Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 09/06/2005 22:16 (GMT+7)

Biến gió Lào thành gió mát

TS Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Vật liệu và môi trường khắc nghiệt (Viện Cơ học) cho biết, gió Lào thực chất là gió Tây Nam, sở dĩ rấtkhô nóng vì đã trút hết hơi ẩm bên Lào, khi sang Việt Nam lại tăng nhiệt độ do đi qua các núi đá. Những trận gió này làm khí hậu mùa hè ở Bắc Trung bộ và nhất là Nghệ An trở nên cực kỳ khắc nghiệt,làm tăng chi phí sinh hoạt, giảm hiệu suất công việc và khiến các nhà đầu tư ngần ngại. Người ta quen nghĩ gió Lào là trời sinh và "cái số" của Nghệ An là phải chịu đựng nó, vì vậy ý tưởng làm gióLào biến mất có thể gây sốc và bị cho là hão huyền.

 

"Điều đó sẽ trở thành hiện thực nếu khắc phục được tính khô và nóng của gió Lào bằng cách tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ cho không khí. Thực tế cũng chứng minh giảm thiểu gió Lào không phải là ý tưởng điên rồ: loại gió này đang giảm dần ở Nghệ An, riêng ở Vinh hiện chỉ bằng 1/4, và độ ẩm đã tăng gấp đôi so với 70 năm trước" - ông Cường nói.

Một trong các biện pháp tăng độ ẩm mà TS Nguyễn Việt Cường nêu ra là phát triển lúa hè thu. Việc đưa vụ lúa này vào canh tác cách đây hơn 20 năm đã tạo một cuộc cách mạng về khí hậu cho Nghệ An do cây lúa hè thu có hệ số bốc hơi rất lớn, làm tăng độ ẩm không khí. Tuy nhiên, ông Cường khuyến cáo nên chọn giống lúa ngắn ngày hơn để tránh nguy cơ gặp bão tháng 9. Các cách tăng độ ẩm khác là tăng diện tích trồng cây công nghiệp, trồng rừng và làm thật nhiều hồ chứa nước, nhất là trên các núi cao miền Tây Nam. Lượng nước bốc hơi từ các hồ này sẽ được gió Lào đưa về xuôi và khi đó, gió Lào sẽ thành gió mát. Có thể tận dụng các hồ này để trữ nước mưa, nhất là lũ tiểu mãn để bù lượng nước bốc hơi trong tháng 6-7, đồng thời để phát điện.

Để giảm nhiệt độ, có 2 cách. Một là phá đi tất cả núi đá trọc không có ý nghĩa gì về lịch sử, văn hóa hay quốc phòng vì chúng làm tăng bức xạ nhiệt, làm gió Lào nóng thêm. Diện tích trống sẽ xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp bằng vật liệu thu được, hoặc trồng cây, làm hồ chứa nước. Hiện diện tích núi đá trọc ở Nghệ An khá lớn, gần 30.000 ha. Cứ giảm được 100 m chiều cao của núi thì hạ được 1 độ C và tăng 1,7% độ ẩm. Thứ hai là lắp bình nước nóng thu nhiệt mặt trời ở các khách sạn, nóc nhà dân. Mỗi ống thu nhiệt có thể hấp thụ 50% lượng nhiệt mặt trời chiếu xuống và bức xạ nhiệt xung quanh.

"Chúng tôi chủ trương rằng, để giảm gió Lào, mọi diện tích đều phải trở thành mặt lá, mặt nước, mặt pin và những biện pháp trên sẽ được thực hiện ngay trong tương lai gần" - TS Cường cho biết. Trong Hội chợ công nghệ tại Nghệ An tháng 5 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã ký với Trung tâm Vật liệu và môi trường khắc nghiệt 3 bản ghi nhớ về việc áp dụng công nghệ giảm thiểu gió Lào để cải tạo môi trường tự nhiên và kinh tế ở vùng cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương), Mường Lồng (Kỳ Sơn) và Cửa Lò, kinh phí ban đầu là 50 tỷ đồng.

"Ở Cửa Lò hiện nay diện tích bê tông quá lớn nên rất nóng, vì vậy công việc của chúng tôi ở đây chủ yếu là phát triển sử dụng pin mặt trời. Chi phí cho dự án giảm thiểu gió Lào ở đây là 10 tỷ đồng. Còn Thanh Thủy và Mường Lồng đều là vùng cao, chúng tôi sẽ biến chúng thành Đà Lạt và Sa Pa của Nghệ An" - ông Cường khẳng định.

Xã Thanh Thủy cao hơn 1.000 m, khí hậu ôn hòa, lại gần cửa khẩu nên dân cư phát triển, chỉ hơi thiếu độ ẩm. Điều cần làm là tạo 5 cái hồ dọc theo sông Rộ, chếch theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, cũng là hướng của gió Lào. Gió Lào đi qua đây sẽ thổi hơi nước từ dãy hồ qua các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh. Các hồ được làm từ cao xuống thấp nên có thể chạy máy thủy điện. Thanh Thủy nhờ đó sẽ trở thành khu du lịch sinh thái rất mát mẻ, chẳng thua gì Đà Lạt. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến dự án trị giá 20 tỷ đồng này vì Thanh Thủy đã khá phát triển về kinh tế và hạ tầng nên sinh lợi nhanh hơn so với Mường Lồng.

Mường Lồng có độ cao gần 1.600 m, tương đương Sa Pa, lại là nơi trồng dược liệu nên không khí và nguồn nước rất tốt cho sức khỏe (đây là nơi có rất nhiều cụ già sống trên 100 tuổi), rất thích hợp làm khu du lịch, nhưng còn thiếu quy hoạch và cơ sở hạ tầng. Dự án sẽ đầu tư cho xây dựng cơ bản và tạo một hồ lớn ở thượng nguồn sông Cả nhằm trữ nước cho cả khu du lịch và phát điện cho khu vực bắc Nghệ An. Các con suối xung quanh cũng sẽ được ngăn dòng để tạo thành 5 hồ nữa. Những thay đổi ban đầu sẽ tốn khoảng 20 tỷ đồng.

Theo TS Cường, dự án Thanh Thủy, Mường Lồng và Cửa Lò không chỉ giúp phát triển kinh tế các địa phương này mà còn làm thay đổi khí hậu của cả Nghệ An. Vì vậy, tỉnh đã làm việc nhiều lần với Trung tâm Vật liệu và Môi trường khắc nghiệt để chuẩn bị thực hiện các bước của dự án, kêu gọi đầu tư. Hiện rất nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia. Chẳng hạn, Công ty Kim Liên (Hà Nội) đầu tư vào việc làm hồ, phát triển bình nước nóng thu nhiệt mặt trời; công ty Sơn Cẩm khai thác vật liệu và làm bậc thủy điện; công ty 559 phá đá làm hồ, xây dựng đô thị... Ngoài ra, dự án còn thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị khoa học như Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường, Viện Địa chất, Viện Sinh thái tài nguyên...

Nguồn: Thanh Nhàn, VNExpress ngày 7/6/2005

Cửa Lò đang bị bê tông hóa và điều này làm không khí nóng thêm

Cửa Lò đang bị bê tông hóa và điều này làm không khí nóng thêm

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).