Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường
Hiện có hàng trăm tổ chức của Việt Nam đang tăng cường và đa dạng hóa hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt ở cấp độ cơ sở. Những tổ chức này cũng đóng một vai trò quan trọng trong công tác tiếp nhận, vận động tài trợ cho những chương trình, hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường hướng tới sự phát triển bền vững.
Trao đổi với vusta.vn, ông Nguyễn Đình Đáp – Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay các tổ chức phi chính phủ đang tham gia phản biện xã hội về các luật, chính sách, dự án, chương trình có liên quan đến môi trường. Tư vấn, khuyến nghị cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường có liên quan. Tham gia kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở cấp độ các địa phương.
Ngoài ra, còn triển khai các dự án thí điểm về giảm thiểu ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thành mô hình bảo vệ môi trường trong các ngành, lĩnh vực. Cung cấp thông tin và cầu nối về giải pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm, kết hợp các áp dụng thí điểm.
Cung cấp thông tin đến cộng đồng dân cư và các bên liên quan về ảnh hưởng của ô nhiễm và những vấn đề môi trường tới các mặt của đời sống xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và báo chí đề các chiến dịch truyền thông không chỉ để thay đổi nhận thức mà còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng.
Các tổ chức phi chính phủ tham gia vận động đóng góp ý kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm vào việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường.
Trong các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ
Chia sẻ như vậy, song ông Đáp cũng băn khoăn: “Hiện các tổ chức phi chính phủ về môi trường tại Việt Nam còn diễn ra riêng lẻ, chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức với nhau. Đây chính là trở ngại đối với hàng trăm các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực sinh kế cộng đồng bền vững, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu”.
Khi chúng tôi đặt cẩu hỏi: “Ông có thể cho biết, việc hình thành mạng lưới tổ chức phi chính phủ về ứng phó biến đổi khí hậu đầu tiên tại Việt Nam?”, ông trả lời: “Biến đổi khí hậu ngày càng trở thành một thách thức lớn đối với sự phát triển. Do vậy, biến đổi khí hậu được xem như một lĩnh vực quan trọng của các hoạt động hệ thống xã hội dân sự. Với mục đích hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và biến đổi khí hậu đã được thành lập ngày 11/9/2008 và được khởi xướng bởi các tổ chức phi chính phủ hàng đầu tại Việt Nam, bao gồm Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD), Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Bảo tồn Sinh vật biển (MCD), Trung tâm Phát triển, Đào tạo và Nghiên cứu môi trường (CERED) và Viện Khoa học Xã hội (ISS), mạng lưới đã trở thành một diễn đàn mở để các thành viên có thể trao đổi thông tin, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong việc kết nối với Quốc hội, các tổ chức của chính phủ, các tổ chức xã hội và các nhà tài trợ”.
Ông Đáp cũng cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam chưa có Luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và vì vậy còn thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng nghị định riêng về trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức phi chính phủ trong bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường 2014 không giao chính phủ quy định cụ thể, chi tiết về nội dung này.
Mặc dù sự phối hợp triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường đã có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, tuy nhiên, tại một số địa phương có hiện tượng cơ quan quản lý môi trường chỉ thực hiện những việc gì thuận lợi, còn có hiện tượng việc khó khăn thì bỏ qua hoặc đùm đẩy cho các tổ chức phi chính phủ, cũng như một số phong trào, cuộc vận động chỉ làm rầm rộ trong thời gian đầu, thời gian sau có chiều hướng nhạt dần.
Theo ý kiến của Đáp cho rằng, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về những chủ trương, chính sách, pháp luật và các biện pháp bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn lực kỹ thuật, hệ thống luật pháp, quy định rõ trách nhiệm hơn nữa giữa chính quyền địa phương với cộng đồng, nhất là sự phối hợp của các tổ chức phi chính phủ. Đồng thời, có sự kết hợp, phân công trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường để cùng thực hiện mục tiêu chung, tránh sự chồng chéo.