Cả cuộc đời làm khoa học
PV: Thưa Giáo sư, ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển Khoa học công nghệ của nước ta trong hơn 50 năm qua?
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu:Đúng là cả cuộc đời tôi chỉ làm khoa học. Nhưng để nói về sự phát triển chung chắc cũng khó mà nói hết. Thực sự, khoa học công nghệ của nước ta cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu. Trước khi Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập vào năm 1959, nước ta mới chỉ có một số đơn vị nghiên cứu khoa học xã hội có từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau này, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống đồng bộ các cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, bao gồm các đơn vị nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các Viện nghiên cứu, các Phòng kỹ thuật thuộc các Bộ và Tổng cục, các Phòng thí nghiệm của các trường Đại học. Tôi có may mắn được chứng kiến sự lớn mạnh rất nhanh chóng của nền khoa học và kỹ thuật nước nhà ngay trong suốt thời kỳ chiến tranh cho đến ngày nay.
Các Viện nghiên cứu nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp hóa chất, cơ khí, luyện kim đen, luyện kim màu, địa chất và khoáng sản, kỹ thuật giao thông, vật liệu xây dựng, kỹ thuật quân sự v.v... đã lớn mạnh ngay trong các thời kỳ chiến tranh bom đạn ác liệt và phát triển kinh tế ở miền Bắc.
Có thể nói rằng giai đoạn từ khi miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội cho đến lúc Đổi Mới là một thời kỳ lớn mạnh nhanh chóng của nền khoa học và kỹ thuật Việt Nam, với nhiều thành tựu được đánh giá cao bởi các giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996) và đợt II (năm 2001). Trong đó, nhiều thành tựu đã được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất đem lại năng suất cao và đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Khó mà kể hết các thành tựu chỉ trong một bài phỏng vấn.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng khoa học công nghệ ngày nay cần phải nâng cao vai trò hơn nữa để khẳng định việc coi phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu của nước ta thực sự là đường lối đúng đắn.
PV: Thưa ông, những thành tựu KH &CN đã đóng góp như thế nào tới sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước?
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu:Trong những năm chiến tranh phá hoại, cảng Hải Phòng và Quảng Ninh bị phong tỏa bẳng thủy lôi để tàu biển Liên Xô chở vũ khí viện trợ cho ta không thể cập bến được. Các cán bộ khoa học kỹ thuật của quân đội, ngành giao thông và các trường Đại học đã dùng từ trường phá hết các thủy lôi đó. Tàu biển Liên Xô vẫn cập cảng an toàn chở tên lửa, xe tăng viện trợ cho ta, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và Đại thắng mùa Xuân hoàn toàn giải phóng đất nước.
Vào những năm 80, nước ta thiếu lương thực trầm trọng, lãnh đạo cả ba tỉnh Tây Nguyên đều coi lương thực là một thế mạnh của tỉnh và chủ trương phá rừng trồng ngô. Các nhà khoa học tham gia Chương trình Tây Nguyên trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học đã kịp thời kết luận Tây Nguyên có ba thế mạnh là lâm nghiệp, cây công nghiệp và khoáng sản. Lương thực không phải là thế mạnh của Tây Nguyên và đã kiến nghị không phá rừng trồng ngô. Kết quả nghiên cứu khoa học đó đã đi vào cuộc sống.
Khi miền Nam mới giải phóng, Đồng Tháp Mười là một vùng hoang vu, nước ngập quanh năm, người dân chỉ đi gặt lúa nổi mỗi năm một vụ. Các chuyên gia nước ngoài do Tổ chức lương thực thế giới FAO của Liên hiệp quốc cử đến giúp ta phát triển nông nghiệp đã khuyến cáo rằng đó là vùng đất phèn, không thể trồng lúa cao sản được. Chính phủ quyết định tiến hành “Chương trình nghiên cứu cơ bản tổng hợp về tài nguyên thiên nhiên và các điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long”, để làm cơ sở khoa học cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng lãnh thổ này.
Từ những kết quả nghiên cứu về cấu trúc địa chất của vùng Đồng Tháp Mười, các nhà khoa học đã tìm ra những khu vực chỉ có lớp đất phèn mỏng ở phía trên mặt do nước lũ đem từ nơi khác đến. Chỉ cần dùng nước sông Tiền rửa trôi đi và đắp bờ bao ngăn không cho đất phèn từ nơi khác trôi đến là cấy được lúa cao sản. Ngày nay, mỗi năm Đồng Tháp Mười sản xuất hàng triệu tấn lúa. Đó là một thành công lớn của khoa học Việt Nam .
Cùng thời điểm đó, bệnh sốt rét bùng phát ở nhiều tỉnh, Nhà nước không có ngoại tệ để nhập đủ thuốc. Giới khoa học Việt Nam đã kịp thời nghiên cứu thành công và tổ chức sản xuất artemisinin làm thuốc chữa sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng, nhờ đó dập tắt được nạn dịch sốt rét. Công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II (năm 2001).
Tôi còn có thể kể ra nhiều thành tích khác mà mình đã được chứng kiến và tham gia, nhưng tôi cũng nghĩ rằng, trong thời đại hội nhập như ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, nhiều ngành nghề và yêu cầu kỹ thuật cũng khó khăn phức tạp hơn. Nhiệm vụ gắn khoa học với yêu cầu thực tiễn càng phải được chú trọng, có như vậy khoa học công nghệ mới thực sự góp phần hiệu quả để phát triển đất nước.
PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về tiềm lực khoa học công nghệ của nước ta hiện nay? Nói riêng về yếu tố con người?
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu:Tôi cho rằng tiềm lực khoa học công nghệ của nước ta cũng còn nhỏ bé, ít cơ sở được đầu tư thiết bị hiện đại. Yếu tố con người cũng còn hạn chế, những người thực sự làm khoa học lại ít hơn nhiều, mà trong số những người đó không phải ai cũng an tâm dành toàn bộ tâm trí cho khoa học vì thu nhập từ việc làm khoa học không đủ sống.
Thế hệ trẻ làm khoa học hiện nay có trí tuệ và có điều kiện tốt để phát triển. Tuy nhiên, điều hết sức lo ngại là trong số những người trẻ tuổi thông minh rất ít người chọn khoa học làm sự nghiệp của mình, mà chọn nghề khác. Những người Việt Nam trẻ tuổi và tài giỏi mới được đào tạo ở nước ngoài thì gần như không ai sẵn sàng tự nguyện về nước làm việc.
Tôi mong Bộ Khoa học và Công nghệ đứng ra tổ chức tập hợp ý kiến đóng góp của giới khoa học Việt Nam, rồi chọn lọc, tổng kết và tìm ra các hướng phát triển có hiệu quả nhất.
Xin kính chúc sức khỏe và trân trọng cảm ơn Giáo sư!