Các cây Hoàng tinh
Đúng là có nhiều tên Hoàng tinh và đã gây ra sự nhầm lẫn. Nhưng thực tế sử dụng chỉ có ba cây, đó là:
Hoàng tinh hoa đỏ, còn gọi là cây Hoàng tinh lá vòng, Củ cơm nếp. Tên khoa học Polygonatum kingianumColl. Et Hemsl., họ Hoàng tinh (Convallariaceae).
Đây là cây thảo sống nhiều năm, cao 1 - 1,5m, đường kính thân khoảng 1,5cm, rỗi mấu có 5 - 7 lá mọc vòng, phiến lá hình mũi mác hẹp, dài 10 - 15cm, rộng 12 - 15mm, đầu lá có mũi nhọn dài và quăn lại, chia dốt, có khi phân nhánh, dài 25 - 35cm, đường kính 5 - 6cm (một gốc có thể được gần 2 kg). Cụm hoa là sim ngắn ở các mấu, mang 8 - 12 hoa màu hồng hay đỏ, mọc rủ xuống; mỗi cuống xim có 2 hoa hình ống, dài đến 2 cm; nhị 6, chỉ nhị hẹp; bầu hình trứng. Quả mọng, hình trái xoan hay hình cầu, khi chín màu lam tím. Mùa hoa: tháng 3 - 5, quả: tháng 6 - 8.
Cây mọc hoang nơi ẩm mát, nhiều mùn ở vùng núi cao thuộc các tỉnh Lào Cai (Sa Pa), Yên Bái, Sơn La (Bắc Yên), Cao Bằng, Nghệ An. Một số gia đình ở Sa Pa có trồng làm cảnh. Cây này đang bị đe dọa tuyệt chủng nên được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 1996 và 2007.
Dùng thân rễ làm thuốc; thu hái vào mùa Thu - Đông, rửa sạch, làm khô. Trong thân rễ chứa manose, polyscharid và các kingianosid A, B, C, D. Khi dùng phải chế biến để loại vị ngứa, bằng cách đun với nước mật mía loãng và ít gừng, khi gần cạn, lấy ra phơi khô. Sau đó lại tẩm nước mật trên và phơi, làm như vậy 9 lần, đến khi dược liệu có màu đen thì được (gọi Thục Hoàng tinh).
Hoàng tinh đỏ có vị ngọt, tính bình; vào các kinh tỳ, phế, ,thận. Có tác dụng bổ khí, dưỡng âm, kiện tỳ, nhuận phế, ích thận. Dùng chữa tỳ vị hư nhược, suy kiệt, mệt mỏi, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt, tiêu khát. Ngày dùng 12 - 20g, dạng thuốc bột, thuốc viên, thuốc sắc, hoặc ngâm rượu uống. Người phế vị có đờm thấp nặng không nên dùng. Dùng ngoài làm thuốc đắp chữa sưng tấy, đụng giập, trĩ.
Ngày nay, người ta đã biết Hoàng tinh hoa đỏ còn có tác dụng hạ đường huyết, chống viêm và tăng cường miễn dịch.
Hoàng tinh hoa đỏ được xem là vị thuốc quý, thường có mặt trong các đơn thuốc bổ. Tuệ Tĩnh (Nam Dược thần hiệu) đã dùng riêng vị Hoàng tinh chế để chữa chứng hư tổn, suy nhược. Hải Thượng Lãn Ông (vệ sinh quyết yếu) dùng Hoàng tinh, phối hợp với Thương truật, Địa cốt bì, lá Trắc bá, Thiên môn để ngâm rượu uống cho mạnh gân cốt, làm đen tóc.
Để chữa cao huyết áp, người ta dùng Hoàng tinh chế, Câu kỷ tử, lượng bằng nhau, làm bột mịn, luyện với mật ong, làm hoàn 10g. Ngày 2 lần x 1 hoàn (kết hợp chế độ ăn kiêng và tập thể dục).
Hoàng tinh hoa trắng, còn gọi là cây Hoàng tinh lá cách, Co hán han (Thái), Mằn khinh lài (Tày), Tan quang (Sán Dìu), Đièng tòn đòi (Dao). Tên khoa học là Disporopsis longifoliaCraib., họ Hoàng tinh (Convallariaceae).
Hoàng tinh hoa trắng Disporopsis longiflia Craib. |
Đây là cây thảo, sống nhiều năm. Thân rễ mập, mọc ngang, chi thành những lóng tròn có sẹo to, lõm trông như cái chén và nhiều ngấn ngang. Thân đứng nhẵn, cao 0,6 - 1m, gốc thân có những đốm tía. Lá có cuống ngắn 3 - 5mm, mọc so le, phiến mỏng, thon, dài đến 20cm, rộng 4 - 5cm. Hoa trắng hình chuông, ở nách lá, rủ xuống, cuống hoa dài 1cm; bao hoa gồm 6 phiến dài 9mm, nhị 6, chỉ nhị ngắn. Quả mọng hình cầu, khi chín màu tím đen. Mùa hoa tháng 3 - 5, mùa quả 6 - 8.
Cây này mọc hoang ở vùng núi cao mát, dưới tán rừng, trong các thung lũng ẩm, bờ khe ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Còn có ở Nam Trung Quốc và Thái Lan. Đây là cây hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng, được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 1996 và 2007.
Người ta dùng thân rễ; thu hái vào mùa thu, rửa sạch, làm khô. Hoàng tinh hoa trắng có vị ngọt, tính bình; tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế. Chế biến và công dụng như Hoàng tinh hoa đỏ.
Hai loài Hoàng tinh nói trên có thể trồng được ở vùng núi cao, khí hậu mát, bằng các mẩu thân rễ.
Củ Dongcũng có tên là Hoàng tinh, miền Bắc gọi là cây khoai Dong, củ Dong; miền Nam gọi là Huỳnh tinh, củ Trút. Cây này có nguồn gốc ở Mexico. Tên khoa học Maranta arundinaceaL., họ Dong (Marantaceae).
Củ Dong |
Đây là cây thảo, sống một năm, cao 50 – 70 cm, lá hình mũi mác, gốc lá tròn, đầu nhọn, cuống lá dài. Cụm hoa là chùm ở đầu thên, hoa màu trắng, không đều, lưỡng tính, tràng hình ống, có 3 thùy đều nhau; bộ nhị chỉ có phân nửa nhị sinh sản, còn nửa kia và các nhị khác biến đổi thành cánh hoa. Thân rễ (thường gọi là củ Dong) hình thoi dài 15 – 17cm, màu trắng ngà, đầu phình to, gồm nhiều đốt, được bao bọc bởi nhiều vòng lá vảy khá to, chứa 23% tinh bột. Đây là cây lương thực, được trồng phổ biến ở nước ta để lấy thân rễ luộc ăn, hoặc mài lấy bột để làm bánh, nấu chè.
Dong Maranta arundinacea L. |
Chú ý: Không nhầm với cây Lá Dong (Phrynium placentarium (Lour.) Merr). Tuy hai cây này cùng họ Dong, nhưng thuộc 2 chi khác nhau, không phải như có người giải thích đó chỉ là một loài “nếu trồng lấy củ thì đừng lấy lá, vì khi lấy lá thì không có củ nữa”. Rễ cây Lá Dong cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh gan, lỵ, tiểu tiện đỏ. Lá thường dùng gói bánh chưng, bánh tét và chữa say rượu (giã nhỏ, vắt lấy nước uống).