Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 23/08/2010 18:37 (GMT+7)

Các nhà khoa học nói về Giáo sư Ngô Bảo Châu

Giáo sư Hoàng Tụy: 

"Nói Ngô Bảo Châu là thiên tài cũng không quá lời"

Đây là giải thưởng xứng đáng cho một người như anh Ngô Bảo Châu. Theo tôi, với những gì mà anh đã làm được với toán, nếu nói Ngô Bảo Châu là một thiên tài thì cũng không quá lời.

Về việc ra đời của viện nghiên cứu cấp cao về toán, là kế hoạch nằm trong một chương trình phát triển ngành toán Việt Nam đã được đề xuất từ lâu, gần đây mới được Chính phủ xem xét và chấp nhận, rồi phê duyệt. Cũng may là sự kiện Ngô Bảo Châu xảy ra đúng thời điểm có vẻ chín mùi này. Đây là một điều đáng mừng cho cả ngành toán Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Tụy.

Tiến sĩ toán học Lê Bá Khánh Trình, giảng viên khoa Toán - Tin, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM:

“Hãy đến với khoa học một cách vô vị lợi”

Giống như tất cả những người Việt Nam khác, tôi thực sự vui mừng trước sự kiện Ngô Bảo Châu đã đứng trên đỉnh cao thế giới về toán học. Cùng với Đặng Thái Sơn, đỉnh cao của Việt Nam trong nghệ thuật, cho thấy người Việt Nam có thể đạt được những thành tựu rực rỡ khiến thế giới phải nể trọng. Nó cũng giúp cho thế hệ trẻ tự tin hơn trên con đường chinh phục khoa học. Chúng ta có thể chậm hơn thế giới, nhưng nếu biết cách, sẽ bắt kịp thế giới.

Chúng ta đang rất thiếu đội ngũ các nhà khoa học trong mọi ngành, nhưng để theo đuổi khoa học tới cùng, cần phải có đam mê lâu dài, và biến nó thành bản chất của mình, biết hy sinh nhiều lợi ích cá nhân khác. Hãy đến với khoa học một cách vô vị lợi, đừng nghĩ là làm khoa học để đạt được danh lợi nào đó.

Chuyện Ngô Bảo Châu có về nước hay không cũng nên suy nghĩ thật chín chắn. Trước đây, một nhà khoa học Pakistan được giải Nobel về nước cũng từng có cảm giác Pakistan chưa đủ điều kiện để phục vụ cho hoạt động khoa học của mình, cuối cùng ông đã phải chọn một Trung tâm vật lý của Ý. Một thiên tài về toán của Ấn Độ khi về nước cũng không tìm thấy môi trường tốt để làm việc, đành phải quay lại Anh…

Tiến sĩ toán học Lê Bá Khánh Trình.

Sự kiện này được gắn liền với dự thảo “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020” , mục tiêu là đưa thứ hạng toán học của Việt Nam lên thứ 40 (hiện nay đang ở bậc 54) so với thế giới, với số tiền đầu tư 654 tỉ đồng. Đây thực sự là bước đột phá trong quá trình phát triển nền toán học nước nhà, nhất là trong điều kiện các trường ĐH, việc nghiên cứu còn chưa được đầu tư thoả đáng. Việt Nam hiện có một số nhà toán học trình độ cao, nhưng làm thế nào giữ chân đội ngũ này, bổ sung trình độ cho những người trẻ kế thừa, phát triển thành quả nghiên cứu của họ? Nếu không, trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ chẳng có nhà toán học nào có tầm. Trong kế hoạch dài hạn để vực dậy nền toán học Việt Nam đang “tụt hậu”, các trường ĐH cần xây dựng mô hình trường đại học – nghiên cứu hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế, xây dựng thành công lộ trình đào tạo năng khiếu đặc biệt xuyên suốt từ THPT lên tiến sĩ.

PGS.TSKH. Bùi Tá Long, Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TPHCM:

“Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các ngành khoa học mũi nhọn”

Với tư cách là người đã đi thi toán quốc tế (1979) và đang ứng dụng tích cực việc dùng toán để giải quyết các bài toán thực tiễn của đất nước, tôi chúc mừng giáo sư Ngô Bảo Châu đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp. Đây là một thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ toán học thế giới. Không nghi ngờ gì nữa, trí tuệ người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể sánh ngang hàng với các cường quốc về toán học như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật.

Một điều tôi xin lưu ý là giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng hai lần đạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế, có nghĩa là đã trải qua hệ thống đào tạo năng khiếu của đất nước, hệ thống này đã được các nhà lãnh đạo tiền bối lập ra vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Do vậy đây cũng là dịp chúng ta nên có những nghiên cứu, đánh giá lại phong trào Olympic không chỉ toán học mà còn cả các môn khác.

PGS.TSKH. Bùi Tá Long.

Theo tôi, phẩm chất Olympic đã giúp rất nhiều cho giáo sư Ngô Bảo Châu trong việc giải quyết nhiều bài toán phức tạp trong một thời gian ngắn. Phẩm chất này khác với nhiều người có thể chứa được nhiều thông tin nhưng không thể giải quyết được những bài toán cụ thể, hoặc là phải mất rất nhiều thời gian. Theo tôi được biết, rất nhiều thế hệ học sinh trường chuyên đã và đang phát huy rất tốt phẩm chất này trong công việc cụ thể của mình.

Sự kiện Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields đã tạo cú hích cho ngành toán ở Việt Nam. Cụ thể là một viện nghiên cứu toán cao cấp tại Việt Nam do Nhà nước đài thọ sẽ ra đời. Theo tôi, đã tới lúc Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành toán cũng như nhiều ngành khoa học mũi nhọn khác. Xa hơn nữa, tôi nghĩ về một giải thưởng Nobel thực sự, có thể trong 10 – 20 năm tới chúng ta sẽ có những người đoạt giải thưởng Nobel về lý, hoá hay sinh học. Tôi không nghĩ điều này xa vời, chỉ cần Nhà nước quan tâm, đầu tư, động viên khuyến khích các thầy cô tâm huyết. Tôi nhớ năm xưa thủ tướng Phạm Văn Đồng, bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã sáng lập và nhiều lần tới thăm động viên các trường năng khiếu của đại học Tổng hợp và Sư phạm, điều này rất khích lệ những học sinh và thầy giáo thời đó. Nếu được mời cộng tác với viện nghiên cứu toán cao cấp, tôi sẵn sàng tham gia bằng những đề tài cụ thể.

Cách đây không lâu, viện sĩ Novicov S.P., người đoạt giải Fields năm 1970 đã nói cần phải phát hiện nhiều hơn các tài năng về vật lý và sinh học cho nước Nga (bên cạnh toán). Đây là tương lai của công nghệ mới. Ở Việt Nam cũng vậy, từ một Ngô Bảo Châu huy chương vàng Olympic IMO năm 1988 tới Ngô Bảo Châu giải thưởng Fields năm 2010 là 22 năm. Do vậy Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các tài năng 15 – 18 tuổi hiện đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

TS Trần Nam Dũng (giảng viên khoa Toán - Tin, đại học Khoa học tự nhiên TPHCM):

"Toán học Việt Nam có cơ hội khởi sắc"

Đây là một sự kiện quan trọng cho khoa học Việt Nam, bởi trên bản đồ toán học thế giới, những quốc gia có người đoạt giải Fields không nhiều. Ngay cả như Trung Quốc là nước có nền toán học phát triển cũng chưa từng có. Theo tôi, sự kiện này có ý nghĩa động viên rất lớn cho những người làm toán và học toán ở trong nước, đặt biệt là những bạn trẻ.

Hy vọng sau Ngô Bảo Châu, toán học Việt Nam sẽ có cơ hội khởi sắc. Tất nhiên, để đi đến đỉnh cao toán học, không phải chỉ vài năm mà có khi hàng chục năm, nhưng mọi người đã có niềm tin rằng người Việt Nam có thể đứng ở vị trí cao trong nền toán học thế giới.

Từ sự kiện GS Ngô Bảo Châu có thể rút ra rằng muốn học toán đỉnh cao phải chọn được thầy giỏi để học. Những bạn muốn giỏi toán, say mê theo đuổi toán nên biết tìm nơi xứng đáng để học, phải biết từ chối những thứ linh tinh, những học bổng này nọ. Ở Ngô Bảo Châu có cái may mắn là anh hội đủ tất cả các điều kiện đó”.

 

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.