Bộ mặt thật Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon
Gần đây ông Kissinger, nhà đàm phán của Mỹ ở Paris, xuất bản cuốn Kết thúc chiến tranh Việt Nam sau hai tập hồi ký. Trong cuốn sách mới này ông ta kể lại quá trình đàm phán tại Paris với Việt Nam DCCH với những suy nghĩ , nhận xét của ông sau mỗi lần gặp đại diện của Việt Nam, những tính toán của Nixon và của bản thân ông trong mỗi bước của cuộc đàm phán với đoàn đại biểu Việt Nam DCCH.
Năm 1969 là năm Nixon bắt đầu vào Nhà trắng và là năm bốn bên: VNDCCH, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa – bắt đầu họp tại Paris để tìm giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Đó là thời điểm “hậu Tết Mậu Thân”. Dù đang giải quyết vụ tàu gián điệp FUEBLO bị Bắc Triều Tiên bắt, Johnson vẫn đưa thêm quân sang Việt Nam, phải tuyên bố sẽ từ chức, sẽ không nhận ra ứng cử tổng thống một nhiệm kỳ nữa và nhận gặp Việt Nam DCCH, trong khi đó phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh lên cao, Quốc hội phản đối tiếp tục chiến tranh. Tại Paris các cuộc đàm phán bế tắc.
Ngày 14-5-1969 Nixon đưa ra 8 điểm làm giải pháp cho vấn đề Việt Nam nhưng không được hưởng ứng. Ông ta đứng trước ba vấn đề: ngừng bắn, rút quân, lấy tù binh về. Trong một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia, khi có người nêu vấn đề “loại bỏ sự can thiệp của Mỹ”, Bộ trưởng quốc phòng Laird phản đối và đề nghị nên dùng từ “Việt Nam hóa chiến tranh”. Nixon cho đó là ý kiến tốt. Từ đó ông ta suy nghĩa thêm và đề ra chiến lược “vừa rút quân vừa đàm phán” với ý nghĩ vừa đáp ứng đòi hỏi của nhân dân Mỹ vừa thúc đẩy được đàm phán. Ngày 8 tháng 6 năm 1969, Nixon gặp Nguyễn Văn Thiệu tại đảo Midway (giữa Thái Bình Dương) để tranh thủ sự đồng ý của Thiệu về vấn đề rút quân Mỹ. Sau khi Thiệu đồng ý, Nixon tuyên bố đợt rút quân đầu tiên 50.000 quân trong bốn tháng. Từ 14-3 Nixon đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ba tiêu chí để rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam: Khả năng tự bảo vệ của quân đội Sài Gòn không cần sự hỗ trợ của Mỹ, tiến bộ của đàm phán Paris , và việc địch thủ giảm bớt hoạt động. Sau đợt rút đầu tiên, Nixon lại rút tiếp các đợt khác. Việt Nam DCCH và Mặt trận Giải phóng phê phán Mỹ rút quân nhỏ giọt, và không định ngày rút hết. Dư luận nhân dân Mỹ cũng phê phán như vậy. Mặt trận Giải phóng miền nam lại gắn vấn đề rút quân vào vấn đề tù bình: việc trao trả hết tù binh Mỹ cùng ngày rút hết quân Mỹ. Nixon không thay đổi lập trường trong đàm phán và tiếp tục đơn phương rút quân. Theo Kissinger viết trong cuốn Kết thúc chiến tranh Việt Namtừ 1969 đến đầu 1972, trong gần ba năm Nixon đã đơn phương rút 480.000 trong số 545.000 lính khi ông lên cầm quyền. Trong vấn đề rút quân, Nixon lo nhất sự sụp đổ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nixon hỏi ý kiến các tướng lĩnh Mỹ ở miền Nam . Theo Kissinger, trong cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28-3-1969, tướng Goodposte phó tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam đã nói rằng: “Tình hình miền Nam Việt Nam đã đạt được mức độ đáng kể”, ông ta nói trên thực tế Mỹ đã tiến gần đến loại bỏ sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến, nhưng hiện nay chưa tới “điểm kết” đó. Bộ trưởng quốc phòng Laird cũng đồng ý. Tuy Nixon tiếp tục rút quân trước và sau khi hai đoàn trong cuộc đàm phán bí mật thỏa thuận bản hiệp định chấm dứt chiến tranh ngày 20 tháng 10 năm 1972 dự định sẽ ký ngày 31 tháng 10 năm 1972, Kissinger luôn luôn nói Mỹ sẽ rút quân nhưng vẫn giữ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nguyễn Văn Thiệu cũng ra sức ép Nixon và công khai tuyên bố Hiệp định Mỹ dự định ký với Việt Nam DCCH ngày 31 tháng 10 là một “hiệp định đầu hàng”. Trong thư tuyệt mật gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 29 – 10 – 1972, trước ngày bầu cử tổng thống 7 – 11 – 1972, Nixon chỉ nhẹ nhàng phê bình Nguyễn Văn Thiệu: “Các ông chỉ trích dự thảo hiệp định là theo đuổi một con đường nguy hiểm”. Nhưng sau khi trúng cử rồi, trong thư tuyệt mật ngày 8 – 11 – 1972, Nixon nói dự thảo hiệp định là “tuyệt diệu rồi” và nói thẳng thừng rằng “việc các ông liên tiếp xuyên tạc và đả kích bản hiệp định là không đúng đắn và tự hại mình”. Tuy làm bộ giận dữ thế, Nixon vẫn theo đuổi chủ trương của mình như đã nêu trong thư gửi Thiệu ngày 10 – 10 – 1972: “Chúng tôi chuyển cuộc xung đột hiện nay sang một hình thái khác, một hình thái đấu tranh chính trị ngược lại với sự đối kháng công khai về quân sự”. Hình thái đó là rút quân Mỹ và giúp đỡ chính quyền Thiệu không những đứng vững mà còn sức tiếp tục cuộc chiến tranh chống Chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam và Việt Nam DCCH. Như vậy bộ mặt thật của Việt Nam hóa chiến tranh không phải chỉ là rút quân Mỹ để đáp ứng đòi hỏi của nhân dân Mỹ và Quốc hội Mỹ mà còn giữ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ý nghĩa sâu sắc của chính sách Việt Namhóa là cả chiến tranh và hòa bình, nói một cách khác là Nixon chuyển cuộc chiến tranh xâm lược thành cuộc nội chiến của người Việt Nam . Ông ta nói tiếp với Thiệu: “Chính phủ ông, các lực lượng vũ trang và các thể chế chính trị của nó sẽ được duy trì nguyên vẹn sau khi chấm dứt chiến sự, ông có thể tin rằng chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ ông một cách đầy đủ nhất trong đó có việc tiếp tục viện trợ kinh tế và bất cứ sự giúp đỡ quân sự nào phù hợp với các điều khoản của ngừng bắn”.
Tới đây cần nói rằng Nixon đã hành động giống Eisenhower năm 1954 sau khi tuyên bố sẽ tôn trọng Hiệp định Genève, đã gửi thư cho Ngô Đình Diệm cam kết giúp Diệm xây dựng một chính phủ chống cộng mạnh.
Cho đến thời điểm này với hơn nửa triệu lính Mỹ được không quân, hải quân hùng mạnh của Mỹ hỗ trợ và gần một triệu quân Sài Gòn, Mỹ không thể đánh bại được cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam thì sau khi quân Mỹ rút, quân ngụy của Nguyễn Văn Thiệu làm sao có thể chống lại được quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi quân Mỹ rút hết, Nixon hiểu được điều đó nên khước từ bản hiệp định ngày 20 tháng 10 năm 1972 để thực hiện kế hoạch tăng cường cấp tốc vũ khí cho Thiệu theo kế hoạch gọi là Tăng cường hơn nữa (Enhance Plus). Theo luật gia Ăng- tơ - tác giả cuốn Phán quyết về Việt Nam, đây là một chiến dịch nhằm hối hả đưa hàng nghìn tấn vũ khí vào miền Nam Việt Nam trị giá hàng tỷ đô la trước khi quân Mỹ rút khỏi, chủ yếu là máy bay, trực thăng, xe tăng, đại bác. Số máy bay đưa vào nhiều đến mức Phó tổng thống miền Nam Nguyễn Cao Kỳ đã tuyên bố: “Việt Nam cộng hòa hiện nay là nước thứ tư có nhiều máy bay nhất trên thế giới”. Tính toán của Nixon là phải tăng thêm vũ khí cho Thiệu để họ thêm sức mạnh chống lại Việt Nam DCCH và Chính phủ cách mạng miền Nam khi không còn sự chi viện của lục quân, không quân, hải quân Mỹ. Đây là một tính toán sai lầm của Nixon như thực tế đã chứng tỏ. Khi Kissinger và Lê Đức Thọ ký kết Hiệp định, Nixon tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục công nhận chính phủ Việt Namcộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam ”.
Được sự đồng ý của Nixon, khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, Thiệu hạ lệnh thực hiện chiến lược “tràn ngập lãnh thổ”, nghĩa là lấn chiếm càng nhiều lãnh thổ của chính phủ cách mạng càng tốt. Một giờ trước khi Hiệp định có hiệp lực, Thiệu cho hai lữ đoàn thiết giáp đánh chiếm Cửa Việt. Những ngày sau lấn chiếm các chỗ khác. Như vậy điều khoản ngừng bắn bị vi phạm ngay từ giờ đầu. Theo sách trắng của Việt Nam DCCH Một năm thi hành Hiệp định Paris, từ 28 tháng 1 năm 1973 đến 15 tháng 12 – 1973, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã vi phạm Hiệp định 301.097 lần, cụ thể:
34.266 vụ lấn chiếm lãnh thổ của Chính phủ cách mạng miền Nam .
35.532 vụ pháo kích vùng giải phóng.
14.749 vụ máy bay ném bom và thám thính.
246.550 vụ càn quét bình định.
Do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vi phạm ngừng bắn, lấn chiếm vùng giải phóng, trong những tháng đầu năm 1973, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã lấn chiếm hầu hết vùng giải phóng mới và một số vùng giải phóng cũ bao gồm khoảng 1.900 ấp, đóng chiếm thêm 1.774 ấp, kiểm soát hơn 1 triệu dân (1). Không một ngày nào miền Nam im tiếng súng. Điều khoản về tù binh và thường dân bị bắt giữ không được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thi hành nghiêm chỉnh, tù binh và thường dân bị giam giữ không trao trả hết. Sau khi ngừng bắn và Mỹ rút hết quân; lấy được đủ tù binh, hai bên miền Nam họp hội nghị hiệp thương để giải quyết các vấn đề của miền Nam và quan trọng nhất là vấn đề thành lập Hội đồng hòa hợp và hòa giải dân tộc, do thái độ ngoan cố của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lâm vào bế tắc.
Như vậy, tình hình thi hành Hiệp định Paris rất nghiêm trọng. Ta yêu cầu Kissinger họp với Lê Đức Thọ để cải thiện tình hình. Kissinger phải thừa nhận tình hình thi hành hiệp định là nghiêm trọng và ngày 13 tháng 6 năm 1973 phải thỏa thuận đại diện bốn bên ký thông cáo chung kêu gọi ngừng bắn triệt để, trao trả hết tù binh, thực hiện hòa hợp dân tộc. Lúc đầu Thiệu không đồng ý ký. Sau bị ép Thiệu phải ký vì khi đó phong trào phản đối Nixon lên rất mạnh vì cả vấn đề Watergate. Cuối cùng Thiệu phải cử Phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên đi ký. Nhưng ký thì ký, Thiệu vẫn ngoan cố không chịu thi hành thông cáo chung kể cả sau lời kêu gọi và cảnh cáo của chính phủ cách mạng.
Hậu quả là chính phủ cách mạng phải đấu tranh chống lại. Bị mất Buôn Ma Thuột rồi mất Trung Bộ, Thiệu đi từ thất bại này đến thất bại khác, cuối cùng phải từ chức, đưa Việt Nam cộng hòa đến chỗ sụp đổ. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc được thống nhất.
Chiến lược Việt Nam hóa của Nixon bị thất bại hoàn toàn. Mỹ rút được quân, lấy được tù binh về nhưng không giữ được Nguyễn Văn Thiệu, không thực hiện ý đồ đẩy nước Việt Nam vào một cuộc nội chiến.
Một giáo sư Mỹ, ông Larry Berman, viết một cuốn sách vạch rõ âm mưu của Nixon và Kissinger, bị thua phải ký Hiệp định Paris chứ không có hòa bình, danh dự gì cả.
___________
1. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam , tập II.