thị hành vi khuyên:

(10) Người già hay trái tính, tôi khuyệnmợ nên biết nhịn.

b) Câu CKNC: do không sử dụng động từ cầu khiến, nên nội dung cầu khiến của nó rất chung chung. Ví dụ:

(11) Anh hãy để tôi yên.

Phát ngôn (11) có thể biểu thị hành vi yêu cầu.

(12) Tôi yêu cầu anh hãy để tôi yên.

Cũng có thể biểu thị hành vi van.

(13) Tôi van anh hãy để tôi yên.

Bởi vậy, trong giao tiếp, muốn nhận biết một câu CKNC biểu thị hành vi cầu khiến cụ thể nào phải dựa vào ngữ cảnh. Ví dụ:

(14) Bằng một giọng lạnh lùng, Lan nói:

- Anh hãy kí vào tờ đơn li dị này cho tôi.

Ở ví dụ trên, qua ngữ điệu, qua cách thức phát ngôn “lạnh lùng” của người nói, ta có thể hiểu phát ngôn của nhân vật Lan biểu thị hành vi yêu cầu.

(15) Bác Hải vỗ vai Hương ôn tồn bảo:

- Cháu nên chấm dứt mối quan hệ này đi kẻo bên ngoài người ta dị nghị.

Dựa vào ngữ cảnh, cách nói “ôn tồn” có thể hiểu phát ngôn của bác Hải biểu thị hành vi khuyên.

2.2. Về hiệu lực ngữ vi của câu CKTM và câu CKNC

Hiệu lực ngữ vi, một cách đơn giản, có thể hiểu là hiệu lực của hành vi ngôn ngữ mà phát ngôn chứa nó biểu thị.

Thực tế khảo sát cho thấy, câu CKTM có hiệu lực cầu khiến cụ thể hơn, rõ ràng hơn câu CKNC vì chúng sử dụng các động từ cầu khiến. Các động từ này, tự thân đã tường minh hiệu lực cầu khiến mà chúng biểu thị. So sánh:

(16) Tôi ra lệnhcho các đồng chí phải hành quân ngay trong đêm nay.

(16’) Các đồng chí phải hành quân ngay trong đêm nay.

Cả câu (16) và (16’) đều có hiệu lực “ra lệnh”, nhưng hiệu lực đó ở (16) rõ ràng hơn, cụ thể hơn vì nó có chứa động từ “ra lệnh”.

2.3. Câu CKTM và câu CKNC trong mối quan hệ với phép lịch sự

Phần này, chúng tôi sẽ vận dụng lý thuyết lịch sự (do các tác giả R. Lakoff, P. Brown, S. Levinson xây dựng) để xem xét, đánh giá tính lịch sự/ không lịch sự của câu CKTM và câu CKNC.

Câu CKTM và câu CKNC đều hướng tới mục đích yêu cầu. SP1 yêu cầu SP2 thực hiện/ không thực hiện một việc gì đó theo ý của mình. Điều đó khiến SP2 cảm thấy không được thoải mái, vì bị mất tự do, vì bị SP1 áp đặt. Theo Lakoff, phép lịch sự, yêu cầu người ta phải “lịch sự trong giao tiếp”, cụ thể, phải:

- Không dồn ép, không áp đặt.

- Để ngỏ sự lựa chọn.

- Làm cho người nói chuyện với mình cảm thấy thoải mái.

Đối chiếu với các quy tắc của phép lịch sự mà Lakoff đề ra thì cả câu CKTM lẫn câu CKNC đều vi phạm các quy tắc trên. Tuy nhiên mức độ vi phạm của mỗi kiểu câu có khác nhau. Cụ thể:

2.3.1. Câu CKTM:

Như đã nói, về cấu tạo, câu CKTM khác câu CKNC ở chỗ: trong câu CKTM, hành vi cầu khiến được tường minh hoá, cụ thể hoá bằng một trong các động từ cầu khiến như: yêu cầu, ra lệnh, cấm, bắt, van...Các động từ này có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tích cực, nó đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch của hành vi yêu cầu trong bối cảnh giao tiếp bằng văn bản - đơn từ trong phong cách hành chính công vụ, hay trong các cuộc hội họp mang tính nghi lễ. Mặt tiêu cực: câu CKTM do tường minh hành vi cầu khiến bằng một trong các động từ cầu khiến nên đã vi phạm nguyên tắc của phép lịch sự. Cụ thể:

- Việc sử dụng một số động từ cầu khiến như: yêu cầu, ra lệnh, lênh, đòi, cấm, bắt...khiến cho câu CKTM có tính áp đặt, dồn nén cao hơn so với câu CKNC. Kết quả là SP2 cảm thấy không tự do, thoải mái. So sánh:

(17) Tôi cấmcô không được nói lại điều đó với bà cụ.

(17’) Cô không được nói lại điều ấy với bà cụ.

- Sự tường minh các động từ cầu khiến tiềm ẩn sự đe doạ thể diện của cả SP1 và SP2.

Theo Brown và Levinson, thể diện của mỗi người có 2 mặt: thể diện âm tính và thể diện dương tính. Thể diện âm tính là mong muốn được độc lập hành động theo ý muốn của mình, không bị ai can thiệp. Thể diện dương tính là ý muốn được người khác ưa thích, tán thưởng, đề cao, tôn trọng.

Như vậy, so với câu CKNC, câu CKTM đã đe doạ đến thể diện âm tính của SP2 vì nó đã khiến SP2 bị dồn ép, áp đặt, không được tự do hành động. Còn với SP1, khi thực hiện một số hành vi cầu khiến, nếu phải tường minh nội dung cầu khiến bằng các động từ: van, xin, nhờ, năn nỉ...thì có nghĩa là SP1 đã phải đặt mình vào tình trạng trông chờ lòng tốt, sự cảm thông của SP2, điều đó cũng có nghĩa là SP1 tự bộc lộ những thiếu sót, những chỗ yếu của mình. Như vậy, sử dụng câu CKTM thì thể diện dương tính của SP1 bị hạ thấp hơn so với câu CKNC. So sánh:

(18) Nhà tôi đương ốm... Xinông làm phúc nới rộng nút thừng ra cho. (Ngô Tất Tố)

(18’) Nhà tôi đương ốm... Ông làm phúc nới rộng nút thừng ra cho.

(19) Cháu còn bé, trót dại, vanông tha cho cháu lần này.

(19’) Cháu còn bé, trót dại, ông tha cho cháu lần này.

2.3.2. Câu CKNC

Như đã nói, câu CKNC cũng có mục đích là cầu khiến. Do đó cũng tiềm ẩn tính dồn ép, áp đặt đối với SP2 - nên nó cũng vi phạm nguyên tắc của phép lịch sự. Tuy nhiên, so với câu CKTM thì câu CKNC vẫn được xem là tế nhị hơn, bởi nó không trực tiếp sử dụng các động từ cầu khiến. Việc không trực tiếp sử dụng các động từ cầu khiến sẽ làm tôn thể diện của SP1 và SP2. Cụ thể:

- SP1 sẽ không bị rơi vào tình trạng hoặc phải tỏ ra “cứng rắn”, kiên quyết - khi thực hiện các hành vi có tính áp đặt cao như: ra lệnh, cấm, yêu cầu, lệnh...- hoặc phải tự hạ mình thừa nhận sự yếu kém của mình khi thực hiện các hành vi như: nhờ, xin, nài, van...cũng vì thế mà thể diện dương tính – tính sĩ diện của anh ta ít bị xúc phạm hơn.

- Với SP2, cùng tiếp nhận hành vi cầu khiến, nhưng nếu hành vi đó được diễn đạt bằng câu CKNC thì SP2 sẽ cảm thấy thoải mái hơn, ít bị áp đặt, dồn nén hơn và vì thế mà anh ta cảm thấy thể diện âm tính - con người tự do của anh ta ít bị xúc phạm hơn. Ví dụ:

(20) Ngày mai, yêu cầuchị đến đúng giờ.

(20’) Ngày mai, chị đến đúng giờ nhé.

Sự phân tích trên cho thấy, so với câu CKNC, câu CKTM tiềm ẩn tính áp đặt cao hơn, đe doạ thể diện của SP1 và SP2 nhiều hơn. Do đó, khi sử dụng chúng, SP1 thường phải điều chỉnh tính lịch sự của chúng bằng một số cách như: xưng hô (xưng khiêm, hô tôn), sử dụng hành vi sửa chữa ( xin lỗi, xin phép, làm ơn), sử dụng yếu tố vuốt ve nhằm làm cho SP2 chấp nhận mong muốn của SP1 (Đề nghị người đẹp nói khẽ thôi), sử dụng các tiểu từ biểu thị sắc thái tình cảm của SP1 đối với SP2 ( nhé, với, ạ), sử dụng các từ mức độ đã trở thành quy ước, nghi thức trong tiếng Việt ( hân hạnh, thiết tha, kính, trân trọng, thành thực...)

2.4. Phạm vi sử dụng của câu CKTM và câu CKNC

2.4.1 Câu CKTM

CKTM biểu thị một cách rõ ràng, tường minh một hành vi cầu khiến cụ thể nên nó thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Sử dụng trong các biểu, bảng đặt nơi công cộng. Ví dụ:

(21) Cấmhọp chợ ở đây.

(22) Yêu cầuđi nhẹ, nói khẽ.

- Sử dụng trong những văn bản, đơn từ mang phong cách hành chính, công vụ đòi hỏi tinh sáng rõ và minh bạch. Ví dụ:

(23) Lớp Cao học Văn 8 chúng tôi đề nghịphòng Quản lí khoa học kéo dài thời gian bảo về luận văn đến tháng 12.

(24) Tập thể lớp 12A trân trọng kính mờithầy Nguyễn Văn X đến dự buổi liên hoan của lớp.

Câu CKTM cũng thường được sử dụng trong các cuộc hội họp, mít tinh, trong công sở, trong những cuộc thương lượng giữa hai bên đối thoại... Ví dụ:

(25) Người Hoa Kì chúng tôi yêu cầucác ngài dùng món tiền đó vào công việc bình định cho hữu hiệu.

(26) Đề nghịbác Lượng trình bày kĩ thêm chút nữa.

Trong hoàn cảnh không mang tính nghi thức, người ta thường ít sử dụng câu CKTM nhưng khi cần thể hiện rõ ràng, cụ thể nguyện vọng yêu cầu thì người ta sử dụng câu CKTM. Ví dụ:

(27) Tôi yêu cầucác chị không vứt rác bừa bãi.

(28) Xin phépcô cho tôi hỏi một câu thôi.

2.4.2. Câu CKNC

Câu CKNC thường được sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức, trong sinh hoạt hàng ngày vì:

- Trong giao tiếp sinh hoạt, cả người yêu cầu và người được yêu cầu không phải bao giờ cũng muốn tường minh cụ thể nội dung cầu khiến bằng các động từ cầu khiến, họ muốn để cho hoàn cảnh giao tiếp tự nói lên.

- Câu CKNC không mang tính trang trọng, tính nghi thức mà mang tính tự nhiên, thân mật, gần gũi.

Bởi vậy, sử dụng câu CKNC trong sinh hoạt sẽ làm tăng hiệu quả giao tiếp. Nhưng trái lại, nếu sử dụng nó trong hoàn cảnh đòi hỏi tính trang trọng, nghi thức thì sẽ không phù hợp.

Như vậy, câu CKTM và CKNC đều được dùng để thực hiện hành vi cầu khiến nhưng mỗi kiểu câu lại có những đặc điểm riêng về cấu tạo, hiệu lực cầu khiến, khả năng đáp ứng các nguyên tắc của phép lịch sự, hoàn cảnh ứng dụng. Do đó, cần nắm vững đặc điểm của mỗi loại để sử dụng chúng sao cho đúng phong cách, đúng ngữ cảnh, đúng mục đích để đạt được hiệu quả giao tiếp mong muốn.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Brown P, and Levinson S, Politeness: Some inversals in language usage studies in interactional, 1987.

2. Đỗ Hữu Châu - Đại cương ngôn ngữ học, Tập hai, Ngữ dụng học, Nhà Xuất bản Giáo dục.

3. Hoàng Phê (chủ biên) - Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội - Việt Nam, 1992.

4. Nguyễn Đức Dân - Ngữ dụng học, Tập I, Nhà Xuất bản Giáo dục, 1998.

Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống,số 5 (127), 2006

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.