Bong võng mạc
Võng mạc là một lớp sợi thần kinh nhạy cảm với ánh sáng bao phủ thành trong của mắt giống như một tờ giấy dán tường trong phòng. Chức năng của võng mạc giống như phim trong máy ảnh. Ánh sáng từ bên ngoài đi vào trong mắt sẽ tập trung trên võng mạc. Những dây thần kinh sẽ tiếp nhận những hình ảnh này và truyền lên não. Nhờ đó ta có thể nhìn thấy sự vật, vì vậy khi võng mạc bị bong, mắt sẽ không nhìn thấy gì.
Phát hiện và chẩn đoán
Võng mạc bị bong không thể nào nhìn thấy được từ bên ngoài. Vì vậy khi có triệu chứng kể trên, bệnh nhân phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ đặc biệt có ánh sáng mạnh và có độ phóng đại lớn, giúp bác sĩ khám phá ra vùng võng mạc bị bong và những vùng võng mạc có nguy cơ bị rách để điều trị kịp thời.
Điều trị lỗ rách võng mạc
Nếu như chưa có bong võng mạc, các lỗ rách võng mạc có thể dễ dàng được điều trị mà không gây đau đớn cho bệnh nhân và bệnh nhân cũng không cần phải nhập viện. Bác sĩ sẽ dùng máy laser bắn xung quanh lỗ rách làm cho lỗ rách dính lại hoặc một phương pháp khác là áp lạnh cũng có tác dụng giống như laser. Sau khi laser hoặc áp lạnh các triệu chứng kể trên sẽ giảm đi.
Điều trị bong võng mạc
Nếu võng mạc đã bị bong thì phẫu thuật là cần thiết. Có ba phương pháp để phẫu thuật là dán võng mạc bằng khí, ấn củng mạc và cắt pha lê thể. Tuỳ theo thời gian bị bong võng mạc, vị trí lỗ rách và mức độ trầm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp nào tốt nhất, hiệu quả nhất, đơn giản nhất mà đem lại hiệu quả tối ưu cho bạn.
Ba phương pháp phẫu thuật:
-Dán võng mạc bằng khí:
Đây là phương pháp đơn giản không gây đau, không cần nhập viện và nhanh chóng phục hồi thị lực. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ bơm vào trong mắt một bóng khí. Bóng khí sẽ tăng dần thể tích, đẩy võng mạc áp sát vào thành mắt, sau đó dùng laser hoặc áp lạnh xung quanh lỗ rách. Bóng khí sẽ biến mất sau một hoặc hai tuần.
- Ấn củng mạc:
Phương pháp này cần phải nhập viện. Bác sĩ sẽ dùng một miếng silicon đặt bên ngoài thành mắt, đẩy võng mạc áp sát vào thành mắt. Sau đó dùng laser và lạnh đông để dán võng mạc. Sau mổ thị lực của bệnh nhân sẽ phục hồi trong vài ngày đến vài tuần. Sáu tháng là thời gian tối đa cho sự bình phục thị lực.
- Cắt pha lê thể:
Phương pháp này cần nhập viện. Khí hai phương pháp trên thất bại hoặc trong một số trường hợp bệnh nặng bác sĩ phải dùng phương pháp này. Bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ đặc biệt để cắt tất cả các mô xơ trong võng mạc sau đó dán võng mạc lại. Sau mổ mắt sẽ được bơm đẩy một chất khí hoặc một chất dầu silicon. Thị lực bình phục chậm hơn hai phương pháp trên.
Kết quả
Trên 90% các trường hợp bị bong võng mạc đều được điều trị thành công với chỉ một lần mổ. Nhưng trong một vài trường hợp, bệnh nhân phải cần phẫu thuật hai hoặc ba lần.
Thị lực sẽ phục hồi sau 6 tháng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời gian bị bong. Bong võng mạc càng lâu thì khả năng phục hồi thị lực càng thấp. Chỉ có 40% trường hợp phẫu thuật thành công có thị lực tốt. Những trường hợp còn lại, thị lực của bệnh nhân chỉ có thể đọc được sách báo hoặc dùng để đi lại được. Không may mắn thay, do sự co kéo của chất pha lê thể trong mắt và sự phát triển của mô xơ vẫn tiếp tục nên không phải tất cả các trường hợp võng mạc đều có thể dính trở lại được. Nếu như võng mạc không dính, thị lực bệnh nhân tiếp tục giảm và có thể dẫn đến mù. Khi có các triệu chứng của bong võng mạc, bệnh nhân cần đi khám ngay lập tức. Một số bác sĩ nhãn khoa được huấn luyện đặt biệt để điều trị các bệnh võng mạc và bong võng mạc. Đối với những bệnh nhân bị cận thị hoặc trong gia đình có người bị bong võng mạc thì nên đi khám định kỳ để bác sĩ có thể phát hiện sớm những thay đổi trong võng mạc và pha lê thể hầu có thể ngăn ngừa bong võng mạc.
Nguồn: Khoa học phổ thông, số 37(1160)