Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ sa mạc hóa tại Việt Nam
Diện tích đất hoang hóa có thể bị sa mạc hóa
Theo báo cáo này, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong 2 thập niên qua, ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên, đơn cử, cơn bão Xangsane năm 2006 đã thiệt hại tới 1,2 tỉ USD ở 15 tỉnh khu vực miền Trung.
Ngoài ra, mặc dù chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí nhà kính của Việt Nam đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
“Biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam tương đối rõ nét trong 50 năm qua. Nhiệt độ trung bình năm tăng 0,5 độ C; mực nước biển dâng cao hơn 0,2 m; thiên tai, bão, lũ gia tăng cường độ và tính cực đoan. Nhiều công trình chắn sóng, chắn cát, đê sông, đê biển dễ bị phá vỡ trước lũ lụt, thiên tai. Các hệ sinh thái tự nhiên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là miền Trung, nam Trung bộ và ĐBSCL. Ngập triều tăng mạnh ở TP.Cần Thơ, TP.HCM, tỉnh Cà Mau và tỉnh Vĩnh Long”, báo cáo dẫn chứng.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, nắng nóng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước. Diện tích đất bị hoang mạc hóa mở rộng, thậm chí có thể bị sa mạc hóa. Riêng ĐBSCL, dự báo vào năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại về nông nghiệp nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng, thiệt hại ước tính sẽ khoảng 17 tỉ USD.
Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL cũng được báo cáo nêu khá chi tiết. Theo đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động lên toàn bộ hệ sinh thái vốn rất nhạy cảm của vùng ĐBSCL. Xu thế thay đổi khí hậu và thiên tai ở ĐBSCL trong 3 thập niên sắp tới diễn biến bất thường.
Bên cạnh đó, nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Đất Mũi, Lung Ngọc Hoàng sẽ bị đe dọa. Diện tích đất canh tác nông nghiệp, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm ở vùng Tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, vùng đồng Tháp Mười, vùng giữa sông Tiền và sông Hậu. Tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát, đá xây dựng,...) sẽ bị xâm lấn và hủy hoại.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm cho nền nhiệt độ trung bình tăng, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cây trồng, vật nuôi, làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, gia tăng sức ép lên con người, các bệnh về đường ruột, vi rút tăng, làm giảm khả năng đề kháng.
Nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô vùng ĐBSCL sẽ tăng từ 33-35 độ C đến 35-37 độ C. Khu vực bị tác động chủ yếu của nhiệt độ là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang.
ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng, làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn như ở vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau.
“Qua giám sát cho thấy, biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động đến ĐBSCL rất phức tạp, có sự khác nhau giữa các địa phương, ngay trong một tỉnh, thậm chí trên cùng một huyện, xã, khu vực ven biển. Có nơi mối đe dọa chủ yếu là sạt lở, như ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau; cũng có nơi chịu ảnh hưởng lớn từ nước biển dâng và triều cường như ở TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long… Vì thế, cần phải có những giải pháp thích ứng, có chương trình, kế hoạch hành động kịp thời, với những bước đi thích hợp để giảm thiểu các tác động, bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn vùng”, cơ quan giám sát báo cáo.
Đưa biến đổi khí hậu vào nghị quyết KT-XH hằng năm
Để ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng ĐBSCL, Ủy ban TVQH đề xuất một loạt giải pháp, từ chính sách đến khâu thực hiện.
Với ĐBSCL, Đoàn giám sát đề nghị ngoài các giải pháp chung về ứng phó biến đổi khí hậu, cần xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững KT-XH; tăng cường sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách và phát huy tri thức bản địa để người dân chủ động hạn chế tác hại của lũ đồng thời khai thác các lợi ích do lũ mang lại một cách phù hợp.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu đưa nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong các nội dung của Nghị quyết phát triển KT-XH hằng năm và 5 năm; lồng ghép các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh liên quan; đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phân bổ hợp lý các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với Chính phủ, cơ quan giám sát đề nghị từ năm 2015, rà soát và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong quá trình đó, phải coi nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là của toàn xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ cơ quan, tổ chức của nhà nước đến các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, đến từng người dân.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL ngay từ năm 2015 cần nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm đã có hiệu quả thiết thực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Đi liền với đó, rà soát, triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL; triển khai quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường có hiệu quả trên lưu vực sông Tiền và sông Hậu; có phương án, kế hoạch và tập huấn cho người dân công tác phòng, chống các dịch bệnh có thể phát sinh do tác động của biến đổi khí hậu.