Bọ gạo trong ao ương, tác hại và cách phòng trừ
Bọ gạo đẻ trứng bám trên lá hoặc thân cây cỏ mọc ven bờ ao, đầm, ruộng. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, trong 4 tháng cuối xuân đầu hạ (từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch) từ một con bọ gạo có thể sinh sôi nảy nở ra 10.000 con! Bọ gạo thuộc loại côn trùng “dữ” ở nước. Chúng đuổi bắt mồi (cá con) dùng chân ôm chặt mồi rồi dùng vòi hút máu cho đến khi con mồi chết hẳn). Điều đáng chú ý là ở cỡ dưới 0,45cm, bọ gạo chưa thể bắt cá con, lúc này mồi ăn của chúng thường là ấu trùng muỗi lắc. Từ cỡ 0,45cm trở lên (chưa mọc cánh), bọ gạo bắt đầu sát hại cá một cách ghê gớm: Trung bình trong 1 giờ, một con bọ gạo có thể giết chết 10 con cá bột. Tuy nhiên, bọ gạo không tiêu diệt được những cá cỡ lớn hơn 1,2 đến 1,5cm.
Cách phòng trừ
- Tẩy vôi ao ương, phơi đáy ao 6-7 ngày sau đó mới lấy nước vào và bón phân. Phát quang bụi rậm ở bờ ao và dọn sạch cỏ để phá nơi đẻ trứng của bọ gạo.
- Trong 15 ngày đầu ương cá bột lên hương, nếu thấy có bọ gạo trong ao ương, nhất là những bọ gạo chưa biết bay, cần diệt ngay. Cách diệt như sau: làm một khung nứa hoặc gỗ rộng 2m 2, đặt nổi khung lên mặt nước. Đến đêm, thắp đèn sáng ở cạnh hoặc giữa khung và đổ vào khung một lớp dày dầu hoả. Do thích ánh sáng và thỉnh thoảng lại phải ngoi lên mặt nước lấy không khí để thở, bọ gạo sẽ tìm đến vùng có ánh sáng và bị dầu làm chết ngạt. Có thể dùng dây kéo khung di chuyển chậm chậm khắp mặt ao.
- Trong mỗi đợt ương cá nên diệt bọ gạo nhiều lần. Có diệt được bọ gạo và các sinh vật hại cá khác trong ao ương như niềng niễng, bắp cày, nòng nọc, rắn nước… thì kết quả ương cá mới cao.
Nguồn: Kinh tế V.A.C, số 18,3/5/2004