Canh tác dưa hấu trong mùa mưa và những chăm sóc cần thiết
Người trồng có khả năng lấy lại vốn không bị thua lỗ, trồng thêm hoa màu khác ngắn ngày vào các lỗ chết. Nếu ruộng bị thiệt hại hoàn toàn, trồng mới lại ngay: Phần lớn các đầu tư vẫn còn đó, không mất hết, mức đầu tư trồng lại sẽ thấp, vụ sau giá bán sản phẩm có thể cao đưa đến lợi tức cao, bồi hoàn thiệt hại cho vụ trước. Trước khi đi đến quyết định trồng dưa trong mùa mưa nông dân cần tham khảo một số ý kiến sau: Có đủ điều kiện trồng không ? Đất có thoát nước được không ? Có phương tiện bơm nước không ? Có đủ vật tư, tiền vốn, giống ...không? Có nắm vững kỹ thuật không ? Phải có hiểu biết đầy đủ về điều kiện thời tiết trong vùng để gieo trồng sao cho ít bị rủi ro nhất. Phải dự đoán được về thị trường tiêu thụ, giá cả, sự cạnh tranh của các loại cây ăn trái khác. Khả năng tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch ? Tự bán hay qua thương lái? Nếu đủ các điều kiện trên thì nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Đặc tính sinh học: Rễ dưa hấu ăn lan rộng, không có khả năng phục hồi khi bị tổn hại, chịu úng kém, úng nước gây thối rễ, vàng lá và chết cây. Thân, lá và trái dưa non mềm, mọng nước, sinh khối thân lá cao, trong điều kiện ẩm ướt dưa sinh nhiều rễ bất định trên thân, thu hút thêm nước và chất dinh dưỡng, làm dây lá phát triển xum xuê, ảnh hưởng đến ra hoa, kết trái. Mưa mạnh còn làm thương tổn cơ học cho thân, lá và trái, tạo vết nứt do tích nhiều nước. Vì vậy, nấm bệnh dễ xâm nhập và gây hại. Dưa là cây ưa sáng, cường độ ánh sáng mạnh thúc đẩy dưa tăng trưởng tốt, dễ đậu trái, trái to, chín sớm, tích lũy nhiều đường và sắc tố nên thịt dưa sậm màu ( đỏ, vàng sậm) và ngon ngọt khi chín. Trong mùa mưa cường độ ánh sáng yếu, dưa bò dài, dễ nhiễm bệnh, khó đậu trái, trái chín có màu vàng nhạt, tích nhiều nước và kém ngon ngọt.
2.Giống: Không phải giống dưa nào cũng trồng được trong mùa mưa. Các giống trồng được phải có một số đặc tính nhất định giúp chúng có thể vượt qua điều kiện bất lợi trong mùa mưa. Giống là yếu tố quyết định sự thành công của việc sản xuất dưa trong mùa mưa. Các giống hiện có trên thị trường: Hắc Mỹ Nhân 308 ( Công ty Trang Nông), Hắc Mỹ Nhân ( Công ty Nông Hữu), Hắc Long, Tiểu Long, Xuân Lan...Hạt giống phải có chất lượng tốt, độ nảy mầm và độ thuần cao.
3. Đất thoát nước tốt, nhanh khô ráo sau khi mưa. Cần để lại gốc rạ cho dưa bò, lên luống cao và đậy màng phủ, đồng thời phải có rãnh thoát nước nhanh, đất canh tác 2 vụ dưa liền thì nên hạn chế trồng /hoặc không trồng lại các cây trồng thuộc họ bầu, bí, dưa.
4. Những chăm sóc cần thiết: Lót rơm che mưa nắng khi gieo trồng để bảo vệ dưa mới mọc. Lấp lỗ trồng với đất vụn, xơ dừa hay tro trấu để tránh cây con bị đốt nóng ( do phủ bạc Plastic). Vô chân cây con, tưới nước thêm vào các ngày nắng, khi cây nhỏ có thể dùng bình phun sương hoặc thùng vôi để tưới dưa.
- Mật độ trồng: Các giống dưa cho trái nhỏ có thể bố trí trồng dày, tỉa nhánh hợp lý để dưa khỏi bò chồng chéo lên nhau. Khuyến cáo: 8.500 -9.500 cây/ha, khoảng cách líp đôi 5 - 5,5 m, khoảng cách cây trên hàng 0.4-0.45 m.
Lượng phân bón hoá chất thay đổi từ: ( tính cho 1 ha)
- Đạm: 100-200 kg N; Lân: 130-180 kgP 2O 5; Kali: 80-100 Kg K 2O
Thận trọng trong việc sử dụng phân qua lá và kích thích sinh trưởng trong mùa mưa. Các chất phun trên lá có tác dụng kích thích thân, lá và trái phát triển nhanh làm cho cây trở nên chống chịu rét với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh.
- Tỉa nhánh: Thực hiện thường xuyên khi dưa bắt đầu bò: Chỉ để 2 -3 nhánh/cây. Chấm dứt tỉa nhánh cho đến khi chọn để trái.
- Thụ phấn: Nếu dưa ra hoa rộ trong lúc trời âm u hay có mưa bão phải làm gì ? Hạt phấn bị hư do nước mưa, dùng mũ chụp hay bao nilon che hoa cái vào buổi chiều hôm trước. Nông dân có thể giải quyết bằng cách hái hoa đực còn búp gói vào khăn ẩm, ủ qua đêm. Sáng hôm sau hoa đực tung phấn trong khăn ủ, gở mũ hay bao che hoa cái, thụ phấn xong che trái lại vài ngày cho đến khi đậu trái.
- Chọn để trái: Chỉ để 1 trái trên dây, chọn trái thứ 2 – 3 (đốt thứ 12 - 18 trên dây), trái tròn đều, lớn nhanh, cuống to dài, cắm que làm dấu sau khi chọn và ngắt bỏ các trái khác, lót hay kê trái khỏi mặt đất ẩm. Khi có mưa bão phải bơm thoát bằng tất cả các phương tiện, sửa dây đứng dậy, cắt bỏ các phần hư hại của cây và đem ra khỏi ruộng, bón phân phục hồi: Nitrat canxi, phun thuốc phòng bệnh: Benlate, Ridomil, Copper. Phòng trừ những loại sâu, bệnh hại dưa trong mùa mưa: bọ dưa, sâu ăn tạp, sâu xanh, bệnh thán thư, bệnh chạy dây, bệnh nứt thân, bệnh sương mai...
Nguồn: Bản tin Nông nghiệp và Nông thôn Vĩnh Long (số 45, tháng 06/2005)