Cảnh báo nguy cơ Ebola lây qua không khí
Hiện tại virus Ebola lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể như máu hay nước bọt. Song các chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Mỹ lo ngại, virus có khả năng biến đổi và phát tán chỉ bằng một cơn ho hay hắt hơi.
“Đây là mối lo ngại lớn nhất của tôi suốt 40 năm trong ngành chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, tiến sĩ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách ĐH Minnesota (Mỹ) bày tỏ. “Tôi không thể tưởng tượng điều gì - ngay cả HIV - có thể tàn phá thế giới khủng khiếp hơn Ebola khi nó có thể lây truyền qua không khí”.
Đánh giá khả năng phát tán qua không khí của Ebola vẫn khá thấp, tiến sĩ Osterholm nhận định tốc độ lây lan nhanh chóng của đợt dịch hiện nay khiến nguy cơ virus biến thể gia tăng. Cứ thêm một người nhiễm bệnh, virus Ebola lại có thêm cơ hội biến đổi và phát triển các đặc tính mới. Mỗi lần tự sao chép, Ebola có thể tạo ra một hoặc hai biến thể. Hầu hết các biến thể này đều không đáng ngại nhưng một trong số đó có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động của virus trong cơ thể người.
Năm 2012, các nhà nghiên cứu Canada phát hiện Zaire, một chủng virus Ebola gây ra đợt bùng phát hiện nay, có thể phát tán thông qua hệ hô hấp giữa lợn và khỉ - những loài vật có cấu tạo phổi tương tự con người.
Tiến sĩ Osterholm cũng cảnh báo, những virus tương tự Ebola nổi tiếng với khả năng tự nhân bản và tái tạo.Điều này đồng nghĩa, virus Ebola xuất hiện đầu tiên ở Guinea vào tháng ba có thể khác với loại đang tấn công Nigeria, Congo và Cameroon hiện nay.
Dẫn ra ví dụ chủng H1N1 gây dịch cúm gia cầm năm 2009, Tiến sĩ Osterholm cho biết: “Nếu sự biến đổi xảy ra, ngay cả việc hít thở cũng gia tăng nguy cơ nhiễm Ebola”. Dù vẫn thảo luận riêng với nhau về nguy cơ lây qua không khí của virus Ebola, các nhà khoa học tỏ ra khá dè dặt trong việc công khai mối lo ngại này trước cộng đồng vì không muốn dư luận hoang mang.
“Các chuyên gia không muốn đặt mình vào vị thế bị buộc tội vì đã hét lên 'Cháy' trong một rạp đông người. Nhưng nguy cơ là có thật và đợi tới lúc nó được xem xét, thế giới sẽ không thể chuẩn bị kịp những thứ cần thiết để đối phó dịch bệnh nguy hiểm này”, tiến sĩ Osterholm chia sẻ.
Phản bác trước mối lo ngại virus Ebola biến thể thành loại lây qua không khí, Giáo sư David Heymann từ Viện Vệ sinh y học nhiệt đới Anh cho rằng, các nhà khoa học trên thế giới hiện vẫn chưa có đủ thông tin di truyền để khẳng định virus Ebola sẽ thay đổi theo thời gian ra sao.
“Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy phương thức lây truyền của Ebola hiện vẫn thông qua dịch tiết cơ thể, giống như các đợt dịch trong quá khứ. Để biến đổi, virus cần phải phát triển một hệ thống hoàn toàn mới cho phép chúng gắn vào các cơ quan thụ cảm trong hệ hô hấp”.
Cũng theo ông, sự khác biệt của đợt dịch lần này là ở mức độ lan truyền, virus đang phát tán ở cộng đồng nhanh hơn tại bệnh viện như các đợt dịch trước và điều cần làm ngay lúc này là ngăn chặn đợt bùng phát đang diễn ra.
Chưa kể tới nguy cơ phát tán qua không khí nói trên, dịch Ebola đã ngày càng vượt tầm kiểm soát. Chỉ sau 6 tháng bùng phát tính từ tháng ba năm nay, Ebola đã cướp đi hơn 2.300 sinh mạng trong khoảng 4.300 ca nhiễm. Đây là dịch bệnh tồi tệ nhất tại Tây Phi kể từ khi virus nguy hiểm này được khám phá năm 1976.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kể từ đầu tháng 10, mỗi tuần sẽ có thêm hàng nghìn ca mắc mới tại Sierra Leone, Guinea và Nigeria. Theo một nghiên cứu vừa công bố, 15 quốc gia đứng trước nguy cơ bùng phát dịch Ebola, đặt tính mạng 22 triệu người trong vòng nguy hiểm.
Trước diễn biến ngày càng nguy hiểm của dịch bệnh, các chuyên gia kêu gọi Liên Hiệp Quốc gấp rút huy động các lực lượng y tế, ngành y tế cộng đồng và các nỗ lực cứu trợ nhân đạo chung tay giúp đỡ giới chức Tây Phi khống chế dịch Ebola.