Bệnh tĩnh mạch nguy hiểm nhưng dễ chữa
Tĩnh mạch là một hệ thống mạch máu trong hệ tuần hoàn. Tĩnh mạch mang máu thiếu ôxy từ cơ quan và mô đến tim. Khi đến phổi, nó được tái nạp ôxy ở phổi. Bệnh của tĩnh mạch có 2 loại: do dòng máu bị chẹn lại bởi huyết khối và do suy hệ tĩnh mạch.
Huyết khối tĩnh mạch: Hay gặp nhất là ở chân, có thể do nhiều nguyên nhân như ung thư, nằm bất động kéo dài, các bệnh có nguy cơ hình thành nên huyết khối, phụ nữ có thai, phụ nữ dùng thuốc tránh thai.
Huyết khối tĩnh mạch nông: Huyết khối có thể nằm nông ngay dưới da nhưng có thể nằm sâu trong cơ. Trong huyết khối tĩnh mạch nông, cục huyết khối gây tắc mạch thường làm cho tĩnh mạch có một vệt đỏ dọc theo tĩnh mạch bị tắc và thường kèm theo hiện tượng viêm tĩnh mạch. Tĩnh mạch khi sờ vào thấy ấm, nóng và có thể sưng lên.
Sự phối hợp giữa huyết khối và viêm được gọi là viêm tắc tĩnh mạch nông, thường ở những tĩnh mạch bị giãn. Ung thư có thể gây nên tình trạng huyết khối tĩnh mạch nông ở nhiều đoạn tĩnh mạch và tái đi tái lại, còn được gọi là hội chứng trousseau. Để điều trị bệnh lý này, bệnh nhân thường được nâng chân lên cao và dùng các thuốc kháng viêm như aspirin hoặc ibuprofen. Hiếm khi huyết khối tĩnh mạch nông tồn tại dai dẳng mà chúng ta phải sử dụng các thuốc chống đông máu.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân thường khó chẩn đoán hơn bởi triệu chứng thường chỉ có ở 50% bệnh nhân. Các triệu chứng thường thấy là đau khi đi bộ, điển hình là đau ở bắp chân, cảm giác căng chân, có thể thấy chân sưng lên.
Khi có huyết khối trong lòng tĩnh mạch, nó sẽ ngăn trở dòng máu trở về tim. Các mạch máu nhỏ hơn sẽ thay thế, có thể giúp cho máu trở về tim, các mạch máu thay thế này được gọi là tuần hoàn bàng hệ. Tuy nhiên, các mạch máu bàng hệ này không thể mang máu về tim hoàn toàn như các mạch máu lớn. Nó gây ra tình trạng ứ trệ máu ở hệ tĩnh mạch, làm cho áp lực trong hệ tĩnh mạch tăng lên, gây tình trạng thoát quản làm cho chân bị phù nề, sưng to.
Huyết khối, bản thân nó có thể gây nên tình trạng viêm nhiễm, làm cho chân nóng, đỏ và căng. Nếu không được điều trị, khoảng 1/4 số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể có sự di chuyển của các cục máu đông đến phổi, gây tắc mạch phổi, một biến chứng nặng có thể gây tử vong. Bệnh nhân tắc động mạch phổi thường có triệu chứng như khó thở, đau ngực, có thể có ho ra máu, chụp X-quang tim phổi có thể thấy đám mờ ở thùy phổi. Tiên lượng những bệnh nhân tắc động mạch phổi là rất xấu.
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu thường được dựa trên siêu âm. Siêu âm doppler mạch máu thường chẩn đoán tốt nếu huyết khối tĩnh mạch nằm ở phía trên khớp gối, vị trí hay gặp nhất. Ngược lại, huyết khối tĩnh mạch nằm ở dưới khớp gối lại nhỏ, giải phẫu của các tĩnh mạch vùng này thường khác nhau ở từng người, vì vậy khả năng chẩn đoán cho các huyết khối vùng thấp dưới khớp gối là không cao. Dù rất ít, nhưng một số trường hợp chẩn đoán phải dựa vào chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc phải chụp tĩnh mạch.
Việc giảm các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sẽ giúp dự phòng tắc động mạch phổi. Trong điều trị, các bác sĩ thường kê thuốc chống đông, đầu tiên là heparin hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp, rồi tiếp đó cho wafarin. Nếu được điều trị tốt, khả năng tắc mạch phổi chỉ khoảng 5% trong một năm. Trong giai đoạn cấp cũng có thể dùng thêm các thuốc kháng sinh và các thuốc tăng cường tuần hoàn tĩnh mạch.
Suy tĩnh mạch: Cũng được chia làm 2 loại, suy tĩnh mạch nông hay giãn tĩnh mạch, suy tĩnh mạch sâu hay suy tĩnh mạch mạn tính.
Giãn tĩnh mạch hay suy tĩnh mạch nông là tình trạng tĩnh mạch bị giãn ra, chạy ngoằn ngoèo như hình rắn bò ngay ở dưới da. Bệnh thường thấy ở phụ nữ và hơn một nửa bệnh nhân có tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch. Khi không phải do huyết khối, phần lớn giãn tĩnh mạch là do bất thường của thành tĩnh mạch hoặc của van trong tĩnh mạch. Các van trong tĩnh mạch giúp cho dòng máu có thể chảy ngược được về tim. Những người béo phì, phụ nữ có thai, đứng quá lâu, hay làm việc ít di chuyển có thể làm gia tăng tình trạng giãn tĩnh mạch.
Thường thì giãn tĩnh mạch không có triệu chứng, tuy nhiên một số bệnh nhân có thể thấy cảm giác nóng, rát, đau. Các triệu chứng này xuất hiện rõ hơn và nặng hơn vào ban ngày lúc bệnh nhân đứng nhiều. Nếu không được chăm sóc tốt giãn tĩnh mạch có thể gây loét da, nhiễm khuẩn da, huyết khối tĩnh mạch và chảy máu thứ phát.
Cách điều trị giãn tĩnh mạch là tập thể dục, giảm cân, điều trị huyết áp và đi tất chun. Sau khi rửa mặt vào buổi sáng, bệnh nhân nên trở lại giường để chân cao lên vài phút sau đó đi tất chun vào. Tối khi nằm ngủ, bệnh nhân nên để chân lên cao hơn so với đầu. Tuy nhiên, khoảng hơn 50% bệnh nhân giãn tĩnh mạch sẽ tái lại.
Suy tĩnh mạch mạn tính có thể xuất hiện sau huyết khối tĩnh mạch sâu. Khoảng 1/3 bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ có suy tĩnh mạch mạn tính sau 5 năm. Các nguyên nhân khác có thể gặp là do di truyền hoặc ép từ ngoài tĩnh mạch vào (thường do ung thư hoặc bệnh nhân được băng ép). Bất thường về van tĩnh mạch có thể là từ di truyền và có thể từ tổn thương van.
Triệu chứng gồm chân sưng to, đau, màu sắc da sẽ bị biến đổi thành màu thâm. Sưng chân sẽ đỡ hơn khi bệnh nhân nằm ngủ để chân cao. Đau chân thường là đau rát, đau sẽ nhiều hơn nếu thời tiết ấm và trong chu kỳ kinh nguyệt. Việc điều trị suy tĩnh mạch mạn tính nhằm cải thiện dòng máu trở về tim và giảm thoát dịch ra khỏi tĩnh mạch. Nên mang tất chun, nằm với chân nâng cao, đặc biệt là chăm sóc các vết loét và có thể dùng lợi tiểu. Rất hiếm khi phải phẫu thuật cho suy tĩnh mạch mạn tính.
Nguồn: vnexpress.net 19/11/2005