Bi ký và đời sống
Đoạn văn hàm súc thiết tha này là dịch từ tấm bia đá dựng tại Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội. Trong đời sống văn hoá cổ truyền của dân tộc, bia và văn bia có vai trò quan trọng. Nhiều nhà sử học đã khắc khoải, lao tâm khổ tứ chỉ vì một tồn nghi đã vắt kiệt sức mình và tưởng như bó tay, nhưng tìm được tấm bia, có mấy dòng chữ mà hoàn hồn tưởng như mình tìm được thiên thần hộ mệnh.
Nước ta, bia được dựng ở mọi nơi từ thôn xóm, đền chùa lăng miếu, đến hang động. Nơi dựng bia lại thường được chọn địa điểm đẹp có thế đất. Khi thì bên gốc đa cổ thụ có bóng cây sum sê, khi thì dưới mái ngói, hay trong nhà bia trang trọng,và cũng có khi được dựng bên đường, ngay cổng vào làng…
Dẫu to nhỏ thế nào, tạo dáng, hình khối ra sao, bia vẫn là một công trình nghệ thuật điêu khắc. Từ dáng rùa đội bia, kiểu cách trang trí hoa văn ở trán ở diềm, đến thần thái nét chữ trên bia, đều có giá trị lịch sử văn hoá, đôi khi có giá trị nhất định về mặt thư pháp đã phản ánh một phần phong cách nghệ thuật từng thời đại. Đã có người ví bia như một pho sách, mà bút viết là trạm, đục, búa, còn giấy là phiến đá xanh. Nhưng pho sách – bia vượt qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời gian mài mòn phá huỷ. Mặc dù bị tàn phá do chiến tranh, thiên tai, khí hậu kể cả do ý thức con người, có nhiều đình chùa, lăng miếu bị xuống cấo, nhưng qua bao thế kỷ, vẫn luôn được trùng tu tôn tạo, sửa chữa, bảo vệ. Vì thế, bia vẫn còn và văn bia vẫn là chứng tích lịch sử, phản ánh các biến thiên của tình cảm con người muốn gửi gắm đời sau.
Văn bia thường do các bậc trí thức, đỗ cao học rộng, những người nổi tiếng soạn. Trong triều phải được nhà vua chỉ truyền mới vâng soạn. Nước ta có lệ mở khoa thi chọn nhân tài từ năm Ất Mão – 1075 triều Lý Thánh Tông. Trải 844 năm (1075 – 1919), các triều đại nối tiếp nhau đã lấy đỗ gầm 3.000 người, gồm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, phó bảng. Thế nhưng phải đến năm 1484, Lê Thánh Tông mới cho dựng tại Văn Miếu những tấm bia khoa thi tiến sĩ, bắt đầu từ khoa thi năm 1442 đời Lê Thánh Tông. Và đoạn văn trích ở đầu bài viết này chép từ tấm bia có tên Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh kýdo Thân Nhân Trung, Phụng trực Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ, vâng sắc soạn.
Văn bia nhìn chung giống như bài văn có kết cấu chắc chắn. Có khi ca ngợi vẻ đẹp của núi sông, hay đức độ phẩm giá con người. Cũng có khi ghi lại sự tích, thần tích, những danh tính con người có công lao, công đức. Và bi ký không tách rời di tích, làm tăng thêm sự tôn nghiêm, vị thế của lịch sử.
Vào một ngôi đền, một ngôi chùa, ngôi đình đã ngả màu rêu phong, cổ kính với những hàng cây cổ thụ, vật liệu xây dựng phơi trong mưa nắng thời gian… đã gợi cho khách niềm hoài cổ. Nếu đây đó còn sừng sững những tấm bia, với nét chữ lờ mờ trên mặt đá, và bạn lại tận mắt đọc được những dòng chữ từ thời xưa thì nỗi niềm hoài cổ xúc động đến dường nào?
Đi sâu vào nội dung văn bia, mới thấy giá trị phản ánh đời sống vô cùng phong phú. Từ bia, ta biết được dữ kiện lịch sử, tên đất, tên làng, trang phục, ngôn ngữ, nét văn hoá và những phong tục tập quán con người một vùng quê, thậm chí của quốc gia. Người đọc tấm bia “Chùa Thiên Niên” ở thôn Trích Sài (nằm sát đường từ chợ Bưởi đi Nhật Tân) mới biết rằng: khu hồ Tây trước kia là rừng rậm mọc toàn gỗ lim, trong rừng có hòn núi nhỏ. Hoặc qua tấm bia “Yến lão ở Từ Chỉ”, ta ngạc nhiên trước việc dân làng ba giáp là Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ, phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức – Hà Nội, đã cùng nhau ký các điều ước lệ hương lão: Hàng năm đến kỳ vào đám, hương lão đều đóng 6 tiền. Lễ yến lão, lệ định dùng: bát chiết yêu 12 chiếc, đĩa 5 tấc 8 chiếc. Ai đến tuổi 60, 70 trở lên được làm lễ mừng thọ. Ai có cả con vật tế kính biếu 3 giáp, thì cái thủ sẽ chia ra biếu bản lão để tỏ lòng tôn kính. Đặt ra lệ bàn lão là để kính trọng tuổi cao. Ai có cử chỉ không đúng… phải phạt 3 tiền cổ…Có trường hợp thư tịch không ghi chép, hoặc đã bị thất truyền do thời gian phá huỷ, mà nhờ văn bia ta đã hiểu biết thêm một địa danh, làm sáng tỏ những tồn nghi trong lịch sử. Thật giá trị khi đọc văn bia đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm – Hà Nội) được biết đền này có từ thời Bắc thuộc, với truyền thuyết ngựa trắng hiển linh để lại dấu chân, làm cơ sở cho việc quy hoạch toàn thành Thăng Long. Về sau ngựa trắng được Lý Công Uẩn phong thần làm thành hoàng kinh đô.
Nhờ tấm bia “Trùng tu Dương Nham tự” khắc năm 1532, ta mới hiểu thêm ở núi Kính chủ - Hải Dương, thế kỷ XV đã có nghề khắc bia đá nổi tiếng cả kinh thành: Từ năm Thiêu Bình thứ 3 (1436), Hành khiển Nguyễn Trãi đã dâng biểu và khánh đá lên vua. Vua khen, nhận sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn(Kinh Môn ngày nay – TG) lấy đá núi Kính Chủ để làm.Tấm bia do xã trưởng Nguyễn Quang Mục viết và khắc, đã xác nhận vai trò của thợ đục đá Kính Chủ, từ thế kỷ XV còn lưu truyền đến tận bây giờ.
Văn bia giúp ta hiểu được luật pháp, tôn giáo và phần nào về đời sống sinh hoạt: tiền tệ, giá cả, ngành nghề từ xa xưa ở một miền quê. Tấm bia ở miếu Hoàng Mai – Hà Nội khắc năm 1669, ghi rằng dân vùng này được triều đình giao cho việc thui trâu bò đem vào cung cho hoàng cung gia cúng tế.
Cũng từ tấm bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất – 1442 ở Văn Miếu, đời sau mới biết năm 1070 Lý Thánh Tông cho sửa Văn Miếu làm nơi dạy học Hoàng thái tử, mà trước đó sử không chép việc dạy học các thái tử thế nào. Nhờ bia ấy, ta hiểu các vua Lê coi trọng hiền tài như nguyên khí của đất nước, và biết được rõ ràng chi tiết quy trình thi cử thời bấy giờ: Khi ấy có 450 người ứng thí, qua bốn kỳ, 33 người trúng cách. Quan chuyên trách kê tên dâng lên, vua sai chọn ngày cho vào đối sách ở sân rồng… Ngày mồng 2 tháng 2, vua ngự ở điện Hội Anh thân ra đề sách vấn. Ngày hôm sau, các quan đọc quyển là các bề tôi Nguyễn Trãi, Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ kiêm Trung thư quốc sử sự; Nguyễn Mộng Tuân, Trung thư sảnh Trung thư thị lang; Trần Thuấ Du, Nội mật viện Tri viện sự và Nguyễn Tử Tấn, Quốc tử giám Bác sĩ đem quyền dâng đọc, rồi đệ lên vua xem xét, định thứ bậc cao thấp… Ngày 3 tháng 3, xướng danh treo bảng… Ngày 4 bọn Trạng nguyên Nguyễn Trực dâng biểu tạ ân và ngày 9 từ giã bệ ngọc vinh quy.
Thế là Nguyễn Trãi mùa xuân Nhâm Tuất còn làm quan giám khảo thi Hội, đến mùa thu năm đó đã thành người thiên cổ do vụ án Lệ Chi Viên gây ra.
Có một điều cần nói, nhiều văn bia sớm trở thành tác phẩm văn học, có sức sống trường tồn, gợi cảm xúc con người. Đây là bia “Tái tạo Trấn Bắc tự bi” (bia ghi việc xây dựng lại chùa Trấn Bắc – Hà Nội), khắc năm 1815: Lên cao ngắm cảnh, mây nước mênh mang, nước hồ ánh trong suốt khiến lòng người không hư. Tiếng chuông gọi làm tỉnh mộng trần tục… Tấm bia rêu phong còn đó, lối xưa hoa cỏ nay đâu. Ngày tháng là bao, bỗng chốc trở thành dấu cũ, khiến cho con người chạnh lòng cảm khái đối với cảnh vật xưa nay…
Văn bia do các bậc danh gia văn hoá, trí lự thâm sâu soạn thảo, vì thế văn chương có giá trị lâu bền. Người soạn phải khổ công dùng chữ, tìm ý, chọn lời để cao sang mà thấm thía, trong sáng mà không thô mộc, sáo rỗng, thật muôn vàn khó nhọc, đối mặt với trường đời. Dân gian có câu: Khôn văn tế, dại văn bia. Văn tế dù thống thiết thế nào rồi cũng gió thoảng nước trôi, nhưng văn bia sừng sững cùng tuế nguyệt, có thể nào tuỳ hứng được?
Phải chăng vì thế cuốn sách Hoàng Việt văn tuyểncủa Bùi Huy Bích in đầu thế kỷ XIX, ở quyển 2 có 15 bài ký, thì 11 bài thuộc văn bia. Quyển 3 có 9 bài minh, thì 8 bài thuộc văn bia. Như thế cũng đủ biết văn bia có giá trị bền vững như thế nào mới lọt vào văn tuyển?
“Chùa có bia như nước có sử”. Câu này khắc trên bia chùa Ngọc Hồ, phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Quan trọng như thế, nên nhà sử học coi bia còn quý hơn vàng. Kim ngân có thể làm ra, bia bị tàn phá, bị thất truyền thì vĩnh viễn không thể có. Thật xót đau một thời lầm lạc, có nơi, có lúc, có người đã coi tấm bia là tàn dư phong kiến, họ lật đổ bia, đập vụn nung vôi, làm đá lót đường.
Chưa có một tài liệu nào xác định rằng còn có bao nhiêu tấm bia lưu lạc trong dân dã. Chiến tranh, lũ lụt nắng mưa thời gian đẽo gọt… đã tàn phá, nhưng chính ý thức con người cũng từng làm mất mát rất nhiều! Những tấm bia may còn sót lại, do không hiểu giá trị, nên con người còn có thái độ thờ ơ, vô cảm trước bi ký. Những du khách tham quan các khu di tích lịch sử văn hoá chỉ chủ yếu đặt lễ dâng hương, ít ai xem bia. Mà có xem cũng chẳng nhận ra điều gì, bởi bi ký thường khắc bằng chữ Hán, và thường không có bản dịch kèm theo.
Phải làm thế nào để khai thác hết giá trị của bi ký còn sống sót?