Cần đánh giá đúng về giống cá chim trắng nước ngọt
Năm 1997, Công ty Vật tư Cá giống Trung ương (Bộ Thủy Sản) đã nhập cá Chim trắng từ Trung Quốc về nuôi thử tại Trại cá Sông Cầu. Sau đó qua con đường tiểu ngạch, nhiều tỉnh đã nhập cá bột, cá hương Chim trắng về nuôi thấy cá phát triển tốt, cá thịt Chim trắng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào về cá Chim trắng nuôi tại Việt Nam được công bố, cũng chưa có quy trình kỹ thuật chính thức. Người nuôi cá có nhiều nhận xét khác nhau về giống cá này. Có người e ngại vì đây là giống cá dữ, ăn nhiều, ăn tạp, thiên về thức ăn động vật nên cạnh tranh và gây hại cho các loài cá khác. Có người ca ngợi sức chống chịu môi trường nước bẩn và tốc độ lớn nhanh mà cho rằng đây là giống cá tốt. Qua 5 vụ theo dõi nông dân nuôi cá Chim trắng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chúng tôi xin có một số ý kiến trao đổi như sau:
Cá Chim trắng sống và phát triển tốt ở tất cả các vùng nước trong tỉnh Bắc Ninh. Độ pH của nước từ 5-8, hàm lượng oxy trong nước thấp đến 2 mg/l cá vẫn sống. Chúng tôi đã theo dõi thấy trong ao nuôi ghép thiếu oxy các loài cá khác chết hết nhưng cá chim không chết. Có thể nuôi loại cá này ở các vực có pha nước thải sinh hoạt ven thị trấn, thị xã.
Cá Chim trắng có tốc độ lớn khá nhanh. Thời kỳ từ cá mới nở (cá bột) ương lên cá hương sau 30 ngày ở mật độ 100con/m 2cá đạt chiều dài 3 - 3,5 cm, trọng lượng cá thể trung bình 0,8 gam/con. Năng suất cá hương đạt 500 kg/ha/30 ngày. Tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương đạt 52%. Thời kỳ từ cá hương (3 -4 cm) ương thành cá giống, mật độ ương 15 con/m 2, sau 45 ngày cá đạt trọng lượng cá thể trung bình 25 gam/con. Năng suất ương giống đạt 3 tấn/ha/45 ngày. Tỷ lệ sống từ cá hương lên cá giống đạt 80%. Đối với cá thịt, nếu nuôi ghép 5 - 7% cá Chim trắng trong các ao nuôi chung với các loài cá khác, tỷ lệ sống của cá Chim trắng là 100%, với tốc độ lớn là 1,2 - 1,5 kg sau 6 tháng nuôi. Nếu nuôi riêng cá Chim trắng với mật độ 2 con/m 2, cỡ giống thả 4 cm, cho ăn thức ăn công nghiệp, tỷ lệ sống đạt 70%, trọng lượng bình quân khi thu hoạch là 0,8 kg/con. Năng suất cá thịt đạt 11 tấn/ha/10 tháng. Cá nuôi 2 năm đạt 3- 4 kg, cá 3 tuổi có con nặng 5 kg.
Cá Chim trắng ăn tạp và phàm ăn. Chúng có bộ răng cửa rất cứng và sắc nên nhiều người lầm đó là loài cá dữ, nhưng thực chất lại hiền lành, chậm chạp. Một số người nuôi đã để lẫn chúng sang ao cá Mè, Trôi, Trắm nhưng không thấy chúng ăn cá con. Cá Chim trắng ăn các loài phù du sinh vật, các loại hạt ngũ cốc, các loại rau củ quả, chúng ăn cả lá bí, lá mướp, xác động vật chết, các loại phế phẩm của lò mổ… Khi nuôi công nghiệp với mật độ cao chúng ăn thức ăn chế biến là chính. Trong các ao nuôi ghép có hiện tượng cá Chim trắng thiếu ăn nên gặm vây đuôi cá Mè, Trôi, Trắm, nhưng nếu nuôi ghép cá Chim trắng với cá Rô phi đơn tính thì không có tình trạng này. Mức tiêu tốn thức ăn khi nuôi bằng thức ăn viên là 1,8 - 2kg thức ăn/1 kg cá thịt, tương đương với mức tiêu tốn thức ăn của cá Rô phi.
Cá Chim trắng kém chịu lạnh. Chúng sống và sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước 25 - 32 0C nhưng lại ngừng ăn khi nhiệt độ nước xuống dưới 15 0C và chết nhiều khi nhiệt độ nước thấp dưới 10 0C.
Cá Chim trắng ít bệnh tật vào mùa hè, nhưng vào mùa đông chúng thường nhiễm các loại nấm, trùng quả dưa trùng bánh xe, sán lá… với cường độ và tỷ lệ cảm nhiễm cao, gây chết cá giống hàng loạt. Vì vậy, muốn giữ cá qua đông phải chống lạnh kết hợp với phòng bệnh cho cá.
Có thể cho cá Chim trắng sinh sản bằng phương pháp nhân tạo như cá Mè, Trôi, Trắm. Cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ phải đủ 3 tuổi, mật độ nuôi vỗ thưa 10 - 15 m 2/con. Cho cá ăn với khẩu phần 5 - 7% trọng lượng cá trong suốt thời gian nuôi vỗ. Kích thước nước trước khi cho cá đẻ 4 tuần, mỗi tuần 2 lần bơm nước mới. Dùng các kích dục tố HCG, LRH- A, PG tiêm đều có tác dụng thúc đẩy phát triển và gây rụng trứng. Tuy nhiên, việc phân biệt cá đực, cá cái, việc chọn lựa cá bố mẹ để cho đẻ theo cảm quan khó hơn nhiều loài cá khác. Tỷ lệ phát dục, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ nở trứng và năng suất cá bột thấp hơn cá Mè, Trôi, Trắm.
Cá Chim trắng dễ bị đánh bắt do hiền lành, chậm chạp. Ngay mẻ lưới đầu tiên có thể thu 90% số cá trong ao. Có lẽ do đặc điểm này nên trong các ao nuôi ghép chúng không gây áp lực cạnh tranh cho các loài cá khác.
Thịt cá Chim trắng nước ngọt ở mức bình thường. Do có nhiều xương răm, lườn bụng mỏng, nhiều mỡ, cỡ cá dưới 1 kg thịt không săn chắc nên không được ưa chuộng. Ngoài thị trường, giá cá thịt Chim trắng thấp hơn cá Rô phi, cá Chép, cá Trắm cỏ nhưng cao hơn cá Mè, cá Trôi.
Căn cứ vào những nhận định về cá Chim trắng nêu trên, chúng tôi cho rằng, cá Chim trắng có thể là đối tượng nuôi phổ biến trong các vùng nước tỉnh ta. Nó được sử dụng như các loại cá gống khác để làm phong phú thêm thành phần đàn cá nuôi hiện có. Với tất cả ưu và nhược điểm của nó, chắc chắn bà con nông dân có biện pháp nuôi cá Chim trắng hợp lý và có hiệu quả kinh tế.