Bệnh sa tử cung ở phụ nữ
Việc sinh con thông thường qua âm đạo là một nguyên nhân gây sa tử cung. Sự quá mập phì và ho mạn tính ở những người phụ nữ nghiện thuốc lá cũng là một nguyên nhân chủ yếu để bệnh xuất hiện.
Tử cung và thành âm đạo được gắn liền vào xương chậu mà các dây chằng là một yếu tố, có tác dụng gắn liền chúng vào nhau một cách vững chắc. Vai trò các dây chằng này rất quan trọng và cần thiết. Ngoài các dây chằng chính còn có một số dây chằng phụ ít quan trọng hơn. Khi một người phụ nữ phải sinh đẻ nhiều lần, những dây chằng này bị yếu đi qua những lần giãn quá mức trong quá trình sinh nở. Bệnh sa tử cung sẽ đến với họ, hậu quả còn nặng nề hơn hơn khi gặp trường hợp sinh khó buộc phải ráng sức quá nhiều.
Tử cung của một người có thể bị sa dần qua một quá trình thời gian, qua nhiều năm tuổi tác hoặc có thể bị bất thình lình. Bệnh trạng của mỗi người phụ nữ đều khác nhau. Phụ nữ trong tuổi còn kinh nguyệt thì các dây chằng bị giãn hay bị yếu vẫn có thể tự phục hồi nhờ các hormon nữ tiết ra trong cơ thể. Đối với phụ nữ trẻ, trong một trường hợp bất thường nào đó bị sa tử cung nhẹ, có thể hạn chế được bằng cách tập các cơ ở sàn xương chậu. Đặc biệt là các phụ nữ sau khi sinh nở xong nên tập sớm. Những phụ nữ lớn tuổi sau khi mãn kinh, số lượng oestrogen trong cơ thể họ sẽ giảm đi một cách rõ rệt. Sự giảm tiết oestrogen trong cơ thể của những người lớn tuổi làm cho các dây chằng một khi bị giãn ra và yếu đi thì rất khó phục hồi lại.
Căn bệnh này đôi khi phát triển từ từ, âm thầm. Một người có thể từ chỗ cảm thấy không có triệu chứng gì đến chỗ thấy được cổ tử cung qua âm đạo trong một thời gian ngắn ngủi, gây khó khăn trong quan hệ vợ chồng. Việc sa tử cung làm cho nhiều phụ nữ lúc nào cũng cảm thấy khó chịu khi hành kinh hoặc khi phải khiêng vác các vật hơi nặng. Có nhiều trường hợp căn bệnh này làm cho nhiều phụ nữ cảm thấy khó chịu khi đi tiểu.
Khi một người phụ nữ có những dây chằng bị giãn và yếu đi, tử cung sẽ trụt xuống và trồi ra ngoài âm đạo, kéo thành âm đạo trụt theo, gọi là sa tử cung. Tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, trầm trọng hay không tùy theo mức độ sa nặng nhẹ và cũng có những hội chứng, mức độ sa nặng nhẹ khác nhau. Trường hợp sa nhẹ, tử cung không trồi ra ngoài. Khi âm đạo mở ra vẫn không trông thấy. Trường hợp trầm trọng hơn thì một phần tử cung trồi ra ngoài, khi âm đạo mở ra có thể trông thấy. Trường hợp quá nặng thì toàn bộ tử cung và phần lớn thành âm đạo lộ rõ ra ngoài. Không cần đến bác sĩ chẩn đoán, bản thân người bệnh cũng cảm thấy rõ.
Những người bị ho mạn tính vì bệnh hoặc vì hậu quả của sự nghiện thuốc lá, bị táo bón cũng dễ dẫn đến sa tử cung. Khi ho hoặc khi rặn để đi đại tiện, sức ép ở bụng quá cao, dây chằng vốn đã bị giãn và yếu sẽ không giữ nổi tử cung nằm yên, sức ép sẽ đẩy tử cung ra khỏi âm đạo. Những phụ nữ bị yếu dây chằng bẩm sinh do di truyền cũng có thể dẫn đến trường hợp sa tử cung khi tuổi còn trẻ.
Tùy căn bệnh trầm trọng hay không, độ sa nặng hay nhẹ mà nhiều phụ nữ có thể không đi đứng được tự nhiên. Họ có thể không dễ dàng thoải mái trong việc tập luyện thể thao như khi chưa có bệnh và sinh hoạt tình dục sẽ gặp ít nhiều trắc trở. Như vậy, sa tử cung còn đem đến nhiều phức tạp, căng thẳng về tình cảm hơn cho người bệnh.
Để điều trị sa tử cung, y học hiện đại thường dùng phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ dạ con nơi tử cung chuyển qua âm đạo.
Theo y học cổ truyền, sa tử cung là do cơ thể suy nhược, hoặc làm việc quá sức, thấp nhiệt xâm nhập hạ bộ làm sa tử cung.
Y học cổ truyền điều trị sa tử cung bằng cách uống thuốc có tác dụng ích khí thăng hãn làm cho tử cung trở lại bình thường.
Bài thuốc
Bán hạ (chế) 12g
Hoàng kỳ (sống) 12g
Sài hồ 4g
Bạch truật 8g
Nhân sâm 12g
Thăng ma 6g
Camthảo 4g
Phục linh 20g
Trần bì 4g
Đương quy 12g
Sắc thuốc ngày 1 thang. Mỗi thang thuốc cho 3 bát nước (750ml) sắc lấy 1 bát (250ml). Mỗi thang sắc 2 lần. Hai lần sắc trộn đều chia uống 4 lần trong ngày. Uống liên tục trong 20-30 ngày.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 56 (1774)