Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 04/06/2014 19:46 (GMT+7)

Bùi Thị Xuân (? - 1802)

DANH TƯỚNG TÂY SƠN

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu sự thiệt thòi lớn lao như các danh tướng Tây Sơn. Họ có cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những võ công kiệt xuất, nhưng, sử sách ghi chép về họ lại quá ít ỏi. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị quá nhiều những cây bút thù nghịch tìm cách xuyên tạc. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà tác giả của Tây Sơn lương tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi buồn không nguôi:

“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”. 

(Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu? 
Cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu).

“Cổ kim bất phạp chân anh hùng, 
Năng ngự ngoại hồi vi thượng công. 
Tráng tai Thị Xuân kì nữ tử, 
Thống suất tì hưu biến Tây-Đông.

Tổ tông cương thổ bất dung vong, 
Nam nhi tử tất tại sa trường. 
Nam nhi bật hướng sa trường tử, 
Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân”. 

(Nguyễn Trọng Trì. Tây Sơn lương tướng ngoại truyện. 
Bùi Phu Nhân ca)

Nghĩa là:

"Xưa nay chẳng thiếu các bậc thực sự anh hùng, 
Có thể ngăn giặc ngoài làm nên công cao. 
Mạnh thay Bùi Thị Xuân, người con gái lạ lùng, 
Cầm quân vùng vẫy khấp Tây-Đông. 

Đất đai tổ tông không thể để mất, 
    Nam nhi hẳn nhiên phải chết ở chốn sa trường. 
    Nếu nam nhi mà không hướng về sa trường để chết, 
    Hát lớn một khúc ca mà xem gương Bùi Thị Xuân".

Bùi Thị Xuân người làng Xuân Hòa, huyện Bình Khê (nay thuộc tỉnh Bình Định), sinh năm nào chưa rõ. Bà là vợ của Thiếu phó Trần Quang Diệu, vì thế, đời vẫn thường gọi bà là Bà Thiếu phó.

Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn, bà cũng là một trong những người nhiệt liệt tham gia hưởng ứng đầu tiên. Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng.

Bấy giờ, bà vừa là vợ lại cũng vừa là một thuộc tướng của Thiếu phó Trần Quang Diệu. Mỗi khi ra trận, Bùi Thị Xuân luôn giương cao ngọn cờ trên có thêu bốn chữ  Tây Sơn Nữ tướng (vị nữ tướng của Tây Sơn). Hễ lá cờ này xuất hiện ở đâu là đối phương ở đó phải khiếp đảm. Dưới thời Quang Trung Nguyễn Huệ, tên tuổi của nữ tướng Bùi Thị Xuân chưa có gì nổi bật lắm, nhưng sang thời Quang Toản thì khác hẳn. Bấy giờ có hai sự kiện quan trọng liên quan trực tiếp tới bà và chính từ hai sự kiện đó, danh thơm của bà được truyền tụng mãi.

Sự kiện thứ nhất là thái độ của bà đối với Bùi Đắc Tuyên (tức Bùi Đắc Kế). Buổi đầu, Bùi Đắc Tuyên là người lập được nhiều công lao, do vậy, được Quang Trung Nguyễn Huệ phong tới hàm Thái sư. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, Bùi Đắc Tuyên đã tìm cách nắm lấy binh quyền và để củng cố địa vị của mình, Bùi Đắc Tuyên đã tìm cách hãm hại không ít đồng liêu. Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Quang Toản ngày một trầm trọng. Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị Võ Văn Dũng giết chết. Bấy giờ, rất nhiều người nghi ngại đối với Bùi Thị Xuân, bởi lẽ Bùi Thị Xuân là cháu của Bùi Đắc Tuyên. Nhưng khác với suy nghĩ của nhiều người, Bùi Thị Xuân đã có một thái độ rất công minh. Bà không thù oán những người đã giết Bùi Đắc Tuyên, không vì sự rối ren của triều đình mà rời bỏ vị trí chiến đấu của mình.

Sự kiện thứ hai là việc bà tham gia trận Trấn Ninh (tháng 1/1802) chống lại cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Trong trận này, bà là người chỉ huy 5000 quân, hiên ngang tấn công một cách quyết liệt vào đội ngũ của đối phương, khiến cho Nguyễn Ánh rất khiếp sợ. Bà và chồng là Trần Quang Diệu thực sự là những hổ tướng lừng danh nhất trong giai đoạn cuối cùng của Tây Sơn. Rất tiếc là lực lượng chung của Tây Sơn đến đó đã hoàn toàn rệu rã, mưu lược, lòng dũng cảm và tài cầm quân của bà cùng với các tướng lĩnh trung thành còn lại không đủ để chống chọi. Tháng 3/1802, Nguyễn Ánh đã chiếm lại được Trấn Ninh.

Tượng thờ Bùi Thị Xuân - Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bình Định

Năm 1802, dọc đường rút quân ra Bắc, bà cùng chồng và con gái bị quân Nguyễn Ánh bắt tại Nghệ An, sau đó, chúng đã xử tội cả gia dình bà một cách rất tàn khốc. Trần Quang Diệu bị lột da còn bà và con gái là Trần Bích Xuân thì hiện tại có hai thuyết khác nhau. Thuyết thứ nhất nói hai mẹ con bà bị xử tội lăng trì (tức là xẻo thịt từng miếng cho đến chết thì thôi). Thuyết thứ hai nói cả hai mẹ con bà bị đem ra cho voi giày. Nhưng cho dẫu là thuyết nào đúng thì việc xử tội bà cũng đều là quá tàn khốc. Và điều đáng nói là các tài liệu đều nói rằng, bà và con gái đã chết một cách rất hiên ngang, không một lời kêu than, cũng không một chút nao núng. Trong tình cảm nồng nàn và ký ức bất diệt của các thế hệ nhân dân, tên tuổi và hình ảnh của vị nữ tướng anh hùng này mãi mãi tỏa sáng:

“Bạch mã trì khu cổ chiến trường,
Tướng quân bách chiến thanh uy dương”.

(Nguyễn Trọng Trì.  Tây Sơn lương tướng ngoại truyện. Bùi Phu nhân ca)

Nghĩa là:

"Ngựa trắng (chừng như) vẫn rong ruổi ở chốn chiến trường xưa, 
Tướng quân (từng trải) trăm trận, tiếng tăm lừng lẫy".

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.