Các luận điểm về chữ tín vào đạo lý giàu nghèo trong sách luận ngữ
Cho nên, việc mưu cầu giàu có cũng chỉ là một phương diện (chứ không phải là tất cả) của việc mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu niềm vui sống của con người mà thôi. Bởi vì, ngoài ước mơ giàu có, theo đuổi giàu sang, con người còn có những sở thích khác, những lý tưởng, những ước mơ khác vốn cũng mãnh liệt không kém gì ước mơ giàu có.
Hơn hai ngàn năm trước, nhận ra xu hướng ước muốn giàu có của con người, Khổng tử (552-479 TCN) cũng chấp nhận việc chinh phục giàu có của thế nhân. Sau đó mới đến việc theo đuổi các sở thích khác vốn dĩ muôn hình muôn vẻ như sự phong phú của chính đời sống con người vậy.
Nhưng giàu có không dễ chinh phục, hay nói theo ngôn ngữ thời kinh tế thị trường của chúng ta, chinh phục đồng tiền để làm giàu chẳng dễ chút nào. Ấy là chưa kể thường xảy ra hiện tượng là: chinh phục giàu có nhưng lại bị chính sự giàu có chinh phục trở lại, chinh phục đồng tiền nhưng bị đồng tiền chinh phục trở lại, nghĩa là trở thành nô lệ cho chính sự giàu có, cho chính đồng tiền mà mình đang mưu toan chinh phục kỳ được ấy.
Toàn bộ 20 thiên với 12.700 chữ tượng hình của sách Luận ngữ có 15 chữ “phú” tương ứng với “giàu có tràn trề” trong tiếng Việt. Nhưng Luận ngữ còn có một khái niệm khác thường có khi đi cặp đôi với “phú”. Đó là khái niệm “quý”, tương ứng với “cao sang, sang trọng” trong tiếng Việt. Quan điểm của Khổng tử đối với “phú” và “quý” (“giàu có tràn trề” và “cao sang, sang trọng”) không hoàn toàn như nhau, nhưng nói chung, đã thể hiện ở ba luận điểm dưới đây:
1. Luận điểm một
Đây là trường hợp chinh phục sự giàu có và chỉ riêng sự giàu có, tức chỉ có “phú” (giàu có) chứ không có “quý” (cao sang). Giàu có thì ai cũng ước muốn và ra sức mưu cầu, nhưng không phải hễ cứ muốn giàu có là chinh phục được giàu có. Trong trường hợp đó, con người nên hành xử thế nào? Khổng Tử nói: “Nếu giàu có mà có thể mưu cầu được thì không cần câu nệ, cho dù phải làm kẻ đầu sai thấp kém như cầm roi theo hầu người, ta cũng làm. Còn nếu như không thể mưu cầu được thì ta cứ hành xử theo sở thích chính đáng của ta”.
(Luận ngữ chính văn, Thuật nhi, VII/12, bản chép tay xưa truyền lại)
2. Luận điểm hai
Ở luận điểm này, Luận ngữ đề cập tới trường hợp đã giàu có lại còn cao sang, tức là trường hợp vừa giàu vừa sang, hai chữ “phú” và “quý” đi song song với nhau có thể biểu đạt gọn bằng từ “phú quý” hoặc “giàu sang”.
Cần lưu ý rằng, suốt cả thời quân chủ ở nước ta (vốn chưa xa chúng ta bao nhiêu), xã hội chia thành đẳng cấp, cư dân trong nước “ai có phận nấy, không được lấn vượt” đúng như Chiếu lệnh của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đời Hồng Đức (1460-1497). Và muốn “quý”, tức “cao sang” để được đồng loại nể sợ, trọng vọng thì phải có chức tước, danh vị nào đó. Nếu giàu có tràn trề nhưng không có chức vị, danh phận gì thì cũng chỉ là “phú ông”, “phú gia”, thậm chí “trọc phú”, đối với nhà nước quân chủ, cũng chỉ là hạng phú hộ, không có gì sang trọng đối với đồng loại cả. Do đó, khi nới tới sự giàu sang và những con người giàu sang thì Luận ngữ đã chính thức đề cập tới đẳng cấp có đặc quyền trong xã hội quân chủ mà thời sau thường gọi là người quyền thế. Một kẻ có quyền thế đồng nghĩa với một người phú quý giàu sang và ngược lại. Vì thế, đối với kẻ cầm quyền, cũng tức là đối với kẻ giàu sang, thái độ Khổng tử rất phân minh, rạch ròi. Ông chấp nhận làm quan thì giàu và sang nhưng đòi hỏi phải là giàu sang hợp đạo nghĩa thể hiện ở hai phương diện “quý” và “phú” như sau đây:
- “Quý” hợp nghĩa: con đường ra lmà quan hợp đạo nghĩa của xã hội.
- “Phú” hợp nghĩa: tài sản trong khi và sau khi làm quan phải hợp đạo nghĩa.
Nếu một trong hai điều đó không hợp đạo nghĩa thì tức là giàu sang bất nghĩa. Vậy là xuất hiện vấn đề: giữa giàu sang hợp đạo nghĩa và giàu sang bất nghĩa, lựa chọn cái nào đây? Hơn hai ngàn năm trước, Khổng Tử, nhà tư tưởng lớn của phương Đông và của nhân loại đã đặt ra sự lựa chọn niềm vui và cảm giác an toàn trong trạng thái “co cánh tay gối đầu mà ngủ” chứ dứt khoát không lựa chọn con đường giàu sang có được bằng bất nghĩa. Chính tư tưởng giàu sang hợp đạo nghĩa này của Khổng Tử đã chi phối sâu sắc tư tưởng và tâm hồn nhiều thế hệ sĩ phu Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam suốt hàng ngàn năm. Tư tưởng Khổng Tử trình bày trên đây được Luận ngữ ghi lại súc tích trong 27 chữ tượng hình, có thể diễn đạt ra tiếng Việt như sau:
Khổng tử nói : “Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu mà ngủ, niềm vui đã tự có ở trong đó rồi. Còn như làm điều bất nghĩa để có được giàu có và có được cao sang thì ta coi như đám mấy nổi (phù vân)”.
(Luận ngữ chính văn, Thuật nhi, VII/16, bản chép tay xưa truyền lại)
3. Luận điểm ba
Ngoài tư tưởng giàu sang phải hợp đạo nghĩa vừa giải trình trên đây, sách Luận ngữ còn ghi lại vấn đề đánh giá giàu sang và nghèo hèn. Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng phương Đông, giàu sang và nghèo hèn được coi là một giá trị đối với con người, nằm trong hệ thống giá trị của học thuyết mang tên Khổng tử. Giá trị đó được Khổng tử xác định bằng khái niệm “đáng hổ thẹn”. Chính ở đây Khổng tử đã đặt ra và giải đáp hai phương diện của một vấn đề giá trị “đáng hổ thẹn” đối với con người như sau:
- Thế nào và khi nào thì nghèo hèn là “đáng hổ thẹn”?
- Thế nào và khia nào thì giàu sang là “đáng hổ thẹn”?
Những vấn đế đó trong hệ thống giá trị của học thuyết Khổng tử vẫn có thể còn có ý nghĩa đối với thời đại chúng ta, không những ở nước ta mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Để nhận thức được vấn đề, trước tiên cần lưu ý rằng, học thuyết Khổng tử xuất hiện, hình thành thích ứng với thời đại của làn sóng văn minh nông nghiệp (khái niệm do Alvin Toffler đề xuất) trong các quốc gia Đông Á. Ở thời đại chúng ta, giàu sang và nghèo hèn được xác định rằng:
1. Chức quyền, chức vụ xã hội và trách nhiệm xã hội với chức danh rõ ràng theo từng quốc gia và thường có thể mang tính toàn cầu.
2. Số lượng tiền tệ hay vàng bạc, khối lượng động sản và bất động sản mà một con người đã hoặc không chinh phục được ở một thời điểm nào đó.
Nhưng hoàn toàn khác thế, trong học thuyết Khổng tử, giá trị giàu sang hay nghèo hèn đối với một con người không phải chỉ được xác định theo tiêu chuẩn đó mà – đây mới là tiêu điểm tư tưởng của Khổng tử - bản thân giá trị của giàu sang và nghèo hèn đối với con người phải được xác định trong quan hệ với đồng loại chứ giàu sang hay nghèo hèn tự nó không có mấy giá trị tự thân, nghĩa là không thể bất chấp phương tiện đạt được giàu sang. Nói cách khác, giá trị của giàu sang, nghèo hèn ở đây được xét trong quan hệ giữa người với người, tức trong quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với đồng loại, cụ thể hơn là với cả cộng đồng cư dân một nước. Nói cách khác, giá trị giàu nghèo, sang hèn ở đây chỉ được xác định trong tình thế cụ thể của đất nước mà con người xuất thân tạo nên sự giàu sang, nghèo hèn của chính mình.
Tình thế của một nước được Khổng tử phân loại theo phép nhị phân thành “bang hữu đạo” và “bang vô đạo”. Hai khái niệm này đã được ông Nguyễn Hiến Lê diễn đạt ra tiếng Việt là “nước nhà có chính trị tốt” và “nước nhà chính trị hắc ám ”(1). Giá trị đích thực của giàu sang, nghèo hèn phụ thuộc vào hai tình thế đó của một nước.
Trong tình thế “nước nhà có chính trị tốt” thì nhà cầm quyền coi lợi ích và hạnh phúc của nhân dân là lý do và điều kiện tồn tại của họ. Nói cách khác, mục tiêu hành động của nhà cầm quyền thực sự vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân trong nước. Và vì thế, những kẻ tài cao, đức trọng trở nên rất cần thiết để giúp nhà cầm quyền mưu tính hạnh phúc cho nhân dân trên khắp các lĩnh vực của đời sống con người. Và cũng chính do đó, họ có được giàu sang chính đáng trước mắt nhân dân. Duy chỉ những kẻ tài hèn, đức mỏng, không có gì thi thố với đời, bèn rơi xuống nghèo và hèn. Thế thì, trong trường hợp “nước nhà có chính trị tốt” mà lại nghèo hèn, tất hẳn là do tài hèn, đức mỏng. Làm một người sống đường hoàng khi “nước nhà có chính trị tốt” mà đành chịu rơi và cảnh nghèo hèn, theo thang giá trị của Khổng tử, thế là “đáng hổ thẹn”.
Ngược lại, trong tình thế “nước nhà chính trị hắc ám” – “bang vô đạo” – thì thế nào? Trong tình thế này, nước nhà loạn lạc với vô vàn rắc rối xã hội làm cho con người mất cảm giác an toàn, tài đức thua kém hẳn âm mưu thâm độc và thủ đoạn xảo trá. Kể nào mà lúc đó vừa giàu có lại vừa cao sang thì chỉ có nước thao túng quyền hành, mua quan bán chức, liên kết bè cánh, tham nhũng, hối lộ, lọc lừa, lật lọng, phản phúc, nói một đàng làm một nẻo, gây phiền hà, khó khăn để lấy của. Theo thang giá trị của Khổng tử, có được giàu sang bằng những hành xử bất nhân bất nghĩa như thế thật là “đáng hổ thẹn”.
Khổng tử nói : “Dốc một lòng tin đạo lý. Ham học. Tử thủ giữ lấy đạo lý. Nước nguy không vào, nước loạn không ở. Thiên hạ chính trị tốt thì hiền danh, chính trị hắc ám thì ẩn danh. Nước nhà có chính trị tốt mà mình vừa nghèo lại vừa hèn, là đáng hổ thẹn. Nước nhà chính trị hắc ám mà mình vừa giàu lại vừa sang, là đáng hổ thẹn”.
(Luận ngữ chính văn, Thái bá, VIII/14, bản chép tay xưa truyền lại).
(1) Nguyễn Hiến Lê, Khổng tử và Luận ngữ, NXB Văn học, Hà Nội, 2003, tr.366.
Nguồn: Thông tin KH-CN Nghệ An, số 4/2005, tr 30-33.