Cảm cúm ở trẻ em
Cảm cúm là một bệnh lý do siêu vi trùng gây ra với các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi, kèm với các triệu chứng toàn thân và các triệu chứng khác như đau cơ và sốt có thể không có hoặc biểu hiện nhẹ. Bệnh thường được gọi là bệnh viêm mũi, song lại có liên quan đến phần niêm mạc của xoang, vì vậy còn được gọi là bệnh viêm mũi - xoang. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là rhinovirus song cũng có thể do rất nhiều loại virus khác.
Cảm cúm hay xảy ra vào mùa lạnh
Bệnh cảm cúm xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân, phản ánh tình trạng nhiễm virus theo mùa với bệnh cảnh lâm sàng của cảm cúm. Tần suất bệnh cảm cúm cao nhất vào đầu mùa thu (tháng 8 đến tháng 10) và khoảng cuối mùa xuân (tháng 4 đến tháng 5). Tình trạng nhiễm virus parainfluenza theo mùa thường cao nhất vào cuối mùa thu, còn nếu nhiễm respiratory syncytial virus (RSV) và virus influenza thì có tần suất cao nhất ở khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4.
Trẻ em thường bị cảm cúm 6-7 lần trong một năm, trong đó khoảng 10-15% trẻ bị cảm cúm nhiều hơn 12 lần/năm. Tần suất bị cảm cúm giảm theo tuổi, người trưởng thành chỉ bị cảm cúm 2-3 lần/năm. Trong năm đầu tiên còn đi nhà trẻ, trẻ em có tần suất bệnh cao hơn 50% so với trẻ được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, tần suất mắc bệnh ở các nhóm trẻ đều giảm theo thời gian trẻ được chăm sóc ở các nhà trẻ.
Sự lây truyền của virus cúm
Các virus gây cảm cúm thường lây truyền bởi các hạt khí dung nhỏ, hạt khí dung lớn hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Mặc dù sinh bệnh học của bệnh cảm cúm nói chung lây truyền theo các cơ chế kể trên, song mỗi virus vẫn có đường lây truyền riêng. Các nghiên cứu về rhinovirus và RSV cho thấy chúng có đường lây chính là qua tiếp xúc, mặc dù vẫn có lây truyền qua các hạt khí dung lớn. Khác với rhinovirus và RSV, virus influenza thường lây truyền qua các hạt khí dung nhỏ.
Các virus đường hô hấp có các cơ chế gây bệnh khác nhau để tránh được sự phòng vệ của cơ thể ký chủ. Tình trạng nhiễm rhinovirus và adenovirus tạo ra sự miễn dịch chuyên biệt ở huyết thanh. Cơ thể người có thể bị nhiễm lần 2 các loại virus kể trên do mỗi loại virus có rất nhiều serotype khác nhau. Tương tự, influenza cũng có khả năng làm biến đổi các kháng nguyên bề mặt của nó và do vậy tạo ra rất nhiều serotype khác nhau. Sự tương tác giữa coro-navirus với hoạt động miễn dịch của ký chủ chưa được biết rõ, song có lẽ có các dòng coronavirus khác nhau cũng có thể gây ra một khả năng miễn dịch ngắn hạn. Trái lại, parainfluenza virus và RSV có ít serotype. Sự tái nhiễm các loại virus này xảy ra là do khả năng miễn dịch đối với chúng thường không được tạo ra sau nhiễm. Tuy sự tái nhiễm virus không được ngăn chặn bởi sự phản ứng của ký chủ đối với virus song bệnh thường không nặng do đã có một sự miễn dịch từ trước.
Biểu hiện khi nhiễm virus cúm
Các triệu chứng lâm sàng của cảm cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm virus. Triệu chứng đầu tiên là đau hay rát họng, theo sau là nghẹt mũi và chảy nước mũi. Triệu chứng đau họng thường qua đi rất nhanh, còn triệu chứng nghẹt mũi và chảy nước mũi nặng hơn vào ngày thứ 2 và thứ 3. Ho xảy ra 30% ở các trường hợp cảm cúm và thường xuất hiện sau khi có triệu chứng ở mũi. Sốt và các biểu hiện khác của cảm cúm thường xảy ra khi bị nhiễm các virus influenza, RSV và adenovirus hơn khi bị nhiễm rhinovirus hay coronavirus. Thông thường, cảm cúm kéo dài trong 1 tuần lễ, chỉ có khoảng 10% các trường hợp kéo dài đến 2 tuần.
Các biểu hiện lâm sàng của cảm cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên. Sự tiết dịch mũi thường dễ nhận ra. Màu sắc và độ đậm đặc của dịch mũi thường thay đổi trong suốt quá trình tiến triển bệnh, không có ý nghĩa chẩn đoán viêm xoang hay nhiễm trùng hướng lên. Khám các xoang mũi có thể phát hiện các triệu chứng phù nề, sung huyết xoăn mũi song các biểu hiện này không đặc hiệu cho chẩn đoán bệnh.
Chữa triệu chứng khi bị cúm
Sốt: triệu chứng sốt xuất hiện ở bệnh cảm cúm thường không gây biến chứng và việc sử dụng thuốc hạ nhiệt nói chung là không có chỉ định.
Nghẹt mũi: các thuốc gây tiết adrenaline uống và dùng tại chỗ có tác dụng làm giảm sự sung huyết mũi. Các thuốc gây tiết adrenaline dùng tại chỗ có hiệu quả như xylometazoline, oxymetazoline hay phenylephedrine có bán ngoài thị trường dưới dạng thuốc nhỏ giọt và thuốc xịt. Các loại thuốc này cũng được sản xuất với thành phần công thức có giảm nhẹ (có tác dụng yếu hơn) để dùng cho trẻ em, song chưa được chấp nhận dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc imidazoline (như oxymetazoline và xylometazoline) dùng đường uống thường ít khi gây ra các tác dụng phụ như mạch nhanh, giảm huyết áp và hôn mê. Không nên dùng các thuốc gây tiết adrenalin tại chỗ lâu ngày vì có thể gây ra tình trạng viêm mũi do thuốc (rhinitis medicamentosa) tạo ra sự nghẹt mũi khi liên tục dùng thuốc. Các thuốc gây tiết adrenaline dạng uống có tác dụng yếu hơn dạng xịt và hay có các biến chứng như kích thích hệ thần kinh trung ương, tăng huyết áp và gây đánh trống ngực.
Chảy mũi: các thuốc kháng histamin thế hệ thứ 1 có tác dụng làm giảm triệu chứng chảy mũi 25-30%. Hiệu quả giảm chảy mũi có lẽ có liên quan đến tính kháng tiết cholin hơn là tính kháng histamin của các loại thuốc này, chính vì vậy các loại thuốc kháng histamin thế hệ thứ 2 (các loại thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ) không có tác dụng đối với các triệu chứng của cảm cúm. Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc kháng histamin là gây buồn ngủ, tuy vậy đã có nhiều bằng chứng cho thấy tác dụng phụ này xảy ra nhẹ hơn ở trẻ em so với ở người lớn. Chảy mũi cũng có thể điều trị bằng ipratroium bromide, một loại thuốc kháng tiết cholin xịt. Thuốc này có hiệu quả tương tự thuốc kháng histamin song không gây buồn ngủ. Tác dụng phụ thường gặp của ipratropium là gây kích thích mũi và chảy máu mũi.
Đau họng: triệu chứng đau họng trong cảm cúm thường không nặng, có chỉ định dùng thuốc giảm đau can thiệp triệu chứng, nhất là khi bệnh nhân có kèm đau cơ và đau đầu. Dùng acetaminophen trong bệnh nhiễm rhinovirus có tác dụng phụ gây ức chế sự đáp ứng trung hòa kháng thể, tuy vậy điều này không có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Không nên dùng aspirin cho trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do có nguy cơ gây ra hội chứng Reye cho bệnh nhi.
Ho: điều trị ho nói chung không cần thiết cho bệnh nhi cảm cúm. Triệu chứng ho ở một số bệnh nhi cảm cúm có thể do đường hô hấp trên bị kích thích từ dịch mũi. Triệu chứng ho ở các bệnh nhân này nổi trội vào thời điểm có triệu chứng về mũi nhiều nhất và việc điều trị bằng các thuốc kháng histamin thế hệ 1 đem lại kết quả tốt. Một số bệnh nhân có thể bị ho vài ngày đến 1 tuần lễ tính từ khi bệnh khởi phát và có thể sẽ phải cần dùng đến các loại thuốc giãn phế quản. Các nghiên cứu sử dụng codein và dextromethrophan hydrobromide ghi nhận không có hiệu quả đối với triệu chứng ho của cảm cúm. Các thuốc long đàm như guaifenesin không có hiệu quả chống ho.
Phòng bệnh cúm
Nhìn chung, các biện pháp phòng bệnh và miễn dịch phòng bệnh chưa được sử dụng thường qui cho cảm cúm. Việc phòng bệnh bằng miễn dịch hay hóa chất chống virus influenza có thể đem lại hiệu quả đối với cảm cúm do virus influenza. Vitamin C và equina đều đã được báo cáo là có tác dụng phòng ngừa cảm cúm song các công trình nghiên cứu tỉ mỉ về vấn đề này đã không ghi nhận hiệu quả phòng bệnh của các chất trên.
Bệnh cảm cúm có thể phòng ngừa được bằng cách ngăn chặn đường lây lan của virus qua tiếp xúc. Tại bệnh viện, việc ngăn chận sự lây lan của virus đường hô hấp có hiệu quả bằng cách mang khẩu trang (hoặc dụng cụ che đầu và mặt) ngăn chận sự lây lan từ tay sang mắt và tay sang mũi. Ngăn chận sự lây lan của virus qua tiếp xúc trực tiếp có thể đạt hiệu quả cao qua việc rửa sạch tay ở những người đã bị nhiễm virus hay người có nguy cơ bị nhiễm virus.
Nguồn: vnexpress.net 20/11/2005