Bệnh nhiễm sán lá gan
Bệnh nhiễm sán lá gan phân bố rộng trên thế giới và là bệnh của súc vật ăn cỏ, cừu, trâu, bò. Các trường hợp gây bệnh ở người ít xảy ra vì người là ký chủ tình cờ.
Sán lá gan (Fasciola hepatica) là một ký sinh trùng có dạng hình chiếc lá dài 3cm, màu nâu đỏ, vị trí ký sinh đặc hiệu là ở gan và đường mật.
Sán trưởng thành sống trong ống dẫn mật, đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài. Trứng sán tăng trưởng đủ độ trong nước ngọt, sau 9-15 ngày nở ra ấu trùng lông và xâm nhập ký chủ trung gian là ốc Limnaea. Trong cơ thể ốc, ấu trùng lông nảy nở qua các giai đoạn: bào nang, Redia (2 thế hệ), ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi chui ra khỏi ốc, sống tự do và bám vào các loài thực vật, thuỷ sinh (rau muống, sen, súng, ấu, nhút, rau mác, kèo nèo…) và thành nang ấu trùng.
Nếu trâu bò hay người ăn phải thực vật có nang ấu trùng sẽ bị mắc bệnh. Nang ấu trùng thoát vỏ rồi chui qua vách ruột vào ổ bụng, chui vào gan tìm đến ống dẫn mật và trưởng thành (xem sơ đồ).
Trên đường đi, sán ăn mô gan của ký chủ và gây ra các triệu chứng nặng; đôi khi sán non có thể lọt vào một tĩnh mạch về đại tuần hoàn và định vị ở những mô xa như mô dưới da, phổi, mắt,… (trường hợp ký sinh trùng lạc chỗ).
Thường không có triệu chứng nếu sán ký sinh ít. Nếu sán ký sinh nhiều, bệnh nhân sẽ bị sốt và đau bụng vùng hạ sườn phải hay thượng vị. Đau tức rất khó chịu, có khi rất đau, hướng đau lan lên vai phải hay xuyên ra sau lưng. Có thể kèm theo rối loạn tiêu hoá. Tính chất đau dễ lầm tưởng đến bệnh đau dạ dày nên nhiều người bệnh đã uống thuốc điều trị bệnh dạ dày trước khi được chẩn đoán sán lá gan.
Để chẩn đoán bệnh nhiễm sán lá gan, các thầy thuốc thường lưu ý đến yếu tố dịch tễ: bệnh nhân thường là những người sông ở các tỉnh miền Trung, có kết quả siêu âm bụng thấy tổn thương nghi ngờ do nhiễm sán lá gan và xét nghiệm công thức máu thấy thành phần và số lượng bạch cầu ưa axit tăng cao trên 500/mm 3máu). Huyết thanh chẩn đoán sán lá gan: dương tính.
Hình ảnh tổn thương gan trên siêu âm bụng của bệnh nhiễm sán lá gan khá đặc trưng, cho thấy vùng tổn thương có dạng như bản đồ, phản âm hỗn hợp, không có giới hạn rõ, thường thấy ở một phân thuỳ gan hoặc có khi lan rộng nhiều phân thuỳ. Diễn tiến của tổn thương gan trên siêu âm bụng không tương xứng với diễn tiến lâm sàng, sau một đợt điều trị các triệu chứng như sốt, đau bụng sẽ giảm, người bệnh khoẻ nhiều nhưng hình ảnh siêu âm gan chỉ thay đổi sau 3-6 tháng, nên đôi khi người bệnh tự đi kiểm tra siêu âm lại thấy kết quả tổn thương gan không thay đổi lầm tưởng rằng đợt điều trị vừa rồi không hiệu quả.
Bệnh sán lá gan là bệnh nhiễm, xảy ra khi ăn ốc sống hay nấu chưa chín, rau sống còn dính nang ấu trùng của sán lá gan. Rửa rau bằng thuốc tím, ngâm nước muối không giết được nang ấu trùng. Do vậy trong vùng bệnh lưu hành người dân nên rửa rau dưới vòi nước sạch, nhiều lần; rau rửa rồi và rau chưa rửa phải để riêng và lưu ý rửa lại thau, chậu dùng để rửa rau trước khi dùng vào việc khác. Hạn chế ăn rau sống ở những nơi mà mình không chắc chắn rằng rau đã được rửa kỹ, hoặc thay thế bằng rau luộc chín.
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 307, 1/5/2006