Cao Bá Quát chữa văn của vua
Tử năng thừa phụ nghiệp
Thần khả báo quân ân
(Nghĩa là: Con nối theo nghiệp bố, tôi đền được ơn vua).
Các đình thần trong triều từ lâu vẫn phục hai câu này, cho rằng nói lên hai điểm cốt yếu trong đạo “Tam cương”, lại rất chỉnh. Một hôm Cao Bá Quát có dịp vào điện Cần Chánh, thấy câu đối như vậy thì bỗng nảy ra một ý tinh nghịch, lấy bút ngoáy ngay vào bên cạnh mấy chữ rằng: “Hảo hề! Phụ từ quân thần điên đảo”.
(Nghĩa là: Hay chưa! Cha con vua tôi đảo lộn).
Việc đó được tâu lên Vua. Tự Đức giận lắm, cho đòi Quát đến để hỏi tội. Quát thản nhiên đáp:
- Tâu bệ hạ, thần thường nghe nói đạo vua tôi ở trên đạo cha con. Và từ ngàn xưa bao giờ cũng vua trước mà tôi sau, cha trước mà con sau. Nay bệ hạ để như vậy chẳng phải đã làm đảo lộn hết cả rồi sao?
Vua Tự Đức nghe Quát biện bạch cũng thấy có lí, bèn bảo thử chữa lại xem thế nào. Bấy giờ Quát mới thưa cách chữa là:
Quân ân thần khả báo
Phụ nghiệp tử năng thừa
(Nghĩa: Ơn vua tôi phải báo, nghiệp bố con gắng theo).
Vua Tự Đức và các quan lúc ấy đều phải chịu là câu đối của Quát chắc tay và sắc sảo, không ai còn có thể bẻ vào đâu được nữa. Vua bèn sai lấy chè sen và quế Thanh thưởng cho Quát.
Nguồn: T/c Ngôn ngữ & đời sống, số 1+2-2007, tr56.