Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn có thể lây sang người
Bệnh liên cầu khuẩn (Streptococcosis) là một bệnh truyền nhiễm có tính địa phương đã thấy ở hầu hết các loài thú nuôi, trong đó có lợn và các loài thú hoang, phân bố rộng ở tất cả các nước, có thể lây nhiễm từ lợn sang người.
Bệnh đựơc phát hiện ở lợn và người từ rất sớm. Hiện đã có nhiều nhà khoa học nhiều nước trên thế giới nghiên cứu về bệnh liên cầu khuẩn ở lợn.
Các nhà khoa học đã ghi nhận được 50 trường hợp người bị bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus suis lây từ lợn bệnh, bao gồm người chăn nuôi lợn, thầy thuốc thú y, người làm việc trong lò sát sinh và người bán thịt lợn. Người bị lây bệnh liên cầu khuẩn từ lợn cũng thể hiện các dạng bệnh tương tự như bệnh ở lợn: sốt cao, viêm đường hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết, viêm não có mủ…
Gần đây (từ tháng 7 đến tháng 8/2005) ở Tứ Xuyên - Quảng Đông và một số địa phương khác của Trung Quốc đã phát hiện hơn 200 người bị lây bệnh liên cầu khuẩn (liên cầu chuỗi) với hội chứng sốt cao li bì, trong đó có 30 người đã tử vong.
Ở nước ta, bệnh liên câu khuẩn do Streptococcus suis đã từng gây ra nhiều ổ dịch ở lợn trước đây, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nghề nuôi lợn. Viện Thú y cũng đã nghiên cứu, phân lập được vi khuẩn liên cầu Streptococcus suis và vi khuẩn liên cầu Staphylococcusaureus trong một số ổ dịch lợn bị viêm phổi cấp, nhiễm trùng huyết và bị chết nhiều tại Hà Tây, Nam Hà, Hà Nội…
Trạm thú y Hà Nội nay là Chi cục Thú y Hà Nội, trong thời gian 1978 – 1985 đã phối hợp với Bộ môn Vi trùng (Viện thú y) nghiên cứu bệnh liên cầu khuẩn ở một số cơ sở chăn nuôi lợn ngoại thành Hà Nội với triệu chứng đặc trưng là viêm đường hô hấp và nhiễm trùng huyết cầu, từ đó đã chế tạo thành công một loại Autovaccin (văcxin chế tạo từ các chủng vi khuẩn phân lập được từ lợn bệnh ở địa phương), sử dụng tiêm phòng có hiệu quả và an toàn cho lợn ở các trại lợn ngoại thành Hà Nội.
Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn đã được xác nhận tác nhân gây bệnh chủ yếu là Streptococcus suis. Ngoài ra có một số loài liên cầu khuẩn khác cũng gây ra những thể bệnh khác nhau.
Vi khuẩn liên cầu có sức đề kháng cao, có thể tồn tại ở môi trường tự nhiên, trong chất thải của chuồng nuôi gia súc, trong thức ăn gia súc từ vài tuần đến vài tháng. Vi khuẩn cũng sống trong hạch cầu của lợn khoẻ.
Đặc điểm bệnh lý và lâm sàng
Bệnh ở lợn: Vi khuẩn liên cầu có độc lực cao, sau khi xâm nhập vào cơ thể lợn, phát triển số lượng rất nhanh trong máu gây nhiễm trùng máu, xâp nhập vào các nội quan, gây ra viêm nhiễm cấp các nội quan như: viêm phổi cấp, viêm não có mủ, viêm đường sinh dục và viêm đường tiết niệu có mủ, viêm cơ tim, viêm hạch lâm ba và viêm đa khớp… đều làm cho lợn chết với tỷ lệ cao. Thời gian ủ bệnh của lợn khoảng từ 1 đến 5 ngày. Lợn bị bệnh thể hiện một số thể bệnh với các triệu chứng lâm sàng đặc trưng:
- Thể nhiễm trùng huyết: Lợn ở các lứa tuổi đều bị bệnh; lợn đột ngột sốt cao 41 đến 42ºC, li bì, nằm bệt một chỗ, da có tụ huyết đỏ sẫm từng đám và chết rất nhanh từ 1 đến 2 ngày. Mổ khám lợn bệnh có thể thấy các phủ tạng đỏ sẫm, máu chậm đông gần giống như lợn bị bệnh tụ huyết trùng cấp.
- Thể viêm đường hô hấp cấp: Thường gặp với các biểu hiện sốt cao, hạch hầu sưng to, thở khó, thở nhanh, dịch mũi, nước rãi chảy nhiều, lúc đầu trong sau có dịch mũi, ho ngày một nặng…Lợn sẽ chết do suy hô hấp sau 2 đến 4 ngày. Mổ khám lợn chết thấy niêm mạc mũi, họng, phế quản sưng tụ máu; phổi và hạch phổi sưng thũng từng đám, đỏ sẫm, cắt ra có nhiều dịch mủ, lẫn bọt khí.
- Thể viêm khớp cấp và viêm cơ tim: Lợn cũng sốt cao, các khớp chân sưng, đi lại rất khó khăn; viêm cơ tim thường là biến chứng của thể viêm khớp (còn gọi là thấp tim), không thể phát hiện được bệnh viêm cơ tim khi lợn còn sống. Khi lợn chết mổ khám mới phát hiện cơ tim và van động mạch chủ sưng, tụ huyết làm cho máu khó lưu thông và lợn chết do trụy tim mạch.
- Thể viêm đường sinh dục và tiết niệu: Lợn cái có hiện tượng sưng, chảy dịch ở âm đạo; đặc biệt lợn mang thai sẽ bị chết thai, sảy thai hoặc lợn con chết yểu ngay sau khi sinh; lợn nuôi con bị viêm vú và cạn sữa. Ở lợn đực, thường gặp thể viêm dịch hoàn, viêm thận có mủ…
Các thể bệnh trên có thể xuất hiện đơn độc từng thể hoặc phối hợp giữa các thể trong cùng thời gian trên một lợn bệnh. Thí dụ: Thể viêm phổi cấp có thể xuất hiện cùng thể viêm não mủ hoặc viêm khớp cấp và viêm cơ tim cùng với thể viêm đường tiết niệu…Những trường hợp như vậy bệnh trở nên rất nặng làm lợn chết nhanh với tỷ lệ cao.
Bệnh ở người: Theo nhà khoa học Phạm Ngọc Đính, bệnh liên cầu khuẩn ở người gây ra do các liên cầu khuẩn nhóm A và nhóm B là chủ yếu. Nhưng người cũng bị nhiễm Streptococcus suis các nhóm C, D, E, G… và phát bệnh. Các nhóm vi khuẩn này thường gây bệnh cho lợn và các loài thú khác.
Bệnh liên cầu khuẩn ở người cũng rất đa dạng như: nhiễm trung huyết, viêm đường hô hấp cấp, sốt phát ban (bệnh tim hồng nhiệt); viêm tai giữa cấp, viêm cầu thận cấp, viêm màng não mủ; nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh và sản phụ mới sinh; viêm họng cấp; viêm khớp cấp có thể dẫn đến viêm cơ tim (thấp tim)…
Điều cần đặc biệt quan tâm là: Bệnh liên cầu khuẩn có thể lây truyền từ lợn ốm sang người và ngược lại. Bệnh liên cầu khuẩn ở người cũng diễn biến phức tạp và rất nặng, có thể gây tử vong như bệnh viêm não mủ, hội chứng nhiễm trùng huyết… nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Sự lây truyền bệnh
Lợn chết đột ngột, ngoài da có tụ huyết xuất đỏ do bị bệnh liên cầu khuẩn thể ngiễm trùng huyết |
Lợn ở các lứa tuổi đều bị bệnh, đặc biệt lợn con từ 1 đến 3 tháng tuổi thường bị bệnh viêm não, viêm phổi cấp và nhiễm trùng huyết với tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao.
Theo điều tra của các chuyên gia thú y, trong đàn lợn khoẻ có khoảng 6 đến 10% có mang Streptococcus suis ở hạch hầu. Khi thời tiết thay đổi, nuôi dưỡng và chăm sóc kém, lợn bị giảm sức đề kháng và vi khuẩn trở nên cường độc gây bệnh cho lợn.
Điều trị bệnh
Hiện nay đã có nhiều loại kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, trong đó có một số loại đã và đang được dùng phổ biến có hiệu quả:
- Penicillin G: liều dùng 50.000 đơn vị/kg thể trọng lợn.
- Ampicillin: liều dùng 50 mg/kg thể trọng lợn.
- Erytromycin: liều dùng 30mg/kg thể trọng lợn. Cephaflexim: liều dùng 40mg/kg thể trọng lợn.
- Oxytetracyclin: liều dùng 40mg/kg thể trọng lợn
- Kanamycin: liều dùng 40mg/kg thể trọng lợn.
- Enrofloxacin: liều dùng 30mg/kg thể trọng lợn.
- Gentamycin: liều dùng 4 đến 6 đơn vị/kg thể trọng lợn.
Có thể lựa chọn sử dụng riêng rẽ một kháng sinh hoặc phối hợp 2 kháng sinh để điều trị. Liệu trình điều trị kéo dài 4 đến 5 ngày liền. Thuốc có thể tiêm hoặc cho uống.
Khi tiêm các kháng sinh phải tiêm riêng, cần dùng thêm các loại thuốc điều trị triệu chứng và thuốc nâng cao thể trạng và trợ tim mạch (nước sinh lý mặn ngọt, vitamin C, vitamin B2, cafein…).
Phòng bệnh
Để phòng bệnh có hiệu quả cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:
a. Theo dõi, phát hiện sớm lợn bệnh, cách ly và điều trị kịp thời cho đến khỏi hẳn bệnh mới cho nhập đàn.
Các cơ quan nghiên cứu và chỉ đạo thú y cần nghiên cứu sản suất các loại Autovaccin tiêm phòng bệnh cho lợn ở các vùng sinh thái khác nhau có lưu hành bệnh.
b. Các cơ sở chăn nuôi lợn và những người phải làm việc trong cơ sở chăn nuôi: công nhân, nhân viên, thầy thuốc thú y cần sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ khi làm nhiệm vụ để tránh bị lây nhiễm bệnh từ lợn.
c. Khi địa phương hoặc cơ sở chăn nuôi có dịch liên cầu khuẩn xảy ra thì phải xử lý đúng như xử lý một ổ dịch truyền nhiễm; cách ly lợn ốm để điều trị, lợn ốm chết phải chôn, đổ thuốc sát trùng hoặc tiêu huỷ; chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát trùng, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại. Các thuốc sát trùng có thể dùng: lodin 5‰, NaOH 3%, Cresyl 5%, Antisep 5%, nước vôi 10%.
d. Khi xuất nhập lợn qua biên giới phải thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm dịch để không đưa mầm bệnh từ nước ngoài vào và ngược lại.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 80(1798)