Cách chăm sóc bệnh nhân hen tại nhà
Ở những bệnh nhân mẫn cảm, tình trạng viêm này gây ra những đợt ho, khò khè, nặng ngực và khó thở tái đi tái lại. Tình trạng viêm làm cho đường dẫn khí trở nên nhạy cảm với các kích thích như: dị nguyên, các hoá chất kích thích, khói thuốc lá, khí lạnh hoặc gắng sức. Khi tiếp xúc với các kích thích này, đường dẫn khí trở nên phù nề, bị co thắt, chứa đầy chất nhầy, và tăng đáp ứng với các kích thích làm hạn chế luồng khí thở ra. Sự hạn chế này có thể hồi phục tự nhiên hoặc do điều trị.
Theo thống kê, thì hiện nay có khoảng 300 triệu người hen lâm sàng trên toàn thế giới. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo nghiên cứu của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch năm 1996, bệnh gây tử vong cao (số tử vong chiếm khoảng 0,8 trên tổng số bệnh nhân được nghiên cứu trong 2 tháng), tốn kém lớn (ước tính trên 4 tỷ đồng/năm); trong đó, có trên 27% trường hợp là bệnh nặng phải nhập viện nhiều lần.
HPQ là một bệnh không thể chữa khỏi; nhưng chúng ta có thể khống chế được căn bệnh này. Gần như tất cả bệnh nhân HPQ đều có thể sống bình thường, có thể làm việc, vui chơi một khi chúng ta học được cách khống chế. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số phương pháp có thể giúp bệnh nhân HPQ có thể tự kiểm soát bệnh HPQ của chính mình.
Khống chế HPQ và không cho cơn hen tái phát:Tránh xa những gì có thể làm cơn hen tái phát. Bảng dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây HPQ thường gặp và cách tránh tiếp xúc:
YẾU TỐ NGUY CƠ | HÀNH ĐỘNG |
Mạt bụi nhà (rất nhỏ không thấy bằng mắt thường) | Giặt vải trải giường và mền hàng tuần bằng nước nóng và sấy khô bằng máy hoặc phơi nắng. Bao gối và nệm nên dùng lợi kín hơi, cản được bụi, có dây kéo. Thay thảm bằng sàn trơn, sàn gỗ, nhất là trong phòng ngủ. |
Khói thuốc lá (do bệnh nhân hút hoặc do người khác hút) | Tránh xa khói thuốc lá. Bệnh nhân và các bậc cha mẹ không nên hút thuốc lá. |
Mùi và hơi xịt nóng | Giữ trong nhà không có mùi nồng gắt. Không sử dụng xà bông, dầu gội đầu, hoặc kem có mùi như dầu thơm. Không đốt nhang. |
Lông thú | Không nuôi chó mèo, hoặc ít nhất là không cho chúng vào phòng ngủ. |
Con gián | Vệ sinh nhà kỹ lưỡng và thường xuyên. Dùng thuốc diệt gián khi bệnh nhân không ở nhà. |
Phấn hoa và nấm mốc ngoài trời | Đóng các cửa sổ và cửa chính, ở trong nhà lúc phấn hoa và nấm mốc nhiều nhất. |
Nấm mốc trong nhà | Giảm độ ẩm ướt trong nhà; thường xuyên làm sạch chỗ ẩm ướt. |
Vận động | Không tránh vận động. Dùng thuốc đồng vận β2 hít tác dụng nhanh trước khi thể dục nặng để ngừa các triệu chứng. |
Thuốc | Không dùng chẹn β hoặc aspirin hoặc NSAID nếu các loại thuốc này gây triệu chứng hen. |
Bệnh nhân cần phải dùng thuốc đúng:
Người bệnh nên yêu cầu bác sĩ viết ra loại thuốc gì phải sử dụng và thời điểm sử dụng. Đối với đa số bệnh nhân HPQ cần sử dụng hai loại thuốc, bao gồm: thuốc tác dụng nhanh để cắt cơn và thuốc ngừa mỗi ngày để bảo vệ phổi và không để cơn hen khởi phát.
Hành động thật nhanh khi cơn hen khởi phát:
+ Nhận biết các dấu hiệu cơn hen khởi phát: Ho, khò khè, nặng ngực và thức giấc về đêm.
+ Tránh xa các tác nhân kích phát cơn hen.
+ Sử dụng thuốc cắt cơn.
+ Giữ yên trong 1 giờ, để xem hô hấp có cải thiện không.
Có một vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân HPQ thường mắc phải, đó là việc sử dụng quá nhiều thuốc cắt cơn. Thuốc cắt cơn khiến bạn cảm thấy dễ chịu một thời gian. Nó có thể cắt cơn. Bạn nghĩ rằng bạn khoẻ hơn, nhưng thực ra đường dẫn khí đang ngày càng sưng phù nhiều hơn. Bạn có nguy cơ rơi vào cơn hen rất tệ hại, có thể gây tử vong. Nếu phải sử dụng thuốc cắt cơn mỗi ngày, bạn cần sử dụng thuốc ngừa hen. Bên cạnh đó nếu dùng thuốc cắt cơn nhiều hơn 4 lần một ngày, nên tới gặp bác sĩ ngay hôm đó.
Bạn nên nhập viện cấp cứu ngay:nếu thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu nguy hiểm sau đây:
+ Thuốc cắt cơn không hiệu quả, hoặc hiệu quả kéo dài không lâu. Bạn vẫn thở nhanh và khó khăn.
+ Nói năng khó khăn.
+ Môi hoặc móng tay tím tái.
+ Cánh mũi nở rộng khi thở.
+ Co kéo xương sườn và hỡm ức khi thở.
+ Nhịp tim hoặc mạch rất nhanh.
+ Đi lại khó khăn.
Nguồn: Khoa học phổ thông, số 726, 14-20/7/2004, trang 28-29